Suy Niệm Đaniel 3. Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm A
Cùng Đọc Với Dân Ítraen
Bài ca này không phải là một thánh vịnh nhưng được trích từ sách Danien. Được soạn thảo vào năm 164, đang đỉnh cao của thời kỳ Vua Antiokô Epiphanô bách hại đạo, ba năm sau biến cố ngoại giáo hóa Đền Thờ, vào ngày 7 tháng 12 năm 167. Quyển sách được xem như là phản kháng của dân do thái chống lại âm mưu của các thế lực chính trị ngoại giáo nhằm bắt ép các tín đồ do thái từ bỏ niềm tin của họ. Đối đầu với nền văn minh trổi vượt của Hy Lạp, với đa thần giáo, nơi đó người ta thờ vẻ đẹp của các pho tượng thần, ngay cả nhà Vua cũng bắt người dân thờ lạy mình, từ đó dẫn đến một lối sống mới ca tụng cái đẹp lực lưỡng của thân xác. Ítraen kháng cự lại tất cả, bằng tử đạo và bằng khí giới với cuộc chiến của nhà Maccabê…các tín hữu khẳng khái tuyên tín chỉ duy mình Đức Chúa là Thiên Chúa.
Công thức Tụng Ca Thiên Chúa là công thức truyền thống: dồn dập bao nhiêu là biểu tượng, muốn nói lên sự siêu vượt của Thiên Chúa. Thiên Chúa đích thực thì siêu vượt trên tất cả. Phải dành cho Ngài Vinh Quang: bầu trời là dấu chỉ sự cao cả của Ngài…ngai của ngài vượt trên mọi loài trên trời, các Kêrubim…nhưng Thiên Chúa cũng đạt thấu lòng vực thẳm, không gì thoát khỏi Ngài…
Trong phần hai, bài ca của các tạo vật ca tụng vinh quang của Chúa: vũ trụ được giải trừ thần hóa. Trần đời không phải là Chúa, nhưng tất cả đã được Thiên Chúa tạo dựng và tất cả phải chúc tụng Ngài.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Bị xét xử trước Hội Đồng công toạ, Đức Giêsu đã trích đọc sách Đanien: “Các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự trên mây trời!” (Dn 7,13; Mt 26,64; Mc 14,62; Lc 22,69) Những người xét xử Ngài hiểu rất rõ điều này, nên họ lập tức kết án Ngài tội phạm thượng: về phần mình, Đức Giêsu đã nại đến siêu việt tính của Thiên Chúa.
Bài ca Đanien được xử dụng trong phụng vụ lễ Chúa Ba Ngôi. Mỗi Chúa Nhật chúng ta ca mừng Đức Giêsu Kitô, chúng ta ý thức mình đang đối diện với mầu nhiệm siêu vượt trên tất cả: Thiên Chúa. Ngài đã làm người. Nhưng mầu nhiệm vẫn còn ẩn kín trong chính việc tỏ mình của Ngài. Đừng cố đóng khung Thiên Chúa trong những định nghĩa của ta: “Các ý nghĩ làm phát sinh ra những ngẫu tượng về Thiên Chúa, chỉ có thái độ thán phục mới giúp ta nắm bắt được chút gì”, Thánh Grêgôriô de Nysse. Vâng, hãy để cho mình chói ngợp trong vinh quang, không còn thấy gì nữa. Một vị giáo phụ khác đã viết: các mầu nhiệm dù giản đơn cũng được mạc khải vượt trên mọi hiểu biết của con người và trong chính những thâm u của sự thinh lặng.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Tín hữu đứng trước các nền văn minh. Ngày nay, chúng ta đang đối diện trước cùng những vấn nạn như các tín hữu thời sách Đanien. Các nền văn minh thống trị luôn có khuynh huớng khóa chặt con người lại trên chính mình. Không lạ gì Karl Marx có ác cảm với mọi tôn giáo, ông gán cho nó danh hiệu bái vật giáo do chính con người tạo ra nên cần giải thoát con người khỏi sự vong thân. Một số người thời nay nhận thấy rằng bái vật giáo tệ hại nhất hiện nay chính là con người của nền văn minh hưởng thụ…nó tự tạo cho mình đủ các loại thần minh hạ đẳng “ngang tầm cái bụng” của con người. Chỉ cần nghe những lời quảng cáo thời nay thôi, ta cũng đủ đánh giá cái lý tưởng tiêu thụ đạt đến tầm mức nào. Đừng cần chi bất bình với Karl Marx cũng như các bậc thày duy vật, ta phải xác tín rằng duy chỉ mình Thiên Chúa là cứu tinh, giải cứu ta khỏi chỗ vong thân. Sự nô lệ và sự vong thân tệ hại nhất, đó là chính bản thân mình… và là cái khát vọng không bao giờ no thỏa lại được tái sinh ngay vừa khi ta tưởng mình đã được thỏa mãn. Trong một thế giới mà nền văn minh hiện đang sản xuất hàng loạt những rôbô, những nô lệ, ước gì những con người tự do hãy đứng dậy! Những con người của ‘siêu vượt’! Những con người được vị Thiên Chúa đích thực giải thoát khỏi tất cả!
Mọi công trình của Chúa, hãy chúc tụng Chúa. Tôi sẽ nhớ suốt đời bài ca các tạo vật này, mà tôi đã từng được nghe mỗi sáng chúa nhật trong tu viện. Các tu sĩ dậy sớm, khoảng ba giờ sáng, để đọc giờ kinh tối. Sau giờ kinh ban mai, họ đọc giờ kinh sáng. Một người trong họ, đứng giữa cộng đoàn, cất cao giọng xướng, năm muơi tu sĩ đáp lại thật dõng dạc. Xướng: chúc tụng Chúa đi, hỡi suối nước tràn đầy, chúc tụng Chúa đi nào sông sâu biển cả. Đáp: Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn. Xướng: Sức nóng với lửa hồng, trời nồng và khí lạnh, kìa thời đông tuyết giá, này băng phủ tuyết rơi…Đáp: Muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn.
Dĩ nhiên điều lý tưởng là muốn nhiều người hát bài tụng ca này. Nhưng, bạn cũng hãy thử hát trong hồn của mình xem. Nếu bạn có chút tưởng tượng, hãy nghĩ đến tất cả những tạo vật đẹp và bạn hãy là giọng hát của chúng. Đây thật là một phương cách cầu nguyyện tốt. Thay vào chỗ của Ananias, Azarias, Misael, bạn có thể đặt vào đấy những tên khác…khi bạn hát một mình. Hãy thử xem.
Để có cái nhìn lạc quan về vũ trụ. Khi ta chìm vào trong chuyển động của bài ca này, ta chọn nhìn các vật từ khía cạnh tốt. Nước, gió, lửa, giá băng, sấm chớp, mây mù, muôn thú…Tất cả những vật đó không phải luôn luôn thích hợp. Gió đánh gãy và làm bật rễ cây cối. Băng giá hủy diệt các mầm chồi. Mây mù đôi lúc cũng gây hại. Mỗi tạo vật đều có mặt trái và mặt phải của nó. Một chút về vấn nạn của sự dữ, rất thương tâm cho con người thời nay, xuất phát từ việc con người sống trưởng giả, thiếu thực tế, hình như muốn tránh khỏi hết mọi rủi ro. Mọi vật chúng là như thế. Ta cần biết chúng…xử dụng mặt thuận lợi của chúng, và tiêu diệt ảnh hưởng của mặt tiêu cực. Mọi công trình của Chúa, hãy chúc tụng Chúa. Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch