Đông đảo Hội viên Hiệp hội Kinh Mân Côi giáo phận Nha Trang được kêu gọi hãy năng lần chuỗi Mân Côi, vì đó là phương tiện để hoán cải bản thân, cứu rỗi các linh hồn mang lại hòa bình cho thế giới.
Trong tiết trời êm dịu vào chiều ngày 12.10.2024, hơn 1.000 Hội viên Hiệp hội Kinh Mân Côi giáo phận Nha Trang đã tập trung về Trung tâm hành hương Đức Mẹ Nhân Lành tại Khánh Vĩnh để tham dự thánh lễ Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng của Hiệp hội.
Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ - Giám mục giáo phận chủ tế thánh lễ, cùng với 5 linh mục đồng tế. Trong đó, có Cha Phêrô Phạm Văn Bình OP - Đặc trách Kinh Mân Côi tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam và Cha Phêrô Mai Tính (Mi Trầm) - Đặc trách Hiệp hội Kinh Mân Côi giáo phận Nha Trang.
Đức cha Giuse cho biết, đã 790 năm trôi qua, mặc bao sóng gió của cuộc đời, lời Kinh Mân Côi vẫn vang lên trong cộng đồng dân Chúa khắp mọi nơi, chứng tỏ sức sống và hoa trái tốt lành mà Kinh Mân Côi đã mang lại. Thánh Đa Minh là vị sứ giả, tông đồ đầu tiên truyền bá Kinh Mân Côi khi được Đức Mẹ hiện ra vào năm 1214 tại miền nam nước Pháp và trao cho ngài thông điệp truyền bá Kinh Mân Côi như một khí giới thần lực để chống lại bè rối Albigense lúc bấy giờ. Không chỉ thế, lời Kinh Mân Côi còn giúp hoán cải bản thân, cứu rỗi các linh hồn và mang lại bình an cho thế giới.
Đức cha Giuse nói rằng, lời Kinh Mân Côi không chỉ là việc đạo đức thông thường, ngẫu nhiên, nhưng có nền tảng Thánh Kinh rất vững chắc, đặc biệt là qua biến cố truyền tin và Đức Mẹ đi thăm viếng mà Phúc Âm của Thánh Luca đã tường thuật.
Vị chủ chăn giáo phận kêu gọi những người hành hương hãy năng lần chuỗi Mân Côi và chạy đến với Mẹ Maria, bởi mẹ là “báu vật” mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta. Mẹ sẽ đón nhận hết tất cả tâm tình vui buồn sướng khổ và hy sinh của chúng ta để dâng lên Thiên Chúa là Cha toàn năng.
Trước Thánh lễ, Cha Phêrô Mai Tính (Mi Trầm) - Đặc trách Hiệp hội Kinh Mân Côi giáo phận Nha Trang - đã có bài chia sẻ 30 phút về nguồn gốc, ý nghĩa và lợi ích của việc đọc Kinh Mân Côi. Trong đó, ngài nhấn mạnh việc lần chuỗi nhưng không đi kèm với việc cố gắng tự sửa đổi và hoàn thiện bản thân mình thì việc lần chuỗi sẽ không đem lại ơn ích nhiều cho chúng ta. Việc tự sửa đổi bản thân của mỗi người sẽ mang lại ơn ích mà Đức Mẹ đã hứa ban qua Thánh Đa Minh và những lần Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và Fatima.
Cha Phêrô Mai Tính (Mi Trầm) - Đặc trách Hiệp hội Kinh Mân Côi giáo phận Nha Trang - chia sẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của Kinh Mân Côi
Sau bài chia sẻ của Cha đặc trách, cộng đoàn cùng lần chuỗi Mân Côi dưới sự hướng dẫn của Cha đặc trách Kinh Mân Côi tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam.
Cha Phêrô Phạm Văn Bình OP - Đặc trách Kinh Mân Côi tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam - chủ sự giờ lần chuỗi Mân Côi
Hiệp hội Kinh Mân Côi do Chân phước Alan de la Roche - một tu sĩ dòng Đa Minh - sáng lập vào năm 1470 tại Douai (Pháp), sau đó lan truyền ra khắp nơi và được Giáo hội chính thức thừa nhận vào năm 1475. Các Đức Giáo hoàng qua các thời kỳ cũng đã ban nhiều sứ điệp để cổ võ việc đọc Kinh Mân Côi. Trong đó, Đức Giáo hoàng Leo XIII được mệnh danh là “Giáo hoàng Mân Côi”, đã nói “Không lời cầu nguyện nào giúp ta thêm lòng kính mến Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi”.
Hàng năm, vào ngày 07 tháng 10, Giáo hội mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi để nhớ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp liên minh những người công giáo chiến thắng trước sự bành trướng của quân Hồi giáo Ottaman tại vịnh Lepanto vào năm 1571.
Cha quản xứ Khánh Vĩnh JB Nguyễn Hữu Thái Thịnh (bìa phải) và Cha Phêrô Phạm Văn Bình, OP cùng cộng đoàn chào đón Đức giám mục giáo phận
Ban Điều hành Hiệp hội Mân Côi giáo phận Nha Trang chụp hình lưu niệm cùng Đức Cha Giuse và quý Cha
Quốc Tuấn