Nghi Thức Hôn Nhân

Thứ năm - 06/09/2018 20:20  1538
Bước vào đời sống hôn nhân là thực hiện một giao ước, trong tình yêu, sự tự do và ân sủng để sống cho nhau và cam kết trung tín với nhau đến trọn đời.
Nghi Thức Hôn Nhân

Nghi Thức Hôn Nhân


Vì thế, việc hiểu biết ý nghĩa và nội dung của nghi thức hôn phối, không những giúp đôi bạn cử hành cách sốt sắng và ý thức “để làm cho việc cử hành phụng vụ thành một kinh nghiệm bản thân sâu sắc, và đánh giá đúng ý nghĩa của mỗi dấu chỉ[1], mà còn xác tín về những quyền lợi và trách nhiệm đối vời đời hôn nhân. Chính trong sự hiểu biết, đôi bạn sẽ nhận thấy giao ước hôn nhân là giao ước của tình yêu, của lòng thương xót vì diễn tả và rập theo mẫu gương Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội.

 

Hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa cử hành hôn phối

Có thể nói, hôn nhân là một định chế lâu đời. Những nghi thức cử hành cũng vì thế xuất hiện rất sớm trong xã hội. Theo dòng lịch sử, hôn nhân đã có những thay đổi, thế nhưng cái cốt lõi vẫn được duy trì. 

Cùng với việc đội khăn cưới (velatio nuptialis) có từ thế kỷ V, như dấu chỉ cho bậc sống mới của cô dâu [2]}, hay nghi thức đội triều thiên (Ở Đông phương) cho đôi tân hôn như dấu chỉ sự chiến thắng vì đã “tiến tới cửa hôn nhân cách bất khuất, mà không bị thú vui khuất phục”[3]một trong những yếu tố hầu như không thể thiếu trong mọi nghi lễ hôn nhân, đó là chiếc nhẫn cưới. Ngày nay, nói tới nhẫn cưới, người ta thường chú trọng đến kiểu dáng, chất liệu của chúng, mà không mấy lưu tâm đến nguyên do vì sao nhẫn cưới lại được mang ở ngón áp út bên trái?

Từ thời đại đồ đồng, Nhẫn đã xuất hiện trong nền văn minh Cretan-Mycenean. Khoảng năm 1800 tCN, nhẫn bắt đầu được sử dụng ở vùng Lưỡng hà địa như dấu niêm phong, tượng trưng cho thẩm quyền của người mang nó. [4]

Vena Amoris” (“mạch máu của tình yêu”) là một thuật ngữ của người Roma cổ, liên hệ đến quan niệm xa xưa từ thời các Pharaoh Ai cập: người Ai cập cổ tin rằng có một tĩnh mạch (hay một thứ như dây thần kinh) được nối trực tiếp từ đầu ngón tay thứ tư của bàn tay trái đến quả tim [5]}. Như thế, đầu ngón tay áp út bên trái chính là một thứ “cổng giao tiếp”, qua đó, con người có thể trao và nhận những tín hiệu của tình yêu từ tim tới tim. Khi kết hôn, đôi nhẫn hình vòng tròn (không có đầu, không có cuối, biểu trưng của sự nối kết vô tận, bất diệt [6]) được trao và mang vào ngón áp bên trái của đôi tân hôn, như một thứ vòng khóa, biểu tượng của giao ước thủy chung. 

Đến thời Trung cổ, khi hôn lễ được cử hành tại cửa nhà thờ, [7]} rồi trong nhà thờ, việc trao cho nhau lời kết ước cùng với việc làm phép và trao nhẫn được Giáo Hội Roma đưa vào nghi thức Hôn phối [8], nhằm làm rõ nét hơn nhằm làm rõ nét hơn tính công khai của hôn nhân [9] và giá trị thành sự của sự ưng thuận kết hôn [10].

 

Hôn nhân, “dấu chỉ hữu hiệu sự hiện diện của Đức Kitô”

Giao ước hôn nhân được nâng lên hàng bí tích và được cử hành trong nhà thờ, bởi Hôn nhân là thành phần của trật tự tạo thành, do Thiên Chúa thiết lập. Trong thánh lễ hôn phối, Giáo hội cầu xin Thiên Chúa đón nhận đôi tân hôn là những tôi tớ của Chúa, ban phúc lành và liên kết họ bằng mối dây bền vững muôn đời[11]. Thật vậy, ngay từ thuở đầu tạo dựng, hôn nhân cùng những hoa trái của nó đã là một nghi lễ được chính Thiên Chúa cử hành và chúc phúc (St 1,28). Bởi Ngài “chính là tác giả của hôn nhân”[12]. Cho nên, trong lễ nghi Hôn phối, khi đồng thanh công bố quyết định muốn kết hôn theo dự án Thiên Chúa, quyết định dùng lời cam kết hôn nhân không thể rút lại để dấn thân trọn đời cho một tình yêu bất khả phân ly và cho một sự trung thành vô điều kiện, đôi tân hôn cũng đồng thời bày tỏ một thái độ vâng phục sâu xa ý muốn Thiên Chúa, một thái độ không thể có nếu không có ân sủng[13].

Mở đầu bằng việc tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa [14]} và kết thúc bằng viễn ảnh về “tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9)[15]. Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh nói về hôn nhân và mầu nhiệm hôn nhân, về việc thiết lập và ý nghĩa mà Thiên Chúa đã ban cho hôn nhân, về nguồn gốc và mục đích của hôn nhân, về những việc thực hiện khác nhau của hôn nhân qua dòng lịch sử cứu độ, về những khó khăn của hôn nhân phát sinh do tội lỗi, và việc canh tân hôn nhân “trong Chúa” (1 Cr 7,39)[16]}, trong Giao Ước Mới của Đức Kitô và của Hội Thánh [17].

Chính Chúa Giêsu – Ngôi Lời Nhập thể, cũng như Cha của Người, đã ưu ái dành dấu lạ đầu tay của mình [18]} cho một đám cưới. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh coi đó là sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là lời loan báo rằng hôn nhân từ đây về sau là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô.[19]} Nhờ Đức Kitô, “nghi lễ hôn phối trở thành một hành vi bí tích để thánh hóa, nên phải được cử hành một cách thành sự, xứng đáng và sinh hiệu quả” .Vì thế, Công đồng Vaticano II đã mong muốn nghi thức hôn nhân cần được “làm cho thêm phong phú, ngõ hầu có thể diễn tả được ân sủng của bí tích cũng như những bổn phận của đôi bạn”[20].

Giao ước hôn nhân, giao ước để sống thương xót

Ân sủng của bí tích hôn phối trước tiên không nhắm gì khác ngoài viện “hoàn thiện tình yêu đôi lứa”[21]}. Khi cam kết sống chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời, dù qua những cung bậc thịnh vượng hay gian nan, mạnh khỏe hay ốm đau, đôi bạn sống, làm chứng và dành cho nhau tình yêu, theo khuôn mẫu Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh[22]}. Khi “mặc lấy bản tính nhân loại và trong việc hy sinh mà Đức Giêsu Kitô đã hiến mình trên thập giá Đức Kitô bày tỏ tình yêu đến độ viên mãn cho hiền thê của Người là Hội Thánh”[23]. Như vậy, cốt lõi của tình yêu hôn nhân đúng nghĩa nhất là một tình yêu xót thương và hy sinh. Tình yêu ấy thấm đượm sự phục vụ, cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho nhau (x. Col 3, 12).

Đời sống hôn nhân-gia đình hôm nay đang bị thách đố nặng nề bởi tình trạng ly dị. Có rất nhiều lý do, nhưng trên hết, con người như thể từng ngày cạn kiệt khả năng tha thứ và xót thương[24]. Vì thế, đôi bạn phải từng ngày tập sống và trao ban cho nhau sự hy sinh, nhẫn nại và tha thứ. “Nếu không, đời sống gia đình không còn là nơi hiểu biết, đỡ nâng và khích lệ nữa mà chỉ còn là nơi muôn đời căng thẳng và chỉ trích nhau[25].

[1] Pp. FRANCESCO, T.H. Amoris Laetitia. 213

[2] x. J. EVENOU, Le mariage, trong EP, III, tr. 205-207

[3] St. JEAN CHRYSOTOME, Hom. IX per lettura  I Timotheus, c. 2, PG 62, 546

[4] Universo, De Agostini, Novara, Vol. I, 1962, pag.302

[5] x. MACROBIUS AMBROSIUS THEODOSIUS, Saturnaliorum Libri SeptemVII, 13 // cf. ISIDORE DE SEVILLE, De Ecclesiasticis Officiis XX, 8

[6] vinculum et anulus pronubus.

[7] x. G. LE BRAS,  La doctrine du mariage chez les théologiens et les canonistes depuis l’an mille, DTC 9(1926) cột 2123-2214

[8] Marie-Pierre Gy. O.P., Le nouveau rituel romain du mariage,  trong LMD 99 (1969), p. 126-127

[9] x. C. CHARDON, Histoire des sacrements, 1745, p.1026; 

J. EVENOU, Le mariage, EP, III, p.  215

[10] Sắc lệnh TAMETSI (cap.I, sess. XIV, conc. Trento): “Hai người phối ngẫu phải bày tỏ sự ưng thuận lấy nhau trước mặt cha sở và hai nhân chứng”. x. DS 1813-1816 // x. A. DUVAL, La formule “Ego vos in matrimonium conjungo...” au Concile de Trente,  LMD 99(1969)144-153.

[11] x. Ordo celebrandi matrimonium, editio typica altera, Typis polyglottis Vaticanis, 1991

[12] x. GLHTCG số 1603

[13] Pp. FRANCESCO, T.H. Amoris Laetitia. 68

[14] St 1,26-27

[15] x. Kh 19,7.

[16] GLHTCG. 1602

[17] x. Ep 5,31-32.

[18] x. Ga 2,1-11.

[19] X. GLHTCG. 1613

[20] x. VATICANO II, Sacrosanctum Concilium, cap. III, 77 - 78

[21] Pp. FRANCESCO, T.H. Amoris Laetitia. 89

[22] Ibid. 63

[23] ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 13.

[24] Pp. FRANCESCO, T.H. Amoris Laetitia. 106

[25] Ibid. 108

 

Nguồn: giaophanxuanloc.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập174
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm140
  • Hôm nay18,219
  • Tháng hiện tại672,733
  • Tổng lượt truy cập52,841,681

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây