Lễ Chúa Biến Hình
a.- Nguồn gốc và sự phát triển của ngày lễ
Lễ Chúa Biến Hình được cử hành nhằm tưởng nhớ về việc cung hiến các thánh đường trên núi Thabor. Người ta chỉ biết rằng, lễ này đã được đón nhận từ cuối thể kỷ Ve hoặc đầu thế kỷ thứ VIe bởi Giáo hội Nestorienne và vào thế kỷ thứ VIIe bởi những người Syrie sống ở Tây phương.[1] Nó được cử hành trước lễ Suy tôn Thánh Giá, và vì thế nó lệ thuộc vào ngày lễ này được ấn định ngày lễ.
Theo truyền thống, biến cố biến hình của Chúa Giêsu diễn ra 40 ngày trước khi chịu khổ nạn thập giá. Vì thế, lễ này được ấn định cử hành vào ngày mồng 6 tháng 8, bốn mươi ngày trước lễ Suy tôn Thánh Giá (14 tháng 9).[2] Giáo hội byzantin ghi nhận sự liên hệ giữa hai ngày lễ này khi cùng hát bài về sự Biến Đổi catavasia của cây Thập giá.[3]
Lễ Chúa Biến Hình xuất hiện ở Tây phương vào giữa thế kỷ thứ IXe, ở vùng Naples và trong các quốc gia thuộc vùng lãnh trị của Đức và ở Tây Ban Nha. Lễ này được cử hành ở Pháp vào thế kỷ thứ Xe. Đến thế kỷ XIe và XIIe, lễ này đã lan rộng trong nhiều vùng ở Tây phương và tạo nên những ảnh hưởng lớn về đời sống đạo đức. Lễ này được cử hành trong Vương Cung Thánh Đường Vatican. Phêrô le Vérérable đã thực hiện một cuộc tuyên truyền lễ này với tất cả nhiệt tâm đạo đức và đã soạn thảo một kinh phụng vụ cho ngày lễ. Tiếp đến đan viện Cluny đã giúp cho lễ này được lan truyền cách bao quát[4]trong khi đợi cho lễ này được ghi vào trong Lịch phụng vụ Roma bởi Đức Giáo Hoàng Caliste III, năm 1457, để nghi nhớ và tạ ơn về chiến thắng những người Thổ Nhĩ Kỳ gần Belgrade, ngày 6 tháng 8 năm 1456, bởi Gioan Hunyade và thánh Gioan de Capistran.
b.- Việc cử hành ngày lễ
Ở Đông phương, Lễ Chúa Biến Hình được cử hành theo một cách thức thuộc vào những lễ quan trọng đặc biệt của năm phụng vụ. Tự bản chất, lễ này diễn tả tất cả thần học về sự chia tách thiên tính của con người, nhờ ánh sáng của Đức Kitô: “Trong ngày này, trên núi Thabor, Đức Kitô biển đổi bản chất bị che mờ của Adam bằng ánh sáng của Người bao quanh, Người đã chia tách ánh sáng và bóng tối”,[5] “Đức Kitô Thiên Chúa, bạn của con người, chiếu sáng trên chúng ta ánh sáng vinh quang của Người không bao giờ tắt”.[6]
Ở Tây phương, mặc dù lễ này được cử hành theo cách ít trọng thể hơn so với nghi thức phụng vụ Đông phương, nhưng phụng vụ theo nghi thức Roma đã đón nhận sự ảnh hưởng của Giáo hội Đông phương trong phần Kinh phụng vụ giờ Kinh Sách. Trong giờ Kinh Sách, phụng vụ theo nghi thức Roma đã đọc bài giảng của Anastase le Sinaïre: “Cùng với Đức Kitô chúng ta sẽ được đổi mới và được thần hóa trong những thành phần của tâm hồn chúng ta”. Trong Thánh lễ, chúng ta đọc, bản văn về sự Biển Hình của Đức Giêsu theo một trong các bản văn Nhất Lãm, đó là thị kiến của Đaniel, mà tác giả Tin mừng chắc hẳn đã có trong trí nhớ cũng như bản văn trong thư được cung cấp của thánh Phêrô (thư thứ 2).
Chúng ta tìm thấy trong bản văn này tính chất quan trọng của chứng tá Phêrô về cuộc Biến Hình của Chúa trong đức tin của thế hệ kitô giáo đầu tiên.
[1] Xem E. Mercenier, La prière des Eglises de rite byzantin, tome II/1, Chevetogne, 1953, tr. 380.
[2] J. Van Goudoever, Fêtes et calendriers bibliques, op.cit, tr. 276-277.
[3] E. Mercenier, op.cit., tr. 382 ss.
[4] Pierre Jounel, Le culte des saints dans les basiliques du Latran et du Vatican au XIIesiècle, Rome, 1977, tr. 268-269. Chúng ta tìm thấy bản văn kinh nguyện được soạn bởi Pierre le Vénérable trong bản monographie của Jean Leclercq, op.cit., tr. 383-390.
[5] E. Mercenier, op.cit, p. 383.
[6] Ibid., p. 383.
Lm. Joseph Nguyễn Văn Hiển, OP. Catechesis.net
Ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung.
BÀI ĐỌC I: Đn 7, 9-10. 13-14
"Áo Người trắng như tuyết".
Trích sách Tiên tri Đaniel.
Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 5-6. 9
Đáp: Chúa hiển trị, Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu.
2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.
3) Lạy Chúa, vì Ngài là Đấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể.
BÀI ĐỌC II: 2 Pr 1, 16-19
"Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống".
Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: "Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 17, 5c
Alleluia, alleluia! - Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. - Alleluia.
PHÚC ÂM NĂM B: Mc 9, 1-9 (Hl 2-10)
"Đây là Con Ta yêu dấu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Đó là lời Chúa.