Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh
Thánh Matthia, Tông đồ
Ông Matthia trúng thăm. Đức Giêsu Kitô đã thiết lập Hội Thánh của Ngài trên nền tảng các Tông đồ. Hôm nay chúng ta tôn vinh cây cột thứ mười hai, thánh Matthia, người thay thế chỗ của Giuđa, kẻ phản bội. Con số mười hai không phải được Chúa Giêsu chọn cách ngẫu nhiên. Số mười hai rất ý nghĩa vì có liên kết với mười hai chi tộc Israel. Trong ngày Phán xét, các tông đồ sẽ được đặt xét xử mười hai chi tộc Israel. Matthia được tuyển chọn để trở thành chứng nhân việc sống lại của Chúa cùng với mười một vị khác. Trước khi tiến hành việc tuyển chọn một trong hai ứng viên là Giuse và Matthia, họ đã cùng nhau cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y’. Các Tông đồ ý thức rõ những lời Đức Giêsu nói về việc kêu gọi họ theo Người: ‘Không phải các con chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và đã cắt đặt để các con ra đi mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại’. Vì thế họ đã cầu xin Chúa Giêsu chỉ cho biết ai trong hai người là kẻ được chọn để lãnh nhận sứ vụ tông đồ.
Tin mừng Gioan nói đến việc Đức Giêsu cầu nguyện và khích lệ các tông đồ, Người yêu cầu họ phải trung thành trong tình yêu để sống trong niềm vui và hưởng tình bạn thân tình với Người. ‘Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết’.
Đó cũng chính là những phận vụ và đặc ân của các tông đồ hôm nay. Của thánh Matthia và của các đấng kế vị các tông đồ. Cùng một điều kiện: Hãy yêu thương nhau.
+++
Thầy đã thắng thế gian
Phaolô đến Êphêsô, gặp những môn đệ cho biết họ đã nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả, một phép rửa diễn tả lòng sám hối và hướng người lãnh nhận đến ân sủng Thiên Chúa ban. Nhìn nhận mình bất xứng vì tình trạng tội lỗi sẽ dẫn đưa đến lòng sám hối và thái độ sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ. Là bước cần thiết, vì Thiên Chúa không ép buộc ai: Ngài dừng lại trước ngưỡng cửa và chờ đợi sự đồng thuận tự do của ta. Đáp lại sự nhìn nhận tội lỗi của ta, Thiên Chúa dìm chúng ta vào đại dương tình yêu Ngài: Chúa Thánh Thần.
Hãy tin: Thầy đã thắng thế gian. Hôm nay chúng ta bắt đầu tuần lễ chuẩn bị việc Thánh Thần hiện xuống và chúng ta tin rằng ngày Chúa nhật sắp đến chúng ta không chỉ kỷ niệm một biến cố quá khứ và lạ lùng, nhưng là sự lập lại một lễ hiện xuống mới cho ai sẵn sàng mở lòng đón nhận. Biết bao lần việc sự dữ lan rộng khắp nơi làm chán nản, thất vọng cho nhiều người. Nhiều lần sự dữ làm tổ trong lòng ta, làm cho cuộc sống ta trở thành ngôi mộ! Biết bao người thất vọng ngã quỵ do những biến cố xảy ra, những nghịch cảnh và đẩy họ đến chỗ tuyên bố Thiên Chúa vắng bóng và bất lực trong thế giới này.
Có ít người nhận ra rằng nguyên do thực của sự dữ hệ tại việc con người lìa xa Thiên Chúa và không muốn tiếp nhận ơn huệ Ngài ban. Không có Thầy chúng con không làm được gì! Người tín hữu chúng ta cần phải minh chứng cho mọi người bằng chính đời sống mình, hiệu quả của Thánh Thần. Giáo hội trong quá khứ đã viết lên những trang sử hào hùng với những vị tử đạo. Ngày nay chúng ta phải tiếp tục viết lên những chứng từ ấy, luôn nhớ rằng chỉ có thể làm được mọi sự nhờ sức mạnh và ân huệ của Thánh Thần.
Thứ Ba Tuần VII Phục sinh
Con cầu nguyện cho họ…cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha
Đức Giêsu cầu nguyện cho chúng ta! Còn sự an tâm nào khác nữa mà ta có thể đợi chờ?
Đức Giêsu nghĩ đến tất cả mọi người và quan tâm đến mọi người: cho đến cả những kẻ chưa đựợc sinh ra đời, những kẻ sẽ lắng nghe tin mừng 10 năm, 100 năm, hàng ngàn năm sau nữa! Ta cũng vậy! Số phận của những người con cái Thiên Chúa: họ sẽ là một trong Chúa Cha và Chúa Con, cũng như các Ngài là một. Nghĩa là đồng chia sẻ thiên tính của Chúa Cha Tạo Hóa, Chúa Con Cứu Chuộc và Chúa Thánh Thần Đấng an ủi.
Nhưng Đức Giêsu cầu xin điều gì? Cho ta thịnh vượng, khỏe mạnh, giàu sang? Đức Giêsu cầu nguyện để các bạn hữu của Ngài được vững mạnh trong đức tin. Ngài biết điều gì sẽ xảy ra cho các môn đệ còn ở lại trần gian. Ngài biết rằng các môn đệ nhiều lần muốn bỏ đi. Đức Giêsu đã không cầu nguyện cho họ tránh khỏi những vấn nạn, nhưng cho họ được vững mạnh: ‘Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần’.
Như thế Đức Giêsu cầu xin điều tốt nhất cho các môn đệ của Ngài và cho chúng ta: sức mạnh để đứng vững trong mọi thử thách.
Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi đặt mình trước mặt Chúa Giêsu, đấng cầu nguyện cho tôi: tôi cảm tạ Chúa và tôi cầu xin ơn trung thành được luôn ở trước mặt Chúa.
+++
Lời kinh nguyện linh mục của Đức Giêsu là hứa luôn hiện thực cho những sứ vụ mà Ngài giao phó cho Giáo hội của Ngài nhờ những ân ban Ngài xin Cha để Giáo hội luôn là bí tích cứu độ.
Đó là những ân ban của sự sống vĩnh cửu, nghĩa là của sự nhận biết Thiên Chúa đích thực và Đấng mà Người sai đến là Đức Giêsu Kitô.
Đấy là mục đích của việc phúc âm hóa mà Giáo hội sẽ không bao giờ khước từ do cám dỗ bỏ việc truyền giáo, việc cớ chiêu dụ chủ nghĩa và xem tôn giáo nào cũng như nhau.
Quyền năng mà Chúa Cha ban cho Đức Giêsu trên mọi người chính là ban tặng sự sống vĩnh cửu cho mọi người. Và Ngài truyền ban mãi mãi cho Giáo Hội của Ngài.
Đây cũng là công trình mà Chúa Cha đã có ý định thực hiện. Cũng là điều mà Người trao phó cho Giáo Hội. Nhờ đó, cũng như Chúa Con tôn vinh Chúa Cha tr6en trần gian bằng cách cho toàn công trình nghĩa là sứ vụ cứu độ, thì Giáo Hội cũng tôn vinh Chúa Cha khi tiếp nối chính sứ vụ đó trong lịch sử: trao ban cho mọi người ‘những lời’ và ‘những việc’ mà Chúa Con đã nhận từ Chúa Cha, những ân ban cứu độ, lời, bí tích, bác ái.
Đó là sự cao cả đặc biệt của Ngài: trong tư cách là Đấng bất khả thay thế phục vụ sự sống cho nhân loại.
+++
‘Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi….
Trong thời gian chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần, ta đọc thấy trong bài sách Công vụ Tông Đồ một phác họa nhanh nhưng rất tỏa sáng khuôn mặt của thánh Phaolô. Luca diễn tả vị Tông đồ dân ngoại đang lên đường về Giêrusalem, trong bầu khí yêu thương cảm động chia tay các kỳ lão ở Êphêsô, Phaolô bị Thần Khí trói buộc. Phaolô hoàn toàn lệ thuộc Thánh Thần, tựa như bị Người chế ngự không cưỡng lại được, hoàn toàn để cho Người hướng dẫn đến ngay cả những nơi mà thánh nhân không bao giờ muốn, đến những nơi mà Thánh Thần cho ngài thấy trước là xiềng xích và gian truân đang chờ đợi ngài.
Thánh Phaolô trở nên mẫu mực ‘ngoan ngùy’ tuyệt đối với Thánh Thần. Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin Chúa cử Thánh Thần đến ngự trong tâm hồn chúng con, để Người biến đổi chúng con thành đền thờ vinh quang của Người.
Thứ tư Tuần VII Phục Sinh
Con cùng một Cha
Qua tin mừng Đức Giêsu cho thấy mối liên hệ cá biệt khác thường của Ngài với Chúa Cha: Ngài là Con Yêu Dấu và Chúa Cha luôn ở với Ngài.
Chính trong mối liên hệ này mà Đức Giêsu đã muốn tháp nhập chúng ta vào. Vị Thầy, sắp đi chịu tử nạn, với tâm hồn ắp đầy yêu thương các môn đệ, đã cầu nguyện: ‘Lạy Cha, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta’. Ngài cầu xin Cha làm cho chúng ta nên những người con –cho dù chúng ta bị xa cách vì tội lỗi- và, vì thế, liên kết chúng ta lại với nhau trong sự duy nhất bền vững và thiêng liêng.
Như vậy, trong Đức Giêsu, chúng ta trở thành những người con và từ đó phát sinh cảm nghiệm được tràn đầy niềm vui, điều đã nâng đỡ Đức Giêsu trong suốt cuộc sống trần gian của Ngài. Tình nghĩa tử này sẽ mở rộng tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Chúng ta là con nên chúng ta đón chờ tất cả từ nơi Người Cha quyền năng.
Nếu chúng ta là con cái của cùng một người Cha duy nhất, chúng ta cũng là anh em với nhau. Cần đối xử với nhau như anh em, để chứng tỏ tình nghĩa tử của chúng ta, và để khát vọng của Đức Giêsu được sớm thực hiện: ‘Xin cho tất cả nên một’.
+++
‘Hồi ấy, ông Phaolô nói với các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêsô rằng: Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình. Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên’.
Hai bản văn phụng vụ hôm nay rất đặc biệt. Là hai diễn từ chia tay, hai lời di chúc, của Phaolô và của Đức Giêsu. Bối cảnh bản văn sách Công vụ tông đồ là cuộc chia tay các kỳ mục tại Êphêsô. Thánh Phaolô để lại cho họ di chúc tinh thần là bổn phận lo cho chính họ và cho đoàn chiên và nhắc họ về vai trò tinh thần của các vị lãnh đạo Giáo hội: chính họ xuất phát từ Thánh Thần, Đấng đã đặt họ làm người coi sóc, mục tử của Giáo hội Chúa. Ngài trao phó cho các ông việc gìn giữ Giáo hội là tài sản thuộc Thiên Chúa và Thánh Thần, và họ phải tỉnh thức vì sói dữ sẽ tàn phá đàn chiên.
Ta cầu xin cho Đức Thánh Cha Phanxicô, các Giám Mục và linh mục trong Giáo hội, để cùng với Thánh Thần ‘Đấng đã đặt họ làm người coi sóc chăn dắt Giáo Hội của Thiên Chúa’, họ biết thi hành chức vụ mình với tất cả hy sinh và trách nhiệm, trong sự hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô và nhất là bằng chứng từ sự thánh thiện đời sống các ngài và không để các sói dữ tấn công Giáo hội, tàn phá dân thánh của Thiên Chúa, gieo vãi chia rẽ và xung đột.
Lạy Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, Chúa đã sai Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh; xin cho cộng đoàn tín hữu chúng con đem hết nhiệt tình phụng sự Chúa và luôn luôn hiệp nhất cùng nhau.
Thứ năm Tuần VII Phục Sinh
Để họ cũng ở trong chúng ta
Đức Kitô cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các kitô hữu và chúng ta được bao bọc trong lời kinh nguyện của Ngài. Các thế lực ma quỷ muốn nghiền nát chúng ta vì ma quỷ là kẻ gây chia rẽ, luôn hiện diện trong cũng như ngoài Giáo Hội, ngay từ thời của Đức Giêsu: ‘Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như sàng gạo, nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con’ (Lc 22,31). Việc cám dỗ làm biến tính sự hiệp nhất của các kẻ tin, dựa trên điều gì khác không phải là chính Đức Giêsu và thân thể của Ngài là Giáo Hội, không ngừng chống lại chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Nhưng tất cả những xấu xa của con người và của những cơ chế xã hội không có thể làm ta nghi ngờ hiệu quả lời cầu của Đức Kitô và hiệu quả lời nguyện của con người kết nối với lời nguyện của Ngài. Do đó tôi có thể và phải hy vọng ‘khi không còn gì để hy vọng’ (Rm 4,18). Sự toàn năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa mà lời cầu nguyện của Đức Kitô lan tỏa ra thì vượt hẳn sự khốn khổ của chúng ta.
Từ ngàn xưa công trình của Thiên Chúa đan xen vào tự do của ta. Cậy dựa vào lời cầu nguyện của Đức Kitô làm tăng triển hơn là giảm bớt trách nhiệm của chúng ta. Chính hướng nhắm trong lời cầu nguyện của Ngài sẽ điều chỉnh cái nhìn của ta: ‘Lạy Cha, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Để họ cũng ở trong chúng ta’. Chúng ta được mời gọi để sống tình thân ấy. Để cho thế gian tin. Việc hiệp nhất nên một trong Chúa là động lực khai mở cho sứ vụ truyền giáo phổ quát.
Thứ sáu Tuần VII Phục Sinh
Người môn đệ Chúa yêu
Giữa Lễ Phục Sinh và Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống thường chọn tin mừng thánh Gioan. Trong những ngày cuối, trước lễ Chúa Thánh Thần, tin mừng ngày thường trích từ những đoạn cuối của tin mừng Gioan. Tin mừng hôm nay và ngày mai nói đến cuộc gặp gỡ sau cùng của Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài. Cuộc gặp gỡ được ghi dấu bằng lòng yêu thương trìu mến. Đức Giêsu hỏi Phêrô ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Chỉ sau khi ông Phêrô trả lời quả quyết, Đức Giêsu mới trao cho ông sứ mạng chăm sóc các con chiên. Để có thể làm việc trong cộng đoàn kitô, Đức Giêsu không hỏi chúng ta nhiều điều. Ngài chỉ hỏi một điều: đó là có yêu mến Ngài nhiều không.
Tình yêu là trung tâm của sứ vụ. Sau một đêm chẳng bắt được con cá nào, khi lên bờ, các môn đệ đã thấy Đức Giêsu chuẩn bị sẵn bánh và cá. Cùng ngồi ăn, Chúa Giêsu mới hỏi Phêrô ba lần trước khi trao cho ông sứ mạng chăn dắt đàn chiên. Ngài không hỏi Phêrô đã học thần học hay kinh thánh, luân lý hay giáo luật. Nhưng chỉ hỏi: Con có yêu mến Thầy không? Tình yêu chiếm chỗ nhất. Trong cộng đoàn của thánh Gioan sức mạnh nâng đỡ và duy trì sự hiệp nhất không phải là giáo lý mà là tình yêu.
Từ ngữ ‘tình yêu’ là một trong những từ ngay nay được xử dụng nhiều. Nhưng lại là từ bị dùng cách hoang phí nhất. Yêu trước hết là một cảm nghiệm sâu xa về mối liên hệ giữa các cá nhân: vui, buồn, sướng, khổ, phát triển, từ chối, hiến thân, thực hiện, trao ban, sống, chết…Tất cả được gồm tóm trong một từ kinh thánh do thái Hesed. Rất khó dịch cho đúng. Thường được dịch là bác ái, yêu thương, trung thành và tình yêu.
Thánh Gioan định nghĩa tình yêu: Căn cứ vào điều này mà ta nhận biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (1 Ga 3,16-17). Ai sống yêu thương và diễn đạt tình yêu qua lời nói và cử chỉ, người ấy trở thành Người Môn Đệ Chúa yêu.
Thứ bảy Tuần VII Phục Sinh
Hãy theo Thầy
Đoạn văn hôm nay ở cuối Tin Mừng Gioan. Khởi đầu với câu dò hỏi của Phêrô về tương lai của Gioan. Đức Giêsu vừa tiên báo cho Phêrô biết đoạn cuối đời ông không mấy sáng sủa, nhưng tất cả vì vinh danh Thiên Chúa. Giờ đây, khi nhìn thấy Gioan, ông hỏi Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, còn anh này thì sao’?
Đức Giêsu không nói về tương lai của Gioan, nhưng lợi dụng cơ hội để làm sáng tỏ cho Phêrô và cho chúng ta ngày nay: điều đáng quan tâm chính là việc sống chứng tá bằng đời sống thân tình với Chúa, sống sứ điệp tin mừng, làm theo ý Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần.
Đức Giêsu mời gọi Phêrô ‘Phần con, hãy theo Thầy’. Cũng vậy chúng ta được mời gọi theo Chúa. Biết bao lần chúng ta cũng tò mò muốn biết tại sao và thế nào những người khác làm việc này việc nọ, chúng ta suy luận và nghiên cứu những ý hướng của họ, chúng ta giải thích những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa nơi cuộc sống của họ! Những điều ấy không liên quan đến chúng ta!
Trong các chuyện kể về các Giáo Phụ sống trong sa mạc, người ta thấy có câu chuyện về thánh Antôn. Một hôm thánh nhân hỏi Chúa Giêsu: ‘Lạy Chúa, tại sao có người chết trẻ, có kẻ lại chết già? Tại sao có người giàu kẻ nghèo? Tại sao kẻ ác nhân sung túc còn kẻ công chính lại nghèo khổ? Có tiếng đáp lại: ‘Antôn, con lo cho con đi! Đó là việc của Thiên Chúa: con không cần phải biết’.
Mỗi người có một con đường riêng thực thi ý Chúa. Hãy chấp nhận Ngài là mầu nhiệm và chúng ta không thể dò thấu đường lối của Ngài. Chúng ta sẽ tiêu hao thời giờ và sức lực khi nghĩ và phát biểu những vấn đề của người khác, trong khi Chúa Giêsu lưu ý Phêrô và chúng ta rằng điều đáng kể là làm chứng lòng tin yêu trong cuộc sống kitô hữu của chúng ta. Chúa cũng nói với ta như đã nói với Phêrô: ‘Hãy theo Thầy’.
Trong sâu lắng của tâm hồn, với ơn Chúa Thánh Thần, tôi tự hỏi: ‘Chúa Giêsu có phải là tâm điểm của lòng tôi? ‘Hãy theo Thầy’ như lời mời gọi cá biệt cho riêng tôi để tôi sống thân tình với Thiên Chúa và cuộc sống của tôi với người khác được trong sáng. Một thách đố.
Lạy Chúa, xin ban cho con can đảm sống và hoạt động cho trời mới đất mới. Xin giúp con trung thành với đường hướng mà Ngài đã chỉ cho con, để bất kỳ nơi nào con đến, bất cứ người nào con gặp, con sẽ là dấu chỉ của tình yêu luôn đổi mới của Ngài. (Henri Nouwen)
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Lễ Đức Maria đi viếng bà Êlisabét
Tin mừng cho ta thấy Đức Maria là nữ hoàng của sự hiệp thông và tiếp nhận.
Mầu nhiệm Thăm viếng là mầu nhiệm của sự hiệp thông với nhau giữa hai phụ nữ khác nhau về tuổi tác, môi trường và tính khí, của sự tiếp nhận nhau trong tôn trọng. Hai phụ nữ, mỗi người mang trong mình một bí mật để chia sẻ, một bí mật thật kín nhiệm mà một người phụ nữ có thể cảm nghiệm trên bình diện thể lý: đón chờ một người con.
Êlisabét khó nói ra vì tuổi tác, vì sự lạ thường. Maria khó nói ra vì không thể giải thích những lời của thiên sứ. Nếu theo tin mừng, Êlisabét đã ẩn mình trong nhiều tháng trong cô tịch, thì sự cô tịch của Maria còn lớn hơn gấp bội phần. Có lẽ vì thế mà Mẹ đã ‘vội vã’ lên đường; mẹ cần có một ai đó thông hiểu và từ những lời do miệng thiên sứ thốt ra, mẹ thấy người chị họ mình là người thích hợp nhất cho việc chia sẻ này. Khi cả hai gặp nhau, Maria là nữ hoàng trong việc cất tiếng chào đầu tiên, là nữ hoàng trong việc biết ca tụng người khác, vì vương quyền của Mẹ hệ tại tính quan tâm ân cần đón trước, cũng là đức tính nên có của bất cứ phụ nữ nào. Êlisabét thông hiểu và thốt lên: ‘Em được chúc phúc giữa các người nữ’. Hãy tưởng tượng niềm vui và sự ngạc nhiên của Maria khi thấy mình được hiểu biết, yêu mến.
Mầu nhiệm Thăm viếng cho ta thấy sự trao ban của hai tâm hồn, một sự tiếp nhận nhau thật thâm sâu, không do nhiều lời, nhưng chỉ cần những dấu chỉ đơn sơ như ánh sáng của ngọn đuốc trong đêm tối, cũng đủ để làm nên một sự thông hiệp hoàn hảo rồi.