Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần X thường niên: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ bảy - 10/06/2017 23:18  1694
Thứ hai Tuần X Thường niên
Sẽ được ủi an
Chủ đề chung cho các bài đọc hôm nay là sự an ủi vì đau khổ. ‘Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an’: là một trong những mối phúc; thánh Phaolô trong thư gởi Corintô đã lấy bản thân mình để minh họa: vừa trải qua một đau khổ lớn lao nhưng trong cơn đau khổ này ngài đã nhận được sự an ủi của Thiên Chúa và giờ đây Ngài chúc tụng Chúa: ‘Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách’. Thánh vịnh cũng có cùng một đề tài như vậy: ‘Tôi đã tìm kiếm Chúa và Ngài đã đáp lại lời tôi, đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ…Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe và Ngài sẽ giải thoát họ khỏi mọi nỗi âu lo’. Là sứ điệp hết sức quý giá của niềm vui và của sự an ủi. Tuy nhiên chúng ta cần biết rằng điều kiện để được an ủi trước tiên chính là đón nhận đau khổ: Thiên Chúa không thể an ủi những người không hề bị sầu khổ. Đây là ý nghĩa của những mối phúc. Cần có một tình trạng tiêu cực để Thiên Chúa mới có thể thực thi công việc tích cực của Ngài. Phúc cho những người sầu khổ chứ không phải cho những người đang sống trong hạnh phúc, trong niềm vui, phúc cho những người sầu khổ vì họ sẽ được ủi an. Và thánh Phaolô: ‘Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chan chứa niềm an ủi’. Cần phải chiến đấu cùng với Thiên Chúa trong cơn đau khổ thì mới nhận được chiến thắng, sự an ủi của Ngài, vì không thể có vinh quang nào mà không chiến đấu. Chúng ta học cho biết sự đau khổ là điều kiện để được niềm vui của Thiên Chúa.
Thật vậy, đau khổ luôn đè nặng và là một thử thách làm ta không còn tin vào Thiên Chúa nữa. Ngài an ủi ta nếu chúng ta chiến đấu cùng với Ngài, vững vàng trong đức tin và đức cậy.
Chiến đấu như thế nào? Chiến đấu trong cầu nguyện, lời cầu nguyện thật khó khăn, bởi vì trong đau khổ, người ta chẳng còn muốn cầu nguyện nữa. Một lời cầu nguyện liên lĩ, đích thực làm cho mình gần kề bên thập giá Chúa Giêsu. Khi đó những khổ đau của ta sẽ thực sự trở nên ‘những đau khổ của Đức Kitô trong chúng ta’, mở đầu cho chiến thắng và sự an ủi, làm ta hát mừng lên: ‘Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao’! Chỉ sau chiến thắng ta mới chắc chắn vui mừng và ca tụng lòng nhân lành của Thiên Chúa.

Nơi thánh Phaolô kinh nghiệm đau khổ và sự an ủi là một kinh nghiệm của người tông đồ: ‘Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi’ bởi vì chiến đấu và chiến thắng thì chính Ngài đã sống để thông truyền và củng cố đức tin. Và sự an ủi được tỏ ra để ‘anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu’. Và như vậy, nhờ vị Tông Đồ, con đường đã được vạch ra cho mọi tín hữu.
Chúng ta cầu xin Chúa để hiểu giá trị của những đau khổ và ơn giúp kiên trì trong những nghịch cảnh, vững vàng trong lòng tin kiên trung kề bên thập giá Đức Kitô, cho đến khi chiến thắng, trong sự an ủi của Thiên Chúa.
+++
Phúc cho ai….!
Biểu thức này rất quen thuộc trong các Thánh vịnh và sách khôn ngoan, giờ đây vang lên trên môi miệng của Chúa trong bài giảng trên núi.
Tác giả Thánh vịnh và các ngôn sứ nghĩ rằng hạnh phúc được ban tặng cho người công chính tuân giữ lề luật, kính sợ Thiên Chúa, tin tưởng và phụng thờ Người…Nhưng cũng được tặng ban cho những ai có lòng thương xót, cho cha mẹ của những gia đình đông con. Đức Giêsu đến không phải để hủy bỏ nhưng để làm cho nên trọn, vẫn giữ lại nền tảng của các mối phúc cổ xưa ấy và còn thêm vào mười điều khác nữa. Những điều này làm định hướng cho ý nghĩa của hạnh phúc. Nếu Cựu ước nhìn nhận hạnh phúc cho những người kính thờ Thiên Chúa chân thật, Đức Giêsu nói cho ta biết ai là những người kính thờ đích thực Thiên Chúa của Ápraham: là những người có tinh thần nghèo khó, những người hiền lành, những người đói khát sự công chính, những người có lòng thương xót, những người có lòng thanh sạch.

Nếu Cựu ước gọi là ‘hạnh phúc’ những kẻ nương tựa nơi Thiên Chúa, thì Đức Giêsu nói cho ta biết ai là những người Thiên Chúa mong chờ để được an ủi và bảo vệ. Đó là những người đau khổ, những người khao khát sự công chính và lề luật, những người bị bách hại, những kẻ chết vì đạo!
Ta có phải là những người tôn thờ đích thực không? Ta có phải là những người con cái đích thực của Thiên Chúa không?

Thứ ba Tuần X Thường niên
Trung tín
Hôm qua phụng vụ trình bày cho ta đề tài về sự an ủi, hôm nay đề tài về sự trung tín. ‘Chính anh em là muối cho đời. Nhưng nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại’? Muối không thể nên nhạt được, phải giữ đặc tính của nó, phải ‘trung tín’ với chính mình nó. Như thế chúng ta cần phải trung thành với tư cách là con cái Thiên Chúa của chúng ta, để ngăn thế gian, đang đầy dẫy sự băng hoại, không phải đi đến sự hủy diệt.
‘Chính anh em là ánh sáng cho trần gian’, ánh sáng cháy sáng lên chứ không phải tắt ngúm, ‘để soi chiếu cho mọi người trong nhà’.
Thánh Phaolô trong thư thứ hai gởi Corintô, giải đáp những chỉ trích và những lên án chống đối Ngài, bằng cách bảo vệ sự trung tín của Ngài: ‘Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là ‘có’, vừa là ‘không’. Ngài nại đến sự trung tín của Thiên Chúa. Quả thực ‘lòng trung tín của Chúa tồn tại đến muôn đời’. Tất cả những gì Thiên Chúa làm đều trường tồn. Thiên Chúa không rút lại những dự tính của Ngài, không chùn bước trước bao chướng ngại gặp phải trong khi thực hiện, luôn tìm kiếm điều thiện hảo cách trung tín: Thiên Chúa luôn trung tín, Ngài không vừa là ‘có’ vừa là ‘không’. Nơi Đức Giêsu chỉ toàn là ‘có’.

Điều Đức Giêsu xin cho ta: ‘Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em, mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời’, Ngài đã thực hiện điều đó. Con của Chúa Cha, đã tôn vinh Cha bằng sự luôn ‘có’ của thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ‘có’, được hoàn tất nơi Ngài; Đức Giêsu là ‘có’, khi thi hành ý muốn của Chúa Cha: ‘Ta làm điều đẹp lòng Người’. Nên chúng ta có thể cậy dựa vào Ngài cách tin tưởng. Là con người, chúng ta hay đổi thay và hay tìm cách thanh minh cho sự bất tín của chúng ta; cái ‘có’ của thiên Chúa nơi Đức Giêsu luôn thường hằng. Muôn đời Thiên Chúa yêu thương chúng ta, muôn đời Thiên Chúa thương xót chúng ta, muôn đời Ngài nâng đỡ chúng ta trong mọi nghịch cảnh.

Chúng ta hãy mở lòng và đón nhận lòng trung tín của Chúa, tư tưởng của Ngài là niềm vui cho ta và chúng ta cầu xin Chúa ban ơn làm vững mạnh lòng chúng ta để trung thành với Ngài, để mọi người nhìn thấy những việc lành của chúng ta mà tôn vinh Thiên Chúa.
+++
Lạy Chúa, có quá lời không, khi gọi con là muối đất, là ánh sáng thế gian? Có thể được không?
Nếu đây là những lời của một người xu nịnh, có lẽ tôi sẽ không vênh mặt lên như những người kiêu hãnh vui mừng trước những lời ca tụng. Nhưng bởi vì đây là những lời của Chúa. Nên phải là những lời chân thực. Thế nên tôi buộc phải suy tư để tìm ra đâu là ý nghĩa thâm sâu.

Con suy tư và cảm nhận Chúa hiện diện trong con. Chúa ở trong con và hành động trong con và qua con. Người nhìn bằng đôi mắt của con, nghe bằng đôi tai của con, nói bằng miệng lưỡi con, yêu bằng quả tim của con. Vậy làm sao con không thể là muối đất và ánh sáng thế gian khi mà con là chiếc nhà tạm chứa đựng Chúa?
Lạy Chúa, xin làm cho con nên trung thành luôn với sự hiện diện của Chúa, để những người gặp gỡ con, đều nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi con.
Thánh Antôn Padova
Là một đặc ân lớn cho một tông đồ của Chúa được áp dụng cho chính mình lời ngôn sứ Isaia mà Đức Giêsu đáp từng áp dụng: ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn…’.

Quả thực Thần Khí Chúa đã ngự trên thánh Antôn Padova, người đã thành công lạ lùng trong việc mang tin mừng cho người nghèo. Ngài đã băng bó những tâm hồn tan vỡ, đã loan báo sự giải thoát cho tù nhân, cách lạ lùng, đến độ được phong thánh chỉ một năm sau khi qua đời. Là điều ngày nay xem chừng ra không thể, nhưng điều đó muốn nói lên lòng tôn kính của dân kitô hữu đối với vị thánh thật lớn laonày.

Trong đoạn văn của ngôn sứ Isaia, ta nhận thấy rõ hoạt động của Thần Khí đấng an ủi, băng bó vết thương tâm hồn, an ủi những người sầu khổ, ta lưu ý đến việc loan báo sự tự do, cho thấy Thần Khí hoạt động như đấng sáng tạo, như đọc thấy trong thánh thi ngày lễ Hiện xuống.
Tất cả chúng ta bị tù đày bởi biết bao ràng buộc, đến từ tâm tính của ta, do hoàn cảnh, do tình trạng sức khỏe, do những tương quan liên vị không luôn hòa hợp…và ta tìm kiếm sự giải thoát.
Nhưng sự giải thoát đích thực đến một cách bất ngờ, một cách ngược đời từ Thần Khí của Thiên Chúa, đấng không giải quyết các vấn đề, nhưng vượt lên trên, đưa chúng ta sống cao thượng hơn.

Trong cuộc đời thánh Antôn Padova, ta nhận thấy sự giải thoát này của Thần Khí. Antôn lẽ ra có thể đã thất vọng, buồn chán ê chề, vì mọi dự tính của ngài đều bị đảo lộn. Ngài muốn làm nhà thừa sai, muốn chết tử đạo nên đã xuống tàu đi đến vùng đất hồi giáo. Nhưng hành trình của ngài không đến đích: thay vì đến vùng dân Árập, ngài lại cập bến đảo Sicilia, Ý, giữa những kitô hữu.

Lẽ ra ngài có thể khóc than suốt cuộc đời còn lại: ‘Tôi không thể thực hiện được ơn gọi của tôi! Trái lại, ngài đã tỏa sáng bất cứ nơi nào mà Chúa mang ngài đến cách bất ưng: ngài bắt đầu rao giảng, phục vụ hết sức mình và để lại danh thơm lạ lùng.

Thứ tư Tuần X Thường niên
Giao ước mới
Trong bài đọc 1 thánh Phaolô diễn tả tất cả lòng hăng say của Ngài đối với giao ước mới, là ân ban khôn vời của Ba Ngôi cho con người: Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần mời gọi con người vào sống thân tình với Ngài. Thánh Tông đồ gọi tên cả ba Ngôi ngay từ đầu đoạn văn này, nhờ Đức Kitô mà thánh nhân tin tưởng vào Chúa Cha, Đấng biến ngài nên thừa tác viên của giao ước mới trong Thánh Thần. Đức Kitô, Chúa Cha, Chúa Thánh Thần. Và ân ban giao ước mới này được thực hiện đặc biệt trong bí tính Thánh Thể, nơi đó vị linh mục lập lại cùng những lời của Chúa Giêsu: ‘Đây là chén máu giao ước mới’.

Chúng ta cũng đầy lòng hăng say như Phaolô đối với giao ước mới, thực tại tuyệt vời mà ta đang sống, giao ước mà Ba Ngôi ban cho Giáo Hội, giao ước mới đổi mới mọi sự, luôn luôn đưa ta vào sự mới mẻ của cuộc sống, cho ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Đức Kitô. Máu giao ước mới, mà ta nhận được từ Thánh Thể, nối kết chúng ta với Ngài, trung gian của giao ước mới. Thánh Phaolô so sánh giao ước cũ với giao ước mới. Ngài bảo giao ước cũ được khắc ghi từng chữ trên đá. Đề cập đến giao ước Sinai, nơi Thiên Chúa khắc ghi các điều răn, lề luật của Ngài trên bia đá, để ai tuân giữ thì lưu lại trong giao ước với Ngài. Phaolô đối chiếu giao ước chữ viết với giao ước trongThần Khí.
Giao ước bằng chữ viết khắc ghi trên bia đá, làm nên những luật lệ bên ngoài, giao ước trong Thần Khí thì nội tại bên trong, viết trong lòng, như tiên tri Giêrêmia đã phán.

Cụ thể hơn, đề cập đến việc biến đổi con tim: Thiên Chúa tặng ban một quả tim mới để thông truyền Thần Khí mới, Thần Khí của Ngài. Giao ước mới của Thần Khí, Thánh Thần Thiên Chúa. Ngài là giao ước mới, là luật nội tâm mới. Không còn lề luật với những lệnh truyền bên ngoài nữa, nhưng là luật vững chắc, lực thúc đẩy bên trong, tìm nếm cảm việc thực thi ý Chúa, trong khao khát sống phù hợp với tình yêu đến từ Thiên Chúa, hướng ta đến Thiên Chúa, với tình yêu cho ta tham dự vào sự sống của Ba Ngôi.

Chữ viết thì giết chết, còn Thần khí mới ban sự sống. Chữ viết thì giết chết vì là những lệnh truyền, nếu không tuân giữ sẽ bị kết án. Thần Khí, trái lại, ban sự sống vì làm cho ta có khả năng thi hành ý Chúa và ý Chúa luôn luôn sống động, Thần Khí là sự sống, động lực nội tại bên trong. Do đó niềm vui của giao ước mới thì vượt lên trên niềm vui của giao ước cũ.

Về giao ước cũ Phaolô nói đến việc phục vụ sự chết, có liên hệ đến hình phạt để ngăn cản con cái Israel sống lầm lạc: bởi vì sức mạnh bên trong chưa có, nên hậu quả tất yếu dẫn đến cái chết. Tuy vậy việc phục vụ sự chết này đã được vinh quang bao phủ: con cái Israel đã không thể nhìn vào thẳng mặt ông Môsê khi ông xuống từ núi Sinai, cũng như khi ông từ Lều Giao Ước trở về, vì mặt ông quá sáng chói. Thánh Phaolô suy luận: ‘Vậy thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao? Không nói đến việc phục vụ sự chết, nhưng là sự sống: nếu việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao? Một đàng là sự chết, một đàng là sự sống, một bên là án chết một bên là đức công chính; một đàng là vinh quang chóng qua, một đàng là vinh quang trường tồn, vì giao ước mới thiết lập chúng ta muôn đời trong tình yêu.
+++
Không dễ dàng theo Đức Giêsu. Đối với Chúa lề luật được thiết lập là để giúp ta được hạnh phúc. Điều này không làm hài lòng những con người thời nay, họ tưởng mình biết rõ hơn Đấng tạo hóa của họ điều gì là tốt cho họ. Tựa các bệnh nhân, tin mình biết rõ về loại thuốc trị liệu hiệu nghiệm hơn cho trường hợp của họ, hoặc tựa các trẻ em, cho rằng mình có kinh nghiệm giáo dục hơn cha mẹ.

Đức Giêsu càng dịu dàng với tội nhân bao nhiêu thì Ngài lại càng gay gắt với tội lỗi bấy nhiêu. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không ngừng nhắc đến trong những chuyến tông du.

Thời nào cũng thế, con người luôn muốn định hình Tin mừng theo ý muốn riêng của họ. Do đó sinh ra những giáo phái. Người ta loại bỏ điều quấy rầy họ. Ta hãy đọc lại bài diễn từ của Phaolô trước mặt tổng trấn la-mã Phêlích (Cv 24,24-25). Phêlích cho vời Phaolô đến để nghe ngài nói về niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Nhưng khi Phaolô nói về sự công chính, sự tiết độ và cuộc phán xét mai sau, Phêlích phát sợ và lệnh cho ông lui ra, hứa sẽ gọi ông vào dịp khác.
Cũng thế, nhiều người cảm thấy bị quấy rầy khi một diễn từ đề cập đến vấn đề tiết dục, chay tịnh, tha thứ, công chính hoặc một vài điều khác nữa. Họ rời bỏ nhà thờ và viện đủ mọi lý do để khỏi đến nữa. Nhưng trong thâm tâm họ, trong thẳm sâu của cô tịch, không phải họ đang cảm thấy sợ sao?

Ta phải hết sức khách quan: không có một Tin mừng cho chủ và một tin mừng khác cho nô lệ, không có một tin mừng cho người giàu và một tin mừng khác cho kẻ nghèo. Làm sao có nhiều mặt trời soi chiếu theo yêu sách của từng người được. Thật vậy theo Đức Giêsu không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên Ngài nói với ta: ‘Anh em hãy mang lấy ách của tôi…Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng’ (Mt 11,29-30). Hãy tin tưởng nơi Chúa. Ngài biết rõ những giới hạn của ta. Hơn nữa, tất cả những ai bước theo lề luật của Ngài với lòng yêu mến, sẽ được hạnh phúc đời này và cả đời sau nữa.

Thứ năm Tuần X Thường Niên
Một thanh niên kitô hữu bị lạm dụng bởi một người cuồng tín, chỉ biết mỉm cười. Bị đánh đập tàn bạo nhưng anh thanh niên vẫn tiếp tục mỉm cười. Tức tối, kẻ cuồng tín la to: ‘Hãy nói đi, hãy nói cái gì đó đi! Mày chỉ là tên chết nhát! Không được cười nữa, nếu không tao sẽ bắn! Chàng thanh niên kitô hữu trả lời: ‘Này người anh em, nếu công việc của anh, một người cuồng tín là đánh đập tôi, thì công việc của một kitô hữu là tha thứ cho anh’.
Ba năm sau, người cuồng tín ấy đã lãnh nhận phép Thanh tẩy. Kitô giáo cùng chia sẻ với các tôn giáo khác niềm tin vào Thiên Chúa, sự công chính và lòng bác ái, nhưng khác biệt tận căn với các tôn giáo khác về những điều liên quan đến luân lý.

Luật trả thù (mắt đền mắt răng đền răng) thay thế cho luật rừng (luật của kẻ mạnh), trong khi luật của Đức Kitô đòi hỏi nơi con người điều vượt hơn sức người có thể làm. Chính Thiên Chúa đấng yêu thương và tin tưởng nơi con người, không thể làm gì khác hơn là thần hóa con người, và trở thành con người.
‘Anh em giống như Thiên Chúa’, ‘Anh em là con cái của Thiên Chúa’. Là lời đáp trả cho cám dỗ chọn thiên đàng trần thế.
Và con người sẽ là con cái Thiên Chúa, khi yêu thương địch thù mình bằng sự tha thứ, là điềuvượt trên những giới hạn của con người.
Niềm tin tưởng vào Thiên Chúa này khiến ta phải bật khóc vì cảm tạ và tràn đầy sức mạnh và niềm hãnh diện. Đúng thế, tôi phải nhủ lòng rằng tôi có thể làm được tất cả, cùng với Thiên Chúa, hành động như Người, yêu thương như Người và khước từ mọi đố kỵ ghen ghét. Thiên Chúa ở trong tôi, nên cùng với Người và nhờ Người tôi có thể làm được điều không thể.

Thứ sáu Tuần X Thường Niên
Trong những bình sành
‘Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi…Nếu tay phải anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi…’ Những lời cứng rắn đó đã được thốt ra từ môi miệng của Đấng được định nghĩa là đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, Đức Giêsu. Đấng tuyên bố ách của ngài êm ái và gánh của ngài nhẹ nhàng. Lòng nhân từ không phải là sự nhu nhược. Đức Kitô, vô cùng nhân từ, đã chết trên thánh giá để giải thoát ta khỏi tội lỗi, không hề thỏa hiệp với tội.

Trong bài đọc 1, mầu nhiệm của sự chết nhờ qua sự sống lại, đã được thánh Phaolô diễn tả một cách khác: ‘Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, hoang mang, bị ngược đãi, bị quật ngã…’ Hình như vô lý và gây hoang mang. Gây hoang mang nếu không liên kết với mầu nhiệm của Đức Kitô. Và Phaolô còn thêm: ‘Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi’. ‘Chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi’.

Thật phi lý nếu người kitô hữu muốn sống yên tĩnh, không gặp khó khăn, không thử thách, không xáo trộn: đấy không phải là con đường của Chúa và không thể là con đường của chúng ta.

Chúa giúp ta nhận ra trong mỗi đau khổ thánh giá của Ngài, nghĩa là con đường đưa đến sự sống. Những lời cứng rắn của tin mừng giống như con dao trong tay của chúng ta để cứu thoát mình bằng những thái độ khiêm tốn và thua thiệt đối với xã hội của chúng ta, là xã hội chỉ muốn thỏa mãn lập tức, hạnh phúc bề ngoài đến từ thuốc phiện, từ ly dị, từ phá thai. Họ tuyên bố đó là những giải phóng và không thấy rằng, từ tội ác này đến tội ác khác, con người đang tiến dần đến tình trạng suy đồi hoàn toàn nhân phẩm.
Mỗi ngày trong khiêm tốn, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được soi chiếu bằng ánh sáng của mầu nhiệm Ngài, để chúng ta có thể trở nên ánh sáng cho đời.

Thứ bảy Tuần X Thường Niên
Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta
Đoạn văn của bài đọc 1 hôm nay giống như một cơn gió xoáy cuốn hút chúng ta vào trung tâm: TÌNH YÊU. Từ đây khởi động những bước chân của người tông đồ. Từ đây xuất phát ‘điều mới mẻ mà các ngôn sứ đã nhắc đến: này đây phát sinh một điều mới: các ngươi không để ý sao? Vâng, người để mình bao bọc bởi ngọn lửa bùng cháy của tình yêu là Đức Kitô, sẽ trở thành ‘một tạo vật mới’, có khả năng định hình cuộc sống mình theo những đòi hỏi của tin mừng. Việc giao hòa trở nên cần thiết không thể không có. Giao hòa với Thiên Chúa để đón nhận ân ban của Ngài, Đấng khép lại cách dứt khoát quá khứ đen tối, vì tội lỗi; giao hòa với anh em, cần đi bước trước đến với anh em. Là sự mới mẻ của một cuộc sống đánh dấu bởi tình yêu mở rộng ra cho cả thế giới, tất cả đều đổi mới. Một bổn phận cho chúng ta ngày nay, các kitô hữu của thế kỷ XXI. Chúng ta không có quyền khóc cho một xã hội đang suy sụp, để từ chối chiến đấu cho Nước Thiên Chúa, cho những giá trị của Nước Thiên Chúa. Với Đấng Phục sinh, tình yêu đã làm dậy sóng cả thế giới. Đức Kitô-Tình yêu đã sống lại: chúng ta đầu tư tất cả cho điều mới mẻ này. Sự mới mẻ này cần phải được thấm sâu vào cuộc sống chúng ta, biến đổi nó thành một ân ban của tình yêu, thể hiện qua từng cử chỉ nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày.

Ý thức tình yêu của Đức Kitô, đấng đã chết vì tôi, vì yêu tôi và đã sống lại vì tôi. Tôi cảm nếm mầm mống sự sống mới đang ngấm sâu vào trong tôi và như nguồn sức mạnh, thúc đẩy tôi thực thi những cử chỉ đầy mới mẻ, vì đầy tình yêu.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
 
Thánh Barnaba
Chúa Giêsu trải tấm lòng của Ngài nơi mỗi trang tin mừng. Nơi trang tin mừng hôm nay, là một diễn từ sai đi, chúng ta thấy tấm lòng rộng lượng của Ngài. Tính thần khó nghèo tin mừng không được xem như là sự bủn xỉn, nhưng là mở rộng lòng để tin tưởng và quảng đại: như những lời nói của Đức Giêsu minh chứng và như thánh Barnaba đã sống. Đức Giêsu muốn chúng ta sống nghèo vì Ngài muốn chúng ta là những con người tự do, có thể ban phát cách rộng rãi cho mọi người, vì Nước Trời. ‘Các con đã nhận cách nhưng không, thì hãy cho cách nhưng không’.

Cuộc đời thánh Barnaba minh họa trang tin mừng này. Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại việc thánh nhân đã bán đi thửa ruộng của mình và mang số tiền lại cho các Tông Đồ, thực hành theo từng chữ một đòi hỏi của Đức Giêsu đối với chàng thanh niên giàu có: ‘Hãy về bán tất cả những gì ngươi có, bố thí cho kẻ nghèo, rồi hãy đến mà theo Ta’. Lòng tin tưởng vào Thiên Chúa thúc đẩy Ngài làm cử chỉ đó, đồng thời cũng cho thấy lòng tin tưởng của ngài đối với người khác. Đến Antiokia, thay vì lo lắng bận tâm cho những người dân ngoại vừa trở lại với Tin Mừng, Barnaba có một phản ứng cởi mở, đầy tin tưởng: ‘Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnaba mừng rỡ’. Không phải là một con người làm tắt đi những nhiệt huyết của người khác bằng những việc buộc tuân giữ tỉ mỉ các luật lệ, ngài là ‘người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin’ và khuyên nhủ mọi người bền lòng gắn bó cùng Chúa: quan trọng là gắn bó cùng Đức Kitô. Và như thế ‘có thêm rất nhiều người theo Chúa’.

Một nét khác của lòng quảng đại của ngài. Thay vì giữ cho mình độc quyền rao giảng nơi một môi trường thuận lợi, ông đã đi Tarsô tìm Phaolô: ‘Tìm được rồi, ông đưa Saolô đến Antiokia’. Và khi Phaolô trở nên quan trọng hơn ông trong công việc tông đồ cho dân ngoại, sách Công Vụ cũng lập lại những lời nói về ông khi vừa đặt chân đến Antiokia: ‘Thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông mừng rỡ’.

Nhưng Barnaba không dừng lại nơi việc cổ vũ người khác. Luôn sẳn sàng để Đức Kitô trưng dụng, do đó Thánh Thần dành riêng ông cho sứ vụ rộng lớn hơn: rao giảng tin mừng cho mọi dân tộc.

Tin tưởng và quảng đại xuất phát từ tâm hồn khó nghèo: đó là điều ta thấy rực sáng lên nơi cuộc đời thánh Barnaba. Chúng ta cầu xin Chúa giúp ta bước đi vui vẻ trên con đường ấy, thành những con người nhân hậu, luôn sẵn sàng, cổ vũ những người mình tiếp cận.

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay23,709
  • Tháng hiện tại770,990
  • Tổng lượt truy cập47,132,594

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây