21/05 – Thứ hai tuần 7 TN. Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.

Thứ hai - 14/05/2018 05:39  1244
WHĐ (25.03.2018) – Ngày 03/03/2018, Toà thánh đã công bố Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích – ký ngày 11 tháng 2 năm 2018, ngày kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức– về việc cử hành trong lịch chung Rôma lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh.
Sau đây là toàn văn Sắc lệnh, cùng bản văn phụng vụ với các bài đọc, và bài đọc II Giờ Kinh Sách của lễ này; bản dịch tiếng Việt của Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
***
SẮC LỆNH
về việc cử hành trong lịch chung Rôma
lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh
 
Trong Hội Thánh hiện nay, việc hân hoan dâng lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, dưới ánh sáng của những suy tư về mầu nhiệm Chúa Kitô và về bản tính của chính Hội Thánh, luôn phải nhắc đến hình ảnh của một người nữ (x. Gl 4,4):  Đức Trinh nữ Maria, Đấng vừa là Mẹ của Chúa Kitô vừa là Mẹ của Hội Thánh.
Điều này đã được khơi lên trong suy tư của Hội Thánh từ những gợi ý của thánh Augustinô và thánh Lêô Cả. Theo thánh Augustinô, Đức Maria là mẹ của các chi thể Chúa Kitô, vì Mẹ đã yêu thương cộng tác vào việc tái sinh các tín hữu trong Hội Thánh; theo thánh Lêô, khi Đầu được sinh ra thì toàn thân thể cũng được sinh ra, vì thế Đức Maria vừa là mẹ của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, vừa là mẹ của các chi thể trong nhiệm thể Người chính là Hội Thánh. Đây là những khẳng định liên quan đến tư cách Thánh Mẫu của Đức Maria và sự kết hợp mật thiết của Mẹ với công trình của Đấng Cứu thế, đạt đến cao điểm trong giờ hy tế thập giá.
Bên chân thập giá (x. Ga 19,25), Mẹ đã đón nhận lời trối đầy yêu thương của Chúa Giêsu Con Mẹ, và nơi người môn đệ được Chúa sủng ái, Mẹ đã tiếp nhận mọi người như những người con phải được tái sinh vào đời sống thần linh, và như thế, Mẹ đã trở nên người mẹ từ ái của Hội Thánh đã được tác sinh trên Thánh giá khi Chúa Kitô trao ban Thần Khí. Trong khi đó, cũng nơi người môn đệ yêu dấu, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ thay mặt Người thể hiện tình yêu thương đối với Đức Maria, Người trao gửi để họ đón nhận Mẹ trong tâm tình thảo hiếu kính yêu.
Như một người hướng dẫn tận tâm của Hội Thánh vừa được thiết lập, Đức Maria bắt đầu sứ mạng làm mẹ khi hiện diện với các Tông đồ nơi phòng Tiệc ly, cùng cầu nguyện đợi chờ Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Trong tâm tình đó, suốt bao thế kỷ, nền đạo đức Kitô giáo đã tôn vinh Đức Maria với những tước hiệu khác nhau, mang ý nghĩa tương tự nhau, chẳng hạn Mẹ các môn đệ, Mẹ các giáo hữu, Mẹ các tín hữu, Mẹ của tất cả những kẻ được tái sinh trong Chúa Kitô, và “Mẹ của Hội Thánh”, tước hiệu này đã xuất hiện trong những tác phẩm của các tác giả tu đức cũng như trong các văn kiện Huấn quyền của Đức Bênêđictô XIV và Lêô XIII.
Vào ngày 21 tháng 9 năm 1964, khi bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II, Đức chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã dựa vào những yếu tố nói trên như cơ sở nền tảng để công bố Đức Trinh Nữ Maria là “Mẹ của Hội Thánh, nghĩa là Mẹ của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Mẹ là Mẹ vô cùng nhân ái”, và Đức Giáo hoàng xác lập việc “toàn thể đoàn dân Kitô giáo từ nay phải luôn gia tăng lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa dưới tước hiệu vô cùng dịu ngọt ấy”.
Trong Năm Thánh Hòa giải 1975, Tòa Thánh đã biên soạn và đưa vào Sách Lễ Rôma bản văn lễ ngoại lịch kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh; tước hiệu này cũng được thêm vào Kinh cầu Đức Mẹ (1980), một số bản văn khác cũng được phổ biến trong tập sách các lễ kính Đức Trinh Nữ Maria (1986). Theo ý thỉnh nguyện, lễ này đã được phép ghi vào lịch riêng của một số quốc gia, giáo phận và hội dòng.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, sau khi thận trọng cân nhắc hiệu quả của việc sùng kính này có thể giúp nâng cao cảm thức làm mẹ của Hội Thánh, đồng thời cũng gia tăng lòng tôn kính Đức Mẹ nơi các mục tử, tu sĩ và các tín hữu, đã quyết định đưa vào lịch chung của Hội Thánh Rôma, lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, được cử hành hằng năm vào ngày thứ Hai sau lễ Hiện xuống.
Việc cử hành lễ này sẽ giúp chúng ta nhớ rằng, sự tăng trưởng của đời sống Kitô hữu phải luôn gắn kết với mầu nhiệm Thánh Giá, với hy tế của Chúa Kitô nơi bàn tiệc Thánh Thể cũng như với tâm tình hiến dâng của Đức Trinh Nữ, Mẹ của Đấng Cứu thế và của những người được cứu chuộc.
Lễ nhớ này phải được ghi trong lịch và sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ và Phụng vụ Giờ kinh. Bản văn phụng vụ liên quan được phổ biến cùng với sắc lệnh này, và các bản dịch sẽ được công bố sau khi đã được các Hội Đồng Giám Mục phê duyệt và Bộ Phụng Tự chuẩn nhận.
Tại những nơi đã được phép đặc biệt để cử hành lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, vào một ngày khác và với bậc lễ cao hơn, vẫn có thể tiếp tục cử hành như thế.
Bất chấp mọi điều trái nghịch.
Ban hành từ trụ sở Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích, ngày 11 tháng 2 năm 2018, ngày kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức.
 
Hồng y Robert Sarah
Tổng trưởng
Tổng Giám mục Arthur Roche
Thư ký
 
***
 
Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống
Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh
Lễ nhớ
 
Ca nhập lễ                                                                                        x. Cv 1, 14
Các môn đệ đồng tâm kiên trì cầu nguyện
cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là Cha hay thương xót,
khi chịu treo trên thập giá,
Con Một Chúa đã trao ban Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Người,
làm Mẹ chúng con,
nhờ có Đức Mẹ yêu thương trợ giúp,
xin cho Hội Thánh Chúa đang ngày càng thêm đông số,
được mừng vui vì sự thánh thiện của con cái,
và dẫn đưa tất cả muôn dân nhập đoàn cùng Hội Thánh Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thương chấp nhận và biến đổi của lễ chúng con dâng
thành bí tích cứu độ,
xin cho lòng chúng con cũng cháy bừng lửa yêu mến
như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh,
và ước chi sức mạnh của bí tích này
thúc đẩy chúng con cộng tác mật thiết hơn vào công trình cứu chuộc.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Kinh Tiền tụng: Đức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh.
X. Chúa ở cùng anh chị em.
Đ. Và ở cùng cha.
X. Hãy nâng tâm hồn lên.
Đ. Chúng con đang hướng về Chúa.
X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Đ. Thật là chính đáng.
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc,
thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Mỗi khi kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria,
chúng con dâng lời ngợi khen tung hô Chúa.
Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng,
Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh,
và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh,
Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh.
Khi đứng bên thập giá,
Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa,
và đã nhận tất cả mọi người làm con,
những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên
nhờ cái chết của Đức Kitô.
Khi cùng các Tông đồ trông đợi Đấng Chúa hứa ban,
Mẹ đã hợp với các ngài tha thiết khẩn cầu,
và nên mẫu gương cho một Hội Thánh không ngừng cầu nguyện.
Khi được đưa lên cõi vinh quang thiên quốc,
Mẹ vẫn lấy lòng từ mẫu dõi theo Hội Thánh đang còn lữ hành,
và ân cần phù trợ Hội Thánh trên đường về quê trời,
cho tới ngày Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các Thánh,
chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:
Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, …
Ca hiệp lễ                                                                                    x. Ga 2, 1. 11
Có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa, và có mẹ Chúa Giêsu ở đó;
bấy giờ Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên
và đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin Người.
Hoặc                                                                                         x. Ga 19, 26-27
Lúc bị treo trên thập giá,
Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa,
chúng con vừa lãnh nhận bảo chứng ơn cứu chuộc và sự sống,
xin cho Hội Thánh Chúa,
nhờ sự trợ giúp của Thánh mẫu Maria,
luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc
và làm cho địa cầu được đầy tràn Chúa Thánh Thần.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Bài đọc I                                                                      St 3,9-15.20
                                                            “Mẹ của toàn thể chúng sinh”
Bài trích sách Sáng thế
Sau khi Ađam ăn trái cấm,
9  Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông
và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?”
10 Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi,
vì con trần truồng và con ẩn núp”.
11 Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng?
Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?”
12 Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con,
chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”.
13 Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng:
“Tại sao ngươi làm điều đó?”
Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”.
14 Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó,
mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang!
Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi.
15 Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ,
giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà,
người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”.
20 Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.
Đó là Lời Chúa.
Hoặc:
Cv 1,12-14
“Các Tông đồ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu”
Bài trích sách Công vụ Tông đồ
12 Sau khi Chúa Giêsu lên trời,
các Tông đồ rời núi Cây Dầu trở về Giêrusalem,
núi này ở gần Giêrusalem,
chỉ cách một quãng đường được đi trong ngày sabbat.
13 Sau khi trở về thành, các ông lên phòng trên lầu.
Hiện diện tại đây có các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê,
Philipphê, Tôma, Bartôlômêô, Matthêu, Giacôbê con ông Alphê,
Simon nhiệt thành, và Giuđa con ông Giacôbê.
14 Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện,
cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu,
và các anh em Người.
Đó là Lời Chúa.
 
Thánh vịnh đáp ca                                  Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7
Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa,
mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.
 
1 Nền móng Sion được đặt trên núi thánh,
2 Chúa yêu chuộng cửa thành
   hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob.
3 Hỡi thành đô của Thiên Chúa.
   Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành. – Đ.
  
5 Nói đến Sion, thiên hạ bảo:
   “Tại đó, người người đã sinh ra,
   chính Đấng Tối Cao củng cố thành”. – Đ.
  
6 Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân:
   “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”,
7 và họ múa nhảy hát ca:
   “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”. – Đ.
 
Alleluia Kính chào Đức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu.
Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Đấng giữ gìn trong chúng con
Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô
 
Tin Mừng                                                                   Ga 19, 25-27
                                                           Này là Con Bà. Này là Mẹ con.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan
Khi ấy,
25 đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người,
cùng với chị mẹ Người là bà Maria, vợ ông Clêôpas
và Maria Mađalêna.
26 Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu,
Chúa Giêsu nói với mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”.
27 Rồi Người nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”.
Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình.
Đó là Lời Chúa.

Bài đọc II Giờ Kinh Sách
Trích diễn từ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI
ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II – 21.11.1964
Để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria và để chúng ta được hưởng nhờ ơn cứu giúp, sau khi cẩn thận luận xét các lý chứng liên hệ đến mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh, Chúng tôi tuyên nhận Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh, nghĩa là của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Đức Maria là Mẹ vô cùng nhân ái; và Chúng tôi xác lập rằng từ nay toàn thể đoàn dân Kitô giáo phải luôn gia tăng lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa và kêu cầu Mẹ dưới tước hiệu vô cùng dịu ngọt ấy.
Thưa chư huynh đáng kính, tước hiệu này không hề xa lạ đối với lòng đạo đức của các Kitô hữu; trái lại các tín hữu và toàn thể Hội Thánh vẫn luôn gọi Đức Maria là Mẹ. Danh hiệu này quả thật đã gắn liền với ý nghĩa đích thực của lòng sùng kính dành cho Đức Maria, dựa trên chính phẩm giá Mẹ đã nhận được trong tư cách là Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Thiên chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô và hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện, cũng chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh; vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Kitô, Đấng đã nhận lấy bản tính nhân loại trong cung lòng khiết trinh của Mẹ, Đấng là Đầu của Nhiệm thể là Hội Thánh. Vì thế Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Hội Thánh.
Đó là lý do tại sao chúng ta, dù bất xứng, dù yếu hèn, nhưng vẫn luôn ngước nhìn lên Mẹ với đôi mắt bừng sáng niềm tin tưởng và lòng yêu mến của những người con. Nếu xưa Mẹ đã trao cho chúng ta Đức Giêsu là nguồn mạch ân sủng bởi trời, thì nay Mẹ không thể không dành tấm lòng hiền mẫu của Mẹ cho Hội Thánh, đặc biệt trong thời điểm này, khi Hiền Thê của Chúa Kitô đang gia tăng nỗ lực để chu toàn sứ mạng thông ban ơn cứu độ.
Để tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố niềm tin này, Chúng tôi muốn trình bày những tương quan mật thiết giữa người Mẹ trên trời của chúng ta và nhân loại. Dù được Thiên Chúa ban tràn đầy ân huệ cao trọng để xứng đáng là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria vẫn luôn thân cận với chúng ta. Như chúng ta, Mẹ là con cháu Evà, có chung bản tính nhân loại nên cũng là người Chị của chúng ta; được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ do hưởng trước công phúc cứu chuộc của Chúa Kitô, nhưng Mẹ đã lãnh nhận các ân huệ thần linh với đức tin trọn hảo, đến độ Mẹ đáng nhận được lời ngợi khen trong Tin Mừng: “Phúc cho bà là kẻ đã tin”.
Trong cuộc sống trần thế, Mẹ đã thể hiện hình ảnh hoàn hảo của người môn đệ Chúa Kitô, nên mẫu gương của mọi nhân đức,và nếp sống của Mẹ phản ánh trọn vẹn các mối phúc thật được Chúa Giêsu Kitô rao giảng. Bởi đó, trong đời sống đa dạng và sinh hoạt đầy năng động của mình, toàn thể Hội Thánh phải noi theo mẫu gương của Đức Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa, người đã trọn vẹn sống theo gương mẫu Chúa Kitô.
 
Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
 
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
 
Bài 44. ĐỨC MARIA – MẸ HỘI THÁNH
 
Đức Maria là hình ảnh tóm tắt về Hội thánh. Trong đức tin, bất cứ ai mong ước được đưa đến gần mầu nhiệm Hội thánh sẽ nhìn vào Đức Maria. Công đồng và Sách Giáo lý khi trình bày về Hội thánh đều dành một chương trình bày Đức Trinh nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa – trong mầu nhiệm Đức Kitô và trong mầu nhiệm Hội thánh (số 963-975).
 
“Những gì đức tin Công giáo tin về Mẹ Maria, đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô, nhưng những gì đức tin dạy về Mẹ Maria, lại là, sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô” (số 487). Đức Maria là ai để Hội thánh đi theo trong sự hiệp thông của Mẹ với Đức Kitô. Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, do đó, Mẹ được kết hợp với tất cả những ai là “thành viên của Thân Mình Đức Kitô”.
 
Đức Maria là “sự thực hiện mẫu mực” của Hội thánh (số 967) được khởi sự qua đức tin của Mẹ. Trong một nghĩa nhất định, chính qua lời xin vâng của Mẹ mà Hội thánh bắt đầu. Đức Maria là gương mẫu cho đời sống đức tin và đức mến của Hội thánh. Đức tin kiên vững của Mẹ là nền móng trên đó đức tin của chúng ta tựa vào. “Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc” (số 148).
 
Đức Maria là “mẫu gương hiện thực” của Hội thánh đi theo Đức Kitô, bởi vì Mẹ đã đi trước trong cuộc hành trình đức tin của Mẹ trên con đường dẫn đến thánh giá. Mẹ đau khổ với Con Mẹ và chính Mẹ cũng tham dự vào hy tế với Con mình. Mẹ đã xin vâng trọn vẹn xác hồn khi Con Mẹ trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Dưới chân thánh giá, Mẹ trở thành Mẹ Hội thánh khi Đức Kitô trên thánh giá trao Mẹ cho môn đệ Người yêu mến: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,27).
 
Đức Maria cũng là “điển hình” của Hội thánh qua việc hồn xác Mẹ được đưa vào trong vinh quang trời cao của Con Mẹ. Đức Maria là thành viên đầu tiên của Hội thánh đã đạt được sự hoàn hảo trọn vẹn. Trong Mẹ, Hội thánh đã đạt đến mục tiêu qua cuộc hành trình của Mẹ. Do đó, trong sự duy nhất, Mẹ cũng cộng tác trong công việc của Đức Kitô Phục Sinh – Con Mẹ. “Vì lý do đó, Mẹ là Mẹ chúng ta trong lãnh vực ân sủng” (số 968). “Chính Ngài là Mẹ ở bất cứ nơi nào Con của Mẹ là Đấng Cứu Độ, và là Đầu của Nhiệm Thể” (số 973).
 
Đức Maria là Mẹ và Hội thánh cũng được gọi là Mẹ; cũng như Mẹ Maria được kêu cầu như Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian (số 969), vì thế những tước hiệu này cũng được dùng cho Hội thánh. Cũng trong khía cạnh này, Mẹ Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh. Sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng hoạt động của Mẹ Maria xa rời Đức Kitô: “Nhiệm vụ làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người ... không hề làm lu mờ hay suy giảm sự trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng tỏ cho thấy uy lực của sự trung gian ấy” (số 970). Như người Mẹ, mọi điều Mẹ Maria làm cho nhân loại đến từ Đức Kitô và dẫn nhân loại đến với Người. Cùng một cách hiểu như thế về vai trò làm Mẹ của Hội thánh, đó là “bí tích của ơn cứu độ” cho nhân loại (số 776). Chắc chắn có một sự khác biệt giữa Mẹ Maria và Hội thánh đang trên hành trình: “Trong khi Hội Thánh đã đạt tới sự trọn hảo không tì ố, không vết nhăn, nơi Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng, để chiến thắng tội lỗi mà tiến tới trong sự thánh thiện; vì vậy, họ ngước mắt nhìn lên Mẹ: nơi Đức Mẹ, Hội thánh đã hoàn toàn thánh thiện” (số 829).
 
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: hdgmvietnam.org

21/05 – Thứ hai tuần 7 TN. Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.

BÀI ÐỌC I: Gc 3, 13-18

"Nếu anh em có lòng thích cãi vã, thì đừng lên mặt".

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ai là kẻ khôn ngoan và từng trải trong anh em? Người ấy hãy lấy đời sống tốt lành mà bày tỏ công việc của mình thấm nhuần sự hiền từ khôn ngoan. Còn nếu anh em có lòng ganh tị chua cay và thích cãi vã, anh em đừng lên mặt và nói dối nghịch cùng sự thật. Vì thứ khôn ngoan đó không phải từ trời xuống, mà là thứ khôn ngoan phàm trần, mang nặng thú tính và là của ma quỷ. Bởi chưng ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Ðá Tảng, là Ðấng Cứu chuộc con.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

All. All. - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - All.

PHÚC ÂM: Mc 9, 13-28

"Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông. Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: "Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?" Một người trong đám đông trả lời rằng: "Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực". Người đáp lại: "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta". Và người ta đem nó đến. Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: "Nó bị như thế từ bao giờ?" Ông ta đáp: "Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi". Chúa Giêsu nói với ông: "Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được". Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: "Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi". Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: "Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa". Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: "Nó chết rồi". Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên. Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?" Người đáp: "Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay".

Đó là lời Chúa.

 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập230
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm216
  • Hôm nay36,981
  • Tháng hiện tại278,036
  • Tổng lượt truy cập53,263,071

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây