LỄ CHÚA BA NGÔI
(Xh34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18)
KHÔNG CHỈ LÀ MỘT
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Mỗi khi chúng ta suy niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường hay nghĩ về khía cạnh mầu nhiệm nhiều hơn: một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Thế nhưng phụng vụ Lời Chúa hôm nay lại hướng chúng ta đặt trọng tâm vào khía cạnh tình yêu, được biểu lộ từ mầu nhiệm Ba Ngôi đó: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.
Vì thế, lễ mà hôm nay chúng ta cử hành có thể gọi là lễ Thiên Chúa – Tình yêu. Lễ này chắc chắn làm cho chúng ta - những con người tội lỗi - tràn đầy niềm vui và hy vọng, bởi đã trình bày cho chúng ta một viễn cảnh rất tích cực về Thiên Chúa. Người được xem không như một pho tượng nguyên khối cô độc, nhưng là sự hợp nhất của Ba Ngôi trong tình yêu. Ba Ngôi này thấm đẫm tình yêu thương đối với mọi loài thọ tạo, và nhất là với con người chúng ta.
1. Bài đọc 1 (Xh 34,4b-6.8-9)
Bài đọc 1, trích từ sách Xuất hành, có thể làm chúng ta ngạc nhiên, bởi vì mạc khải về tình yêu Thiên Chúa diễn ra ngay sau khi dân phạm một tội nặng nề: họ đã bất trung với Thiên Chúa mà đúc bò vàng để thờ lạy.
Vậy mà, nhờ sự chuyển cầu của Môsê, Thiên Chúa đã tha thứ cho họ, và Người còn mạc khải bản tính nhân hậu và yêu thương của Người: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).
Định nghĩa mà Thiên Chúa đưa ra về mình diễn tả tình yêu nhân hậu của Người: một tình yêu vượt thắng tội lỗi. Không thể có được một mạc khải nào đẹp hơn mạc khải này. Chúng ta có một Thiên Chúa từ bỏ trừng phạt và hủy diệt kẻ tội lỗi, thay vào đó, Người muốn bày tỏ sự yêu thương của Người cho thế giới này ở cách thế thâm sâu hơn và đầy kinh ngạc trước dịp tội của con người.
2. Bài đọc 2 (2Cr 13,11-13)
Ở bài đọc 2, một cách cụ thể đối với các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô bày tỏ mong muốn về một cộng đoàn Kitô hữu với những giá trị Tin Mừng cơ bản như vui mừng, hoàn thiện, đồng tâm, nhất trí, ăn ở thuận hòa, và xem đó như là một sự biểu lộ sự hiện diện và ngự trị của Thiên Chúa nơi giữa họ, bởi chính Người là nguồn mạch tình yêu và mọi giá trị khác.
Thánh Tông đồ kết thúc lá thư gởi cho các tín hữu Côrintô với lời chào trong Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Lời chào này của thánh Phaolô được lấy lại trong phụng vụ thánh lễ ngay nghi thức mở đầu, trong đó, cụm từ “tình yêu của Chúa” được làm rõ hơn bởi “tình yêu của Chúa Cha” để làm nổi bật hơn chiều kích Ba Ngôi nơi công thức này.
Ba hạn từ được nối kết với Ba Ngôi đều diễn tả một tình yêu: Chúa Cha là nguồn mạch tình yêu. Chúa Con - ân sủng - diễn tả tình yêu quảng đại. Việc trao ban một điều gì đó như là ân sủng nghĩa là trao ban cách nhưng không. Ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần diễn tả sự hiệp thông trong tình yêu. Chính Thánh Thần nối kết tất cả chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa.
3. Bài Tin Mừng (Ga 3,16-18)
Bài Tin Mừng hôm nay, được trích ra từ cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô, đã cho chúng ta một mạc khải đầy đủ hơn về tình yêu của Thiên Chúa.
Thế gian vẫn luôn được xem là “thế gian” và con người là những tội nhân. Và Thiên Chúa có thể can thiệp bằng việc xét xử của Người, nghĩa là hủy diệt sự ác và đánh phạt kẻ có tội. Thế mà Người vẫn yêu thế gian dẫu với tội lỗi của con người, và Người đã trao ban cho chúng ta cái quý giá nhất của Người là chính Đức Giêsu Kitô, Con Một Người.
Đáp lại tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con đã vâng lời đến trong thế gian và sống với chúng ta, để rồi cuối cùng Người hiến dâng mạng sống mình cho thế gian. Và như thế Người đã biểu lộ trọn vẹn bản tính Thiên Chúa là tình yêu, để rồi ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được giải thoát khỏi tội lỗi và hưởng một đời sống mới trong tình hiệp thông trọn vẹn với Người. Thực ra, cuộc sống đời đời chính là việc tham dự vào tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trên trời.
Ba Ngôi là tình yêu, và tình yêu ở đây không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng chính là tương quan. Chúa Cha là Cha trong tương quan với Con của Người, cũng như Chúa Con là Con trong tương quan với Cha; mối tương quan này được kết nối trong một Ngôi vị, đó là Chúa Thánh Thần. Mối tương quan này sung mãn đến độ mở rộng ra cho chúng ta, để rồi từ đây, nhờ Chúa Con, chúng ta cũng bước vào trong chính mối tương quan hiệp thông này, và mọi người có thể gọi Chúa là Abba - là Cha, là Bố, là Ba - và chúng ta là con cái Người.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Như dân Do Thái năm xưa, ngay chính lúc phạm tội, lại là lúc Thiên Chúa biểu lộ mạnh mẽ tình yêu và lòng thương xót của Người. Tôi có cảm nghiệm được điều đó trong chính cuộc đời của tôi? Tôi đã từng bỏ cuộc và xa lánh Chúa trong những vấp ngã của đời mình hay tôi sẵn sàng mở lòng chạy đến với Chúa là Cha để tìm kiếm nguồn tình yêu và trợ lực cho đời mình?
2. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ các tín hữu của cộng đoàn Côrintô luôn hiệp lực, hiệp nhất và hiệp thông. Là một thành viên trong một cộng đoàn dân Chúa, tôi có bị đánh động trước lời mời gọi này và thao thức về một cộng đoàn phản ánh những giá trị Tin Mừng và của Ba Ngôi Thiên Chúa?
3. Nhờ Đức Giêsu Kitô, con người được bước vào mối tương quan thân mật với Thiên Chúa, tương quan trong tình yêu. Vậy đâu là mối tương quan mà tôi có với Chúa trong thói quen sống đạo mỗi ngày: tương quan Chúa-tôi hay tương quan Cha-con?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho chúng ta. Qua Đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm Thiên Chúa đã được mạc khải cách trọn vẹn cho con người. Với niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa cứu độ, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và cầu nguyện:
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng cho sự hiệp thông trong Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục, các linh mục và mọi thành phần dân Chúa luôn hợp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một sứ vụ làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
2. Ai tin vào Con Một của Thiên Chúa thì sẽ được sống muôn đời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới biết tôn trọng niềm tin Kitô giáo của người dân, và luôn mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng bằng những chính sách phù hợp với tinh thần Tin Mừng.
3. Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương và bình an. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị kỳ thị và bách hại vì đức tin tại nhiều nơi trên thế giới được thêm can đảm và bình an giữa những gian nan đau khổ, nhờ luôn tin tưởng phó thác đời mình cho quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.
4. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở hòa thuận.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết trở nên dấu chỉ của sự hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi qua những cử chỉ yêu thương chân thành và bằng một đời sống dấn thân cho công bình bác ái.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương chúc lành cho những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con, và ban ơn giúp sức để chúng con luôn can đảm làm chứng cho tình thương cứu độ của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.