Pascal nói rằng: “Mọi tư tưởng lớn trong nhân loại đều bắt nguồn từ trái tim”. Một trái tim cần cho thể lý thế nào thì cũng cần cho lý trí như vậy. Trong “Diễm tình ca” còn diễn tả: “Tôi ngủ, nhưng tim tôi thức tỉnh” (Dc 5, 2), ở đây là một sự diễn tả của một trái tim tri thức, nguồn năng lực của mọi tư tưởng, mọi ước mơ. Trong sách tiên tri Ezekiel còn diễn tả cách khác: “tinh thần mới và trái tim mới” (Ez 36, 26). Tinh thần mới trong trái tim mới gợi lên một dụ ngôn Chúa Giêsu dùng: Rượu mới – bầu da mới. Hình ảnh đổi thay lý trí trở nên tinh tuyền, không vẩn đục đi liền với sự đổi thay của trái tim trở nên mới. Lãnh vực tinh thần của trái tim, biết bằng lý trí, có nghĩa là không loại trừ cái biết bằng trái tim.
Biết bằng trái tim và bằng lý trí là biết bằng cách thở của hai lá phổi, biết phối hợp hài hòa giữa tâm nhĩ và tâm thất, bên phải và bên trái. Thở bằng hai lá phổi luôn làm cho chúng ta khỏe mạnh. Giáo huấn của Giáo Hội dạy:
“Giáo Hội Công Giáo đã luôn chủ trương và vẫn đang chủ trương có hai lãnh vực tri thức khác biệt nhau, phân biệt trên bình diện nguyên lý lẫn trên bình diện đối tượng. Nguyên lý trong lãnh vực thứ nhất là lý trí tự nhiên, trong lãnh vực thứ hai là đức tin siêu nhiên. Xét về đối tượng, ngoài những chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới, còn có những mầu nhiệm dấu ẩn ở trong Thiên Chúa được đề ra để chúng ta tin. những mầu nhiệm này chỉ có thể biết được nhờ mạc khải”.
Vậy biết nhờ mạc khải, chúng ta nhìn theo cái biết Thiên Chúa theo nghĩa Kinh Thánh:
Biết trong Kinh Thánh bao hàm cả lý trí, cả xác hồn, tòan thể con người, khác với cái biết thuần túy tri thức như trong triết học Hy Lạp.
Việc nhận biết Thiên Chúa đối với người Do Thái là sự nhận biết bằng kinh nghiệm và biết bằng lý trí quy phục.
Kinh nghiệm được ghi dấu ấn rõ ràng nhất trong lịch sử của dân Do Thái là kinh nghiệm vượt qua biển đỏ. Đây là kinh nghiệm thực tế trong đời sống, họ được Thiên Chúa giải thóat ra khỏi Ai cập, khỏi tình trạng nô lệ sang tình trạng tự do. “Việc diệu kỳ trong cõi đất Kham, việc khiếp kinh giữa lòng Biển Đỏ” (Tv 106, 22).
Biết bằng kinh nghiệm là cái biết đầu tiên đến từ trái tim nhận ra rằng Thiên Chúa đã yêu thương họ. Yêu thương nên đã giải thoát họ ra khỏi chốn tối tăm vào vương quốc ánh sáng, để nhận thức tội lỗi của mình mà sám hối: “Cùng các bậc tổ tiên, chúng con đã phạm tội, đã ở bất công, làm điều gian ác. Xưa bên Ai-cập, tổ tiên chúng con đã không hiểu những kỳ công của Chúa, đã chẳng nhớ ân huệ vô vàn, và phản loạn ở nơi Biển Đỏ” (Tv 106, 6- 7).
Từ sự dữ đến chốn lành thánh, để nhận ra rằng cần phải sống theo đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa mời gọi:“Anh em hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên đất Ai-cập. Vì vậy, tôi truyền cho anh (em) thực hành điều đó” (Đnl 24, 22).
Từ hư không đến có (hiện hữu) là một nhận thức khởi đi từ trái tim đến nhận thức bằng lý trí. Thiên Chúa giải thóat họ khỏi bóng tối cũng chính là Thiên Chúa đã tạo dựng nên họ. Con đường nhận thức bằng lý trí này khiến người Do Thái không hoài thắc mắc và tin nhận : Chỉ có một Thiên Chúa, là Thiên Chúa duy nhất của họ, Đấng đã cứu họ và cũng là Đấng dựng nên họ, “Người là ai?”, “Danh Người Là chi?, để họ có thể kêu cầu, ca tụng Danh Thánh và tuyên xưng Danh của Người.
Biết bằng con tim và cả bằng lý trí cho nên cái biết đó ảnh hưởng trên tòan thể con người, chi phối tòan bộ xác thể và tâm linh, thấm sâu vào trong mọi thực tại trần thế, để rồi có thể nói rằng: Cái biết đó là cái biết cần thiết để được sống dồi dào và được sống đời đời. Chúng ta đọc lại câu chuyện giữa Đức Giêsu và người thông luật: “Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia tài. Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? ” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” ( Lc 10, 26 – 28).
Biết để yêu mến.
Biết bằng lý trí, nhưng lý trí về sự nhận biết Thiên Chúa có giới hạn: Moisê đã chỉ được nhìn thấy lưng của Giavê (Xh 33, 23). Thiên Chúa vượt xa tất cả: “Chúa siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm” (Tv 113, 6). Không nhìn thấy tỏ tường nhưng lại hết lòng trìu mến và nhận ra bằng kinh nghiệm, thấy rằng: “Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời, cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất? Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người. Người làm cho đàn bà son sẻ thành mẹ đông con, vui cửa vui nhà” (Tv 113).
Giữa những kỳ công của Thiên Chúa, con người có thể nhận biết được Người, nhưng đồng thời cũng có những cám dỗ chỉ dừng lại nhận biết nơi các sự vật, cần khuyến cáo:
“Sao chư dân lại nói: “Thiên Chúa chúng ở đâu? ” Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên. Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng. Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy… Nguyện xin Chúa, Đấng dựng nên đất trời, xuống muôn phúc lành cho anh em. Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa cho con cái loài người. Không phải người đã chết, hay mọi kẻ bước vào cõi thinh lặng ngàn thu sẽ ca tụng Đức Chúa; nhưng là chính chúng ta, những người còn đang sống, chúng ta chúc tụng Chúa từ nay đến muôn đời. (Tv 113 b).
Nhận biết Thiên Chúa vượt xa mọi hiểu biết khác, biết là đi vào sự sống đời đời, biết là một hành vi chi phối tòan bộ hướng đi của lịch sử, biết là một sự đổi thay con người tận căn. Một cái biết hiện sinh, thiêng liêng, chọn lựa Thiên Chúa, bước đi trong ánh sáng và ân sủng của Người. Như vậy, vượt xa mọi sự hiểu biết của trần gian, biết Thiên Chúa là một đòi hỏi thiết yếu của sự sống.
Biết ở đây không dừng lại ở những cái biết thuộc về kiến thức mà còn sự nhận biết bằng sự soi sáng, hướng dẫn và bằng ân sủng của Thiên Chúa với sự nỗ lực của con người, để mỗi ngày “biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn; yêu mến Chúa hơn để biết Chúa hơn” (St. Augustine).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Nguồn: mtgthuduc.net