(Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)
TỈNH THỨC ĐÓN ĐỢI Ý CHÚA
“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ Con Người sẽ đến” (Mt 24,44)
Mùa vọng là mùa của sự chờ đợi: chúng ta chờ đợi ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài sẽ trở lại với chúng ta trong Lễ Giáng sinh; và Ngài sẽ trở lại với chúng ta trong ngày Quang lâm. Vì thế, chúng ta được mời gọi chuẩn bị cho cả hai lần trở lại của Ngài.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta một thị kiến của tiên tri Isaia vào những ngày sau hết. Đó là khung cảnh của một nền thái bình thịnh trị và hướng vọng tới thánh ý của Thiên Chúa, một thánh ý của những điều tốt đẹp. Đây cũng là cái nhìn của mỗi người chúng ta luôn cần có hôm nay mỗi khi đối diện trước những khó khăn, thách đố của cuộc sống, trước những tai ương, hoạn nạn, hay chiến tranh và hận thù.
Tiên tri Isaia đã thấy rằng “vào những ngày sau hết, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi và dân dân lũ lượt đưa nhau tới”. Thành thánh Giêrusalem được xem như điểm quy tụ muôn dân muôn nước, tất cả cùng tề tựu để học biết thánh ý của Thiên Chúa. Và muôn dân đồng loạt lên tiếng: “Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Ngài dạy ta biết lối của Ngài,và để ta bước theo đường Ngài chỉ vẽ”.
Đây là một thị kiến rất tuyệt vời. Tất cả dân nước đều đang đói khát sự công chính, và điều này chỉ có thể được tìm thấy nơi bước đường của Thiên Chúa. Sự dữ trên trái đất này xuất hiện khi mỗi người chúng ta chọn một con đường riêng của mình, và những nẻo đường riêng ích kỷ đó không có khả năng đóng góp cho thế giới này một nền thái bình thịnh trị, nhưng chỉ là xung đột và chiến tranh. Nhưng nếu như mỗi người chúng ta đều biết tìm kiếm nẻo đường chính trực nơi Thiên Chúa, thì sẽ có sự hòa bình giữa tất cả chúng ta.
Và khởi đầu mùa vọng này, thị kiến của tiên tri Isaia như là một lời hứa của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta trong những ngày sau hết, và lời hứa ấy với chúng ta hôm nay như một lời mời gọi thiết thực, luôn biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
2. Bài đọc II
Trong bài đọc II thánh Phaolô cũng dạy cho chúng ta một điều tương tự. Ngài nói với các tín hữu Rôma: “Đã đến thời chúng ta phải thức dậy, vì giờ đây ơn cứu độ của chúng ta đã gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo”. Việc canh thức luôn là điều khẩn thiết, dĩ nhiên không theo ý nghĩa thể lý, mà là theo ý nghĩa thiêng liêng. Khởi đầu mùa vọng, Giáo hội muốn chúng ta nhận ra sự cấp thiết của việc canh thức thiêng liêng này. Chúng ta không được để mình bị chi phối bởi những lo lắng vật chất, nhưng hãy quan tâm đến những sự cao siêu trên trời. Dĩ nhiên, lo lắng về vật chất luôn cần thiết và chính đáng cho đời sống chúng ta, nhưng chúng ta đừng để bị chúng thống trị lên chúng ta. Thay vào đó, chúng phải là công cụ phục vụ cho những hoạch định trọng yếu của đời ta, đó là kết hiệp với Đức Giêsu Kitô và kiện toàn những công việc của Ngài trong ơn thánh.
Nếu như trong bài đọc I, tiên tri Isaia mời gọi “chúng ta cùng bước đi trong ánh sáng của Chúa”, thì với cách thức tương tự, thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta mặc lấy “khí giới của sự sáng”. Với chúng ta, điều này có nghĩa là mặc lấy Đức Kitô, Chúa chúng ta, và không bước theo tính xác thịt và những dục vọng thấp hèn của riêng mình.
Thánh Phaolô tông đồ đã dùng hình ảnh ẩn dụ của ngày và đêm để khuyên nhủ chúng ta: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến”. Những việc làm ẩn dấu trong bóng tối sẽ không sinh lợi, đôi khi còn gây ra những thiệt hại nặng nề. Trái lại, những việc làm tỏ bày trước ban ngày, với vũ khí của sự sáng, chúng ta bước đi trong con đường của Sự thật, của Thần Khí, và Thần Khí này sẽ luôn hướng chúng ta đến sự công chính, thái bình và yêu thương.
3. Bài Tin Mừng
Bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu đặt chúng ta vào trong bối cảnh phải canh thức trước Thánh ý của Chúa và mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng cho ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa anh em đến”.
Đức Giêsu đã giải thích rằng vào thời ông Noê, người ta ăn uống, cưới vợ, gả chồng mà không lưu tâm đến những dấu chỉ của thời đại, cũng không thật sự mở lòng để nhận biết và thực thi thánh ý của Thiên Chúa: “Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Chính vì thế Đức Giêsu mới cảnh báo chúng ta: “hãy canh thức”, nghĩa là chúng ta không được mê ngủ, nhưng tỉnh thức và luôn hướng lòng về đường lối chính trực, biết tìm kiếm những gì là tốt đẹp cho chúng ta, và cũng là những điều tốt đẹp cho những người khác.
Thái độ canh thức ở đây không có nghĩa là mở to con mắt thể lý, nhưng luôn có một tinh thần biết hướng về những điều đáng quan tâm, đặc biệt là tìm cách làm thăng tiến những giá trị hòa bình và an vui trong thế giới này. Ai canh thức theo cách thức này sẽ không bị bất ngờ khi Đức Giêsu quay trở lại. Điều này thật ra luôn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không để ý, chúng ta thường để ơn thánh trôi qua cách vô ích.
Đức Giêsu còn trở lại với chúng ta trong giây phút lâm chung. Vì thế, nếu chúng ta không canh thức, chúng ta cũng sẽ lâm vào cảnh bất ngờ với những hệ quả tiêu cực.
Mùa vọng là thời khắc khát khao chờ đợi Đức Giêsu. Nếu chúng ta yêu mến Ngài, chúng ta hãy chờ đợi với tâm tình sống động. Còn nếu chúng ta chỉ yêu bản thân và chỉ lo cho bản thân mình, chúng ta sẽ đi theo một con đường đối nghịch, và như thế cuộc sống của chúng ta không những không sinh hoa kết trái, mà còn nguy hại cho chúng ta và cho cả người khác.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. “Ngài sẽ dạy chúng ta biết lối của Ngài và chúng ta sẽ đi theo ý định của Ngài”. Mùa vọng nhắc nhở về lời hứa của Thiên Chúa và sự trở lại trong vinh quang của Đức Giêsu trong ngày sau hết.Vậy một khi tôi ý thức và xác tín điều này, tôi phải sửa soạn lại cuộc sống của tôi như thế nào để đón đợi Ngài đến? Tôi có dũng cảm bỏ lại sau lưng những lối sống không phù hợp và những con đường riêng tư để mặc lấy Đức Giêsu Kitô và bước đi trên con đường Ngài chỉ vẽ không?
2. “Hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” và “hãy “cầm lấy khí giới của sự sáng”. Nhìn lại cuộc sống của tôi và quanh tôi, đâu là những khí cụ, đâu là những phương thế để có thể giúp tôi và đưa tôi đến cung đường mang đầy ánh sáng của Chúa?
3. “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ Con Người sẽ đến”. Chúa đến trong đời, Chúa đến với tôi và thăm viếng tôi qua nhiều cách thức, trong nhiều bối cảnh và giây phút khác nhau. Liệu tôi có nhận ra và sẵn sàng mở lòng đón đợi trước những lần Ngài ghé thăm tôi qua ơn thánh của Ngài không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Bước vào một chu kỳ phụng vụ mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Đó chính là tâm tình để sống Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh và hướng về ngày Chúa quang lâm. Với tâm tình hân hoan chào đón Chúa, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Hội Thánh có sứ mạng mời gọi mọi người “bước đi trong ánh sáng của Chúa.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực sống và làm chứng cho Tin Mừng, giúp con người thời đại tin nhận Đức Giêsu Kitô là ánh sáng thế gian.
2. Thiên Chúa sẽ quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người đang hoang mang lạc hướng vì thiếu niềm tin trong cuộc sống, được ơn nhận biết chỉ có Thiên Chúa mới đem lại ý nghĩa cho đời người.
3. Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu hãy từ bỏ những hành vi đen tối và mang lấy khí giới sự sáng. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết hướng về ngày Chúa quang lâm bằng một thái độ tích cực: tránh xa tội lỗi và canh tân đời sống theo tinh thần Phúc Âm.
4. Chúa Giêsu nói: “Hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống tinh thần tỉnh thức, bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, và tích cực làm việc lành.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ý nguyện của cộng đoàn chúng con, và ban ơn Thánh Thần giúp chúng con luôn vững lòng tin cậy nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.