Suy Niệm Thánh Vịnh 68: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ tư - 21/06/2017 18:29  1582
Suy Niệm Thánh Vịnh 68
 
1 Phần nhạc trưởng. Theo điệu : Bông huệ ... Của vua Đa-vít.
2          Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ.
3          Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy,
            chẳng biết đứng vào đâu cho vững,
            thân chìm ngập trong dòng nước thẳm,
            sóng dạt dào đã cuốn trôi đi.
4          Kêu hoài nên kiệt sức, họng con đã ráo khô ;
            đôi mắt đã mỏi mòn bởi trông chờ Thiên Chúa.
5          Kẻ vô cớ ghét con nhiều hơn tóc trên đầu,
            bọn thù con vô lý lại mạnh thế hơn con.
            Chẳng lấy chi của người, thế mà con phải trả !
6          Lạy Chúa Trời, Ngài biết con điên dại,
            lỗi lầm con, làm sao giấu được Ngài !
7          Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn,
            xin cho những người trông đợi Chúa
            đừng vì con mà phải thẹn thùng.
            Lạy Chúa Trời nhà Ít-ra-en,
            xin đừng để những ai tìm kiếm Ngài
            lại vì con mà mang tủi hổ.
 
8          Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ,
            chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày.
9          Anh em nhà kể con như người dưng nước lã,
            hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi.
10        Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.
            Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu.
11        Con nhịn ăn đến tiều tuỵ thân hình,
            thì thành cớ cho người chế giễu ;
12        khoác vào mình tấm áo vải thô,
            thì lại nên trò cười cho thiên hạ.
13        Bọn ngồi lê đôi mách cứ gièm pha,
            quân rượu chè cũng đặt vè châm chọc.
 
14        Lạy CHÚA, phần con xin dâng Ngài lời nguyện,
            lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân.
            Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày,
            vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ.
15        Xin Ngài kéo con lên
            cho khỏi lún xuống chỗ sình lầy,
            cho con thoát tay thù, thoát dòng nước thẳm.
16        Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi,
            đừng để cho vực thẳm nuốt con vào,
            và miệng hố sâu ngậm lại, chôn sống.
 
17        Lạy CHÚA, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con ;
            xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.
18        Xin đừng lánh mặt tôi tớ Chúa đây,
            này con gặp nguy khốn, xin mau trả lời.
19        Mong Chúa tiến lại gần và thương cứu mạng,
            ban ơn giải thoát, vì có kẻ ghét con.
20        Chúa biết rõ con bị người chửi mắng,
            lại mang vào thân tủi hổ với nhục nhằn ;
            những kẻ thù con, Ngài nhìn thấy cả.
21        Lời thoá mạ làm tim này tan vỡ, con héo hắt rã rời.
            Nỗi sầu riêng, mong người chia sớt,
            luống công chờ, không được một ai ;
            đợi người an ủi đôi lời,
            trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu !
22        Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng,
            con khát nước, lại cho uống giấm chua.
 
23        Ước gì bàn tiệc chúng dọn ra nên cạm bẫy cho chúng sa vào,
            và trở thành dò lưới ngay với cả bạn thân.
24        Ước gì mắt chúng mù đi không thấy nữa,
            và lưng sụm xuống đến mãn đời.
25        Xin Ngài đổ cơn thịnh nộ lên người chúng
            và cho lửa giận ập xuống đầu.
26        Ước gì nơi chúng ở phải tan hoang,
            lều trại chúng không còn ai trú ngụ.
27        Vì kẻ bị Ngài đánh, chúng ngược đãi chẳng tha ;
            kẻ bị Ngài đả thương, chúng lại còn gây thêm thương tích.
28        Xin đổ lên đầu chúng hết tội này đến tội kia
            và chẳng hề kể chúng là công chính trước mặt Ngài.
29        Ước gì chúng bị xoá tên trong sổ trường sinh,
            chẳng được ghi vào số những người công chính.
 
30        Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ,
            lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng.
 
31        Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh,
            sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người.
32        Làm như vậy sẽ đẹp lòng CHÚA
            hơn dâng tiến bò bê đủ móng đủ sừng.
33        Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,
            người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.
34        Vì CHÚA nhận lời kẻ nghèo khó,
            chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.
35        Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp,
            hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn !
36        Vì Chúa Trời sẽ giải cứu Xi-on,
            các thành thị miền Giu-đa, Người cũng tái thiết,
            cho dân đến định cư lập nghiệp.
37        Miền đất ấy sẽ trở nên gia tài
            của giống nòi các tôi tớ Chúa,
            thành quê hương xứ sở 
            của những người mến chuộng Thánh Danh.
 
Cùng Đọc Với Dân Ítraen

Thánh Vịnh van xin, gồm ba phần:

Người van xin bày tỏ nỗi khổ: đau khổ khủng khiếp (cảm thấy dường như nghẹt thở bởi những cơn sóng đầy bùn dơ, hét lên và cổ họng đau rát) – nỗi khổ bất công (vì sống đạo đức mà người ta dày vò tôi, bầu khí ngoại đạo chụp xuống tôi – đau khổ vì Chúa (vì tình yêu đối với nhà Chúa mà tôi mất tất cả… mà người ta chưởi rủa tôi) – vô số thù địch bao vây tôi.
Thay vì đầu hàng, kẻ van xin quay về với Thiên Chúa và cầu khẩn:  cầu xin ơn giải thoát, ơn cứu độ… - xin Chúa trả thù theo luật vay trả: những lời nguyền rủa của những quyền lực hỏa ngục xin làm tan biến (‘chiếc bàn’ nói đến trong Thánh vịnh là những bàn tiệc dâng kính ngẫu thần): ước gì các kẻ thù của Chúa đều bị tiêu diệt.
Lời van xin kết thúc bằng hành vi tạ ơn. Những tiếng kêu xin khẩn nài của hai phần đầu cần được giải thích dưới ánh sáng của phần cuối: “Tôi sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người…những ai nghèo hèn xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi…vì Chúa nhận lời kẻ khó nghèo…”
 
Cùng Đọc Với Đức Giêsu

Thánh vịnh này là một trong những Thánh vịnh thường được trích dẫn trong Tân Ước.
+ Giận dữ đối với những kẻ buôn bán trong Đền Thờ, các môn đệ đã nghe Đức Giêsu áp dụng câu Thánh vịnh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà con phải thiệt thân (Ga 2,17).
+ Ngày áp Lễ Vượt Qua cuối cùng, Đức Giêsu đã trích dẫn đoạn Thánh vịnh này khi nói về những người thù địch: “chúng ghét con vô cớ”. (Ga 15,25)
+ và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: Ta khát (“con khát nước, lại cho uống giấm chua”)
+ Những lời van xin được các kitô hữu tiên khởi trích dẫn, áp dụng vào trường hợp phản bội của Giuđa: “Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ, ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó”. Chính là điều khó hiểu của sự bất công trên thế giới.
Người công chính đau khổ vì Chúa, như Ông Gióp, ngôn sứ Giêrêmia, trước hết là ‘người nghèo vô danh’ của Cựu Ước… nhưng đó chính là Đức Giêsu trên thập giá. Và chẳng phải ngẫu nhiên mà đoạn kết biến thành khúc ca cảm tạ. Đức Giêsu đã nếm cái chết của Ngài trước,trong bữa ăn chúc tụng, vào ngày áp Lễ. Đức Giêsu đã hoàn toàn tự do sống như một bữa ăn tạ ơn.
 
Cùng Đọc Với Người Thời Nay

Tiếng kêu than vang lên từ Thánh vịnh này có thể là một thực tế nghiệt ngã cho một ai đó trong chúng ta: “Xin cứu vớt con, Lạy Chúa Trời…con bị lún sâu…kiệt sức, đôi mắt mòn mỏi, kẻ vô cớ ghét con nhiều hơn tóc trên đầu…con bị người đời thóa mạ…” Đây là lời cầu xin của các bệnh nhân, của những người cùng khổ. Mang tính tập thể, đây là tiếng kêu của thế giới thứ ba. Xin hãy nghe Đức Giám Mục Brésil, Dom Helder Camara phát biểu: Hội Thánh dạy tình phụ tử của Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa con người. Thế mà trong thực tế: 20% nhân loại quản lý các tài nguyên thiên nhiên; hơn 80% nhân loại phải sống với mức dưới 20% các tài nguyên của trái đất…Nỗi khổ làm cho con người bần tiện; sung túc thái quá làm cho con người bất nhân…Sự sung túc của các nước giàu, phần lớn là dựa trên sự bần khổ của các nước nghèo…cái ô nhục của thế kỷ chính là sự gạt ra bên lề xã hội hơn 2/3 nhân loại khỏi sự tiến bộ, sáng tạo và quyền có những quyết định. Tha lỗi cho tôi, nếu tôi có làm cho bạn bất an…”  Hãy cảm nghiệm, ít nhất được một lần, bằng cách đọc lại Thánh vịnh và đặt những lời Thánh vịnh trên môi miệng những kẻ nghèo của thế giới thứ ba. Có thể bạn sẽ hiểu được cái cám dỗ nổi loạn bạo động ở nơi một số người. Có thể bạn sẽ ở trong số những người dấn thân tích cực trong việc làm cho thế giới huynh đệ hơn.

Thiên Chúa sẽ cứu thoát Sion và xây dựng lại các thành trì Giuđa… vì Thiên Chúa nghe lời kẻ nghèo hèn... Giêsu theo tiếng Do Thái có nghĩa là Thiên Chúa giải cứu. Thánh vịnh này giúp ta cầu nguyện cho ơn cứu độ của thế giới. Ơn cứu độ đã hứa không phải là sự lừa bịp: giờ của Chúa sẽ đến. Đó là giờ của ân sủng. Sự sống và niềm vui cho những ai tìm kiếm Chúa. Sự sống lại của Đức Giêsu là bảo chứng: hủy diệt mọi quyền lực sự dữ được thực hiện nơi Ngài…nhưng phần ta, ta phải tràn đầy hy vọng và làm việc trong niềm khao khát mà Thánh vịnh khơi lên.

Hy vọng, mong chờ. Niềm hy vọng chắc chắn là một trong những giá trị thiết yếu cho con người ngày nay. Tiến bộ kỹ thuật, được thực hiện trong vài thập niên qua, đã có thể thay thế cho niềm hy vọng ngày xưa. Say sưa với những chiến thắng trên nhiều lãnh vực khoa học, con người có lúc tin rằng niềm hy vọng tôn giáo xưa kia đã không có kết quả: tại sao phải về với Thiên Chúa khi mà người ta nghĩ rằng có thể làm được mọi việc bằng sức riêng của mình? Không còn vấn đề thụt lùi. Điều mà khoa học kỹ thuật đạt được sẽ tồn tại mãi, và con người thời nay sẽ không còn sợ hãi như tổ tiên họ mà ta cho là phi lý và phản khoa học, sự sợ hãi đã khiến cho tổ tiên phải hướng về Chúa. Theo đường hướng đó, những người tiến bộ văn minh góp phần thanh luyện các tôn giáo, gồm cả kitô giáo, khỏi những cách cư xử trẻ con. Nhưng thế kỷ khoa học không thể giải quyết tất cả những định mệnh đè nặng trên thân phận con người: sự mỏng manh của con người, những khó khăn mới tuơng quan giữa các thế hệ và tầng lớp xã hội, nỗi âu lo của người dân sống đơn độc và vô danh trong các thành phố lớn, nỗi bất an về tương lai, những thất bại trong nghề nghiệp…tất cả những điều đó và nhiều tình huống khác trong xã hội hiện nay, làm nẩy sinh niềm hy vọng. Mỗi người chúng ta, với những hoàn cảnh đời sống cá biệt, phải là chủ thể của những lời Thánh vịnh: Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con…xin cho những người trông đợi Chúa đừng phải thẹn thùng, xin Ngài kéo con lên…

Nếu ta để mình cuốn theo dòng chảy của Thánh vịnh, ta sẽ nhận ra: khởi đầu bằng lời kêu van, tiếp tục bằng lời cầu xin, và kết thúc trong niềm vui tạ ơn. Ta nên theo tiến nhịp này: ước gì kinh nguyện của chúng ta không phải là lời lải nhải tẻ nhạt về những buồn chán và những vấn nạn của riêng ta. Kinh nguyện chân thực làm biến đổi chúng ta. Nó làm cho ta thăng tiến. Ta khởi đầu bằng việc trình bày lên Thiên Chúa những lo âu của ta giống như trong Thánh vịnh. Nhưng ta cũng phải kết thúc giống như thế: Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng danh thánh…hỡi trời cao đất thấp, ca tụng Chúa đi, những ai nghèo hèn xem đấy mà vui lên, người tìm Chúa hãy nức lòng phấn khởi.
 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I

 
 
 

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập114
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay24,427
  • Tháng hiện tại678,941
  • Tổng lượt truy cập52,847,889

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây