Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XXX thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 29/10/2023 19:48  324
Thứ Hai Tuần XXX Tn
Các bài đọc phụng vụ hôm nay nhấn mạnh đến sự tự do. ‘Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử’, thánh Phaolô đã viết như thế và còn viết nơi khác: ‘Nơi nào có Thần Khí Chúa, nơi đó có tự do’. Trong tin mừng ta thấy Đức Giêsu giải thoát một người phụ nữ ‘bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm’: ‘Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền’ và phẩn nộ trước thái độ ngạo mạn của ông trưởng hội đường, chỉ lo đến việc không tuân giữ luật ngày sabát.
Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta sự tự do đích thực, sự tự do mà Thánh Phaolô đã chỉ cho ta điều kiện cần có, có vẻ có chút trái nghịch nhau: ‘Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa’. Sự tự do đích thực không phải là sự phóng khoáng, cũng không phải là tinh thần độc lập, nhưng là sự tuân phục Thần Khí Thiên Chúa, trong tin tưởng và trong đơn sơ: qua việc tuân phục Thần Khí Thiên Chúa ta được giải thoát khỏi sự nô lệ thế gian và tội lỗi.
Ta có thể bị nô lệ thế gian trong nhiều điều: nô lệ thời trang, chủ nghĩa thích nghi, không chỉ trong phong cách ăn mặc nhưng còn trong lối sống nữa. Biết bao người không có can đảm sống như mình muốn, vì ‘không hợp thời’, không hợp với tinh thần thế gian, của ‘con người cũ’, như thánh Phaolô viết. Các kitô hữu ngược lại được mời gọi để sáng nghĩ ra một phong cách sống mới mẻ, không nô lệ theo điều người ta làm hay không làm, tìm ra những đường lối và cách thế để làm điều thiện, để là con cái Thiên Chúa trong tự do, trong tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha. Ta có thể sai lầm trong trong những ý hướng riêng tư, nhưng nếu ta hành động theo Thần Khi Thiên Chúa, sự sai lầm không đi xa đâu, sẽ được sửa chữa và biến nên tốt lành theo chương trình của Thiên Chúa.
Một người kitô hữu cần phải tự do không chỉ đối với những thói tục của thế gian, nhưng còn trong cách sống như con cái Thiên Chúa nữa. Mỗi ơn gọi đều độc đáo, không thể có hai ơn gọi giống nhau như đúc. Có khi ta cho rằng một người là đạo đức khi làm tốt việc noi theo trong mọi sự vị thánh này hay thánh kia, nhưng điều đó là không đúng cho lắm, đó không phải là sự tự do kitô giáo. Mỗi vị thánh có ơn gọi riêng của mình và cuộc sống của họ có thể cảm hứng cho ta những điều tuyệt vời, nhưng chúng ta không được noi theo cách tuyệt đối bất cứ vị thánh nào. Chúng ta tốt hơn nên tìm ra con đường đi cho chính mình, theo tất cả những gì mà Thần Khí nói trong chúng ta: đó là đa nguyên kitô giáo.
Đức Giêsu trong bài tin mừng hôm nay, không chỉ quan tâm giải thoát người phụ nữ, nhưng còn hành động như một người hoàn toàn tự do, qua việc chữa lành vào ngày sabát, dù biết rằng việc làm tốt lành của của ngài sẽ bị chỉ trích và lên án cách nặng nề. Sứ vụ cứu độ của ngài thúc đẩy ngài thực hiện việc chữa lành đó, và ngài làm cách hoàn toàn tự do. Hãy cầu xin Ngài giúp ta tìm ra con đường thánh thiện mà ngài đặt để nơi ta, trong sự thân tình tuân phục Thần Khí của ngài.
+++
Lời của Đức Giêsu, giáo huấn của Ngài là sức mạnh cho đời sống. Làm cho ngay thẳng lại những điều cong queo nơi con người chúng ta.
Ngài chữa lành tất cả những gì kìm hãm, cản trở sự sống toàn vẹn. Người phụ nữ còng lưng, không thể ngẩng đầu lên được, và ông trưởng hội đường, giận dữ vì lòng thương xót của Đức Giêsu, cả hai, dù với lý do khác nhau, khép mình trong niềm vui chúc tụng. Người phụ nữ bị còng trong thân xác, đau khổ đè bẹp khiến bà không thể đứng thẳng trước mặt Thiên Chúa. Đức Giêsu nhìn và nói với bà và mang lại niềm vui sống cho bà. Ông trưởng hội đường bị còng vì sự cứng lòng của mình. Nếu chính ông đứng trước mặt Thiên Chúa, mặt đối mặt, lẽ nào ông chẳng nhận ra nơi việc chữa lành lòng nhân hậu của Thiên Chúa? Đạo đức giả! Đức Giêsu không chỉ ám chỉ một mình ông. Ngài muốn tháo cởi mọi ràng buộc khiến con người không thể sống cách toàn vẹn. Ngài đến giải thoát lòng nhân của con người khỏi mọi ràng buộc, để trong tình yêu vô biên con người tìm gặp được Thiên Chúa.
Thứ Ba Tuần XXX Tn
Qua hai dụ ngôn mà chúng ta nghe trong bài tin mừng hôm nay điều đáng lưu ý là Chúa mời gọi tất cả mọi người nam cũng như nữ hãy nhẫn nại và hy vọng thật sự. Hai dụ ngôn hôm nay nói đến năng động của Nước Thiên Chúa, vừa hình như chẳng là gì cả vừa là một sức mạnh quyền năng. Một hạt cải nhỏ bé nhưng lại mang trong mình một sức sống mãnh liệt, trở thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể đậu trên cành lá. Men được vùi vào trong bột xem ra chẳng là gì cả, nhưng nó lại làm dậy lên tất cả và trở thành bánh. Cũng như vậy đối với đời sống chúng ta: cần phải tiếp nhận nơi ta Nước Thiên Chúa, Lời Chúa, là điều ít oi như một lời nói vào không khí. Nhưng sức mạnh của nó có thể làm biến đổi cả cuộc sống chúng ta. Thế nhưng chúng ta cần phải có cả hai sự kiên nhẫn và lòng tin tưởng, phó thác. Kiên nhẫn vì phép lạ không xảy ra trong tích tắc. Một khi hạt giống được gieo vào đất, cần phải chờ đợi, bởi vì có lúc nó bị xem như không còn hiện hữu nữa; men một khi vùi vào trong bột, nếu không cho nó thời gian làm dậy bột, thì chẳng có gì xảy ra cả. Tôi còn nhớ lúc nhỏ mẹ tôi khi làm bánh, đã vùi men vào bột và mẹ căn dặn chúng tôi không được lại gần khối bột ấy vì sợ làm nó ngưng quá trình dậy men, và như thế là không còn được ăn bánh nữa.
Là một ví dụ về lòng kiên nhẫn: vô ích khi muốn đốt thời gian. Điều tương tự như thế xảy ra cho đời sống thiêng liêng của ta. Ta muốn thấy ngay sự biến đổi và nếu điều ấy không xảy ra thì ta gắng sức đốt giai đoạn, thay vì tin tưởng phó thác vào Chúa, thay vì chờ đợi cách an bình. Ta biết rằng sức mạnh, men, Ngài đã vùi vào trong cuộc sống của ta và do đó ta sẽ vượt qua khó khăn, điều tốt lành sẽ xảy ra. Ta chỉ cần tin tưởng phó thác, thay vì nghĩ rằng nếu ta làm hết cả sức lực, ta sẽ thấy kết quả: thực ra đó là thiếu phó thác. Kiên nhẫn và phó thác: Chúa chỉ muốn điều đó.
Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma cũng nói điều tương tự, một cách khác theo cách thức của ngài: ‘muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại…trong khi chờ đợi’, nhưng đó là những tiếng rên la của người đàn bà sắp sinh, tràn đầy hy vọng. Cần phải là những tiếng rên hy vọng, vì nếu không gặp thấy niềm tin và hy vọng Thiên Chúa không thể thực hiện điều Ngài muốn trong cuộc sống của mỗi người và toàn thể tạo vật. Nếu ngược lại ta tin tưởng vào lời của ngài và tiếp nhận trong thinh lặng và kiên nhẫn, ta có thể nói như thánh Phaolô: ‘Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta’.
Thứ Tư Tuần XXX Tn
Lễ Các Thánh Nam Nữ          
Hôm nay Giáo hội mời gọi ta mừng kính lễ Các Thánh Nam Nữ được ghi trong niên lịch phụng vụ, nhất là những vị không được biết đến vì không có tên trong lịch, nhưng tất cả đều được hưởng nhan Thiên Chúa ‘diện đối diện’. Vì Thiên Chúa là đấng duy nhất có thể khám phá ra sự thánh thiện nơi mà con người không ngờ có thể tìm thấy.
Thánh là một từ ít được dùng trong thời đại chúng ta trong khi những năm xưa xem đó như một ơn gọi, mà mỗi người tín hữu được kêu gọi và nhờ đó mà họ được Thiên Chúa tạo dựng.
Ơn gọi nên thánh được Thiên Chúa đòi buộc, trong sách Lêvi: ‘Các ngươi hãy nên thánh vì ta là Đấng thánh’.
Sự thánh thiện là ơn gọi dành cho tất cả mọi tín hữu. Không dành riêng cho một ít người ưu đãi, nhưng là điều tạo sự phát triển đức tin và tình yêu của tín hữu: nơi Thiên Chúa Cha, nơi Con của Người là Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, trong Giáo hội thánh, trong sự hiệp thông các thánh…
Thánh Gioan, tác giả sách Khải Huyền, nơi chương 7,2-4.9-14, diễn tả ‘lễ hội trên trời của những người được ghi dấu ấn’ như là lễ hội của vô số người không thể đếm xuể và thuộc mọi quốc gia và sắc tộc. Đó là các tín hữu đã ‘giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’, nghĩa là họ được dìm vào trong cái chết thánh hóa của Đức Giêsu Kitô.
Tác giả thánh vịnh cầu nguyện: để trèo lên núi Chúa, cần phải có tay sạch lòng thanh, nghĩa là như Đức Giêsu nói với phụ nữ Samari: ‘Thiên Chúa là thần khí và những kẻ thờ phượng Người, phải thờ phượng trong thần khí và sự thật’. Chỉ với những điều kiện ấy, người tín hữu mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa.
Bài đọc hai hôm nay trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan. Vị tông đồ mà Đức Giêsu yêu, cho ta tham dự vào một niềm hân hoan lớn lao, được mặc khải cho ngài, bằng cách cho ta biết rằng sự thánh thiện là một ân sủng của Thiên Chúa, đấng kêu gọi chúng ta làm con cái của Người và ngay từ lúc này, được tham dự vào sự sống và sự thánh thiện của Người. Hôm nay là ngày lễ hội của gia đình, gia đình Thiên Chúa: ‘Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự chúng ta là con Thiên Chúa’. Do đó hôm nay, không phải chỉ hôm nay, các thánh trên trời cầu nguyện cho chúng ta đang còn ở dưới đất, các vị biết các việc làm và cuộc sống chúng ta, những đau khổ của ta. Các vị bầu cử cho chúng ta trước tòa Đấng Trung Gian duy nhất, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, để Thiên Chúa khấng thương chúng ta. Ta vui mừng và biết ơn các ngài.
Bài tin mừng hôm nay trích từ sách tin mừng thánh Matthêô, bài giảng trên núi, các mối phúc. Đây là một diễn từ hướng dẫn kẻ tin con đường đạt đến sự thánh thiện: thánh sử viết, Đức Giêsu lên núi, các môn đệ đến gần bên, Ngài lên tiếng dạy. Từ đầu tiên của diễn từ là ‘makarios’ (phúc thay) dịch từ ashré của do thái có nghĩa là ‘phong nhiêu, hạnh phúc’. Có hai cách để nói rằng một người nào đó hạnh phúc. Hạnh phúc cho ai thỏa mãn một điều kiện, nghĩa là do những công nghiệp của riêng mình: ‘Phúc thay kẻ lưu tâm đến người nghèo khổ’ (Tv 40,1), nhưng người đó cũng hạnh phúc, nhờ một hành vi nhưng không của lòng Chúa thương xót: ‘Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung…  Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội’ (Tv 31,1.2). Trong bài diễn từ trên núi theo thánh Matthêô, tác giả nhấn mạnh nhiều đến những đức tính làm người cần thiết để được hạnh phúc, là một điều kiện tất  yếu mà Chúa gợi lên cho dân chúng và các môn đệ, là những người luôn kề cận bên ngài. Đối với Mathhêô, Đức Giêsu là Môsê mới, đấng ban cho Israel lề luật tối hậu và cho biết những cung cách cần thiết để sống như con cái Thiên Chúa.
Từ câu 3-11 diễn tả 9 mối phúc, nhưng tất cả các nhà chú giải đồng ý chỉ có tám thôi, xét mối phúc thứ chín như là khai triển chủ đề của mối thứ tám.
Mối phúc thứ nhất và thứ tám có cùng một nguyên do: ‘vì Nước Trời là của họ’. Hơn nữa mối phúc thứ nhất đề cập đến những người ‘có tâm hồn nghèo khó’, nghĩa là những kẻ vượt trên những người nghèo về kinh tế, là những người bé nhỏ khiêm nhường (nghèo kinh tế và sự khiêm nhường bé nhỏ có cùng một căn ngữ trong tiếng do thái).
Mối phúc thứ hai đề cập đến những ‘người hiền lành’, nghĩa là những người dấn thân làm cho thế giới sống tình huynh đệ. Mối phúc này chắc đã được gợi hứng từ Thánh vịnh 37,11: ‘Còn kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng cảnh an lạc chan hoà’.
Mối phúc thứ ba đề cập đến những người sầu khổ, than khóc, nghĩa là những ai chờ mong Thiên Chúa đến lau khô giọt lệ trên mắt họ: họ khóc vì phu quân của họ bị cất đi, họ ăn năn đền tội trong khi đợi chờ Đấng Messia trở lại.
Mối phúc thứ tư đề cập những người khao khát nên người công chính, họ sẽ được phúc bởi vì cộng tác trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa.
Mối phúc thứ năm đề cập đến những ai biết xót thương người. Xót thương là một từ ngữ không có ở số nhiều trong tiếng do thái, muốn nói rằng lòng thương xót là một nhân đức thuộc về một mình Chúa và trong một tình huống duy nhất thuộc về đấng công chính (Đấng Cứu Thế).
Mối phúc thứ sáu đề cập những người có tâm hồn trong sạch, những người đơn sơ, họ được phúc vì chỉ có họ mới có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa.
Mối phúc thứ bảy đề cập đến những người xây dựng hòa bình…được gọi là con Thiên Chúa.
Mối phúc thứ tám đề cập những người bị bách hại, những người tin tưởng Thiên Chúa sẽ đứng ra bênh vực sự vô tội của họ.
Đây là thái độ của Đức Giêsu và của người tự xem mình là môn đệ ngài nếu muốn bước đi trên hành trình nên thánh và vui mừng lễ cùng các thánh trên trời
Xét mình: + Khi tôi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, tôi có mang theo tâm tình này vào trong nhà thờ không? + Ngày lễ hôm nay có nói cho tôi biết rằng tôi cần phải hiệp cùng ca đoàn các thánh để tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa, đấng ban cho tôi được sống cùng với Người? + Ta có xác tín rằng sự thánh thiện là tình trạng mà ta cần phải sống ngay từ bây giờ, lúc này trong cuộc sống?
+++
Tin mừng hôm nay làm ta cảm thấy một sự nghiêm khắc. Đức Giêsu không trả lời câu hỏi: ‘Lạy Thầy, phải chăng có ít người được cứu độ?”, ngài không trả lời ít hoặc nhiều mà lại khuyến khích : “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Tại sao ngài không trả lời? Vì quan tâm đến tình yêu. Kẻ hỏi ngài phải chăng có ít người được cứu, đặt mình trên bình diện lý thuyết, lý luận và Đức Giêsu không muốn kẻ ấy ở trong thái độ không làm mà chỉ muốn nhìn từ xa, có tính thống kê. Ngài muốn đưa các thính giả của ngài vào tiến trình của tình yêu Thiên Chúa, đáp trả lại tình yêu mời gọi họ: như thế những kẻ được cứu sẽ là số đông.
Nếu Đức Giêsu trả lời: ‘Thật nhiều những người được cứu độ’, các thính giả sẽ yên tâm, tự nhủ: ‘Những kẻ được cứu nhiều lắm. Chẳng phải lo lắng gì; còn nếu ngài trả lời: Những kẻ được cứu độ thật ít, họ sẽ tự nhủ: ‘Nếu ít như thế, tôi chắc sẽ chẳng ở trong số đó đâu’ và họ sẽ mất lòng tín thác và quảng đại. Vì thế nên Đức Giêsu không muốn cả hai cách ứng xử ấy. Ngài muốn đốt lên trong ta ngọn lửa tình yêu và thúc đẩy ta cố gắng đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.
‘Hãy cố gắng mà vào’. Đây là sự quan tâm của tình yêu khiến ngài phải nói như thế; giả như ngài không muốn tất cả đều được cứu thì chắc ngài sẽ không nói như vậy. Cũng chính sự quan tâm của tình yêu làm cho ngài dùng những lời lẽ nghiêm khắc, thúc đẩy làm cho ta nhận ra nguy cơ gặp phải nếu ta không nghe theo những gợi ý bên trong của Thánh Thần. Ngài làm cho ta thấy điều chắc sẽ xảy ra để nó không xảy ra. Và sau cùng Đức Giêsu làm tràn đầy lòng ta bằng khao khát nóng bỏng của ngài, sẽ được thực hiện: ‘Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa’. Như vậy: dù trong sự nghiêm khắc của đoạn tin mừng này, chúng ta nhận biết Đức Giêsu, tình yêu của Ngài, khao khát của ngài muốn ta được cứu, chính vì đó mà ngài đã đến chết vì chúng ta.
+++
Hỡi anh em, kẻ làm con. Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: đó ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.
Đây là lời ca ngợi tính liên hệ đẹp tự nhiên xuất phát từ tình yêu mạnh mẽ của Thiên Chúa. Vâng phục cha mẹ ngày nay có nghĩa gì, nhất là khi kể đến sự sống từ Thiên Chúa đến với ta qua các đấng. Tôn kính nghĩa là tôn trọng họ, ngay cả khi do sự yếu đuối bản tính con người, họ sai lầm, hoặc sống rất ư tồi tệ. Lời hứa thật ấn tượng: bạn sẽ được hạnh phúc. Có nghĩa là: tôn kính cha mẹ mở ra con đường cho phúc lành của Thiên Chúa trong bình an tâm hồn.
Còn lời ca ngợi đối với các cha mẹ cho thấy quan trọng và hiện thực. Cần bắt đầu từ gia đình, từ ngôi nhà nơi ấm áp mà mọi người biết lắng nghe nhau và quan tâm đến nhau. Đấy không phải là vấn đề hủy bỏ việc sửa dạy. Nhiều lúc rất cần thiết nhưng muốn lưu ý đến cách thức sửa dạy. Nếu việc sửa dạy được thực hiện với nóng giận, bạo lực thì thật là đáng tiếc.
Lạy Chúa, xin hãy biến con nên khí cụ kiến tạo những tương quan tốt đẹp, hòa bình, theo giáo huấn tình yêu của Chúa.
+++
Trong Cựu Ước, những người của Thiên Chúa như Mikêa (Mk 3,5), Giêrêmia (Gr 14,13) hoặc Êdêkien (Ed 13,16) từ chối sử dụng những hình ảnh đẹp để nói về hạnh phúc đang chờ đợi chúng ta. Họ loan báo hình phạt để thúc đẩy dân chúng hối cải. Những địch thù của các ngài, những kẻ loan báo loại hạnh phúc rẻ tiền, đã dùng loại ngôn ngữ thật khác: ‘Chúng bô bô: Bình an vô sự, để xoa dịu thương tích của dân Ta, trong khi chẳng có bình an chi cả’ (Gr 6,14). Họ trấn an, khích lệ và lừa dối dân chúng. Dòng giống của họ ngày nay vẫn còn.
Sự sống không phải là một gánh quá nặng cho người thời nay sao? Cần gì phải thêm vào để đè nặng trên họ những đòi hỏi của Kinh Thánh? Những nguyên tắc trật tự xã hội và hòa bình không đương nhiên là bổn phận và nghĩa vụ sao? Vì vậy các nhà rao giảng ngày nay không hăng say loan báo điều mà Gioan Tẩy Giả ngày xưa làm: Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thông hối. ‘Tội’ là từ ngữ mà người ta ngại nhắc đến ngày nay trong khi rao giảng. Có người còn tự hỏi: ‘Ta có cần đẩy những tín hữu ‘rốt cùng’ đi xa thêm nữa không với một hình thức mục vụ quá ư khắc khe?
Đức Giêsu dùng một ngôn ngữ hoàn toàn khác khi rao giảng. Cửa cứu độ không tự mở. Chắc chắn không thể đi vào người tự giới hạn mình bằng việc thi hành ý Chúa cách qua loa và bằng lòng với việc mình không làm điều gì bất công. Kẻ khác sẽ chiếm lấy chỗ của họ trong Nước Trời. Điều đó cũng xảy ra cho người không sẵn sàng lắng nghe, nghĩ rằng mình đã tính toán tốt rồi và đã xếp đặt để đi vào đó rồi: người đó đã tính toán mà không hề nghĩ gì đến chủ nhà.
Đức Giêsu cũng theo vết chân của các ngôn sứ Cựu Ước. Ngài nhắc ta đừng quên sự thánh thiện và mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đừng tự hào vì mình có Thiên Chúa luôn yêu thương đứng về phía mình, để rồi yên tâm không phải làm gì nữa. Thiên Chúa là mầu nhiệm khôn dò. Cần biết lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Đừng có ai quên câu nói ‘Cút đi cho khuất mắt ta, tất cả những quân làm điều bất chính’. Lời của Thánh Phaolô sẽ là lời giáo huấn hữu ích cho ta: ‘Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ’ (Pl 2,12)
Thứ Năm Tuần XXX Tn
Lễ Các Linh Hồn
Cho đến khi Chúa Giêsu ngự đến trong vinh quang, và khi sự chết bị tiêu diệt, mọi việc đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Nhưng hết thảy mọi người đều hiệp thông trong cùng một đức mến của Thiên Chúa. Bởi vậy sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong an bình của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, nhưng trái lại, Giáo hội xưa nay vẫn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh hơn nhờ việc thông truyền cho nhau những của cải thiêng liêng (x. Lumen Gentium,49).
Ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo hội vẫn luôn thực hành việc đạo đức tưởng nhớ những kẻ qua đời, dâng lời cầu nguyện cho họ. Trong nghi thức an táng, Giáo hội cử hành với lòng tin tưởng mầu nhiệm phục sinh, tin rằng tất cả những ai nhờ bí tích rửa tội trở nên chi thể của Đức Kitô bị đóng đinh và sống lại, sẽ cùng Ngài bước qua sự chết để vào hưởng sự sống vĩnh cửu. Tại Roma, việc cử hành lễ Các Đẳng bắt đầu từ thế kỷ XIV.
+++
Những người qua đời và sự chết
Ngày 1 và 2 tháng 11 hàng năm chia thế giới thành hai phần. Những người tin và những người không tin. Đứng trước sự chết là bằng chứng của lửa đức tin và chủ nghĩa vô thần.
Một người vô thần chỉ thật sự vô thần khi nhìn cái chết với tất cả tuyệt vọng.
Một người tín hữu chỉ thật sự là tín hữu khi nhìn sự chết với bình thản và hy vọng.
Nhưng ngày mai các bạn sẽ thấy có những người vô thần đi chăm sóc ngôi mộ của những người thân của họ với hoa tươi biểu tượng sự sống, thánh giá biểu tượng sự sống lại, kinh nguyện biểu tượng niềm tin, mạn đàm biểu tượng hy vọng.
Và bạn cũng sẽ nhìn thấy có những kitô hữu với những giọt lệ trên mắt hình ảnh sự tuyệt vọng, bên cạnh một người phụ nữ với khuôn mặt mỏi mệt vì đau khổ không được an ủi, biểu tượng của chủ nghĩa vô thần, cùng với sự sợ hãi biểu tượng thiếu vắng niềm tin và hy vọng.
Đó là lý do vì sao nói rằng cái chết là bằng chứng của đức tin và chủ nghĩa vô thần nhưng chỉ xảy ra như thế nếu có người suy nghĩ hơn 10 phút về điều đó. Nếu không có ai thì đó chỉ là vở diễn bi hài về tính bất nhất của con người.
Chiều nay và ngày mai xin bạn đừng giẫm lên mảnh đất thánh thiêng đối với các kitô hữu, chăm sóc các xương tro có ý nghĩa đối với người kitô hữu, không cần biết đức tin của bạn như thế nào hãy quyết định sống nhất quán hơn.
Nếu tôi chăm sóc một nấm mộ là vì tôi tin rằng những người thân của tôi vui thích. Nếu tôi tin là vì tôi tin rằng họ vẫn còn đang sống. Nếu họ vẫn còn đang sống, có nghĩa là cuộc đời này không phải là tất cả, nhưng chỉ là một cuộc vượt qua, một kỳ thi.
Nhưng nếu cuộc đời này không phải là tất cả, nhưng chỉ là một cuộc vượt qua hoặc là một kỳ thi, tôi chờ đợi gì mỗi ngày, mỗi giờ và nói điều gì cho người bên cạnh để biến đổi cả một cách sống, lối suy nghĩ và ăn nói? Trong Đức Kitô tất cả chúng ta sẽ có sự sống.
+++
Chúng ta được mời gọi nên thánh. Khi suy tư về điều này, ta có thể nhầm lẩn xem sự thánh thiện như là tổng thể các nhân đức. Trong tiến trình phong thánh người ta khởi đầu bằng việc xét xem người đó đã có thực hành những nhân đức một cách trổi vượt không và lời tuyên bố đầu tiên là về cách sống anh hùng những nhân đức ấy. Tuy nhiên sẽ rất thiếu sót và thiếu chính xác nếu nhầm lẩn sự thánh thiện với sự hoàn hảo.
Trong thư gởi tín hữu Roma thánh Phaolô cho biết sự thánh thiện hệ tại đâu khi ngài nói không phải là tách biệt khỏi tình yêu của Thiên Chúa, không phải tách biệt khỏi Thiên Chúa nhưng là kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp thông với Thiên Chúa chí thánh. Kinh Thánh gọi Thiên Chúa là thánh, đây là định nghĩa hay nhất về Thiên Chúa, Thiên Chúa ba lần thánh. Điều này có nghỉa là Người khác biệt với ta và để đạt đến Người ta cần phải biến đổi nên giống Người, nghĩa là nên thánh.
Trong tôn giáo cổ, sự thánh thiện này không nhầm lẩn với cố gắng luân lý, ta biết nó thuộc bình diện khác. Nỗ lực của con người không bao giờ có thể đạt đến tầm mức Thiên Chúa; để con người trở nên thánh, cần Thiên Chúa hành động và làm cho con người nên giống Người: sự thánh hóa trước tiên là hành động của Thiên Chúa trong ta. Chính là điều Phaolô viết: Thiên Chúa đã làm tất cả để đem chúng ta lại gần Người, để ta được hiệp thông với Người, để chúng ta nên thánh. ‘Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta…lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?’ Do đó chúng ta hãy tin tưởng không phải vào chúng ta nhưng là vào tình yêu của Thiên Chúa, đấng đưa ta lên gần bên Người, thánh hóa ta, ban cho ta sự thánh thiện do lòng tốt lành của Người.
Thánh Phaolô kêu lên: ‘Chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’: sự thánh thiện là chiến thắng vĩ đại. Trong sách Khải Huyền có viết rằng phần thưởng được hứa ban cho kẻ chiến thắng và chúng ta còn hơn là kẻ chiến thắng, vì Đức Kitô đã chiến thắng và thông ban cho ta chiến thắng của Ngài. Và Thiên Chúa khi ban cho ta Con của Người, đã vượt mọi trở ngại tách biệt ta xa Người, Thiên Chúa của lòng thương xót, đã giao hòa thế gian với Người trong cái chết và sự sống lại của Con Người, như ta đọc thấy trong công thức tha tội, Thiên Chúa tràn đầy nhân lành muốn thông ban chính mình Người và đã tìm ra phương thế để thực hiện điều ấy.
Đây là hành trình nên thánh. Trước hết cần mở lòng cho tác động thánh hóa của Thiên Chúa, mở lòng cho tình yêu mãnh liệt hơn tất cả. Như thế ta nhận lãnh chiến thắng của Thiên Chúa nơi ta. Ta chắn chắn rằng không một trở ngại nào ngăn cản ta ở với Thiên Chúa, bởi vì Người đã có mặt trong suốt hành trình này: ‘Cho dẫu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào…không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta’. Để tiến triển trong sự thánh thiện ta cần phải kiên trì đào sâu đức tin của mình vào tình yêu của Thiên Chúa ban cho ta.
Các thánh đã tin vào tình yêu của Thiên Chúa, vào tình yêu của Người đối với ta và tình yêu mà Người đặt trong lòng ta, các vị đã nhận ra tình yêu đó nơi tất cả những chúc lành của Người và trong cả những đòi hỏi của Người. Những giới luật của Thiên Chúa không đàn áp chúng ta, nhưng đưa ta đến hiệp thông với Người, trong tình yêu thực sự. Những bằng chứng mà thánh Phaolô viết: ‘gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo’ không còn là trở ngại, vì Thiên Chúa biến đổi chúng, nhờ thập giá Đức Kitô, thành thể hiện tình yêu Người dành cho ta, và tình yêu của ta dành cho Người.
Tất cả những gì đối nghịch và sỉ nhục ta, xem ra có vẻ chống lại những dự định của ta, phải được nhìn cách tích cực, vì biết rằng là khí cụ Thiên Chúa dùng để làm sự hiệp thông giữa ta với Người nên mật thiết hơn, nghĩa là biến ta nên thánh. Thiên Chúa làm tất cả; ta cần mở lòng tiếp nhận tình Người ban cho.
+++
Tên Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Ngay từ khởi đầu, con đức trinh nữ làng Nagiarét đã được gán cho những tước hiệu: Đấng Messia, Đấng Cứu độ (x. Lc 1,47). Đó là ý nghĩa con người và sứ vụ của Đức Giêsu. ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật’. Ngài đã nói như thế về chính mình và sứ vụ của mình trong tin mừng hôm nay. Đó là những dấu hiệu đi theo vị ngôn sứ mang Lời Thiên Chúa cho con người.
Đức Giêsu không đơn thuần là một vị tiền hô chuẩn bị cho một trật tự mới đến tốt đẹp và nhân bản hơn. Ngài muốn quy tụ con cái Giêrusalem như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh: ngài muốn sự thông hiệp, hy sinh mạng sống mình để lôi kéo người đương thời về với ngài. Và khi ngài khóc thương họ (x. Lc 19,41), không chỉ là tình cảm ủy mị: đúng ra là cách diễn tả cuộc chiến đấu thiêng liêng quan trọng mà ngài thực hiện để mang lại ơn cứu độ cho họ. Ngài muốn quy tụ họ lại, như gà mẹ ấp ủ con mình, nuôi dưỡng và bảo vệ chúng. Ngài muốn nên tất cả cho họ, vì họ không nơi nương tựa và hoàn toàn lệ thuộc vào ngài. Bằng mọi giá, ngài hy sinh mạng sống mình.
Tình thương của Đức Giêsu không chỉ thể hiện cho Giêrusalem mà thôi mà còn cho tất cả mọi người qua mọi thời đại. Ngự bên hữu Chúa Cha, ngài vẫn còn mời gọi ta khi ta lắng nghe lời ngài.
Thứ Sáu Tuần XXX Tn
Phụng vụ hôm nay cho ta hai ví dụ về lòng yêu thuơng của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã vội vã chữa lành bệnh nhân, lòng thương thúc đẩy ngài không chờ đến ngày thứ nhất trong tuần để thực hiện việc thiện này. Như thế ngài đã chữa lành bệnh trong ngày sabát, dù biết rõ sẽ bị chỉ trích và lên án.  Đó là lý do mà giới cầm quyền dân chúng đưa ra để tố cáo ngài: những hành vi tốt lành và nhân hậu được thực hiện tức khắc, không tôn trọng truyền thống do thái. Đối với Chúa không phải là con bò hay con lừa rơi xuống giếng, mà là một người con. Cần phải kéo nó lên tức thì. Lòng của ngài tràn đầy tình yêu xuất phát từ Chúa Cha và việc Đức Giêsu làm là chỉ vâng theo thánh ý tình yêu này.
Một ví dụ khác về tình yêu thánh Phaolô viết trong thư gởi tín hữu Roma. Ngài đã nhận từ những đồng bào của ngài nhưng chống đối mãnh liệt, những bách hại thực sự, ta nhận thấy trong các thư và sách Công vụ. Tuy nhiên ngài không có sự báo thù hay đố kỵ nào, chỉ ước mong dẫn đưa anh em ngài đến ơn cứu rỗi. ‘Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi’, vì đồng bào của ngài không tin Đức Kitô, lìa xa Chúa. Và thánh nhân đi đến cùng tận: ‘vì đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô thì tôi cũng cam lòng’. Tình yêu cho đến cùng tận.
Hãy mở lòng mình ra, chúng ta là những kẻ nhỏ nhen và ích kỷ, để Thiên Chúa có thể đặt vào đó một đau khổ dài ngày vì phần rỗi của biết bao người chung quanh chúng ta, chưa tin nhận Chúa và chưa bước đi trên con đường cứu độ.
Thứ bảy Tuần XXX Tn
‘Chỉ là việc đến sau, là điều phụ thôi’: người ta nói thế với chút mỉa mai và thương hại cho ai không đạt được. Trong thể thao và trò chơi phần thưởng được trao cho những người giỏi nhất. Trái lại ai bị loại khỏi cuộc tranh tài, không nhận được những lời ca ngợi. Chúng ta thường cố gắng hướng về mục đích, dưới ánh sáng của sân khấu quyền lực chính trị, kinh tế và văn hóa. Ta làm hết sức mình để ở trong số những người đứng đầu trong đời sống nghề nghiệp cũng như cá nhân. Và rồi ta quên đi dễ dàng hoặc còn tệ hơn nữa, từ chối những ai đã làm bệ phóng cho ta suốt hành trình tiến về đích. Đây chẳng phải là thực tế chung trong một xã hội mà ta chen lấn nhau bằng những cú khuỷu tay? Thực tế chính cái xã hội này đưa chúng ta làm điều như vậy.
Do đó chẳng có gì lạ ngay cả trong Hội Thánh cũng có tranh đấu để tìm chỗ quan trọng. Là một cuộc tranh đấu giữa những cá nhân, cộng đoàn, cơ quan, hiệp hội, phân khoa. Trong cộng đoàn Hội Thánh cũng có xảy ra việc một thành phần này tranh đấu chống thành phần khác: nữ giới tranh đấu để chống lại quyền ưu tiên của nam giới. Không ai muốn mình phải ở chỗ rốt hết.
Tin mừng hôm nay đi ngược lại với tinh thần thời đại của ta và trải nghiệm cá nhân của ta: ai mà lại chẳng đòi hỏi tôi phải leo lên từng bậc (tiến bộ)? Có bao giờ ta lại không chiếm được ảnh hưởng và tranh tài bằng sức lực riêng mình? Hoặc tốt hơn nữa, lời của Đức Giêsu sửa chữa bản tính con người chúng ta khỏi sự lừa dối của mọi thời đại: có bao giờ vị Vua của vũ trụ lại tự nguyện hạ mình chăng?
Điều Chúa chúng ta đã thực hiện: ‘Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự’ (Pl 2,8). Và thánh Phaolô trình bày cho ta con đường Đức Kitô đã đi như là gương mẫu phải noi theo: ‘Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu’ (Pl 2,5).
Một lần nữa tin mừng và quan niệm chung lại nghịch nhau. Nhưng lời và cử chỉ của Đức Giêsu hết sức rõ ràng. Ngài cho ta thấy làm sao để nhân loại được cứu. Ngài không lừa gạt ta. Ta không thể giảm thiểu sự khó khăn để bước đi theo Ngài. Và nếu ai đó tự khép mình trong ảo tưởng về chính mình, thì trong ngày ‘tiệc cưới’, ông chủ nhà sẽ dẫn người ấy đến việc hiểu biết (cách đau khổ) về chính mình. Ngài sẽ từ chối người ấy chỗ vinh dự, chỗ mà bao nhiêu người đã cố gắng để đạt được trong bàn tiệc hằng sống.
Trong chương đầu tin mừng Luca, Mẹ Maria hát bài Magnificat. Người phụ nữ ca tụng Thiên Chúa vì Người đã lật đổ cái trật tự của thế giới này: ‘Người lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ’ (Lc 1,52). Thiên Chúa không muốn kéo con người ra xa khỏi trời cao và những vinh dự. Chỉ có điều này là, tạo vật không thể tự chiếm lấy được bằng sức riêng mình, vì phá bỏ trật tự của đấng tạo hóa và của đấng cứu thế. Trái lại Thiên Chúa đón nhận họ để cho ân huệ như thế trở thành dịp ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa.
+++
Chỗ cuối
Đức Giêsu trong tin mừng hôm nay nêu lên một khía cạnh của việc nên thánh: để đạt đến sự thánh thiện chúng ta cần phải ‘đi xuống thấp’. Hãy nghe lời tuyên bố của Phaolô: ‘Trong mọi sự, chúng ta toàn thắng’, tự nhiên ta nghĩ ngay đến một hành trình đi lên đến đỉnh vinh quang. Thật đúng như vậy. Nhưng Đức Giêsu nói với chúng ta rằng hành trình đi lên ấy trong thực tế lại được thực hiện bằng việc đi xuống: hãy vào chỗ cuối, chọn chỗ cuối. Điều này vừa làm ta yên tâm lại vừa yêu sách ta. Làm yên tâm vì không đòi chúng ta những cuộc ‘leo trèo ngoạn mục’, tựa những nhà leo núi, sử dụng những phương tiện hoàn hảo nhất, và sau một cuộc thao luyện gian khổ, đạt đến đỉnh Hy Mã Lạp sơn. Ở đây chỉ yêu cầu chúng ta khiêm tốn đến chỗ thấp nhất có thể. Ai lại không có khả năng đến chỗ thấp nhất? Luôn vừa tầm cho mọi người.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng điều đó đòi hỏi nhiều, đòi hỏi vì tính ích kỷ của ta, vì lòng kiêu căng của ta, làm cho ta không dễ dàng đặt mình ở bên dưới cái địa vị mà ta nghĩ mình đáng được. Chúng ta thường thích chiếm một chỗ dù chỉ hơi cao hơn một chút so với ‘chỗ đúng’ dành cho mình.
Đức Giêsu nhận xét thật tế nhị và đưa ra một lý luận phù hợp với não trạng của chúng ta: nếu anh chiếm một chỗ tốt hơn chỗ dành cho mình, anh có nguy cơ bị bẽ mặt: ngược lại, nếu anh đến chỗ thấp hơn, anh sẽ được tôn lên.
Đặt mình ở chỗ cuối đúng là khó, vì ai lại không yêu mình. Là đòi hỏi, nhưng Đức Giêsu cho ta thấy thật đơn giản và mọi việc rất ổn thỏa, không gây tranh chấp. Đừng mơ tưởng những việc lạ thường, nhưng hãy tiến bước trong khiêm tốn, nhìn nhận mình yếu hèn, bất toàn, quá nhiều lần bất trung, và đừng ngã lòng, nhưng hãy gia tăng lời chúc tụng Thiên Chúa vì lòng nhân lành thương xót của Ngài. Đó là con đường đi xuống nhưng nó nâng chúng ta lên với Ngài.
Hai viễn ảnh cần phải kết hợp lại: một viễn ảnh hoành tráng tương ứng với lời kêu gọi của Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta nên thánh, không tì vết, không chút nhăn nheo, như Phaolô viết về Giáo Hội, trong thư gởi tín hữu Êphêsô; và một viễn ảnh của sự khiêm tốn, đơn sơ, tin yêu phó thác, như trẻ thơ không hề nghĩ đến địa vị cao sang, nhưng chấp nhận ở chỗ cuối, cho đến khi được Cha mời lên cao với Ngài.
Cầu xin Mẹ Maria dạy cho ta con đường nên thánh đích thực.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Carôlô
Một vị mục tử nhân lành là quà tặng tuyệt vời cho Giáo hội, điều ấy thật đúng với thánh Carôlô cho Giáo hội tại Milano và cho toàn thể giáo hội. Thụ phong Giám Mục vào năm 25 tuổi, ngài cống hiến tất cả của cải và sức khỏe, để phục vụ đoàn dân của Ngài. Ngài thúc đẩy việc áp dụng các chỉ thị của công đồng Tridentino, nhất là chăm lo huấn luyện các linh mục thánh thiện và hăng say.
Tình yêu của Đức Giêsu chịu đóng đinh là gương mẫu và là sự thúc đẩy không ngừng đối với Ngài. Thánh Carôlô được mệnh danh là con người của việc cầu nguyện, của nước mắt, của việc đền tội được hiểu không như là một việc làm anh hùng mà như việc tham dự mầu nhiệm vào những đau khổ của Đức Kitô.
Tuy nhiên những lời của thư thứ nhất Thánh Gioan: ‘Ngài đã hiến mạng sống mình vì ta; nên ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em’, không chỉ nhằm áp dụng cho các vị mục tử, nhưng còn cho tất cả những người theo Đức Giêsu. Ngài đã chết vì ta, không phải để miễn chuẩn cho chúng ta quan tâm đến anh chị em mình, nhưng để nói cho ta biết tình yêu của ngài dành cho ta lớn lao đến mức độ nào. Người mục tử nhân lành chăm sóc từng con chiên, nhưng thái độ của con chiên nghỉ yên trên vai người mục tử mà chẳng chút quan tâm đến những con chiên khác đang gặp nguy hiểm, thật không phải là một thái độ kitô.
Hôm nay chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng, vị mục tử nhân lành, qua các chuyến công du, qua các bài diễn văn của Ngài, biết can đảm loan báo chân lý tin mừng cho mọi người, mọi hoàn cảnh và khắp nơi trên thế giới.
Thánh Martinô Giám Mục
Thánh Martinô, sinh tại Pannonia năm 316 và chết tại Candes, Pháp năm 397. Ngay khi còn trong quân đội và là người dự tòng, lòng mến của Ngài đã thúc đẩy Ngài cắt nửa chiếc áo choàng trao cho người nghèo đang run lạnh. Sau khi được rửa tội, Ngài được thánh Hilariô hướng dẫn và lập tại Poitiers một đan viện (360), đan viện đầu tiên tại Tây Phương. Được thụ phong linh mục, rồi Giám Mục thành Tours năm 372, Ngài trở thành tông đồ cho những người dân quê. Song song với việc rao truyền tin mừng, là việc không ngừng nâng cao đời sống của những người nông dân và những mục tử. Vị thánh được mọi người kính yêu, là vị thánh đầu tiên không tử đạo được kính nhớ trong phụng vụ.



 

Nguồn tin: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay19,920
  • Tháng hiện tại320,511
  • Tổng lượt truy cập47,618,319

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây