KẾT HÔN VÔ HIỆU DO LỪA GẠT (đ. 1098)
Kết hôn do lầm lẫn một tư cách của phía bên kia theo nguyên tắc chung là không làm cho hôn nhân bị vô hiệu. Tuy nhiên nếu sự lầm lẫn về một tư cách mà có ý gây ra để được chấp nhận kết hôn và nếu tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng, thì hôn nhân bất thành. Điều này được Giáo Luật quy định. Can. 1098 Qui matrimonium init deceptus dolo, ad obtinendum consensum patrato, circa aliquam al-terius partis qualitatem, quae suapte natura consortium vitae coniugalis graviter perturbare potest, invalide contrahit. | Điều 1098 Người kết hôn bị lừa gạt về một tư cách nào đó của phía bên kia, với chủ ý để ưng thuận, và nếu tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng, thì hôn nhân bất thành |
Sự lầm lẫn do người có ý gian dối (dolus) tạo nên thường được án lệ diễn tả là lầm lẫn do lừa gạt, erro dolosus, tiếng Ý là “errore doloroso” và tiếng Anh là “imposed error”. Chữ “lầm lẫn”, errore là danh từ chính và “lừa dối”, doloroso chỉ là tính từ hay bổ túc từ. Điều 1098 về sự bất thành của hôn nhân chú ý đến sự lầm lẫn, chứ không đến sự lừa dối.
Người bị lừa dối nên bị lầm lẫn. sự lầm lẫn làm ưng thuận bị hà tỳ nên kết hôn bất thành. Không phải là sự lừa dối làm cho hôn nhân bất thành. Người lừa dối, thông thường là để được kết hôn, là người tự do ưng thuận. Hôn nhân không vô hiệu nếu xét về sự khiếm khuyết ưng thuận của chính người này. Sự xấu xa hay tội lỗi của người này, tự nó cũng không làm cho hôn nhân vô hiệu. Vì vậy, trong thẩm cứu vụ án, không đòi hỏi phải có sự gian dối hay âm mưu rõ rệt nơi người lừa dối.
Mặt khác, Giáo Luật cũng không đòi người lừa phải là người kết hôn. Điểm chính là sự lầm lẫn gây nên sự hà tỳ ưng thuận chứ không là sự bị lừa. Người lừa có thể là người thứ ba, hoặc là cha mẹ, người làm mai mối…, để cho một bên ưng thuận kết hôn.[1]
A- Ý nghĩa
1- Tư cách (qualitas, quality)
Tư cách được dịch từ chữ La tinh “qualitas”, có nghĩa là quality: phẩm chất, đặc nét, đặc tính, tài năng, năng lực, đức tính, đặc trưng, cái mà người ta sở hữu.
Những tư cách đó là những gì?
Luật hay án lệ không đưa ra một bảng liệt kê những qualitas, nhưng để cho tòa án suy xét theo thực tế. Điều chính yếu cần thiết là qualitas ấy phải là như thế nào đó mà có thể gây ra xáo trộn nghiêm trọng đời sống chung vợ chồng.[2]
Những tư cách ấy không cần thiết phải thuộc bản thể (sostanziale) mà chỉ là thuộc tính (accidentiale). Quả là dư thừa và vô ích, nếu đòi hỏi phải là sai lầm một tư cách thuộc bản thể, vì điều này tự nó đã làm cho hôn nhân vô hiệu, ví dụ kết hôn mà lầm cô A với cô B thì tất nhiên kết hôn bất thành. Điều 1098 chỉ nói đến những tư cách phụ thuộc (accidente).[3]
Từ thế kỷ 12, Graziano đã dùng hai từ riêng biệt qualitas và fortuna. Ngày nay Ban Soạn Thảo Giáo Luật dùng chữ qualitas để chỉ cả fortuna, tức là cả tình trạng kinh tế, xã hội của một người, ví dụ như giàu nghèo, sang hèn, quan quyền hay thường dân.[4]
Pompedda, thẩm phán của tòa Thượng Thẩm Roma đã cho một định nghĩa về qualitas như sau: “cái làm cho một người là một người riêng biệt (particolare, không giống người khác)”.[5] Định nghĩa này cho thấy tư cách không hạn hẹp vào một đặc tính, một phẩm chất nào cả. Một cô gái là con của một người hành nghề đồng bóng và không làm nghề đồng bóng như mẹ. Cô ta không có tư cách là người hành nghề đồng bóng nhưng lại có tư cách là con của người hành nghề đồng bóng. Ví dụ này cho thấy, một quan hệ cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu … cũng là một tư cách của một người được xét đến nếu thấy cần thiết. Một người có thể bị lầm lẫn về một mối quan hệ như vậy. Ví dụ như một người nói: “Nếu tôi biết được cô ta là con của một người mẹ đã từng làm nghề đĩ điếm, tôi chẳng bao giờ lấy cô ta. Tôi không thể chấp nhận tôi có những người con gọi người ấy bằng bà ngoại”.
2- Lầm lẫn về một tư cách và sự vô hiệu hôn nhân
Giáo luật xác định: “Sự lầm lẫn về tư cách của một người, ngay cả khi tư cách ấy là nguyên nhân của khế ước, không làm cho hôn nhân bất thành” (đ. 1097#2).
Trong thực tế, khi hai người quen nhau thường tỏ lộ ra những ưu điểm và che dấu những khuyết điểm của mình, khiến cho người sắp kết hôn tưởng lầm. Vì vậy, đôi bạn hiểu lầm lẫn nhau là chuyện bình thường. Sau kết hôn mới thấy có những điều không ưng ý nơi người bạn đời cũng là chuyện thường hay xảy ra. Ví dụ như không ngờ vợ hay chồng mình: sức khỏe không tốt, hay có bệnh vặt; rượu chè, cờ bạc; lười biếng; tham lam tiền bạc; nóng tính; hay ghen; nhiều chuyện; miệng mồm quá đáng; hổn hào; hút thuốc quá nhiều; cha mẹ tham lam; mẹ chồng quá dữ dằn; lẳng lơ …
Sự lầm lẫn nói chung là không được tòa án xét làm cho hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, mà luật diễn tả: “trừ khi tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chính yếu” (đ. 1097#2). Vấn đề này được bàn đến ở phần lầm lẫn của điều 1097. Đó là khi một tư cách “được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu” thì làm cho sự ưng thuận kết hôn bị hà tỳ và làm cho hôn nhân vô hiệu.
Trong điều luật 1098 đang khảo sát ở đây có nêu ra một nguyên tắc: lầm lẫn do lừa gạt có thể gây vô hiệu hôn nhân. Luật đòi phải hội đủ hai yếu tố chính yếu:
a- Lầm lẫn về một tư cách do lừa gạt
b- Tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng
4- Lừa gạt tích cực và lừa gạt tiêu cực
Nhiều tác giả và án lệ Rota và phân biệt sự lừa dối trong hôn nhân theo điều 1098 bao gồm hai loại: dolo commissivo và dolo ommisivo:[6]
- Dolo commissivo: Sự lừa gạt hệ tại bởi một thái độ hay cách ứng xử tích cực của người lường gạt, nghĩa là hệ tại bởi những mưu mẹo, âm mưu, nói dối …. Loại lường gạt này có thể gọi là lừa gạt tích cực.
- Dolo ommisivo: Sự lừa gạt hệ tại bởi một thái độ hay cách ứng xử tiêu cực của người lường gạt, nghĩa là hệ tại bởi sự trầm lặng hoặc đặc biệt bởi sự im lặng gian manh về một điều xấu xa, khiếm khuyết nơi mình. Loại lường gạt này có thể gọi là lừa gạt tiêu cực.
Từ sự phân biệt trên, có thể suy xét trên hai điều nền tảng: Lừa gạt tích cực là gây ra một sự hiểu lầm do chính người lường gạt, bằng cách tạo ra một sự biểu hiện sai lạc; ngụy trang cho mình những tính chất mà mình không hề có. Ngược lại, trong lừa gạt tiêu cực, người lừa gạt bằng sự thụ động tạo ra cho người phối ngẫu một sự không biết về tình trạng con người hoặc về những khiếm khuyết của minh.
Vậy thì:
- Khi nào thì có đầy đủ lý lẽ để có thể áp dụng điều luật 1098 về sự lừa gạt tiêu cực? Dựa vào ý kiến của nhiều luật gia, Mauro Bardi trả lời:
“Đối với câu hỏi có đủ hay không để áp dụng điều 1098, ngay cả chỉ có sự âm thầm hoặc chỉ im lặng, thì xét về bất cứ hạnh kiểm (condotta) nào, ngay cả tiêu cực (passiva), thì được coi là lừa gạt khi mà đủ để cho rằng hạnh kiểm đó là do có ý lừa (intentio depiendi) và để tìm được sự ưng thuận”.[7]
Tại sao không nói ra lại là một sự lừa gạt?
Dựa vào chính bản chất của hôn nhân, xét như nhà một giao ước và những mục đích và đặc tính của nó, đòi hỏi một sự cởi mở tối đa (massima apertura) và sự tin cậy (confidenza) giữa hai người phối ngẫu. Vì thế, có thể khẳng định, trong tư tưởng của người phối ngẫu, có bổn phận phải cho nhau biết về tình trạng riêng của mình.
Sự lừa gạt trong hôn nhân không chỉ thể hiện bằng những lời nói không đúng sự thật mà còn có thể xảy ra khi một người cố ý giữ im lặng, không nói ra (dolo omissivo) một điều mà xét theo phán đoán thông thường là cần phải nói ra cho người kết hôn biết trước, như sự son sẻ, đã có con riêng, hoàn cảnh đặt biệt…[8]
Trong Coram Serrano, Dec (1987) 308 – 325, Munster, Tây Đức, thẩm phán tòa Rota Serrano cho rằng khi có sự nghi ngờ về phẩm chất thì phải nhìn vào dolus (lừa gạt) và condition (điều kiện). Trong trường hợp người chồng đã biết mình vô sinh trước khi kết hôn và anh ta cũng ý thức được điều đó là quan trọng đối với người vợ. Tuy nhiên, vì anh đã không nói ra cho cô ta biết, anh đã lừa gạt để kết hôn.
5- Tư cách tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng
Có những tư cách mà theo khách quan thì tự nó không gây ra sự nhiễu loạn sự hiệp thông vợ chồng, như hay uống rượu, hay cá độ, nóng tính… Có ý che dấu gây lầm lẫn những tư cách như vậy không làm cho hôn nhân vô hiệu.
Những tư cách mà tự bản chất nó có thể gây sự xáo trộn cho sự hiệp thông vợ chồng có thể được kể ra như:
- Sự vô sinh, được coi là một khiếm khuyết của cơ thể khiến không thể sinh sản được. Nó gây cho người chồng hay vợ không thể có con được. Đây là một điều gây nhiễu loạn đời sống hôn nhân nhất.
- Có con riêng, được coi là một điều cần phải cho người sắp kết hôn biết, nếu không sự bất hòa giữa vợ chồng sẽ nổ ra, gây nhiễu loạn đời sống hôn nhân.
- Có bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, ví dụ như có nhiễm HIV, giang mai, lậu…
- Nợ nần lớn khiến cho người vợ hay chồng cảm thấy một gánh nặng quá sức chịu đựng hoặc cảm thấy người phối ngẫu đã gạt mình hay lợi dụng mình để trả nợ.
Cũng nên chú ý rằng, luật nói đến tư cách mà tự bản chất “có thể” (potest) gây ra nhiễu loạn đời sống hiệp thông vợ chồng. Luật không nói tự bản chất nó “phải” gây ra. Những trường hợp vừa kể, theo cái nhìn khách quan, là nó có thể xảy ra chứ không không nhất thiết là phải xảy ra.
Hơn nữa. theo Giáo sư P. V. Pinto, việc giải thích về ý định lừa gạt và tư cách ấy không chỉ bởi cái nhìn khách quan mà còn phải xét đến khía cạnh chủ quan của nguyên đơn và bị đơn.[9] Thẩm phán Sylvestry của Napoli cũng viết rằng: Tòa Rota thường nhắc là vấn đề dolus cần phải được thẩm xét cả trong ý nghĩa khách quan lẫn chủ quan.[10] Trong một số trường hợp với cái nhìn khách quan thì một sự kiện chưa có nghĩa là lừa gạt hay tư cách tự bản chất không gây xáo trộn sự hiệp thông vợ chồng, nhưng xét theo cái nhìn chủ quan của người vợ hay chồng trong chính hoàn cảnh của họ thì kết luận sẽ khác đi.
Việc một người đàn ông che dấu mình hút thuốc lá để tiến tới kết hôn với một cô gái không thích thuốc lá có thể xảy ra hai trường hợp.
1- Che dấu hút thuốc để tỏ ra mình tốt, giúp chinh phục cô gái, tiến tới kết hôn;
2- Che dấu hút thuốc để có thể tiến tới kết hôn, trong khi biết rõ cô gái ấy rất ghét thuốc lá đến nỗi sẽ không kết hôn nếu biết anh ta hút thuốc lá.
Trong trường hợp thứ nhất, tuy có mang tính chất dối trá nhưng không đến mức độ gọi là lừa gạt để kết hôn. Mặt khác, sự lầm lẫn của cô gái chỉ là lầm lẫn về một tư cách mà tự bản chất không gây xáo trộn sự hiệp thông vợ chồng.
Trong trường hợp thứ hai, ý định lừa gạt khá rõ và sự lầm lẫn của cô gái về một tư cách và tư cách này lại gây xáo trộn sự hiệp thông vợ chồng xét theo cảm nhận của cô ấy. Nếu quy chiếu về ý nghĩa của đúng đắn về giao ước hôn nhân: hai người kết ước để trao hiến cho nhau, tạo sự hiệp thông trọn cả cuộc sống thì trong trường thứ hai này, thì sự ưng thuận trong kết ước bị hà tỳ khá rõ, có khả năng hủy tiêu hôn nhân.
6- Những tiêu chuẩn để thẩm xét
Để vô hiệu hôn nhân, cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau: - Tư cách phải thật, tức là một tư cách nội tại hay thuộc tính một người. Ví dụ, một bên đã có ăn nằm với một người khác trước kết hôn, thì tư cách đó không thực. Trong khi đó một người đã hành nghề mãi dâm, đã được chứng thực, thì đó được kể là tư cách thực.
- Tư cách đó phải có khi kết hôn, chứ không phải là một tư cách mong muốn hay hy vọng sẽ có trong tương lai. Một cô gái hy vọng chàng trai là bác sỹ hay tỷ phú, nhưng rồi không xảy ra như vậy thì sự thất vọng, đó không làm tiêu hôn; nhưng nếu anh ấy làm ra vẻ là bác sỹ hay tỷ phú để được kết hôn nhưng thực ra không là như vậy, hôn nhân có thể bị vô hiệu.
- Tư cách phải “không được biết” bởi người bị lừa. Nếu người bị lừa đã biết tư cách đó hoặc hồ nghi mạnh mẽ về sự hiện hữu của tư cách thì không thể nói là bị lừa. Sự không biết thường được kiểm chứng bằng những phản ứng ngạc nhiên hay giận dữ của người bị lầm. Ví dụ đột nhiên người vợ biết được chồng mình có một đứa con riêng mà chẳng có phản ứng gì mạnh mẽ, chỉ coi đó là chuyện rất có thể xảy ra, vì cô đã biết trước đây, ông chồng đã ăn ở với những cô gái khác.
- Tư cách đó, phải là “tự bản chất có thể gây nhiễu loạn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng”. Chú ý là, luật không nói tư cách phải là nghiêm trọng, chỉ nói nó, tự bản chất, có khả năng gây nhiễu loạn nghiêm trọng. Luật không chú trọng đến tư cách đó là gì, nhưng chú trọng đến khả năng tác động của nó. Tư cách, vì vậy, có thể là khách quan hoặc chủ quan gây ra nhiễu loạn nghiêm trọng. Ví dụ, sự trinh tiết, có thể rất quan trọng đối với người này nhưng không quan trọng đối với người khác hoặc quan trọng trong một nền văn hóa này nhưng không quan trọng trong một nền văn hóa khác.
Tư cách khách quan gây nhiễu loạn là những tư cách mà xã hội thấy nó là bất công cho người bị lầm, có thể kể như: bệnh truyền nhiễm, nghiện nghập đến đồi bại, …
Tư cách chủ quan gây nhiễu loạn là tư cách mà người bị lầm đã mong ước rất mạnh mẽ hay thái quá. Ví dụ cô gái chống lại mạnh mẽ việc kết hôn với người nghiện thuốc lá. Có lẽ bởi vì cô ta đã có bạn bè hay người thân bị chết vì ung thư phổi do hút thuốc. Cô ta đã nói với người yêu rằng cô ta chẳng bao giờ kết hôn với người nghiện hút thuốc lá. Anh ta đã biết vậy nhưng cứ cố tình che dấu để có sự ưng thuận kết hôn. Cô gái đã kết hôn vô hiệu do lầm lẫn lừa gạt.
7- Những vụ án điển hình về kết hôn lầm lẫn do lừa gạt
Sau đây là một số vụ án đã được xử bởi Tòa Thượng Thẩm Roma (Rota Roman)
- Lầm lẫn vì bên không Công Giáo đột nhiên không cho con được rửa tội[11]
Vài tuần sau khi kết hôn với phép chuẩn hôn nhân khác đạo với Angelo, một người Hồi giáo, Matta được Angelo cho biết: “Nếu chúng ta có con, chúng phải được chăm sóc lo liệu, chúng không được rửa tội bên Công Giáo mà phải được giáo dục trong Hồi Giáo”. Nghe vậy Matta sửng sốt, chịu không được, cuộc sống vợ chồng trở nên xáo trộn. Cuối cùng Matta đưa đơn lên Tòa xin tiêu hôn.
Nghi vấn được đặt ra: “Hôn nhân này có vô hiệu không: 1) do cả hai người kết hôn, hoặc ít là bên nguyên đơn, đã loại bỏ “bonum prolis” (thiện ích con cái) (đ. 1101#2); 2) do nguyên đơn lầm lẫn vì lừa gạt được tạo nên về một tư cách của bị đơn (đ. 1098)”
Các thẩm phán đã lời rằng: Phủ nhận (Negative) đối với giả thiết sự loại bỏ của nguyên đơn, Xác nhận (Affirmative) do bên bị can đã loại bỏ “bonum prolis” (đ. 1101#1) và do lầm lẫn vì bị lừa gạt gây những thiệt hại mà bên bị đơn tạo ra cho nguyên đơn (đ. 1098), vì thế, hôn nhân vô hiệu do bên bị đơn loại bỏ “bonum prolis” (đ. 1101#2) và do bên nguyên đơn bị lầm lẫn vì lừa gạt (đ. 1098)”.
Vụ án này được trích từ sưu tập một số vụ án tòa Rota của P.Silvestry trong tác phẩm La nullità del martimonio canonico. Raccolta di sentenze, Napoli 2004.[12]
2) Lầm lần về vô sinh (Coram Serrano, Dec (1987) 308 – 325, Munster, Tây Đức)[13]
Người chồng đã có bệnh trong thời gian đi lính và anh bị vô sinh. Mười năm sau khi kết hôn, nguyên đơn là người vợ mới khám phá ra sự vô sinh của chồng. Tòa án cấp I ở Đức đã tuyên bố hôn nhân vô hiệu với nguyên nhân lý do simulatio về phía bị can; lý do điều kiện và lầm lẫn về tư cách về phía nguyên đơn. Ở tòa cấp II Rota, thẩm phán Serrano đã trình bày một tổng hợp rất có giá trị về những nguyên tắc và lý thuyết về nguyên nhân tiêu hôn thuộc lầm lẫn về tư cách.
Thẩm phán Serrano cho rằng khi có sự nghi ngờ về tư cách thì phải nhìn vào dolus (lừa gạt) và condition (điều kiện). Trong trường hợp này người chồng đã biết mình vô sinh một năm trước khi kết hôn và anh ta cũng ý thức được điều đó là quan trọng đối với người vợ. Tuy nhiên anh đã không nói ra cho cô ta biết. Thẩm phán đã cho rằng sự dolus (lừa gạt) này tạo nên của sự lầm lẫn về tư cách.
3) Lầm lẫn về vô sinh (Coram Pinto, Dec 65 (1982) 725-737, Montevideop, Uruguay[14]
Nguyên đơn xin tiêu hôn với lý do: không đạt đến những mục đích của hôn nhân; và lầm lẫn về tư cách đến mức có ý nghĩa lầm lẫn về nhân thân. Dường như bị can là người vợ, đã có giải phẩu trứơc khi kết hôn và vì thế không thể sinh con.
Coram Pinto xem xét về mục đích chính và phụ của hôn nhân. Những mục đích phụ không phải là điều cốt yếu của hôn nhân. Trong trường hợp này, phán quyết là phủ nhận.
Trong nố này, chúng ta thấy, cũng có thể giải thích theo điều 1084#3, “Tình trạng son sẻ không ngăn cản và cũng không hủy tiêu hôn nhân, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1098”. Chỉ có sự son sẻ nào đó nằm trong trường hợp của điều 1098, tức là sự son sẻ có liên quan đến sự lừa gạt như trường hợp coram Serrano (4) nói trên.
Rõ ràng là ở đây sự giải phẩu chữa bệnh và hậu quả dẫn đến không sinh con là chuyện ngoài ý muốn, không có ý lừa gạt. Do sự khiếm khuyết của cơ thể mà không thể đạt tới việc sinh con là chuyện bình thường. Sự ưng thuận trong nố này không bị hà tỳ.
Nha Trang, chỉnh sửa và cập nhật 23-1-2016
JB Lê Ngọc Dũng
[1] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 107. [2] Maria Teresa ROMANO, La rilevanza invalidante del dolo sul consenso matrimoniale (can. 1098 C.I.C.). Dottrina e giurisprudenza, Editrice P.U.G., Roma 2000. [6] Cf. Mauro BARDI, Il dolo nel matrimonio canonico, Giuffrè editore, Milano 1996, 169-170.. [7] MAURO BARDI, Il dolo nel matrimonio canonico, Giuffrè editore, Milano 1996, 171. [8] M.F. POMPEDDA, "Il consenso matrimoniale", in "Il matrimonio nel nuovo codice di diritto canonico",1983, 66-67. [9] Cf. P.V. PINTO, Commento al Codice di Diritto Canonico, 654. [10] P. SILVESTRI, La nullita del matrimonio canonico. Raccolta di sentenze, Guida, Napoli 2004, 208. [11] Cf. P.SILVESTRY, La nullità del martimonio canonico. Raccolta di sentenze, Napoli 2004, 196- 241. Tác giả : Lm JB. Lê Ngọc Dũng
Nguồn: giaoluatconggiao.com