Ý chỉ truyền giáo tháng 7 năm 2017

Thứ hai - 03/07/2017 05:01  1139

Trong tháng 7 này ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý cầu xin cho các anh chị em đã xa rời đức tin có thể tái khám phá ra sự gần gũi của Chúa thương xót và vẻ đẹp của cuộc sống kitô, nhờ lời cầu nguyện và chứng tá tin mừng của chúng ta.

Từ nhiều thập niên qua các Giáo Hội Kitô Âu châu đang trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng, hay đúng hơn đang đánh mất đi niềm tin kitô của mình. Nếu trong bao thế kỷ trước đây Kitô giáo đã từng là quốc giáo, thì ngày nay Kitô giáo bị gạt bỏ dần dần khỏi cuộc sống công cộng, đến độ Hiến Pháp của Liên Hiệp Âu châu cũng không muốn nhắc đến căn cội kitô nữa. Trong khi đó các nước cựu kitô lần lượt đưa ra các đạo luật trái với luân lý kitô như cho phép tự do phá thai, giết người êm dịu, hôn nhân đồng phái vv… Số kitô hữu sống và thực hành đạo ngày càng giảm sút. Có ít tín hữu tham dự các thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng. Đa số chỉ là người già, còn người lớn, giới trẻ và trẻ em hầu như hoàn toàn vắng bóng. Cách đây 40 năm các quốc gia Âu châu cựu kitô đã bị tục hóa rất mạnh mẽ. Tiến trình tục hoá đã giảm bớt nhưng tình hình không đảo ngược. Chỉ cần nhìn vào con số các vụ thành hôn trong nhà thờ, số trẻ em được rửa tội, số người tuyên bố mình tin vào Thiên Chúa và nhất là số người đi tham dự thánh lễ thì đủ nhận ra  hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng này.

Italia, Ba Lan, Ailen, đảo Malta và Slovacchia có tới hơn 30% kitô tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Hy Lạp, đảo Malta, đảo Chypre và Slovenia có từ 15 tới 30 % tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Trong khi Anh, Bỉ, Tchèques, Hungaria, Lituania, Slovenia, Hoà Lan có từ 10 tới 15% tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Tại các nước Pháp, Luxembourg, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Đan Mạch có duới 10% tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Nói chung các nước cựu cộng sản Đông Âu tuy phải sống dưới chế độ vô thần trong nhiều thập niên nhưng số kitô hữu thực hành đạo đôi khi vẫn cao hơn các nước Tây Âu bị tục hóa và các nước Bắc Âu.

Nói chung chỉ có 22% tín hữu thường xuyên tham dự thánh lễ một hay nhiều lần mỗi tuần. Trong khi có 10,5% tham dự mỗi tháng một lần; 36,2% chỉ tham dự các ngày lễ trọng, hay mỗi năm một lần; và 31,3% không thực hành đạo. Liên quan tơi việc cầu nguyện có 37,3% cầu nguyện hằng ngày hay nhiều lần trong tuần; 6,3% cầu nguyện mỗi tuần một lần; 24,7% không thường xuyên; 29,3% không cầu nguyện bao giờ và 2,4% không trả lời.

Cũng có kitô hữu chỉ vào nhà thờ có 3 lần trong đời: khi được rửa tội, khi thành lập gia đình và khi chết. Hai lần do người  khác đem vào nhà thờ, một lần tự ý, nhưng thường khi là vì  vợ hay vì chồng. Tính tỷ lệ trung bình cứ ba cặp lấy nhau thì có một cặp ly dị hay ly thân. Và số  người trẻ kitô không làm đám cưới trong nhà thờ ngày càng nhiều.

Tại các quốc gia nói tiếng Đức, có hiện  tượng kitô hữu rời bỏ Giáo Hội để khỏi phải đóng thuế tôn giáo theo luật quốc gia, khiến cho hàng chục ngàn người làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội.

Trong các đại lục khác,  hiện tượng tục hoá và kiểu sống duy vật vô thần thực tiễn tuy không mạnh bằng các nước tây âu, nhưng cũng bắt đầu ảnh hưởng trên cuộc sống của nhiều người, nhất là giới trẻ. Bên châu Mỹ Latinh hiện tượng tín hữu công giáo rời bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái tin lành khiến cho các HĐGM âu lo. Có hàng trăm ngàn tín hữu xa rời Giáo Hội để theo các giáo phái kitô khác, và họ được các giáo phái tiếp đón rất niềm nở và trợ giúp tận tình, cả trên bình diện vật chất.

Sự kiện này bắt buộc Giáo Hội công giáo đặt lại vấn đề liên quan tới cung cách dậy giáo lý, giáo dục đức tin cũng như các hoạt động mục vụ khác của mình, trong đó có mục vụ hôn nhân, gia đình và giới trẻ. Làm thế nào để giúp tín hữu hiểu biết giáo lý sâu rộng, xác tín và sống đạo trưởng thành hơn? Đâu là thứ ngôn ngữ thích hợp trong một xã hội thay đổi nhanh chóng như xã hội công nghệ điện tử ngày nay? Song song là các kỹ thuật và phương pháp mới trong việc rao giảng Tin Mừng, các sáng kiến mới mẻ trong nghệ thuật truyền thông sứ điệp tin mừng cho con người thời đại. Tất cả đều liên quan tới việc rao truyền Chúa Giêsu Kitô cho con người thời nay. Nhưng mọi phương pháp và kỹ thuật dù có tân tiến tới đâu cũng không thể thay thế chứng tá sống động cụ thể của từng kitô hữu trong cung cách hành xử thường ngày, mỗi người trong cương vị, nhiệm vụ và môi trường sống của mình. Không thể rao giảng Chúa Kitô yêu thương, từ bi thương xót quảng đại thứ tha và tiếp đón, nếu kitô sống ngược lại những giá trị ấy. Ngoài ra cần có lời cầu nguyện chân thành tha thiết đi kèm mọi tư tưởng lời nói và hành động của kitô hữu nữa.

Chính vì thế trong tháng 7 tới đây hiệp ý với ĐTC và tín hữu công giáo toàn thế giới, chúng ta hãy hiệp ý cầu xin cho các anh chị em đã xa rời đức tin có thể tái khám phá ra sự gần gũi của Chúa thương xót và vẻ đẹp của cuộc sống kitô, nhờ lời cầu nguyện và chứng tá tin mừng của chúng ta.

 

Linh Tiến Khải

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha - Tháng Bảy 2017: Tái khám phá niềm vui đời sống Kitô

Tái khám phá vẻ đẹp của đời sống người Kitô - AP

04/07/2017 11:00
 

VATICAN. Trong tháng bảy 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người cầu nguyện cho những anh chị em đang lạc lối đức tin, để nhờ việc chúng ta cầu nguyện và làm chứng cho Tin Mừng, các anh chị em ấy có thể tái khám phá vẻ đẹp của đời sống người Kitô. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: niềm vui của chúng ta là chính Chúa Giêsu Kitô với tình yêu tín trung và vô tận của Người.

Khi một Kitô hữu buồn rầu, điều ấy có nghĩa là người ấy đang xa cách Chúa Giêsu.

Thế nhưng chúng ta đừng để người ấy lẻ loi một mình! Chúng ta hãy mang đến cho người ấy niềm hy vọng Kitô. Chúng ta làm điều ấy với những lời lẽ, vâng, nhưng hơn hết là bằng đời sống chứng tá cùng với tự do và niềm vui của chúng ta.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho những anh chị em đang lạc lối đức tin, để nhờ việc chúng ta cầu nguyện và làm chứng cho Tin Mừng, các anh chị em ấy có thể tái khám phá vẻ đẹp của đời sống người Kitô.

Kính mời quý vị cùng hiệp thông cầu nguyện với Đức Thánh Cha qua Video sau: XEM VIDEO

 

Tứ Quyết SJ
Nguồn: vi.radiovaticana.va

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập130
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay16,582
  • Tháng hiện tại671,096
  • Tổng lượt truy cập52,840,044

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây