CHÚA NHẬT V MÙA CHAY A
(Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45)
SỰ SỐNG THẦN LINH
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26)
***
I. CÁC BÀI ĐỌC
Sự sống thần linh phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua và trong Đức Giêsu, nhờ tác động của Thần Khí. Các bài đọc lời Chúa của Chúa Nhật V Mùa Chay cho thấy các khía cạnh khác nhau của sự sống thần linh đó.
1. Bài đọc 1
Thi hành sứ vụ ngôn sứ trong thời lưu đày ở Babylon, lúc dân Israel đang chán nản, thất vọng, ngôn sứ Êdêkien loan báo về một sự hồi sinh diệu kỳ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho dân của Ngài.
Sống trong cảnh mất nước và phải chịu kiếp lưu đày, dân Israel mất hết niềm hy vọng; họ cảm thấy mình chỉ như những bộ xương khô không còn sự sống nằm trong huyệt mộ (x. Ed 37,11). Thiên Chúa sai ngôn sứ Êdêkien đến loan báo cho dân Israel biết rằng Thiên Chúa không hề bỏ rơi họ. Ngài sẽ mở huyệt, đưa họ ra khỏi mộ và ban cho họ thần khí của Ngài để họ được hồi sinh; đồng thời, Ngài sẽ mang họ trở về quê hương Israel, phục hưng họ thành một dân tộc độc lập và thống nhất.
Như thế, từ trong tột cùng thất vọng của sự chết, lời ngôn sứ Êdêkien đem lại niềm hy vọng lớn lao do dân Chúa, giúp họ được hồi sinh. Khi mà tự thân dân Israel hoàn toàn không còn khả năng phục hồi, thì quyền năng vô song của Thiên Chúa mới có sức mạnh tái sinh họ. Qua sự hồi sinh kỳ diệu này, dân Israel “sẽ nhận biết Ta là Đức Chúa” (Ed 37,13.14). Một lần nữa, dân Israel phải mở to mắt để nhận biết rằng chỉ mình Thiên Chúa là Đấng trung thành. Dù trong hoàn cảnh bi đát nhất, Ngài vẫn dõi theo từng bước chân của họ và chỉ có Ngài mới thật sự là Đấng cứu độ của họ.
Sứ điệp hy vọng của ngôn sứ Êdêkien vừa mang lại sự hồi sinh kỳ diệu cho dân Israel, vừa giúp họ nhận biết rằng Thiên Chúa luôn trung thành và sẽ ra tay cứu vớt họ, nên dù trong hoàn cảnh nào, họ hãy luôn trung tín với Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài.
2. Bài đọc 2
Thánh Phaolô phân biệt hai xu hướng đối nghịch nơi con người: hướng chiều về tính xác thịt và hướng chiều về Thần Khí; đồng thời, nhấn mạnh đến hậu quả của việc chọn lựa sống theo xác thịt hay Thần Khí.
Thánh Phaolô xác định rằng tính xác thịt thì nghịch cùng Thiên Chúa và những ai sống theo tính xác thịt thì không thể làm vừa lòng Ngài, vì hướng đi của tính xác thịt dẫn đến sự chết. Trái lại, hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an (Rm 8,7). Ai có Thần Khí Đức Kitô thì thuộc về Người, mà ai thuộc về Người thì dù có chết vì tội lỗi đã phạm thì cũng được Thần Khí của Người ban cho sự sống.
Quả vậy, theo thánh Phaolô, thân xác không chỉ chết về thể lý mà còn chết về mặt thiêng liêng do hậu quả của tội (x. Rm 5,12). Chỉ có Thần Khí của Chúa Cha, Đấng đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, mới đem lại cho tội nhân ơn tha thứ và sự sống thiêng liêng ở đời này và nhất là sự phục sinh ở đời sau. Tất cả những ai tin vào Đức Giêsu và liên kết chặt chẽ với Người thì có Thần Khí của Người; Thần Khí xưa đã phục sinh Đức Giêsu thế nào, thì nay cũng tiếp tục ban sự sống cho các Kitô hữu như thế (Rm 8,11).
Tóm lại, tác giả thư Rôma xác tín rằng Thần Khí của Thiên Chúa là nguyên lý sự sống xưa đã phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết và nay vẫn tiếp tục ban sự sống mới cho những ai tin vào Đức Giêsu, dù họ có chết vì tội lỗi đã phạm.
3. Bài Tin Mừng
Câu chuyện Chúa Giêsu cho anh Ladarô sống lại từ cõi chết minh chứng rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng ban sự sống đích thực trong và qua Đức Giêsu, Con của Ngài.
Dù quý mến anh Ladarô, và thực sự thổn thức khi chứng kiến người ta thương khóc anh, nhưng Chúa Giêsu không vội vàng đến thăm khi nghe tin anh đau nặng. Người biết việc Người sắp làm không đơn thuần là tình cảm cá nhân; Người không chỉ đến để bày tỏ lòng quý mến nhưng qua việc cho Ladarô sống lại, Chúa Giêsu còn cho thấy quyền năng của Thiên Chúa trên sự chết. Điều quan trọng là Thiên Chúa được tôn vinh cùng với Đức Giêsu, Con của Ngài (x. Ga 11,4).
Quả vậy, dù hai chị em cô Mácta và Maria hiểu lòng quý mến mà Chúa Giêsu dành cho gia đình họ đến nỗi Người không nỡ để Ladarô phải chết (Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết), nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa khi cho họ thấy rằng nếu họ tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian (x. Ga 11,27) thì sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa (11,40). Nếu họ tin vào Đức Giêsu thì dù anh Ladarô đã chết thật sự về mặt thể lý (11,39), Người vẫn cho anh sống lại để vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện.
Chúa Giêsu thật là sự sống, và là sự sống lại, nên những ai tin vào Người thì luôn có sự sống của Người. Vì thế, dù có chết về mặt thân xác thì vẫn có sự sống thần linh nơi mình. Sự sống thần linh này là bảo đảm cho sự phục sinh mai sau, lúc con người sẽ không bao giờ phải chết nữa (x. Ga 11,25-26).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1/ Sứ điệp của ngôn sứ Êdêkien cho dân Israel đang chịu cảnh lưu đày mang lại niềm hy vọng lớn lao cho họ về một cuộc hồi hương. Họ phải nhận ra rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền năng mang lại sự hồi sinh cho họ, và rằng Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành, sẽ ra tay cứu vớt họ, nên dù trong hoàn cảnh nào, họ hãy luôn trung tín với Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài. Trong những khi tưởng như chán nản, thất vọng nhất, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con cái Ngài. Thiên Chúa sẽ kịp can thiệp để con cái ngài được hồi sinh. Tôi có xác tín như vậy không?
2/ Thánh Phaolô cho thấy sự đối nghịch giữa việc sống theo tính xác thịt thì dẫn tới sự chết và sống theo Thần Khí mới hướng đến sự sống. Ngài xác tín rằng Thần Khí của Thiên Chúa là nguyên lý sự sống xưa đã phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết và nay vẫn tiếp tục ban sự sống mới cho những ai tin vào Đức Giêsu, dù họ có chết vì tội lỗi đã phạm. Tôi đang để cho Thần Khí hướng dẫn đời mình hay đang để cho tính xác thịt lôi kéo?
3/ Câu chuyện Chúa Giêsu cho anh Ladarô sống lại từ cõi chết là một minh chứng rõ ràng rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng ban sự sống đích thực trong và qua Con của Ngài là Đức Giêsu. Những ai tin vào Đức Giêsu thì dù có chết về mặt thể xác vẫn được Người ban cho sự sống thần linh là bảo đảm cho sự phục sinh mai sau. Tôi có tin chắc chắn vào Đức Giêsu là Đấng ban sự sống đích thực cho tôi, để được chia sẻ sự sống thần linh của Người ở đời này, và thông phần sự phục sinh của Người mai sau?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng ta một đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô, Đấng là sự sống lại và là sự sống. Trong tâm tình tri ân và phó thác, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện.
1. Khi chứng kiến việc Chúa Giêsu làm, nhiều người Do thái đã tin vào Người. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các vị chủ chăn trong Hội Thánh, qua hoạt động mục vụ và đời sống chứng tá của mình, tiếp tục củng cố đức tin của Dân Chúa và đem nhiều người đến với Đức Kitô.
2. Bà Martha thưa với Chúa Giêsu: “Con tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người đang gặp đau khổ, thất bại hay bế tắc trong cuộc sống, tìm được nơi Đức Kitô niềm an ủi và hy vọng, để luôn biết tín thác và sống lạc quan trước mọi nghịch cảnh hiện tại.
3. “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa”. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người nghiện ngập: hút sách, cờ bạc, rượu chè, hay đang mê muội vì những đam mê bất chính, biết từ bỏ con đường lầm lạc và quyết tâm canh tân đời sống theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.
4. Ai tin thì sẽ được xem thấy vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng là sự sống lại và là sự sống, luôn trung thành bước theo và hăng say làm chứng cho Chúa, để xứng đáng được chia sẻ vinh quang cùng với Người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha và là Đấng cứu độ chúng con, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn vững lòng tin tưởng vào tình thương của Chúa và không ngừng canh tân đời sống trong Đức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.