HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM C
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM C
Lời Chúa: Ga 20,19-31
1. Đức Giêsu phục sinh vào nhà khi cửa đóng, và Đức Giêsu cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn : bạn thấy hai chuyện này có vẻ ngược nhau không?
2. Đức Giêsu phục sinh ban bình an cho các môn đệ mấy lần trong bài Tin Mừng này? Tại sao Ngài nói nhiều lần như vậy? Đọc thêm Ga 7,13; 9,22; 19,38. Đọc thêm Ga 14,27; 16,33. Đây có phải là một lời chúc không?
3. Đọc Ga 16,20-24. Bạn thấy đoạn văn này có hợp với niềm vui được nói đến ở Ga 20,20 không?
4. Khi các môn đệ sợ hãi, đóng cửa, Chúa Giêsu cuối cùng đã mời họ làm gì? Đọc Ga 20,21.
5. Chúa Giêsu phục sinh thổi hơi để ban Thánh Thần cho môn đệ (Ga 20,22). Dựa trên Ga 7,38-39, Chúa Giêsu đã được tôn vinh chưa?
6. Ơn nhận được Thánh Thần (Ga 20,22) có liên hệ gì với quyền tha tội (Ga 20,23)?
7. Dựa trên Ga 20,24-25.28, bạn nghĩ gì về con người của ông Tôma?
8. Câu tuyên xưng đức tin của Tôma gợi cho ta câu gì tương tự ở chương 1?
9. Đọc cả bài Phúc âm này, cho biết Đức Giêsu phục sinh đã tặng cho các môn đệ những món quà gì?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Bạn nghĩ gì về cách cư xử của Chúa Phục sinh với các môn đệ? Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giêsu chiều ông Tôma cứng cỏi? Tại sao Ngài chiều ông?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Chúa Giêsu phục sinh vào nhà các môn đệ khi cửa đóng (Ga 20,19.26), rồi sau đó Ngài cho họ xem hai bàn tay và cạnh sườn của Ngài (Ga 20,20.27). Điều đó cho ta thấy thân xác của Đấng phục sinh mang những nét có vẻ tương phản. Một mặt, thân xác ấy đã được biến đổi đến nỗi Ngài có thể vào nhà dù cửa đóng. Mặt khác, thân xác được phục sinh và biến đổi ấy vẫn là một với thân xác của Chúa trong cuộc Khổ Nạn, vì vẫn mang những dấu đinh ở hai tay và dấu đâm ở cạnh sườn. Như thế, thân xác của Chúa phục sinh tuy được biến đổi tận căn, nhưng vẫn là một với thân xác đã được Đức Maria sinh ra, đã chịu khổ hình và đã chết thật sự trên thập giá.
2. Chúa Giêsu chúc bình an cho các môn đệ ba lần trong bài Tin Mừng này (Ga 20,19.21.26). Chúc bình an (Shalom) là lối chúc bình thường của người Do-thái. Tuy nhiên, lời chúc này mang một ý nghĩa đặc biệt trong hoàn cảnh hiện tại của các môn đệ. Họ đang “sợ những người Do-thái,” sợ những nhà lãnh đạo tôn giáo đã khiến Thầy Giêsu phải chết (x. Ga 7,13; 9,22; 19,38). Họ sợ đến mức phải cửa đóng then cài. Nếu Thầy đã chịu số phận như thế, thì số phận của họ sẽ ra sao? Chúa phục sinh ban cho họ ơn bình an mà chính Ngài đang có, để họ vượt qua nỗi sợ hãi, khép kín trên chính mình, và không dám mở ra với tha nhân. Thật ra, ngay trong bài diễn từ sau Tiệc Ly, khi biết cái chết đến gần khiến các môn đệ sợ hãi, Đức Giêsu đã chúc bình an cho họ rồi (x. Ga 14,27; 16,33).
3. Ở Gioan 16,20-24, Đức Giêsu đã báo trước nỗi ưu phiền và nước mắt của các môn đệ khi Ngài đi về với Chúa Cha, qua việc giương cao trên thập giá. Nhưng Ngài cũng báo trước là họ sẽ được hưởng niềm vui trọn vẹn khi Ngài gặp lại họ. Lời tiên báo này đã được ứng nghiệm khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với họ và cho họ xem các vết thương nơi thân xác của mình (Ga 20,20). Lúc đó niềm vui đã trở lại với họ (Ga 20.21).
4. Sau khi chúc bình an và cho các môn đệ xem các vết thương, Chúa phục sinh đã sai phái các môn đệ (Ga 20,21). Ngài muốn họ ra khỏi căn phòng đóng kín, để can đảm nhận sứ mạng lên đường đến với con người trần thế. Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng Cha giao cho mình (Ga 19,30). Nay Ngài muốn các môn đệ tiếp nối cùng một sứ mạng đó. Ra khỏi nỗi sợ hãi để được sai đi không phải là điều dễ dàng, vì tám ngày sau, các môn đệ vẫn chưa dám mở các cửa (Ga 20,26).
5. Gioan 7,37-38 cho biết Đức Giêsu chỉ trao ban Thần Khí khi Ngài được tôn vinh. Sau khi được phục sinh, Chúa Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ, như vậy Ngài đã bắt đầu được Chúa Cha tôn vinh rồi.
6. Chúa Giêsu phục sinh là Đấng đầy tràn sự sống thần linh. Ngài thổi hơi thở sự sống của Ngài trên các môn đệ để ban cho họ Thánh Thần mà Ngài đã hứa (Ga 15,26; 16,7). Thánh Thần là hơi thở sự sống của Đấng phục sinh. Khi nhận được Thánh Thần, các môn đệ có thể thông ban sự sống ấy cho người khác. Đứng trước tội nhân là người mất sự sống, họ có quyền trả lại sự sống ấy qua việc tha tội. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Trong công thức Xá giải có câu: “và ban Thánh Thần để tha tội.”
7. Chúng ta không rõ tại sao ông Tôma lại vắng mặt khi Chúa phục sinh hiện ra với 10 môn đệ kia. Chỉ biết là Tôma đã từ chối tin vào lời chứng của nhóm: Chúng tôi đã thấy Chúa! Mặt khác, Tôma lại rất tin vào giác quan của mình. Ông chỉ tin khi kiểm nghiệm bằng mắt và tay. Nhưng ông cũng đã mau mắn tuyên xưng đức tin khi ông được thấy.
8. Đó là câu Ga 1,1: “Ngôi Lời là Thiên Chúa.”
9. Qua bài Tin Mừng này ta thấy Chúa Giêsu phục sinh tặng cho các môn đệ của Ngài nhiều món quà. + Trước hết Ngài tặng sự hiện diện của chính con người Ngài. Ngài tự ý đến với họ khi họ đóng cửa vì sợ hãi (cc.19, 26). + Ngài tặng họ niềm vui khi cho họ xem những dấu đinh và dấu đâm nơi thân xác Ngài. Ngài muốn cho thấy : người đang đứng trước họ chính là người Thầy đã bị đóng đinh (c.20). + Ngài tặng cho bình an, điều mà họ đang cần (cc.19, 21, 26). + Ngài tặng cho họ sứ mạng, cho họ chia sẻ sứ mạng với mình (c.21). + Ngài tặng cho họ Thánh Thần và quyền tha tội đi kèm (c.22-23). + Ngài tặng cho họ niềm tin, nhờ đó họ có sự sống vĩnh hằng (c.31).