Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật XXXIII Thường Niên - Các Thánh tử vì đạo Nước Việt Nam
Kính thưa ACE, tại sao Chúa Nhật hôm nay chúng ta lại được mừng kính các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam cách trọng thể như vậy? Các Ngài là ai? Điểm son nổi bật nhất của các Ngài là gì? Là con cháu của các Thánh tử vì đạo, tin chắc rằng ai trong chúng ta cũng được vinh dự, tự hào về tổ tiên ông bà của mình. Nhưng, nếu chúng ta được hỏi hay phải minh chứng về các Thánh tử vì đạo, đặc biệt cho những lương dân; chúng ta có mạnh dạn, tự tin để trả lời cho họ hay không? Quan trọng hơn hết, chúng ta có đang sống đúng với căn tính là con cháu của các Ngài, có làm chứng và nêu cao những sứ điệp, gương mẫu hào hùng của các Ngài cho mọi người hay không? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra như vậy, để giúp cho mỗi người chúng ta có cơ hội cùng lắng đọng-suy tư và nhất là hãy để cho Lời Chúa hôm nay soi sáng, hướng dẫn hầu chúng ta có thể biết rõ hơn về các Thánh tử đạo, đồng thời qua mẫu gương và lời chuyển cầu của các Ngài giúp chúng ta sống chứng tá đức tin như các Ngài đã sống.
ACE rất thân mến, khi đối diện với những đau khổ và nhất là với cái chết, không ai mà không nao núng, lo sợ, thế nhưng, với các Thánh tử đạo, các Ngài đã đón nhận với lòng tin kiên vững và tâm hồn tri ân cảm tạ. Tin mừng hôm nay (Mt 10, 17-22) Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời về cách sống chứng tá của các Thánh tử đạo. “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”. Thật vậy, tất cả các Thánh đã vì danh Chúa, vì Tin mừng, vì sống chứng tá cho niềm tin của mình mà được vinh phúc tử vì đạo, được phúc lãnh nhận ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa đã hứa ban nên các Ngài mới có sức mạnh để đón nhận đau khổ và cái chết cách bình an và hân hoan như vậy… Chứng tá mà Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng, Trùm họ Sáo Bùn đã để lại. Khi bị bắt giam, bị tù đày, Ngài đã khuyên nhủ các con: “Dù sự gì xảy đến hay cha phải tử hình, đó là điều cha hằng mong ước, được tử đạo đổ máu ra vì Chúa Giêsu Kitô. Chúng con hãy cầu nguyện cho cha, hãy yêu mến nhau. Dù gặp sự dữ thế nào chúng con đừng yếu lòng chối Chúa”.
Thánh Phêrô hơn bất cứ ai khác, Ngài đã sống và cảm nghiệm điều mà Ngài tin nhận, nên Ngài đã nâng đỡ khích lệ các tín hữu khi họ phải vì danh Chúa và Tin mừng mà phải chịu đau khổ, cực hình. “Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em”. (1 Pr 4, 14) Được làm chứng và được chết để minh chứng cho Chúa là một ơn phúc không phải ai cũng có vinh phúc này. Điểm son nổi bật của các Thánh Tử vì Đạo nước Việt Nam đó chính là: tin, chấp nhận và sống trọn vẹn cho Thánh giá cứu độ mà Thiên Chúa ban qua Chúa Giêsu và Hội Thánh. “Chết vì Thánh Giá” là điều mà nhiều người và các cấp chính quyền thời bấy giờ không thể hiểu, nên họ đã cho rằng, điều này quá điên khùng, khờ dại, vì theo “Tả Đạo” như vậy. Chắc hẳn các Thánh hơn ai hết đã ý thức và hiểu rõ về “cái giá phải trả” khi tin theo làm con cái Thiên Chúa. Nhưng tại sao các Ngài vẫn hiên ngang, can đảm để sống và tuyên xưng cách hào hùng về niềm tin của mình, hơn thế nữa các Ngài còn hân hoan vui sướng khi được sống và minh chứng cách trọn vẹn cho niềm tin đó. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô cũng đã khẳng định: “Thập Giá chính là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta". Từ Thánh Giá Chúa, sức mạnh của tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ được trao ban và lan tỏa, nhờ đó những ai khiêm tốn, mở lòng đón nhận với lòng tin yêu, thì sẽ được ơn Chúa giúp sức, nâng đỡ; chính sức mạnh của Chúa đã hoạt động và bổ sức cho các Ngài. Thánh Anê Lê Thị Thành, dù đòn roi hay cực hình vẫn không hề lay chuyển được, thì quân lính vừa dùng vũ lực mà lôi bà qua Thánh Giá. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin vào Chúa, nhưng vì con là người đàn bà yếu đuối, nên họ đã dùng sức mạnh để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá”.
Như vậy, với con đường, cách sống và mẫu gương chứng tá mà các Thánh tử vì đạo đã để lại chính là sự khôn ngoan tuyệt vời. Khôn ngoan khi đón nhận niềm tin và ơn thánh Chúa ban, khôn ngoan khi biết sử dụng những kho tàng ơn phúc đó để sinh hoa kết trái. Qua những khó khăn, gian khổ, cực hình và cả sự hiến thân của các Ngài, không có cái gì đã ra vô ích hay khờ dại hết. Điều này sách Khôn ngoan trong bài đọc 1 đã minh chứng cho chúng ta biết “Chúa đã chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Với hy lễ được tiến dâng, Chúa không những đón nhận và ban ơn cứu rỗi cho các Ngài, mà Chúa còn thương cho các Ngài được thông phần cộng tác vào trong chương trình cứu độ của Chúa. Chính vì lẽ đó mà Tertuliano đã khẳng định: “Máu các vị tử đạo là hạt giống sinh nhiều giáo hữu.” Thánh Anê Thành khi ở trong ngục tù, người con gái là cô Lucia Nụ đến thăm mẹ, thấy y phục của mẹ loang lỗ máu, cô khóc nức nở vì thương mẹ; bà đã an ủi khích lệ con bằng những lời đầy lạc quan: “Con đừng khóc nữa, mẹ được mặc áo hoa hồng đấy mà, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc. Con hãy về chuyển lời của mẹ, bảo với anh chị em con, coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng bằng việc đọc kinh sáng tối, xem lễ và cầu nguyện cho mẹ được vác Thánh Giá Chúa cho đến cùng, vì chẳng bao lâu nữa, mẹ con mình sẽ được đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”.
Lạy Chúa, xin nhờ lời chuyển cầu của các Thánh tử vì đạo là những hy lễ tuyệt hảo được tiến dâng, những chứng tá đức tin tuyệt vời, những mẫu gương sống đạo kiên trung, xin thương ban cho chúng con luôn biết khiêm tốn mở lòng tín thác vào Chúa, luôn sống chứng tá kiên trung qua những việc lành bác ái, yêu thương và tha thứ để danh Chúa luôn được tôn vinh và danh hào hùng của các vị Thánh tử đạo luôn được lưu danh. Amen.