1/ sự cực lòng của thánh Giuse và Mẹ Maria, sau ba ngày tìm kiếm trong vất vả và nhất là trong lo âu, Thánh Giuse và Đức Maria tìm lại được Đức Giê-su trong Đền Thờ, lúc đó mới 12 tuổi. Đức Maria nói với Đức Giê-su:
Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?
Con thấy không, cha con và mẹ đây
đã phải cực lòng tìm con!
Chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của Thánh Giuse và Đức Maria để hiểu và cảm được hết “sự cực lòng” của các ngài: đi một ngày, nhưng phải tìm kiếm tới ba ngày. “Sự cực lòng” không chỉ của người cha và người mẹ, như bất cứ người cha và người mẹ nào, khi để lạc mất người con yêu dấu, nhưng còn “sự cực lòng” của người tôi tớ và của người nữ tì trong tương quan với Thiên Chúa, khi để lạc mất Con Đấng Tối Cao. Chúng ta hãy hình dung ra tâm trạng lo âu của Thánh Giuse và Đức Maria lớn đến mức nào, khi các ngài thầm nghĩ: Thiên Chúa trao phó cho mình Con của Ngài, để thực hiện kế hoạch cứu độ, vậy mà mình lại để lạc mất!
Và nếu chúng ta để ý, đó là lời của Đức Maria, nhưng Mẹ không nhân cá nhân mình, nhưng nói với Đức Giê-su với tư cách là “cha mẹ” của Ngài; hơn nữa, Đức Mẹ còn tỏ lòng kính trọng Thánh Giuse khi nói: “cha con và mẹ đây”.... Chúng ta có thể dừng lại để cảm nếm sự hiệp thông và hiệp nhất giữa Thánh Giuse và Đức Maria và tình yêu của các ngài dành cho Đức Giê-su. Nhưng vì hôm nay không phải là lễ Thánh Gia, mẫu mực của mọi gia đình và cộng đoàn, nhưng là lễ Thánh Giuse, nên chúng ta hãy cùng lắng nghe sự thinh lặng của Thánh Giuse: Tại sao Thánh Giuse không lên tiếng, khi đây là cơ hội thích hợp nhất để ngài lên tiếng?
2/ Sự thinh lặng của thánh Giuse. Sự thinh lặng của thánh Giuse không phải là sự thinh lặng bị động nhưng là sự thinh lặng lan tỏa bằng chính việc suy niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa, theo một thái độ hoàn toàn cởi mở cho thánh ý của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, sự im lặng của Thánh Giuse không phải là một cách diễn tả về nội tâm trống rỗng, mà trái lại, một nội tâm tràn đầy với đức tin mà Ngài mang theo trong trái tim mình, để hướng dẫn mỗi nghĩ suy và hành động của Ngài. Một sự thinh lặng để cùng với Mẹ Maria, che chở cho Ngôi Lời của Thiên Chúa, một sự thinh lặng được xen lẫn với lời cầu nguyện không ngừng nghỉ, cùng với lòng tín thác trọn vẹn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
3/ sự thinh lặng của Chúa Giêsu
Khi lắng nghe sự thinh lặng của Thánh Giuse, chúng ta không thể không nhớ đến sự thinh lặng của Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó và nhất là sự thinh lặng của Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Có thể nói, sự thinh lặng của Thánh Giuse đã loan báo cho chúng ta sự thinh lặng của “Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đối Tượng duy nhất của lòng trí chúng ta. Và dưới chân Thập Giá, Đức Maria cũng sẽ lựa chọn thinh lặng (x. Ga 19, 25-27). Nhưng Thánh Giuse của chúng ta đã lựa chọn thinh lặng từ rất lâu rồi, để diễn tả lời xin vâng tín thác nơi Tình Yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Ngài, ngang qua thử thách, khó khăn, đau khổ và chính sự chết.
Thánh Cả Giuse đã đón nhận, cưu mang và làm cho Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể lớn lên. Xin ngài cũng quảng đại đón nhận, cưu mang và làm cho mỗi người chúng ta lớn lên theo khuôn mẫu của Đức Giê-su ; và nhất là, xin Thánh Cả Giuse dạy mỗi người chúng ta Lựa chọn « sự thinh lặng » của Thánh Nhân.
Phần cuối của thánh lễ Đức ông Tổng Đại Diện thay mặt cho quý Cha và cộng đoàn Dân Chúa dâng lên Đức Cha những lời cầu chúc tốt đẹp nhân ngày lễ bổn mạng của ngài, đồng thời dâng lên ngài những bó hoa tươi thể hiện lòng hiếu thảo của mọi thành phân Dân Chúa.
Tác giả: BTT GP
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn