Thư Caritas - Tháng 7/2021: Chăm sóc ông bà và người cao tuổi

Thứ ba - 06/07/2021 23:23  1494

Số: 29/01/2021/CVN

Tp. Thủ Đức, ngày 30 tháng 06 năm 2021

dKính gởi: - Quý Cha Giám đốc Caritas Giáo phận

               - Anh chị em hội viên, tình nguyện viên, và ân nhân Caritas

Kính thưa Quý Cha và Anh chị em,

Trong buổi đọc kinh Truyền tin ngày 31/01/2021 Đức thánh cha Phanxicô công bố thành lập ngày “Ông Bà và Người cao tuổi,” được cử hành vào Chúa nhật thứ tư của tháng Bảy hằng năm, gần lễ kính nhớ hai thánh Gioakim và Anna, song thân Đức Maria; năm nay rơi vào ngày 25/7, với chủ đề là “Thầy ở cùng anh em mọi ngày” (x. Mt 28,20). Thế giới đã có ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10) nhưng Giáo hội muốn dành một ngày để hướng dẫn suy tư và các hoạt động của chúng ta theo tinh thần Kitô giáo.

Một điểm son trong văn hóa Việt Nam là nhiều Ông Bà vẫn sống với con cháu, trong khi hình ảnh này trở nên hiếm hoi ở các nước Tây phương. Tuy vậy, thiết tưởng trong các gia đình chúng ta, việc người lớn tuổi sống chung với con cháu không phải là không có vấn đề. Chúng con xin mượn một vài tâm sự của bà Maria Sofia Soli, 87 tuổi, tại buổi họp báo giới thiệu ngày “Ông Bà và Người cao tuổi” lần thứ nhất tại Tòa thánh Vatican ngày 22/6 vừa qua để nhìn lại sự hiện diện quí báu của những Ông Bà Nội Ngoại trong gia đình chúng ta, cũng như của những người cao tuổi trong xã hội.

Nói riêng với người cao tuổi, bà chia sẻ “Chúng ta hướng nhìn về tương lai, bởi vì người lớn tuổi không chỉ nhìn về quá khứ. Sự mệt mỏi hay yếu đuối không ngăn cản chúng ta ước mơ, ước mơ cho con cháu, cho các thế hệ sẽ đến. Không lúc nào người cao tuổi buộc phải buông mái chèo, hoặc chỉ nghĩ về bản thân. Mỗi độ tuổi đều có cách sống cho người khác. Mỗi độ tuổi đều có ơn gọi riêng của mình.”

Nhắc lại lời của Đức thánh cha Phanxicô “hãy bảo vệ cội nguồn, truyền lại niềm tin cho giới trẻ và chăm sóc những người nhỏ bé” bà Sofia mời gọi một sự thay đổi từ phía những người cao tuổi, những người thường suy nghĩ cứng ngắc cho rằng họ không thể thay đổi được nữa. Bà nói “giúp đỡ một người già cô đơn, đồng hành với họ, dù chỉ bằng một cuộc điện thoại, khiến ta cảm thấy mình vẫn còn hữu ích… Thay vì cứ ngồi ủ rũ, oán hận, buồn bã. Chúng ta hãy tôn vinh tuổi già bằng tất cả năng lượng còn lại của mình, để thực hiện điều mà Đức thánh cha Phanxicô đề nghị: một là ước mơ, hai là ký ức, và ba là cầu nguyện. Thế giới của chúng ta dường như đang thu nhỏ lại, thật tuyệt vời nếu chúng ta mở rộng tầm nhìn của trái tim bằng những ước mơ, và truyền lại ước mơ đó cho con cháu, bởi vì không có ký ức thì không thể có tương lai. Ký ức tự nó không phải là dấu chấm hết, nó không biến chúng ta thành tù nhân của quá khứ, nhưng là nền tảng của một ngôi nhà đang được xây dựng.” Tuy sức khỏe không còn phong phú để thực hiện những công việc nặng nhọc nhưng việc cầu nguyện luôn có thể đối với người lớn tuổi. Kinh thánh nhắc tới lời cầu nguyện của họ: “Thiên Chúa không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa… Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây” (Hc 35,14-16). Người lớn tuổi cầu xin cho mình được trở nên hữu ích cho người khác, cầu cho những người quen biết và cả những bệnh nhân, người tù, những nạn nhân của đói nghèo, chiến tranh…

Bà Sofia Soli cũng nhắc đến một trạng thái tâm lý quen thuộc của người lớn tuổi, các ngài dễ mủi lòng khi nghĩ rằng những gì mà các ngài đã từng có – sức mạnh, sự quan tâm, chăm sóc – đã bị những người trẻ tước mất hết. Đối với những suy nghĩ như thế, bà an ủi: “không phải như vậy đâu, không thể là như vậy. Các cháu của chúng ta là một phần của chúng ta, chúng là phần kéo dài của chúng ta vào tương lai… chúng là sự giàu có thực sự và to lớn của chúng ta.”

Nói thay cho người cao tuổi tâm sự với lớp trẻ, bà tiếp “Chúng tôi không thích bị gò bó trong bệnh viện, trong viện dưỡng lão, những nơi mà việc thăm viếng, nếu được phép, cũng phải lên lịch! Nơi mà các mối quan hệ tình cảm bị hạn chế. Nơi mà chúng tôi cảm thấy bị loại ra khỏi cuộc sống…” Tâm trạng “bị loại ra khỏi cuộc sống,” khỏi những sinh hoạt xã hội… quả là cơn ác mộng đối với các ngài. Các ngài vẫn muốn đón nhận tình cảm và sự quan tâm của con cháu, của xã hội. Đã đành, xã hội cũng tổ chức những nhà Dưỡng lão để các ngài được “yên ổn” tuổi già, được chăm sóc đầy đủ về phương diện vật chất, nhưng con người đâu phải chỉ là nhằm đến vật chất. Trong sứ điệp gởi Caritas nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, Đức thánh cha Phanxicô lưu ý “Từ thiện là toàn diện, không chỉ quan tâm đến khía cạnh vật chất cũng không chỉ quan tâm đến khía cạnh tinh thần. Ơn cứu độ của Chúa Giêsu bao trùm toàn diện con người.” Con người cho dù ở độ tuổi nào cũng có nhu cầu nối kết với người khác, trước tiên là những người thân quen, cụ thể là con cháu của họ.

Chúng con xin gợi ra một vài hoạt động cụ thể dành cho hội viên Caritas trong tháng Bảy:

1. Dành nhiều thời gian hơn để thăm hỏi, trò chuyện, quan tâm và chăm sóc Ông Bà Nội Ngoại, và các vị lớn tuổi trong gia đình mình. Hoặc nếu hoàn cảnh cho phép, đến thăm những người già neo đơn trong các Nhà dưỡng lão. Các bạn trẻ Caritas nên có các hoạt động cụ thể bày tỏ sự quan tâm đến những hội viên lớn tuổi.

2. Trong ngày 25/7/2021 xin Anh chị em giúp những người lớn tuổi trong giáo xứ, đặc biệt các hội viên Caritas, có cơ hội đón nhận Bí tích Hòa giải để lãnh nhận Ơn toàn xá theo ý Đức giáo hoàng. Chính Anh chị em cũng có thể lãnh Ơn toàn xá này qua việc dành thời gian thăm viếng, thực sự hoặc qua mạng, những anh chị em già yếu đang gặp khó khăn, bệnh tật.

3. Nếu được, xin Quý Cha soạn những mẫu tổ chức giờ cầu nguyện ngắn, hướng ý nguyện đến các Ông Bà và các vị lớn tuổi, để các gia đình hội viên thực hiện trong dịp này.

Trong tháng Bảy, chúng con xin hiệp ý cầu nguyện và gởi lời chúc mừng Bổn Mạng đến quý Cha Giacôbê Trần Tấn Việt, Giám đốc Caritas Kon Tum (25/7); Gioakim Lê Công Thành, Phó giám đốc Caritas Phú Cường (26/7); Inhaxio Trương Đình Phương, Phó giám đốc Caritas Nha Trang (31/7).

Xin chân thành cám ơn quý Cha và Anh chị em.

Kính mến,

Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
Giám Đốc Caritas Việt Nam

 
s
 
s
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập136
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại679,896
  • Tổng lượt truy cập52,848,844

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây