Phụng Vụ Lời Chúa: Mùng Một, Mùng Hai và Mùng Ba Tết

Thứ tư - 18/01/2023 20:48  722

MỒNG MỘT TẾT. CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI.

St 1,14-18 – Pl 4,4-8 – Mt 6,25-34

THỜI GIAN LÀ TỐT ĐẸP… ĐỂ TÌM KIẾM NƯỚC THIÊN CHÚA

“Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa
và sự công chính của Người” (Mt 6,33)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I – St 1,14-18

Bài đọc thứ nhất mô tả lại trình thuật tạo dựng vào ngày thứ tư của Thiên Chúa. Cách trình bày của ngày thứ tư này vẫn tuân thủ đúng ‘công thức’ của sáu ngày tạo dựng: ‘Thiên Chúa phán… Liền có… Thiên Chúa thấy… [qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày… (St 1,19)]. Trong ngày thứ tư, Thiên Chúa đã tạo dựng nên ‘hai vầng sáng lớn để phân rẽ ánh sáng với bóng tối, ngày và đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm’.

Sẽ là khó hiểu về ánh sáng được tạo nên vào ngày thứ nhất là ánh sáng nào? Khi mà ‘hai vầng sáng lớn’ chỉ được tạo dựng mãi vào ba ngày sau đó, tức là ngày thứ tư. Nhưng sẽ trở nên dễ hiểu nếu nhìn trong lăng kính của đặc tính văn chương: ba ngày đầu: tạo dựng – ba ngày sau: trang trí, thì ánh sáng và bóng tối mà Thiên Chúa đã tạo dựng vào ngày thứ nhất đã được Ngài trang trí vào ngày thứ tư bằng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.

Đây là một nỗ lực rất lớn của tác giả sách Sáng thế nhằm cho thấy: vòng tuần hoàn của nhịp điệu thời gian theo ngày giờ - năm tháng là một trong những điều ‘tốt đẹp’ của công trình sáng tạo và quan phòng được thực hiện bởi Thiên Chúa.

2. Bài đọc II – Pl 4,4-8

Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Philipphê ‘hãy vui luôn’, nhưng niềm vui này không khởi đi từ một tâm tình hay một động lực mang tính cá nhân của mỗi người, mà nó được đặt trên nền tảng là chính Chúa: ‘Anh em hãy vui luôn trong Chúa.’ Niềm vui này được thể hiện qua cuộc sống ‘hiền hòa rộng rãi… không lo lắng… cầu nguyện và nài van với lòng biết ơn.’

Thánh Phaolô còn quả quyết: chỉ có sự bình an của Thiên Chúa mới có thể gắn kết chúng ta với Đức Giêsu Kitô, nhờ đó mỗi người sẽ nỗ lực hơn để hướng cuộc đời mình vươn tới ‘những gì là chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền, đức hạnh, đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt.’

3. Bài Phúc âm – Mt 6,25-34

Đây là một trong những nội dung rất quan trọng bàn đến ‘đức công chính của người môn đệ’ được thánh Matthêu xếp vào bài giảng khai mạc sứ vụ – ‘Bài Giảng Trên Núi’ của Chúa Giêsu. Những lời đầu tiên là những cảnh báo mang tính nền tảng: ‘Đừng lo cho mạng sống…, đừng lo cho thân thể…’ Sau đó là một loạt các ví dụ cụ thể kèm theo những lời tra vấn để biện minh cho những lời cảnh báo trên. Cuối cùng Chúa Giêsu kết luận: Ăn gì? Uống gì? Mặc gì?... là những việc mà dân ngoại vẫn đang tìm kiếm. Rồi Chúa khẳng định rõ: ‘Cha anh em thừa biết anh em cũng cần tất cả những thứ đó.’ Để kết luận, Chúa Giêsu đã chỉ ra đâu là điều mà người môn đệ cần phải lo kiếm tìm hàng đầu: Đó là Nước của Thiên Chúa và sự công chính của Người.

Như thế, đoạn Phúc âm này đề cập tới ba điều đừng lo: ‘Đừng lo cho mạng sống, đừng lo cho thân thể, đừng lo cho ngày mai’ và chỉ tập trung cho một điều: ‘Lo tìm kiếm Nước của Thiên Chúa và sự công chính của Người’.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Trong khoảnh khắc giao thời của đất trời, khi mời gọi chúng ta đọc lại trình thuật Thiên Chúa tạo dựng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để tạo nên nhịp điệu cho thời gian: ngày giờ năm tháng, Giáo hội muốn chúng ta xác tín lại lần nữa rằng: thời gian là của Chúa, ngày giờ năm tháng cũng là của Chúa. Và khi tạo dựng nên chúng, tác giả sách Sáng Thế ghi nhận: ‘Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.’ Như thế, mỗi khởi đầu: năm mới, tháng mới, ngày mới, công việc mới… là tốt đẹp, không phải vì chúng ‘mới’, nhưng sự tốt đẹp của những cái mới chỉ có trong ‘cái nhìn’ của Thiên Chúa. Do vậy, ‘Xuân Mới...’ tốt đẹp chỉ vì ‘Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.’

2. Niềm vui có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau: vui vì nhận được một món quà, vui vì kiếm được một công việc tốt, vui vì được thưởng tết, hay vui vì được thêm một tuổi mới, được lì xì… nhưng niềm vui chỉ là đích thật khi nó được đặt trên nền tảng là chính Chúa. Như thế, niềm vui đích thật và cũng là niềm vui lớn nhất là niềm vui của người có Chúa. Nói cách khác, chỉ khi nào người ta cảm nghiệm ra được ‘có Chúa’ là niềm vui thì khi ấy những hoa trái: chân thật, cao quý, chính trực… mới có thể trổ sinh dồi dào được.

3. ‘Ăn gì? Uống gì? Mặc gì?’ đó là mối bận tâm lo lắng của kiếp nhân sinh. Do vậy vào những ngày đầu xuân người ta thường chúc cho nhau được: sức khỏe dồi dào, buôn may bán đắt, vạn sự như ý… Còn người môn đệ Chúa Kitô nguyện ước gì trong ngày Xuân Mới? Nguyện ước cho được sống lâu? Nhưng Chúa nói: Đừng lo cho cuộc sống! Nguyện ước cho mạnh khỏe? Nhưng Chúa dặn: Đừng lo cho thân thể! Nguyện ước cho một tương lai tốt đẹp? Nhưng Chúa cũng lưu ý: Đừng lo cho ngày mai! Vậy ngày đầu xuân là dịp thuận tiện để người môn đệ ý thức hơn cho nỗ lực tìm kiếm Nước của Thiên Chúa cũng như sự công chính của Người. Sự công chính của Thiên Chúa được cụ thể hóa qua đức công chính của người môn đệ, và đã được Chúa Giêsu quảng diễn rõ nét trong Bài Giảng Trên Núi: Đừng giận ghét, chớ ngoại tình, đừng ly dị, đừng thề thốt, chớ trả thù…

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chăm sóc những ai thuộc về Người. Trong tâm tình hân hoan của ngày đầu Xuân, chúng ta cùng đến trước nhan Chúa, tha thiết cầu xin Người chúc lành và ban một năm bình an hạnh phúc.

1. Thiên Chúa là mùa Xuân vĩnh cửu của nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh Việt Nam luôn hiệp thông và nhiệt thành với sứ vụ đem Chúa Xuân đến cho mọi tâm hồn.

2. “Anh em hãy vui luôn trong Chúa.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trên đất nước Việt Nam thân yêu, được vui hưởng một mùa xuân thái hoà và luôn sống dồi dào ấm no hạnh phúc trong suốt năm...này.

3. “Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm mới này biết tăng cường hiệp thông, đào sâu đức tin và nhiệt tâm thực hành Lời Chúa.

4. Trong ngày đầu Xuân mọi người đều chúc nhau những điều tốt đẹp. Chúng ta cùng cầu xin Chúa chúc lành cho mọi người đang hiện diện nơi đây, giúp mỗi người chúng ta luôn biết tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện trong ngày đầu năm. Xin giúp chúng con khi vui đón xuân mới, cũng nhận ra Chúa là Mùa Xuân đích thực và vĩnh cửu cho nhân loại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
 

MỒNG HAI TẾT - KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN

d

Hc 44,1.10-15 – Ep 6,1-4.18.23 – Mt 15,1-6

THỜ CHA KÍNH MẸ: GIỚI RĂN VÀ ĐẠO HIẾU

“Hãy tôn kính mẹ cha... để được hạnh phúc và trường thọ” (Ep 6,2)


I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc ngày mồng hai tết làm nổi bật tinh thần đạo hiếu của phận làm con đối với tổ tiên ông bà cha mẹ. Tư tưởng này mời gọi mỗi người suy nghĩ về nguồn cội của mình, của dòng tộc mình, của dân tộc mình... mà nguồn cội của mọi nguồn cội là chính Thiên Chúa. Đồng thời cũng nhắc nhớ mọi người về bổn phận góp phần mình vào việc củng cố và phát triển các mối tương quan ấy.

1. Bài đọc I – Hc 44,10-15

Tác giả sách Huấn ca mời gọi độc giả cùng ca tụng các bậc cha ông trong tư cách là những vị danh nhân. Họ được biết đến không phải bởi tài năng hay thông minh xuất chúng của mỗi cá nhân, nhưng họ đáng được con cháu tôn kính chỉ vì họ là những người đạo hạnh, biết xót thương, tuân giữ Lề Luật. Điều tạo nên công đức, vinh quang, danh thơm, khôn ngoan nơi bậc cha ông chính là chữ tín trung và niềm son sắt đến cùng trong đức tin vào Chúa.

Mọi nỗ lực ấy đã làm cho các ngài sống mãi nơi gia tài mà các ngài để lại là đàn con cháu, danh thơm các ngài được lưu truyền mãi hậu thế. Chính nhờ chữ tín nơi các ngài mà con cháu các ngài có thể giữ mãi chữ trung với giao ước với Thiên Chúa.

2. Bài đọc II – Ep 6,1-4.18.23

Trong phần bàn về ‘đời sống mới trong Đức Kitô’, thánh Phaolô đặc biệt chú trọng tới bổn phận của những kẻ làm con cũng như sứ mạng của những người làm cha mẹ.

Theo vị Tông đồ dân ngoại, bí quyết giúp có được hạnh phúc và sống trường thọ chính là vâng lời cha mẹ và tôn kính các ngài. Thánh Phaolô còn chỉ ra những cách thức giúp bậc làm cha mẹ chu toàn sứ mạng giáo dục con cái được Chúa ủy thác cho mình: tuyệt đối tránh làm con cái tức giận, nhưng phải luôn nhớ mình đang ‘thay mặt Chúa’ để khuyên răn và sửa dạy các con.

Công việc giáo dục của bậc làm cha mẹ cũng như lòng hiếu kính của kẻ làm con đều phải được đặt trong bầu khí cầu nguyện theo Thần Khí hướng dẫn, trong sự tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh.

Để có thể thực hiện được điều đó, thánh Phaolô ước mong cho mỗi người luôn có được Đức Giêsu Kitô ban cho ơn bình an, đức mến và đức tin.

3. Bài Phúc âm – Mt 15,1-6

Khởi đi từ thái độ duy lề luật của những người Pharisêu và Kinh sư, Đức Giêsu đã minh định rõ cho mọi người thấy đã có một lẫn lộn trong việc thực hành: giữa một bên là tập tục của tiền nhân và bên kia là lề luật của Thiên Chúa. Tập tục của tiền nhân được hiểu là những ý kiến, lối giải thích và các quyết định của các Rabbi Do thái thật tỉ mỉ, nhiều khi được coi như ngang hàng thậm chí còn hơn cả Lề Luật. Đức Giêsu tỏ ra nghiêm khắc với sự đảo lộn giá trị này và một lần nữa cho thấy vai trò nền tảng của Lề Luật trong việc thực hành đức tin.

‘Thờ cha kính mẹ’ nét đẹp của đạo hiếu trong tư cách là con. Đó cũng là mảnh đất văn hóa Việt mà chắc chắn từ mảnh đất này, hạt giống Lời Chúa ‘thảo kính cha mẹ’ sẽ trĩu quả và nặng hạt. Hiếu kính với bậc trên, hiếu thảo với mẹ cha, hiếu nghĩa với anh chị em, hiếu hòa với mọi người... không chỉ là rường cột của cộng động làng xã Việt, nhưng trước hết chính là những mối tương quan trụ cột trong việc thực hành đức tin trên nền tảng của giao ước của Dân Thánh với Thiên Chúa.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. ‘Hãy ca tụng những vị danh nhân, cũng là các bậc cha ông chúng ta...’ lời gợi ý này  làm chúng ta nhớ tới các vị Tử Đạo Việt nam, trong tư cách là những vị tiền bối trong đức tin, như sự ghi nhận của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày lễ phong thánh: ‘Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin. Giữa anh em, Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức Tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần tuý sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô.’ Tri ân các bậc tiền nhân không chỉ vì nhằm tôn vinh các ngài, nhưng việc tri ân các ngài còn làm củng cố và gia tăng đức tin nơi chúng ta hôm nay.

2. Lệnh truyền ‘Hãy vâng lời và tôn kính mẹ cha’ nhắc nhớ chúng ta lời khẳng định của Hội Đồng Giám Mục Việt nam trong thư chung đề ngày 04.10.2019: “Tại Việt Nam, gia đình vẫn là ‘trường học đầu tiên’, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa”. Bài học vỡ lòng cho mọi người dưới mái trường gia đình chính là đạo hiếu. Đạo hiếu của phận làm con không đơn giản chỉ là một nét đẹp của văn hóa, nhưng chính là lẽ sống của thận phận bề tôi Chúa trong tương quan với mẹ cha ông bà, những người thay mặt Chúa để giáo dưỡng chúng ta.

3. Trong ánh sáng của Lời Chúa ‘Thảo kính cha mẹ’, lời của Đức Tổng Giuse, vị Chủ Chăn giáo phận trong thư chúc tết, còn đang vang vọng nơi mỗi người tín hữu nhân dịp xuân...đang về: “Cầu mong mỗi người trong chúng ta, không chỉ người trẻ, luôn hướng tới sự trưởng thành toàn diện như Chúa Giêsu ‘ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan’, ‘và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2,40.52)”. Người ta chỉ thực sự trưởng thành khi biết sống tín nghĩa với Thiên Chúa và hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Kính nhớ tổ tiên và thảo hiếu ông bà cha mẹ là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, rất hợp với thánh ý Chúa. Trong tâm tình tri ân cảm tạ của những ngày đầu xuân, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện:

1. “Hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ”.  Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn trung thành tiếp nối sự nghiệp và làm rạng danh công đức của các bậc tiền nhân.

2. “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, cách riêng các bạn trẻ, biết chu toàn bổn phận làm con cái: luôn hết lòng tôn thờ Thiên Chúa và trọn tình hiếu kính với bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

3“Anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người đã khuất là tổ tiên ông bà cha mẹ của chúng ta sớm được thông dự vào sự sống và vinh quang vĩnh cửu của Chúa trong nước trời.

4. “Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm Canh Tý này biết yêu mến và thực hành Lời Chúa, để xứng đáng đón nhận muôn phúc lành Chúa ban.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha chúng con, Chúa dạy chúng con phải thảo hiếu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn Thánh Thần giúp chúng con biết sống cho đẹp ý Chúa trong bổn phận của bậc con cháu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 

Mùng Ba Tết - Thánh hóa công ăn việc làm

(St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30)
LÀM LỜI TÙY THEO KHẢ NĂNG CỦA MÌNH

“Ông chủ trao cho người này năm nén,
người kia hai nén, người khác nữa một nén”

(Mt 25,15)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Trong thánh lễ cầu cho việc “thánh hóa công ăn việc làm”, Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc và suy gẫm những bài đọc Sách Thánh liên quan đến “của cải”, đến những gì Thiên Chúa thương ban cho con người, cả vật chất lẫn tinh thần. Chọn lựa và sử dụng thế nào là quyền tự do của con người.

1. Bài đọc 1

Đoạn sách Sáng Thế hôm nay thuộc trình thuật thứ hai về sáng tạo. Dù có những điểm khác biệt về chi tiết so với trình thuật thứ nhất, trình thuật này vẫn làm nổi bật vị thế và vai trò của con người trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Trước hết, dù con người nằm trong số những loại thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên, nhưng lại là thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa đích thân “nặn ra” và “thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2,7). Như một thợ gốm lành nghề, Thiên Chúa “nặn ra” con người (x. Is 45,9) theo ý của Ngài và cũng chính vì thế mà con người hoàn toàn lệ thuộc vào thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Hơn nữa, chính Thiên Chúa ban “sinh khí”, tức là “hơi thở sự sống” cho con người. Nhờ “sinh khí” như là nguyên lý của sự sống mà con người bắt đầu sống nhờ chính hơi thở của Thiên Chúa, nhờ sinh lực Thiên Chúa ban. Sự sống của con người phụ thuộc vào sinh khí của Thiên Chúa và chỉ Thiên Chúa mới có thẩm quyền cao nhất và cuối cùng trên sự sống của con người.

Thêm vào đó, con người còn được ủy thác cho nhiệm vụ cộng tác với Thiên Chúa, tiếp tục công trình tạo dựng của Ngài trong việc “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Dù con người là trung tâm của tạo dựng, nhưng con người cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo toàn và phát triển những gì tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dựng nên. Sự cộng tác của con người trong việc “cày cấy và canh giữ đất đai”, gìn giữ và vun trồng vườn cây Thiên Chúa tạo dựng, là bảo đảm cho sự bền vững tốt đẹp của những gì Thiên Chúa đã thiết lập. Vì thế, sự cộng tác tích cực của con người đóng vai trò rất quan trọng để công trình tạo dựng của Thiên Chúa đạt tới tầm mức viên mãn.

2. Bài đọc 2

Cv 20,32-35 là đoạn cuối trong diễn từ của thánh Phaolô từ biệt các kỳ mục tại Êphêxô trước khi ngài lên đường cho một sứ vụ mới.

Thánh nhân ý thức những khó khăn mà các Kitô hữu sẽ gặp phải sau khi ngài ra đi, đồng thời ngài cũng cho thấy đâu là chỗ dựa cho họ, nên ngài mới “phó thác anh em cho Thiên Chúa và lời ân sủng của Người” (Cv 20,32a). Thánh Phaolô cho thấy rằng sức mạnh của các Kitô hữu ở nơi Thiên Chúa. Phó thác cuộc đời trong tay Chúa và lời ân sủng của Người giúp các Kitô hữu vượt qua những sóng gió trong đời sống đức tin, vì chính lời Chúa là lời “có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32b). Sự tin tưởng phó thác vào Chúa và sức mạnh của lời Người có thể không mang lại cho người tín hữu sự giàu có sung túc về vật chất, nhưng chắc chắn là bảo đảm cho phần gia tài vinh phúc cùng với các thánh.

Những lời tâm huyết của thánh Phaolô không là mớ lý thuyết suông, nhưng chính thánh nhân đã cảm nghiệm và chứng minh qua chính cuộc sống của mình. Quả vậy,thánh Phaolô đã nêu gương tự lập và không ham danh lợi; ngài đã tự lo cho mình về những nhu cầu vật chất, đồng thời khuyến khích các Kitô hữu hãy lao động để giúp đỡ những người đau yếu, vì theo thánh Phaolô, (có lẽ dựa vào truyền khẩu, vì các tác giả Tin Mừng không ghi lại) Chúa Giêsu đã từng dạy rằng “cho thì có phúc hơn là nhận”. Như thế, một đàng thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu hãy biết cậy dựa vào Thiên Chúa và lời của Người chứ không phải là của cải vật chất; đàng khác ngài khuyến khích họ hãy chăm chỉ làm việc để có thể chia sẻ với những người thiếu thốn hơn mình.

3. Bài Phúc Âm

Bài Tin Mừng mời gọi chúng ta suy gẫm về những phúc lành mà Thiên Chúa trao cho con người. Sử dụng và làm triển nở các phúc lành đó là sự tự do chọn lựa của con người; một sự chọn lựa đi kèm với trách nhiệm về những hậu quả của nó.

Trước hết, ông chủ trong dụ ngôn không trao cho các đầy tớ những yến bạc cách ngẫu nhiên, tùy hứng, cẩu thả, nhưng trao cho họ số yến bạc tùy theo khả năng riêng mỗi người (Mt 25,15). Chắc hẳn ông chủ đã tính toán cẩn thận, quan tâm đến từng đầy tớ, để ý đến khả năng của mỗi người, để rồi cân đo đong đếm số yến bạc mà ông sẽ trao cho họ sao cho phù hợp nhất. Về điểm này, khó có thể trách ông chủ vì đã không đối xử công bằng. Ngoài ra, ông chủ không hề căn dặn gì thêm. Chính vì thế mà các đầy tớ có hoàn toàn quyền quyết định nên làm gì với số yến bạc được trao và quả thật đã có những cách làm khác nhau đối với số yến bạc của ông chủ.

Hơn nữa, thánh Mátthêu cho biết rằng ông chủ trở về sau thời gian dài và tính sổ với các đầy tớ. Chi tiết này cho thấy ông chủ không phải là người nông cạn, nhất thời, bốc đồng, tùy hứng nhưng là người đã lên kế hoạch tỉ mỉ và cẩn thận. Ông chủ là người tin tưởng hoàn toàn vào các đầy tớ nên đã trao cho họ một kế hoạch dài hơi để họ có đủ thời giờ để sắp xếp, tính toán và làm lợi số yến bạc được giao. Về điểm này, không thể trách ông chủ là người hà khắc, keo kiệt. Ông không hề đưa ra tỷ lệ hoa lợi, mà cũng chẳng hạn chế thời gian. Sự thành bại không phụ thuộc ông chủ mà phụ thuộc vào thái độ thiện chí và cách hành xử khôn ngoan của các đầy tớ khi đứng trước những yến bạc ông chủ trao cho.

Sau cùng, ông chủ không đề cao sự mưu mẹo, khôn khéo hay khen các đầy tớ vì đã làm lợi được nhiều hay ít; tiêu chuẩn đánh giá của ông chủ lại là sự trung thành của đầy tớ (Mt 25,21.23): trung thành ngay cả trong những việc nhỏ, trung thành làm tất cả những gì trong khả năng của mình để làm lợi cho chủ. Một khi đã giao phó các yến bạc cho cho đầy tớ, ông chủ hẳn đã trao gởi nơi họ sự tín nhiệm cao nhất và sự tín nhiệm đó chỉ có thể được đền đáp trọn vẹn bằng sự trung thành. Và cũng chỉ có những đầy tớ trung thành như thế xứng đáng hưởng niềm vui của chủ (Mt 25,21.23).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Mỗi người chúng ta được tạo dựng cách đặc biệt và được đón nhận sự sống từ chính Thiên Chúa. Tôi đã đón nhận hồng ân cao cả này ra sao? Tôi đã quản lý sự sống Chúa ban thế nào? Tôi có đang làm những điều chống lại sự sống của chính tôi, của người khác và của các sinh vật quanh tôi?

2/ Đâu là mối bận tâm lớn nhất của tôi trong cuộc đời này? Kiếm được nhiều của cải vật chất? Tìm cách tích lũy của cải tinh thần? Kiếm tìm Chúa và sống trong ân nghĩa với Ngài?

3/ Tôi đang sử dụng các phúc lành Chúa ban, cả vật chất lẫn tinh thần, như thế nào? Những gì tôi đang có sẽ dẫn tôi đi về đâu? Tôi có đang trung thành với Thiên Chúa, Đấng là nguồn của mọi phúc lành tôi đang có? Tôi có tìm kiếm niềm vui nơi Thiên Chúa là Chủ của cuộc đời tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành, Ngài luôn quan phòng và sẵn lòng tuôn đổ muôn phúc lành cho con người. Trong dịp đầu năm hôm nay, chúng ta cùng hiệp dâng và cầu xin Chúa chúc lành thánh hoá công ăn việc làm của chúng ta trong Năm Mới.

1. Con người được mời gọi làm triển nở các phúc lành của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết sử dụng cách hiệu quả mọi tài năng Chúa ban để loan báo Tin Mừng và góp phần xây dựng Nước Trời nơi trần thế.

2. Chúa đã trao cho con người làm chủ vũ trụ và thiên nhiên. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm tạo công ăn việc làm, mưu cầu hạnh phúc cho người dân; đồng thời, có những chính sách ưu tiên cho việc bảo vệ môi sinh, môi trường.

3. Lao động là cộng tác vào công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn ra sức làm việc nhằm tạo ra của cải và góp phần xây dựng xã hội, nhưng cũng biết chú tâm tìm kiếm Chúa và sống trong ân nghĩa với Người.

4. Người Kitô hữu được mời gọi thực thi ý Chúa: “cho thì có phúc hơn là nhận.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn trung thành sống giới răn mến Chúa yêu người, biết sẵn lòng chia cơm sẻ áo cho những người túng thiếu bất hạnh.

Chủ tếLạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và thánh hóa mọi công việc làm ăn của chúng con, giúp chúng con đạt được thành quả tốt đẹp ở đời này, và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

Ban Mục vụ Phụng tự
Nguồn: tgpsaigon.net

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay47,048
  • Tháng hiện tại418,097
  • Tổng lượt truy cập50,830,704

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây