Kính xin Cộng đoàn hiệp lời cầu nguyện cùng Chúa cho linh hồn Đức Cha Marcel Piquet Lợi, Giám mục Tiên khỏi GP Nha Trang - Đấng Sáng Lập của Hội dòng chúng con được vui hưởng Nhan Thánh Chúa, nhân ngày Giỗ lần thứ 55 (11.07.1966-11.07.2021) của Ngài.
ĐỨC CHA PAUL MARCEL PIQUET LỢI
(24.08.1888-11.07.1966)
GIÁM MỤC TIÊN KHỞI GP.NHA TRANG
ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ.
I. GIA THẾ
Đức Cha Raymond Marie Paul Marcel Piquet sinh ngày 24. 08. 1888 tại Giáo Xứ Notre Dame des Champs, Giáo Phận Paris thuộc thành phố Paris nước Pháp. Ngài là người con trai thứ 7 trong gia đình có 8 người con.
Ông Bà Cố thân sinh của Ngài là những người công chính đức hạnh. Thân phụ Ngài trước làm việc tại Hội Thư Tịch, sau đó mở hiệu sách tại số 25 đường Vaugirard. Vì lương tâm Kytô hữu, ông từ chối bán những sách báo nghịch đạo hay dâm ô mà chỉ bán những sách báo tốt. Điều này gây thiệt hại cho công việc kinh doanh của ông. Thân mẫu Ngài, gốc ở Rennes, là điểm tựa cho hai người con linh mục trong gia đình. Chính môi trường gia đình đạo đức làm triển nở đời sống Kytô hữu. Vì vậy mà chẳng có gì ngạc nhiên khi Thiên Chúa tuyển chọn 2 linh mục từ mái ấm gia đình này. Các con được dạy dỗ và chứng kiến những gương sáng sống động và cụ thể của song thân: ngay thẳng, bác ái, trong sạch, đạo đức cũng như việc đọc kinh chung trong gia đình mỗi ngày và dù phải làm việc cật lực nhưng luôn giữ cẩn thận các ngày Lễ Chúa Nhật.
Sống quây quần chung quanh Cha Mẹ, cậu Marcel là người con út được đùm bọc trong tình thương của 2 người chị và 3 anh trai, còn 2 người con khác ngay từ thơ bé đã được Chúa gọi về. Đây là mảnh đất thiêng đầu tiên Chúa gieo mầm ơn thiên triệu cho 2 linh mục tương lai của Người.
Vào tháng 12.1894, Chúa gọi người mẹ dấu yêu của cậu về Trời, lúc ấy Marcel mới lên 6 tuổi! Người Chị cả Marie Thérèse thay mẹ gánh vác việc gia đình. Người Anh trưởng Pierre đang ở Chủng Viện, còn Marcel thì được thân phụ gửi sống Nội Trú cùng với người Chị và 2 anh trai. Chính vì mất người mẹ ruột thịt sớm mà cậu bé M. Piquet đã được hướng dẫn đặt trọn tình yêu và lòng tín thác của mình vào Người Mẹ trên Trời là Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm.
II. KHÚC NGOẶT QUAN TRỌNG. 1904-1912
Vừa lên 10 tuổi, cậu Marcel đã trình bày cho thân phụ ý muốn trở thành một nhà truyền giáo. Người cha sẵn lòng đáp lại nguyện vọng của con mình. Oâng cho cậu vào trường Notre Dame và sau đó nội trú tại Tiểu Chủng Viện Notre Dame des Champs.
Ngày 06.06.1908, cậu thanh niên 20 tuổi Marcel Piquet dâng thư thỉnh nguyện cho Cha Giám Đốc Chủng Viện Thừa Sai với những lời lẻ tâm huyết:
“ Con là Paul Marcel Piquet, con sắp mãn lớp Terminal. Con không có những tài năng lớn lao, cũng không có những nhân đức cao cả. Nhưng con biết rằng Chúa Nhân Lành gọi con trong Ơn Gọi Truyền Giáo. Con không mang theo những phẩm tính cao quí, nhưng những gì con có, con hiến dâng tất cả. Đó là thiện chí của con. Ước muốn quyết liệt của con là sau này trở nên một công cụ hữu dụng trong tay các Đấng Bề Trên.”
Ngày 15.09.1908, chàng trai Marcel Piquet được may mắn gia nhập Đại Chủng Viện Thừa Sai Bìevres. Thầy P. Piquet là một chủng sinh vui tính, luôn luôn vui vẻ, năng động, nhiệt tình trong các môn chơi và thường làm đề tài cho những trận cười thoải mái. Thầy đã nổ lực đạt đến lý tưởng Linh Mục Thừa Sai trong Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa. Cũng như thời Tiểu Chủng Viện, nhận xét của Ban Giám Đốc về Ngài nhấn mạnh đến lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm, như dấu ấn đặc biệt trong đời sống thiêng liêng của Ngài.
Ngày 29.07.1912, Thầy Marcel Piquet được nhận lãnh Sứ Vụ Linh Mục. Hồng Aân Thiên Chúa phủ rợp bóng trên Vị Tân Linh Mục đạo đức nhiệt thành. Cha Marcel Piquet được miễn thi hành nghĩa vụ quân sự. Ngài nhận bài sai đi truyền giáo ở Giáo Phận Qui Nhơn Việt Nam.
Ngày 30.07.1912, Cha Marcel Piquet dâng Thánh Lễ mở tay tại“ Saint-Hippolyte” nơi mà người anh Linh Mục Pierre của Ngài làm phó xứ trước khi trở thành Cha Xứ Giáo Xứ Lilas. Đây cũng chính là cuộc hội ngộ cuối cùng với người Cha Già, các anh chị và mọi người thân yêu trong gia đình, các ân nhân và bằng hữu để lên đường truyền giáo: Cha anh Pierre cùng đồng tế với Ngài, và hai người cháu của Ngài giúp lễ. Với tất cả lòng can đảm, Cha Paul Piquet giãû từ Cha già và mọi người thân yêu trong gia đình. Trong khi rời bỏ Marseille, đôi mắt Ngài vẫn lưu luyến nhìn Tượng Đức Bà Bảo Hộ phó dâng những người thân yêu cho Đức Thánh Nữ Đồng Trinh và khấn xin Mẹ nâng đỡ Ngài trên bước đường Truyền Giáo mới bắt đầu.
III. SỰ NGHIỆP THỪA SAI.
1. Giai đoạn khởi đầu.( 1912-1916)
Ngày 29.12.1912, Cha Marcel Piquet đặt chân lên Miền Truyền Giáo Qui Nhơn. Ngài được Đức Cha Grangeon, GM Qui Nhơn, đặt tên là Lợi và được gửi đến Cha P. Tardieu, Cha Sở Hội Đức, cách Qui Nhơn 90 km về phía Bắc, để học tiếng Việt và phong tục địa phương hầu dễ dàng thích nghi với môi trường mới trong công tác thừa sai.
Sau 1 năm, Cha Marcel Piquet được chỉ định làm Cha Phó Xứ Đồng Quả. Năm 1915, Ngài bị gọi nhập ngũ với nghiệp vụ y tá, nhưng chỉ trong thời gian ngắn thì được giải ngũ vì lý do sức khỏe.
2. Giám Đốc Đại Chủng Viện và Giáo Sư triết học ( 1916-1924)
Tháng 9. 1916, Cha Marcel Piquet được bổ nhiệm làm Giám Đốc kiêm Giáo Sư Triết tại Đại Chủng Viện Đại An, Qui Nhơn. Trong 8 năm sống tại ĐCV, Ngài đã góp phần hữu hiệu trong việc đào tạo Giáo Sĩ bản quốc, đồng thời Ngài cũng có được những kinh nghiệm thiết thực về tính tình, nếp suy nghĩ và cảm quan của người Việt Nam.
Trong thời gian này, các đại chủng sinh gặp thấy nơi Cha Giám Đốc Piquet Lợi những đức tính nổi bật như: hiền lành, dễ thông cảm, trung thực, thẳng thắn… Cha không chấp nhận sự gian dối nhưng dễ tha thứ khi tội nhân nhìn nhận lỗi lầm của mình.
3. Cha Sở Dinh Thủy và Hộ Diêm Phan Rang ( 1924-1943)
Cha Sở Dinh Thủy Phan Rang Ninh Thuận (1924-1927)
Năm 1924, Cha Piquet Lợi rời môi trường đào tạo chủng sinh để nhận trách nhiệm Cha Sở Giáo Xứ Dinh Thủy cho đến năm 1927. Việc Cha Marcel Piquet được bổ nhiệm làm Cha Sở một Giáo Xứ trong Miền Truyền Giáo, như một đánh dấu mở đầu đời sống hoạt động công khai của vị thừa sai trẻ. Vì vậy trong giai đoạn này, người ta đã gặp thấy những đức tính nhân bản và tinh thần của Cha Marcel Piquet biểu hiện qua đời sống cá nhân và sinh hoạt thừa sai của Ngài.
Cha Sở Hộ Diêm Phan Rang Ninh Thuận ( 1928-1943)
Năm 1927, Cha Marcel Piquet Lợi được bổ nhiệm làm Cha Sở Giáo Xứ Hộ Diêm. Nhận Giáo Xứ Hộ Diêm, Cố Marcel Piquet Lợi đã tiếp tục cách tích cực các công tác thừa sai và thủy lợi như khai hoang lập ấp, xây đập Nha Trinh để dẫn thủy nhập điền…mà Cố Villaume là Cha Sở đầu tiên của Hộ Diêm và các vị kế thừa đã tạo lập. Một trong những công trình lớn Ngài đã thực hiện là ngôi Thánh Đường Hộ Diêm khang trang lộng lẫy. Đồng thời khi con số giáo dân gia tăng, Ngài đã xúc tiến việc khẩn hoang, xin tiếp viện kịp thời và xây thêm các Thánh Đường cho vùng lân cận như: Thanh Điền, Gò Đền, Phước Thiện, Phước An.
Về phương diện Mục Vụ, ánh sáng đức tin đã chiếu dọi trên anh em lương dân qua Vị Mục Tử nhân ái và đoàn chiên nghĩa thiết của Ngài. Tất cả những ai đến làm ăn trên vùng đất mới này đều lần lượt gia nhập Cộng Dồng Dân Chúa.
Về phương diện Kinh Tế Xã Hội, chương trình di dân lập ấp và phát triển nông nghiệp đã đem lại thành công. Cố Marcel Piquet Lợi đã qui tụ được số đông dân chúng nghèo đói ở những vùng lân cận và nâng cao mức sống của họ phù hợp với phẩm giá con người.
Qua 15 năm dấn thân trên cánh đồng truyền giáo Hộ Diêm trong trách nhiệm Cha Sở, dù có nhiều Cha Phó người Việt phụ tá, nhưng Cố Marcel Piquet luôn tận tụy và nhiệt thành xả thân trong các bổn phận mục vụ và xã hội. Đặc điểm nổi bật nhất của Cố từ thời làm Cha Sở là thao thức giải quyết những vấn đề nhân sinh. Không những quan tâm xây dựng và phát triển đời sống đức tin cho giáo dân mà còn nhiệt thành chăm lo xây dựng và phát triển đời sống kinh tế xã hội cho toàn dân.
4. Tổng Đại Diện Giáo Phận Qui Nhơn ( 1941-1943)
Cuối năm 1941, Cha Simon được chọn làm Giám Mục Giáo Phận Kontum và Cha M. Piquet Lợi được chỉ định thay thế Ngài làm Tổng Đại Diện GP Truyền Giáo Qui Nhơn. Sau khi Đức Cha Tardieu Phú qua đời, Ngài được đề cử làm Bề Trên Miền Truyền Giáo Qui Nhơn.
5. Giám Mục GP Qui Nhơn.( 18.01.1944-1957)
Ngày 11.11.1943, Cha Marcel Piquet Lơi nhận dây Bulla Giám Mục của Miền Truyền Giáo Qui Nhơn.
a. Lễ tấn phong
Ngày 18. 01. 1944 Đức Cha Drapier, Khâm Sứ Toà Thánh ở Huế, xức dầu tấn phong Giám Mục cho Cha Marcel Piquet Lợi tại nhà thờ Chánh Toà Qui Nhơn. Một cuộc sống mới bắt đầu với nhiều thử thách.
b. Những giờ phút quyết liệt của Giáo phận Qui Nhơn.
Đức Cha Marcel Piquet Lợi cùng với Giáo Hội Việt Nam đã trải qua những giờ phút lịch sử quan trọng đầy cam go thử thách. Thực tế Đức Cha biết rất ít về miền bắc Giáo Phận truyền giáo Qui Nhơn, vì trước đó Ngài chỉ sống ở phía nam, trong tỉnh Ninh Thuận. Ngài bắt đầu kinh lý Giáo Phận Qui Nhơn, để đích thân tìm hiểu các linh mục và giáo dân trong đoàn chiên lớn của mình. Việc đi lại thật khó khăn. Ngài không bận tâm, vì Ngài luôn bằng lòng với cái tối thiểu cần thiết mà thôi. Tuy nhiên Ngài luôn đòi hỏi các linh mục và giáo dân phải đón tiếp Vị đại diện Đức Thánh Cha với tất cả lòng tôn kính. Ngài mong muốn Linh Mục và giáo dân hôn nhẫn. Vì theo Ngài, việc hôn nhẫn Giám Mục là dấu chỉ sự tùng phục Đức Giám Mục và Đức Giáo Hoàng.
- Ngày 09. 03. 1945, người Nhật lên nắm chính quyền ở Đông Dương, bắt cả binh lính và công chức người Pháp tập trung lại một nơi để quản thúc với toàn bộ gia đình của họ. Các Nhà Truyền Giáo được đưa về tập trung tại Toà Giám Mục Qui Nhơn. Chẳng bao lâu một chiến dịch bôi nhọ bộc phát và lan rộng khắp nơi với khẩu hiệu: “Các Nhà Truyền Giáo là tay sai thực dân”. Vì sợ bị bắt bớ nên ngay cả các linh mục Việt Nam cũng không dám lên tiếng phản đối lời kết án này. Đức Cha Piquet Lợi nhận thấy chỉ trong vòng một ngày mà Ngài bị cắt đứt mối liên lạc với các linh mục và giáo dân của mình. Ngài chỉ định một Cha Tổng Đại Diện người Việt Nam để điều khiển Giáo Phận.
- Tại tòa Giám mục Qui Nhơn, giữa các linh mục Thừa Sai đang bị tập trung với mình, Đức Cha Piquet âm thầm chịu đựng đau khổ: Linh mục, giáo dân không còn dám đến liên lạc tiếp xúc với Ngài nữa. Đối với Đức Cha, giai đoạn này mang ý nghĩa thanh luyện trong thử thách. Quỳ trước Nhà Tạm, Ngài cầu nguyện cho các linh mục và giáo dân của Ngài, phó dâng tất cả cho Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa. Ngài tha thiết nài van Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, là Người Mẹ của Ngài và của đoàn chiên Ngài, chuyển cầu cùng Cha Nhân Lành cho Giáo Phận Qui Nhơn và Giáo Hội Việt Nam.
c. Giáo Phận Qui Nhơn cắt thành 3 vùng.
Từ ngày 19. 12. 1946 đến hiệp định Genève 1954, Giáo Phận Qui Nhơn bị cắt làm 3. Và, Nha Trang trở thành trung tâm của Giáo Phận. Nhưng Đức Cha Piquet Lợi không dừng chân lại đây mà vượt mọi gian lao thử thách, Ngài len lỏi khắp các miền trong Toàn Giáo Phận để cảm thông , chia sẻ, nâng đỡ, khích lệ các linh mục và giáo dân của Ngài.
d. Thành lập Chủng Viện Phan Rang và Nha Trang
Không còn Chủng Viện Qui Nhơn, Đức Cha Marcel Piquet thành lập tạm thời tại Tấn Tài, Phan Rang một Chủng Viện, sinh hoạt từ năm 1946 – 1952 và tại Nha Trang sinh hoạt từ 1952 – 1958.
6.Giám Mục Tiên Khởi GP Nha Trang ( 05.07.1957-11.07.1966)
- Ngày 05.07.1957, Tòa Thánh thành lập Giáo Phận Đại Diện Tông Tòa Nha Trang và giao cho Đức Cha M. Piquet Lợi coi sóc.
- Ngày 24.11.1960, Ngài được nâng lên hàng Giám Mục Chính Tòa.
- Ngày 23.06.1961, Ngài nhậm chức Giám Mục Nha Trang với châm ngôn: “Ut in omnibus maxime ametur Deus” (Để trong mọi sự Thiên Chúa được hết lòng yêu mến) với huy hiệu “Chiên Con cầm cờ chiến thắng”
7. Những quyết định quan trọng cho nhu cầu mục vụ.
Nhận Giáo Phận mới với bao nhu cầu cấp thiết cần phải đáp ứng, Đức Cha M. Piquet đã thực hiện ngay những quyết định quan trọng đầu tiên:
- Dời Nhà Mẹ Dòng Thánh Giuse từ Qui Nhơn về Nha Trang.
Dòng “ Anh Em Hèn Mọn Thánh Giuse” được Cha Sion, thuộc Hội Thừa Sai Paris thành lập ngày 01.11.1926, thay thế Hội Các Thầy Giảng, đảm trách công tác mục vụ trong GP Qui Nhơn.
Ngày 01.09.1948, để chuẩn bị cho việc phân chia Giáo Phận Qui Nhơn,
ĐC. Marcel Piquet xây dựng 1 cơ sở mới tại Bình Tân Nha Trang để làm Nhà Trung Ương cho các Sư Huynh Giuse. Ngày 19.03.1954, ĐC M. Piquet chính thức dời Cơ Quan Trung Ương vào địa điểm mới Bình Tân.
- Thành Lập Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang.( 19.03.1958 )
Sau khi nhận Tòa, ĐC. Marcel Piquet khởi công xây dựng Tiểu Chủng Viện Sao Biển tại Thanh Hải Đồng Đế Nha Trang. Ngày 19.03.1958 đặt viên đá đầu tiên và công trình hoàn thành tốt đẹp cuối năm 1958. Ngày 15.08.1958 Chủng Viện Sao Biển Nha Trang đón nhận chủng sinh và chính thức sinh hoạt.
- Thành Lập Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang( 15.09.1958 )
Để đáp ứng nhu cầu mục vụ và xã hội của Giáo Phận mới, ngày 15.09.1958, ĐC Marcel Piquet thành lập một Hội Dòng mới cho Giáo Phận Nha Trang với Tước Hiệu Khiết Tâm Đức Mẹ tại Bình Cang Nha Trang. Nhà Phước MTG Bình Cang được chọn làm cơ sở cho Dòng Khiết Tâm Đức Me. Nha Trang. Chính trên trên cơ sở này mà Thanh Tuyển Viện Khiết Tâm được thành lập và nhận lớp thanh tuyển sinh đầu tiên ngày 15.09.1958.
- Thành Lập Dòng Cát Minh Nha Trang (1959 )
Năm 1959, ĐC Marcel Piquet xây dựng 1 Đan Viện, đối diện với TCV Sao Biển Nha Trang và mời các Chị Dòng Kín Thanh Hóa từ Pháp trở về sau 6 năm tha phương tại Pháp. Cùng tháp tùng có Mẹ Bề Trên Dòng Kín tại Moulin. Và Bà Mẹ này đã đóng vai chính trong việc thành lập Nhà Kín Nha Trang. ĐC Marcel Piquet tin tưởng vào sự hiện diện chứng tá thầm lặng và thánh thiện của các nữ đan sĩ Carmêlô và lời chuyển cầu của các Chị dâng lên Chúa Cha nhân lành, là hậu thuẫn tinh thần cho Giáo Phận Nha Trang.
V. TRANG SỬ CUỐI CỦA CUỘC ĐỜI THỪA SAI.
1. Lâm trọng bệnh và được Chúa gọi về
Ngày 09.06.1966, sau Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, sức khỏe của ĐC. Marcel Piquet cạn kiệt, Ngài suy sụp hoàn toàn, bán thân bất toại. Các bác sĩ Nha Trang đề nghị chuyển Ngài vào Bệnh Viện Sài gòn.
Ngày 11.06.1966, Ngài được xức dầu bệnh nhân, với trọn niềm tín thác vào Thánh Ý Quan Phòng của Thiên Chúa. Ngài rời bệnh viện Nha Trang, được chuyển bằng máy bay vào bệnh viện St Paul Sài Gòn.
Ngày 07.07.1966, chứng bướu độc ở thận đột biến nguy kịch, Ngài đau đớn cùng tột và lụn dần như ngọn đèn cạn dầu.
Ngày 11.07.1966, vào lúc 3giờ 45 sáng, Ngài nhẹ nhàng trút thở hơi cuối cùng, phó dâng cuộc đời làm hiến lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha. Hưởng thọ 78 tuổi.
2. Nghi Lễ An Táng.
Linh cửu Ngài được quàng tại Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn 3 ngày cho Cộng Đoàn Dân Chúa kính viếng.
Ngày 14.07.1966, Đức Cha Palmas, Khâm Sứ Tòa Thánh cử hành long trọng Thánh Lễ cầu hồn, cùng với đoàn đồng tế gồm có: 3 Tổng Giám Mục, 9 Giám Mục và rất nhiều Linh Mục….Cộng đoàn dân Chúa tham dự gồm đông đảo nam nữ Tu Sĩ và giáo dân, các đại diện Chính Quyền Việt Nam và Tòa Đại Sứ Pháp. Sau lời nguyện Tạ Lễ, linh cửu Ngài được tiễn ra phi trường Tân Sơn Nhất trở về GP Nha Trang, thể theo yêu cầu của Hàng Giáo Sĩ Nha Trang.
Trong 3 ngày, linh cửu của Ngài được đặt tại Tòa Giám Mục Nha Trang, Các thành phần Dân Chúa khắp nơi qui tụ về cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ cầu hồn và chuẩn bị tiển đưa Ngài đến nơi an nghĩ cuối cùng.
Ngày 18.07.1966, ĐC Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, GM Giáo Phận Đà Lạt chủ sự Thánh lễ an táng. Rất đông linh mục đồng tế, Cộng Đoàn Giáo Dân và các đại diện Chính Quyền và Các Tôn Giáo Bạn tham dự.
Toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo Phận Nha Trang khóc thương Người Cha Chung nhân ái, suốt dời sống chết vì đoàn chiên.
Mộ chí ĐC Marcel Piquet tọa lạc trên lưng chừng đồi, phía trước tiền đường Nhà Thờ Chính Tòa Nha Trang. Hằng ngày và đặc biệt trong dịp lễ giỗ mỗi năm, Giáo Xứ Chính Tòa và Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang dâng Thánh Lễ cầu hồn và tưởng niệm Ngài, Vị giám Mục tiên khởi của Giáo Phận Nha Trang và là ĐSL Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang.
V. GIA SẢN TINH THẦN CỦA ĐC. PAUL MARCEL PIQUET LỢI.
Ngay từ khi còn là một chủng sinh, Thầy M. Piquet đã sống đúng như Bề Trên Tiểu Chủng Viện Thừa Sai Paris đã nhận xét: vui vẻ, tiếu lâm, ồn ào, hăng hái, trung thực và nhiệt tình trong mọi phương diện. Thầy có lòng đạo đức sâu sắc, khiêm tốn trong cách sống và trung thành tận tụy chu toàn bổn phận. Những đức tính cao quý này ngày càng thâm thúy hơn trong quá trình đời sống thánh hiến của Ngài:
- Vui vẻ và thẳng thắng. Ngài có tính tiếu lâm, vui vẻ nhiệt tình nhưng cũng rất cương nghị thẳng thắng. Ngài không dung tha cho sự gian dối, nhưng sẵn sàng tha thứ khi tội nhân thành tâm sám hối. (Chứng từ của Thầy Eugène Dòng Thánh Giuse Nha Trang, nguyên là tài xế lái xe luôn cận kề bên Ngài )
- Rất khiêm nhường. Ngài đã từng quì xuống xin lỗi Cha Phó của mình là Cha Tới, trong những lúc bất hòa.( Chứng từ của Cha Tới, nguyên là Cha Phó của Ngài tại GX. Hộ Diêm và sau đó là Cha Sở GX Bình Cang )
- Sống khổ chế. Ngài sống tinh thần khổ chế, hãm mình chay tịnh, nhiệm nhặt khi sử dụng của cải đối với chính mình, nhưng lại rộng tay giúp đỡ người nghèo.( Chứng từ của Thầy Eugène Dòng Thánh Giuse Nha Trang )
- Quảng đại hiến thân. Ngài luôn sẵn sàng quảng đại phục vụ mọi người. Ngay trong đêm khuya, sẵn lòng dùng chiếc xe “ cà tàng” Citroen 5 ngựa của Ngài di chuyển cấp cứu bệnh nhân, kể cả các sản phụ lâm bồn, đến Bệnh Viện Phan Rang. Ngài luôn rộng rãi đóng góp của cải cho những nhu cầu truyền giáo: xây dựng cơ sở vật chất hoặc các công tác thừa sai. ( Chứng từ của Nữ tu Marie Gabrielle Thành Trinh, Dòng Khiết Tâm Đức Me Nha Trang, nguyên là Dì Phước MTG Dinh Thủy, giữ Lẫm lúa Nhà Chung tại GX Hộ Diêm, trong thời ĐC M. Piquet làm Cha Sở Hộ Diêm )
- Sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngay từ tấm bé, lòng yêu mến và tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm đã đóng ấn cuộc đời Đức Cha M. Piquet Và Hiền Mẫu Maria đã đồng hành, chăm sóc và phù trợ cho Ngài xuyên suốt cuộc đời trần thế. Chúng ta có thể ghi lại vài nét tiêu biểu tấm lòng con thảo của Ngài đối với Đức Mẹ Vô Nhiễm:
• Khi làm Cha Sở Hộ Diêm, Ngài đã thành lập Hội Con Đức Mẹ và từ đó lan rộng toàn Giáo Phận Nha Trang.
• Khi làm Giám Mục Nha Trang, Ngài đã chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm làm Bổn Mạng Giáo Phận Nha Trang.
• Ngài thành lập Tiểu Chủng Viện Nha Trang với danh hiệu Sao Biển
• Và thành lập Hội Dòng Giáo Phận với tước hiệu Khiết Tâm Đức Me Nha Trang.
Cùng với Đức Cha P. Marcel Piquet, Giám Mục Tiên Khởi Giáo Phận Nha Trang, chúng ta hiệp dâng lên Chúa Cha nhân lành Bài Trường Ca Magnificat tuyệt vời của Đức Maria Vô Nhiễm...trong Mùa Xuân Kim Khánh Giáo Phận Nha Trang.
Trích 'Lược sử Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang'
Nguồn: http://dongkhiettam.com