BÀI TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NHẮC ĐẾN SỰ CẦN THIẾT CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦY TỐT VÀ ĐÁNG TIN CẬY
Jaime L. Waters
Chúa Nhật IV Thường Niên
Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
Vào Chúa nhật IV Thường niên hôm nay, chúng ta nghe trình bày về sức mạnh của việc giảng dạy và rao giảng. Trong các bài đọc, ông Môsê, thánh Phaolô và Chúa Giêsu trình bày quan điểm về những vấn đề mà các ngài cho là quan trọng đối với cộng đoàn của mình.
Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê nói với dân Israel về sự xuất hiện của một vị ngôn sứ trong tương lai. Môsê nhắc cho cộng đoàn nhớ rằng tại núi Horeb (núi Sinai) họ đã từng yêu cầu có một người trung gian giữa dân và Thiên Chúa, và ông khẳng định trong tương lai sẽ có nhiều vị ngôn sứ giống như ông. Môsê thường được xem là một ngôn sứ lỗi lạc và ông quả quyết với dân Israel là có thể phân biệt các ngôn sứ chính danh với các ngôn sứ giả hiệu. Ông cam đoan với dân Israel là vẫn có người tiếp tục dẫn dắt họ sau khi ông chết.
Những lời huấn giáo của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô tiếp nối bài đọc thứ hai của Chúa nhật tuần trước. Ngài chú tâm đến ngày trở lại của Chúa Kitô, đối nghịch với những lo lắng điển hình của thế giới. Trong bài đọc hôm nay, thánh Phaolô nhấn mạnh các tín hữu Côrintô không nên lo âu. Theo quan điểm của thánh Phaolô cả những người đã kết hôn cũng như những người chưa lập gia đinh cần tập trung chuẩn bị bản thân cho ngày phán xét. Không nên diễn giải sai ý nghĩa của bài đọc này như là sự cổ võ xem thường các vấn đề gia đình. Thay vào đó, bài đọc chỉ đơn giản nhấn mạnh sự dâng hiến cho Thiên Chúa.
Bài Tin mừng hôm nay đưa ra một ví dụ về cách thức Chúa Giêsu rao giảng qua lời nói và hành động. Đoạn văn này diễn ra sau khi Chúa Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên. Ngài và các môn đệ vào hội đường, nơi Chúa Giêsu vừa giảng dạy vừa xua trừ ma quỷ. Những hành động này gây ngạc nhiên cũng như có sức thuyết phục đối với nhiều người, vì chúng minh chứng uy quyền thần linh của Chúa Giêsu. Một khi Chúa Giêsu bày tỏ quyền năng thì “danh tiếng Ngài lan rộng khắp cả vùng Galilê.”
Một vấn đề có thể gây thắc mắc nơi bài Tin mừng đó là cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và thần ô uế. Thần ô uế nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa và Ngài quở trách, buộc nó phải câm lặng. Một vài lý do có thể giải thích cho sự khiển trách này. Có thể Chúa Giêsu không muốn thần ô uế kêu tên của Ngài vì việc sử dụng tên gọi đôi khi được xem là dấu chỉ của uy quyền trên một người hoặc một đồ vật. Cũng vậy, việc giấu kín tên gọi có thể vì Chúa Giêsu vẫn chưa sẵn sàng tỏ lộ cho mọi người biết Ngài là ai. Vấn đề không muốn nêu tên này sẽ được các bài đọc Tin mừng khác nhắc đến trong năm phụng vụ này.
Các bài đọc Chúa nhật IV Thường niên nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng cần có những vị thầy tốt, đáng tin cậy. Lời Chúa tuần này cũng nhắc nhở chúng ta phải chú ý đến những gì chúng ta nhìn, nghe thấy và phải nghiêm túc đánh giá thế giới nhờ đó con người học hỏi và phát triển.
Bài đọc: http://www.vinhsonliem.org/2018/01/22/bai-doc-chua-nhat-iv-thuong-nien-nam-b-28-01-2018/
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2020/12/17/teaching-239472
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển