Suy Niệm Thánh Vịnh 114 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ ba - 07/09/2021 22:01  624
Suy Niệm Thánh Vịnh 114  
Tv 114,1-2.3-4.5-6.8-9
 
Lòng tôi yêu mến Chúa,
vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài,
Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu.              
 
Dây tử thần đã bủa vây tôi chằng chịt,
lưới âm ty chụp xuống trên mình.
Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa :
"Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con !"                                   
 
Chúa là Đấng nhân từ chính trực,
Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương,
hằng gìn giữ những ai bé mọn,
tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.                                              
 
Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết,
giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ,
ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân.
Tôi sẽ bước đi trước mặt Người
trong cõi đất dành cho kẻ sống.                                 

Cùng đọc với dân Israel
Thánh vịnh tạ ơn này là một phần của Hallel Ai cập. Người do thái hát Thánh vịnh này vào cuối bữa ăn vượt qua, sau khi đã nhắc lại việc Thiên Chúa giải thoát cha ông họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Đó chính là hậu cảnh. Những tù binh được giải thoát, những người trước đây bị lưu đày, những ai đã từng trải qua một nguy hiểm lớn lao…mới có thể hiểu được. Israel đã bị trói buộc bởi thừng chão của Pharaon, không chút tự do, bị nghẹt thở giữa một nền văn hóa ngoại giáo thờ ngẫu thần, dân Chúa đã ra như chết. Israel thật ‘bé mọn’ và ‘yếu đuối’, trước quyền lực mạnh mẽ của quốc gia đàn áp. Israel đã ‘kêu cứu’ và Thiên Chúa đã nghe (x.Xh 2,23.24). Thiên Chúa đã giải cứu Israel, và đã đưa họ vào vùng đất nghỉ ngơi, ‘cõi đất dành cho kẻ sống’…đất Canaan, đất của Thiên Chúa, là Nhà, là Thành trì, là đất nơi con người sống ‘trước mặt Chúa’.
Làm sao ta có thể cầu nguyện với thánh vịnh mà không để ý đến bối cảnh lịch sử này? Cùng đọc lại với Israel, bữa ăn chiều lễ vượt qua, và đặt mình vào chỗ của Israel, một dân luôn ý thức rằng mình hiện hữu chỉ vì Thiên Chúa đã ‘cứu’ mình. Là những người được ‘cứu’. Thiên Chúa đã ‘cứu chúng ta khỏi chết’.
Cùng đọc với Đức Giêsu
Nhưng làm sao chúng ta cũng có thể cầu nguyện bằng thánh vịnh này nếu chúng ta quên rằng, chiều thứ năm thánh, Đức Giêsu đã hát lên như lời kinh tạ ơn trong bữa ăn cuối cùng. Ngay chính lúc Ngài thiết lập Thánh Thể (eucharistia=tạ ơn), trong khung cảnh bữa ăn vượt qua truyền thống của dân Ngài, Đức Giêsu đã cầu nguyện bằng thánh vịnh này với lòng sốt sắng đặc biệt. ‘Lòng tôi yêu mến Chúa’ và Ngài không ngừng nói về Chúa Cha. ‘Đấng nghe tiếng tôi khẩn nài’ và Đức Giêsu nói ‘Con biết rằng Cha hằng nghe lời con’ (Ga 11,42). ‘Dây tử thần đã bủa vây tôi chằng chịt, lưới âm ty chụp xuống trên mình’. Tác giả thánh vịnh nêu lên một hình ảnh tượng trưng. Sự phục sinh của Đức Giêsu đã thực hiện từng chữ một lời nguyện này: ‘Lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con khỏi chết’. ‘Chúa đã cứu gỡ mạng tôi khỏi chết…tôi sẽ bước đi trong cõi đất dành cho kẻ sống’. Giữa con cái loài người, chỉ mình Đức Giêsu mới có thể đọc những lời trên cách đúng đắn nhất, là trưởng tử giữa những người chết. Và chúng ta có thể cùng đọc lên với Ngài trong niềm hy vọng sẽ được sống lại.
Với đôi chút tưởng tượng, chúng ta có thể đặt mình trong một góc phòng Tiệc Ly, chiều hôm ấy, giữa các môn đệ, đang chăm chú lắng nghe giọng hát Thánh vịnh của Thầy Giêsu. Mà không chỉ tưởng tượng, là sự thật đấy. Ta biết Ngài đã hát những lời Thánh vịnh này, chiều hôm ấy.
Cũng đừng quên rằng Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ hãy ‘làm việc này mà nhớ đến Thầy’. Thánh lễ là hiện thực lời ước ao của Đức Giêsu. Chúng ta không ngừng chúc tụng Chúa Cha, Đấng đã ‘cứu ngài khỏi chết’ và cứu chúng ta nhờ sự Phục Sinh của ngài.
Cùng đọc với người thời nay
Trong cảnh sầu buồn, khắc khoải. Kinh nguyện của Đức Giêsu đã thổi đầy sinh khí vào thánh vịnh này, nhưng cũng không ngăn cản chúng ta giờ đây đọc lại trong hoàn cảnh của riêng mình, những con người đang bị đàn áp, thất vọng, đau bệnh. Hình ảnh ‘lưới âm ty’, ‘dây tử thần’ thật gợi ý. Biết bao người nam nữ đang bị trói chặt, bất động, do những khuyết tật thể lý, xã hội, tinh thần mà họ không thể tự mình giải gỡ. Chiếc lưới đáng sợ ấy vây bủa chúng ta, và từng người biết rõ hoàn cảnh của mình: cái đau đớn dai dẳng, cái thất bại ê chề, cái thói quen mà tôi không đủ sức phá đổ, cái tính khí đang đè nặng trên tôi, tội lỗi đang trói buộc tôi, tình cảnh hình như không lối thoát, lo lắng tiền của hay tương lai, bất an trước lối sống của con cái. Con người thật đáng thương. Che mắt để đừng nhìn thấy bao cảnh tang thương. Đọc lại thánh vịnh, không phải là làm một sự trốn chạy khỏi thế giới này, nhưng là một lời kinh nguyện cầu cho thế giới. Mọi cảnh huống con người hiện diện trong các thánh vịnh.
Tiếng kêu cầu. Kinh Thánh thường ‘thực tế’ hơn chúng ta. Tây phương, chúng ta thường đánh bóng tôn giáo, hiện đại hóa tôn giáo, làm cho nó nhẵn nhụi. Không được làm ồn, không được kêu lớn. Trong khi đó, Thiên Chúa lại lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng ta. Ngài không nổi giận vì điều đó đâu. Các thánh vịnh đầy dẫy những lời kêu cầu (Tv 27,1; 29,9; 30,23; 54,17; 56,3; 687,4; 76,2….) Lúc này đây biết bao tiếng kêu đang vang lên. Đừng bịt tai! Hãy hướng tất cả về Thiên Chúa. Và điều này sẽ giúp ta làm được việc gì đó cho những kẻ đang kêu cứu.
‘Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con’. Đức Giêsu dạy ta ‘xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ’. Một lời nguyện lập đi lập lại nhiều lần.
‘Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn’. Thiên Chúa chúng ta không phải là một Vị Thiên Chúa vô cảm. Ngài đau khổ cùng với con cái của Ngài, như người mẹ cảm nghiệm sâu xa trong lòng mình mọi điều liên quan đến con cái mình. Là một vị Thiên Chúa dễ bị thương tổn.
‘Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, Tôi sẽ bước đi trước mặt Người trong cõi đất dành cho kẻ sống’. Thay vì phản kháng và đổ lỗi cho Chúa vì sự dữ trong thế giới, sao chúng ta không biết lắng nghe Ngài? Ngài phán và luôn nhắc lại rằng Ngài đã dựng nên chúng ta để chúng ta được sống, được sống lại, được sự sống vĩnh cửu của Ngài. Thế giới ngày nay không ngừng lên án Thiên Chúa đã dựng nên một thế giới bất toàn. Nhưng lại không chịu nghe lời đáp trả của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói: ‘Ta là cửa...Ai qua Ta mà vào, sẽ được sống...Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào’ (Ga 10,10). Theo gương của tác giả thánh vịnh, và của Đức Giêsu, chúng ta có biết kết thúc tiếng kêu cầu bằng một lời ca tạ ơn trong an bình không? Trong phó thác của niềm tin, trong an nghỉ của tâm hồn.

Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập135
  • Máy chủ tìm kiếm98
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay26,987
  • Tháng hiện tại402,523
  • Tổng lượt truy cập47,700,331

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây