‘MANNA’ HẰNG SỐNG
Trên cuộc lữ hành dương thế này, không ai trong chúng ta đánh giá thấp sự thiết yếu, cần kíp của lương thực, nước uống, và các vật phẩm cần thiết cho cuộc sống thể lý của chúng ta. Tuy nhiên, đã là con người, chúng ta cũng cần được nuôi dưỡng về mặt tinh thần, tình cảm, tâm linh, tâm lý, v.v... nữa đấy!
Trong đoạn trần thuật hôm nay, Chúa Giê-su công bố “Ta là Bánh từ trời xuống” (x. Ga 6, 41), “Ta là Bánh Trường Sinh” (x. Ga 6, 48), và “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống” (x. Ga 6, 51) để nuôi sống chúng ta, để đồng hành và trợ lực cho chúng ta ‘chạy hết cuộc đua trần thế này’, hầu lãnh được mũ triều thiên vinh hiển, đó là: Sự sống đời đời – sống mãi bên Thiên Chúa.
Kính thưa ông bà, anh chị em thân mến! Đã là người Công Giáo, chúng ta biết rõ tầm quan trọng của Thánh lễ, Bí tích Thánh Thể, cũng như tin vào ân sủng và sức mạnh của việc lãnh nhận chính Mình Máu Thánh Chúa – Bánh Hằng Sống. Thiết nghĩ, có lẽ vì hoàn cảnh, cuộc sống và trạng huống của xã hội Nhật Bản, nên dường như thói quen tốt đẹp của người giáo dân Việt Nam chúng ta dần dần mai một, lạnh nhạt đi; đặc biệt, con cháu của chúng ta được sinh ra, giáo dưỡng, hấp thụ lối suy nghĩ có thể nói là ‘cấp tiến’ hay ‘tiến bộ’ hơn ông bà, cha mẹ, những bậc chăm lo giáo dục cũng như hướng dẫn đời sống thiêng liêng, nên chúng dần dần rời xa niềm xác tín vào việc tham dự Bàn Tiệc Thánh, hăng say chạy đến lãnh nhận chính suối nguồn sự sống từ Bí tích Thánh Thể - bí tích Tình yêu. Từ việc lơ là, sao nhãn này dẫn đến nỗi lãnh cảm, lãnh đạm với Thánh Lễ và bí tích Thánh Thể. Quá nhiều lần, không ít trong chúng ta thốt lên rằng: “với cương vị, trách nhiệm của một người cha, người mẹ, người giáo dưỡng, chúng ta phải làm gì đây để con cháu chúng ta đến gần với Chúa, hiệp thông Thánh lễ và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể?” hoặc đôi lần trong ý nghĩ, tư tưởng, chúng ta đành ‘bỏ cuộc vì bất lực trước sự khô cứng, dửng dưng của chúng’, v.v…
Dẫu cho thực thế có bi quan như vậy đi chăng nữa, chúng ta cũng nên giữ mãi những gì là tốt đẹp, những thói quen tốt lành, đời sống đạo đức bình dân, giản dị này như thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu giáo đoàn The-xa-lô-ni-ca: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (x. 1Tx 5, 21 - 22). Và nhất là giữ cho tâm hồn luôn được bình an, trong sạch; lòng nhiệt huyết sống chứng tá, làm gương trong mọi trạng huống của cuộc sống. Mỗi lần đến với Thánh lễ và lãnh nhận bí tích Thánh thể, xin cho mỗi người chúng ta luôn biết ‘sắp xếp’ tâm tư, ước vọng, đam mê của mình lại cho ngăn nắp, chuẩn bị cho xứng đáng khi rước Mình Máu Chúa – lãnh nhận chính Sự sống thần linh của Thiên Chúa. Hơn nữa, nếu ý thức con người tội lỗi, yếu hèn, bất xứng của ta thì hãy chạy đến bí tích Hoà giải; nơi đó xin Chúa thánh hoá, rửa sạch tâm hồn bợn nhơ của ta, để rồi chúng ta xứng đáng rước Chúa vào ‘căn nhà ấm áp, sạch trong’ của ta. Mặc khác, khi được kết hiệp nên một với Chúa qua việc lãnh nhận bí tích Thánh thể, chúng ta được ý thức hơn về ân sủng lớn lao ấy như các bài đọc trong ngày hôm nay diễn tả ý nghĩa và đặc sủng mà chúng ta có thể múc lấy nơi chính bí tích Tình yêu – bí tích Thánh Thể, đó là:
Được trợ lực, được nâng đỡ trên cuộc hành trình tiến về Nước Trời dù bao lo toan, mệt nhoài của cuộc sống trần thế có thể khiến chúng ta ‘ngủ mê’ hoặc ‘quỵ ngã’ (x. Cuộc hành trình 40 đêm ngày của tiên tri Ê-li-ah trong bài đọc 1 trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất, chương 19, câu 4-8);
Thứ đến, được thánh hoá, được biến đổi thành những người biết ăn ở hiền hậu, thương xót, tha thứ cho tha nhân, dẫu rằng những đam mê, tham, sân, si, ai, ái, hỉ, nộ khiến ‘cái tôi’ của chúng ta trở nên to tướng, ngán đường cản trở những gì lành thánh tốt đẹp của ta được biểu lộ; hay những thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, độc ác dần dần được ‘nhỏ lại’ để hoa quả của niềm vui, sự bình an, lòng bác ái, v.v...chớm nở, đơm hoa kết trái dồi dào qua tư tưởng, hành động, lời nói, việc làm của chúng ta (x. Ep 4, 30 – 5, 2);
Sau cùng, ơn thánh từ Thiên Chúa luôn luôn vượt xa, vươn lên trên lòng mong mỏi của con người chúng ta, đó là: ơn được sự sống đời đời. Một ơn huệ cao quý hơn tất cả các hiệu ứng của sự trông mong, niềm khát khao tận cùng của con người: được sống mãi bên Chúa (x. Ga 6, 41-52).
Ngẫm suy, nhìn lại cuộc sống của chính mình, chúng ta không khỏi không buồn trước việc biết bao lần chúng ta lãnh đạm, hay lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa một cách máy móc, thói quen, ‘không hồn’, hay tệ hơn nữa, chúng ta rước lấy bí tích Thánh thể một cách bất xứng! Hơn nữa, mỗi khi chúng ta đón nhận chính sự sống Thần linh của Chúa, chúng ta lại chưa tin nhận, chưa dám đồng hành với Ngài trên cuộc lữ hành đức tin nơi dương thế này! Chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh thể như thể một ‘rô-bốt’ và rồi thời gian cứ trôi, ‘rô-bốt’ cứ mãi là ‘rô-bốt’; nghĩa là: đời sống chúng ta chẳng hề thay đổi theo lời mời gọi của Chúa, chưa vâng theo sự trợ lực của ơn Người như Đức Giáo Hoàng đương kim đáng kính của chúng ta chia sẻ “người Ki-tô hữu không biết dấn thân, khiêm tốn cúi xuống ‘rửa chân’ cho tha nhân, mỗi khi lãnh nhận bí tích Thánh thể, thì họ chưa hiểu gì về ý nghĩa thâm sâu của việc rước Mình Máu Thánh Chúa”.
Lạy Chúa, nguyện xin cho mỗi người chúng con ý thức hơn về ơn thông phần vào sự sống thần linh của Chúa qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh thể mỗi ngày. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
MỘT ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG ĐỜI
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng! Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”. Đây là lời bài hát ‘Để Gió Cuốn Đi’ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tuy ông không phải là người Ki-tô hữu, nhưng với triết lý sống thâm thuý của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng chúng ta. Sống giữa cuộc đời này, chúng ta cần một tấm lòng để rồi nhờ những làn gió thoảng đưa đến với anh chị em, để rồi tấm lòng ấy được chia san không ngơi nghỉ. Nhưng trên thực tế, ôi thay, với cỗ máy xã hội quay không ngớt, không dừng lại để chờ đợi ai, chúng ta thường cần ‘một đóng tiền’ chứ không cần ‘một tấm lòng’, để gió bụi thổi tứ phía, hầu đạt được những gì mình tham vọng.
Và rồi theo lối suy nghĩ, cách sống này, chúng ta dễ dàng quỵ ngã và thốt lên như tiên tri Ê-li-a trong bài đọc I rằng: “Lạy Chúa đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi...” (x. V 19, 4). Trên cuộc hành trình lữ khách trần ai này, chúng ta thường than thở, thở than, ôi chao sao cuộc đời đầy những nỗi ưu phiền, niềm vui thì chẳng được bao, mà sầu vương thì nhiều vô lối! Đường đời thì xa tít tắp đầy chông gai, lộ trình thì dài ngoằn nghèo, đơn thân độc mã ra đi! Tuy nhiên, chính khi đối diện với bản thân, chúng ta càng thấy rõ những yếu đuối của chính mình; chúng ta càng nhận ra sự trợ lực của Bí tích Thánh Thể, sự đồng hành của Chúa và anh chị em trong mỗi giây phút sống, làm việc và sinh hoạt của ta. Chúng ta được đánh thức sau những cơn mê dài, sau những giấc ngủ triền miên trong sự quên lãng ân tình Chúa đã hứa ban, và con tim khép kín trước anh chị em, “hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa” (x. V 19, 7). Đường đời làm chứng tá cho Chúa Phục Sinh còn xa thật, nhưng yên lòng an tâm vì có Chúa ở cùng. Người hằng kết hiệp và muốn trở nên một với ta, để qua tư tưởng, cách nhìn, cử chỉ, lời nói, ánh mắt, biểu lộ tâm tư, hành động, v.v... tất cả đều toát lên con người Ki-tô như Thánh Phao-lô quả quyết sự hiện diện thâm sâu của Chúa Ki-tô qua Ngài “...không phải tôi sống nữa, mà là chính Chúa Ki-tô đang sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Hơn thế, sự sống nhân linh không chỉ dừng lại tại dương thế này, mà được chung hưởng phần sự sống đời đời. Khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào sự sống thần linh của Chúa Ki-tô, và được thừa hưởng sự sống vô hạn của chính Thiên Chúa nữa. Sự sống ấy không phụ thuộc vào không gian, thời gian, khung cảnh, nơi chốn; mà sự sống ấy được diễn tả qua sự đồng hình đồng dạng với Đấng đã trao ban sự sống thiêng liêng cho ta. Như thế, chúng ta luôn được sống trong Người – Đấng là nguồn sự sống vĩnh cửu, “Ta là bánh ban sự sống...Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (x. Ga 6, 48. 51)
Thật không còn ngôn từ nào có thể diễn tả được niềm vui vượt xa trí hiểu của chúng ta. Một Thiên Chúa đầy quyền năng, là nguồn cội của sự sống mà lại muốn hiến trao, chia san sự sống thiên tính ấy cho con người yếu hèn như chúng ta! Thế nhưng, Người cũng mong mỏi chúng ta khi thông phần vào sự sống ấy, chúng ta cũng hãy trở nên như Người, Đấng đã ban Mình và Máu Người cho ta như Thánh Phao-lô khuyên nhủ giáo đoàn Ê-phê-sô và chúng ta: “hãy sống trong tình thương, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta” (Ep 5, 2). Một khi chúng ta để Chúa hành động qua con người ta, thì ‘cái tôi’ to tướng của ta sẽ nhỏ bé lại, và lòng vị tha sẽ được lớn lên qua những hành vi, cử chỉ sống hiền lành, tử tế, thương xót, đồng cảm, thứ tha, v.v...Dĩ nhiên, như vậy thì mọi thái độ gay gắt, tức giận, hiềm tị, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, v.v...sẽ nhỏ lại và được san bằng. Trong một bài yết kiến chung, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô kính yêu của chúng ta có nói rằng: “Nếu sau khi chúng ta rước lễ, mà chúng ta không dám ra đi ‘rửa chân’ cho anh chị em mình, thì chúng ta chẳng hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc rước lễ”. Thật vậy, qua bí tích Thánh Thể, chính Chúa Ki-tô trở nên một với ta, Người ban sức sống, nhiệt huyết, dũng khí cho ta, hầu ta dám ra khỏi con người của ta, một con người có xu hướng co cụm, chỉ biết bám víu hay hì hục trong ‘chăn ấm nệm êm’ của riêng mình, để hăng say phục vụ, chia san, đồng hành với anh chị em bằng cử chỉ khiêm hạ, đơn sơ, đó là biết ‘rửa chân cho nhau’.
Chúng con cảm tạ Chúa hết lòng, hết tâm trí mọn hèn của con vì ‘phép lạ’ của Bí tích Thánh Thể, một điều kỳ lạ vượt trên trí hiểu con người, nhưng lại rất gần gũi với con người chúng con. Xin cho chúng con biết ra đi phục vụ, yêu thương, tha thứ mỗi lần chúng con lãnh nhận sức mạnh thần thiêng, sức sống vĩnh cửu từ bí tích Tình yêu. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng