Trang Tin Tức Giáo phận Nha Trang

https://giaophannhatrang.org


Lời Chúa trong việc Dạy Giáo lý - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Khi nói “Lời Chúa trong việc Dạy Giáo lý”, chúng tôi muốn đề cập tới vai trò của Lời Chúa trong Thánh Kinh được thể hiện như thế nào trong việc dạy giáo lý và trình bày vấn đề theo hướng suy tư và chia sẻ mục vụ. Người trình bày chỉ đúc kết lại suy nghĩ và nỗ lực của một nhóm đã và đang cộng tác với nhau hơn mười năm qua cho một công trình chung; đó là bộ giáo lý Hiệp Thông được biên soạn theo hướng Giáo Lý Thánh Kinh (Catéchèse Biblique).

LỜI CHÚA TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ

                Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
 
Khi nói “Lời Chúa trong việc Dạy Giáo lý”, chúng tôi muốn đề cập tới vai trò của Lời Chúa trong Thánh Kinh được thể hiện như thế nào trong việc dạy giáo lý và trình bày vấn đề theo hướng suy tư và chia sẻ mục vụ. Người trình bày chỉ đúc kết lại suy nghĩ và nỗ lực của một nhóm đã và đang cộng tác với nhau hơn mười năm qua cho một công trình chung; đó là bộ giáo lý Hiệp Thông được biên soạn theo hướng Giáo Lý Thánh Kinh (Catéchèse Biblique). 
Trong bài này, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày lý do tại sao nhóm lại chọn hướng biên soạn này, nhóm đã biên soạn như thế nào để tâm điểm của buổi Gặp gỡ Giáo lý là Lời Chúa trong Thánh Kinh, sau cùng đâu là cơ hội và thách đố cho việc cổ võ và phổ biến Thánh Kinh trong việc dạy giáo lý. Ước mong chia sẻ mục vụ này góp phần vào nỗ lực chung của Ủy Ban Thánh Kinh cũng như Ủy Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trong việc Rao giảng Lời Chúa.  
  1. TỪ MỘT THAO THỨC
1. Làm thế nào để đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam có được chiều sâu và sự phong phú? 

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, nhận định về tâm thức tôn giáo nơi người Việt Nam nói chung và người Công giáo nói riêng như sau: “
Tâm thức tôn giáo nơi người Việt Nam thường thiên về tình cảm, giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý[1]. Vấn đề đặt ra cho những người có trách nhiệm giáo dục đức tin, cách riêng trong lãnh vực huấn giáo, là: Làm thế nào để đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam có được chiều sâu và sự phong phú? Làm thế nào để đời sống đức tin của họ bén rẽ sâu trong Đức Kitô?

Thánh Gioan chỉ cho chúng ta một phương thế trong lời Chúa Giêsu truyền: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”[2]. Thánh Phêrô thì kêu gọi anh chị em tân tòng đón nhận Lời Chúa để có thể lớn lên trong đức tin: “Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành”[3]. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, trong Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới XXVI năm 2011, tại Madrid, với chủ đề “bén rễ và được xây dựng trên Đức Kitô, được củng cố đức tin” (x. Cl 2,7), cũng mời gọi các bạn trẻ học với các thánh xây dựng cuộc sống của mình trên Lời Chúa: “Mỗi ngày, các bạn cũng hãy cố gắng theo Lời Chúa Kitô. Hãy lắng nghe Ngài như Người Bạn chân thành mà các bạn có thể chia sẻ con đường cuộc sống ... Duy có Lời Chúa, mới chỉ cho chúng ta con đường đích thực, chỉ có đức tin được thông truyền cho chúng ta, mới là ánh sáng soi chiếu con đường của chúng ta”[4]. Như thế, muốn đời sống đức tin được bén rẽ, xây dựng và củng cố trên Đức Kitô, người Kitô hữu phải lắng nghe và tuân giữ lời Ngài dạy.

2. Làm thế nào người tín hữu có thể xây dựng cuộc sống trên Lời Chúa mà không đọc và suy niệm Lời Chúa hoặc đọc Lời Chúa trong tâm thế cầu nguyện?

Không có cách nào khác để người tín hữu có thể xây dựng cuộc sống trên Lời Chúamà khôngđọc và suy niệm Lời Chúa hoặc đọc Lời Chúa trong tâm thế cầu nguyện. Thế nhưng, làm thế nào người tín hữu có được thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hoặc đọc Lời Chúa trong tâm thế cầu nguyện nếu như họ không hề được học hỏi và rèn luyện trong việc học giáo lý ngay từ thuở nhỏ? Vì thế, cần canh tân cách thức dạy giáo lý từ cách dạy giáo lý theo thần học thiên về ý niệm và dùng ngôn ngữ trừu tượng, sang cách dạy giáo lý theo Thánh Kinh thiên về đời sống và dùng hình ảnh cụ thể để trình bày các ý niệm.
Từ trước đến nay, giáo lý viên thường sử dụng Lời Chúa để minh họa hay củng cố cho một ý tưởng thần học như sau:
Đề tài: Tội lỗi
  1. Bài giảng:
  • Tội là gì?
  • Có mấy thứ tội?
  • Tội gây ra những hậu quả nào?
  • Đức Giêsu giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi thế nào?
  1. Nghe Lời Chúa: Rô-ma 6,5-7 (Nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa).
Ngày nay, giáo lý viên giúp học viên tiếp cận trực tiếp với bản văn Lời Chúa để lắng nghe và đáp lại lời Chúa mời gọi như trong cách dạy sau[5]:
Đề tài: Chúa Giêsu tha thứ cho người tội lỗi
  1. Nghe Lời Chúa: Lc 7,36-50 (Người phụ nữ tội lỗi được Chúa tha thứ)
  2. Bài giảng:
Giáo lý viên giúp các em so sánh thái độ của ông Simon biệt phái và thái độ của ngưởi phụ nữ tội lỗi; sau đó, giúp các em khám phá ý nghĩa và sứ điệp của bản văn:
  • Vì sao người phụ nữ mạnh dạn đến với Chúa Giêsu và công khai bày tỏ lòng tôn kính và mến yêu Ngài? [vì chị tin vào tình thương của Chúa]
  • Vì sao chị lại khóc và lấy nước mắt mà lau chân Chúa Giêsu, hôn chân Chúa và lấy dầu thơm mà xức chân Ngài? [vì chị biết mình tội lỗi, nhưng được thương]
  • Còn Chúa Giêsu, Ngài đã đối xử với chị thế nào? [đón nhận và thấu hiểu chị]
  • Lúc bấy giờ, người phụ nữ cảm thấy thế nào? [được nâng đỡ, tin và yêu Chúa hơn]
  • Qua cách thức Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ, các em thấy Chúa là Đấng thế nào? [Chúa yêu thương và tha thứ tội lỗi, nếu chúng ta thật lòng sám hối]
Chúng tôi chọn cách dạy giáo lý theo Thánh Kinh còn vì mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là giúp cho học viên không những tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, được thông hiệp với Ba Ngôi[6]. Để đạt tới mục đích này, việc dạy giáo lý không chỉ giúp học viên hiểu biết đức tin, mà còn giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo[7]. Do đó, khi dạy giáo lý, giáo lý viên phải thoát ra khỏi khuôn khổ của một ‘lớp’ học vốn nhấn mạnh đến nội dung kiến thức theo lối mòn “nghe giảng bài, học bài, trả bài, đậu rớt, thưởng phạt qua việc được lãnh nhận bí tích hay không”, để có thể hướng dẫn học viên thưa chuyện với Chúa nhờ lắng nghe và đáp lại lời Người[8]. Đó cũng là lý do tại sao các bộ giáo lý hiện nay của Ý, Pháp, Canada, Mỹ, Phi-lip-pin vv... gọi các buổi học giáo lý là Gặp Gỡ 1,2,3 ... (Incontro, Rencontre, Encounter) thay vì bài 1,2,3... (Lezione, Lecon, Lesson), sách giáo lý dành cho lứa tuổi 7,8,9 ... thay vì lớp 7,8,9... [9]

3. Làm sao có thể canh tân việc dạy giáo lý dựa trên nền tảng Lời Chúa trong Thánh Kinh, một khi giáo lý viên không xác tín về vai trò quan trọng của Thánh Kinh trong việc dạy giáo lý?

Việc dạy giáo lý dựa trên nền tảng Lời Chúa trong Thánh Kinh thực ra không phải là điều mới mẻ, bởi Công Đồng Vaticnô II trong Hiến chế Tín lý về Mạc Khải số 24, Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangeli Nuntiandi – 8/12/1975) số 44, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Dạy Giáo lý (Catechesi Tradendae – 16/10/1979) s.18-19, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini – 30/9/2010) số 74 và Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Gaudium Evangelii – 24/11/2013) số 174 vv..., đều đặt huấn giáo trong viễn tượng loan báo Tin Mừng và khẳng định huấn giáo phải được gợi hứng, nuôi dưỡng và phong phú hóa bởi Lời Chúa trong Thánh Kinh. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI còn coi trình thuật hai môn đệ gặp Chúa Giêsu trên đường Emmau (Lc 24,13-35) là khuôn mẫu cho việc dạy giáo lý đặt trọng tâm vào việc giải thích Thánh Kinh, vì chỉ có Chúa mới có thể cho thấy Thánh Kinh được nên trọn nơi chính con người của Ngài[10].

Bộ Giáo sĩ, trong Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý năm 1997, khẳng định: “Vai trò riêng biệt của việc dạy giáo lý là tỏ cho biết Đức Kitô là ai – về đời sống và mầu nhiệm của Người – cũng như trình bày đức tin Công giáo như là việc bước theo Người. Vì thế, việc dạy giáo lý phải khởi đi từ những sách Tin Mừng, tâm điểm của Thánh Kinh vì nó là chứng tá nền tảng về đời sống và giáo huấn của Ngôi Lời Nhập thể, Đấng Cứu Độ chúng ta”[11]. Linh mục Nguyễn Văn Tuyên, trong cuốn Sư phạm Giáo lý, viết: “Giáo lý [Huấn giáo] trình bày Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa chính là nội dung của giáo lý. Lời này được ghi lại trong Thánh Kinh. Do đó, Thánh Kinh là nguồn chủ yếu của giáo lý. Giáo lý càng gần Thánh Kinh bao nhiêu càng phong phú và vững chắc bấy nhiều”[12]. Ngài còn minh định nội dung Thánh Kinh là những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ mà trung tâm của nó là Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, nên việc dạy giáo lý phải hướng về mầu nhiệm Đức Kitô (quy Kitô). Thêm vào đó, việc dạy giáo lý chẳng những phải thấm nhuần Thánh Kinh về nội dung, nhưng còn phải gần gũi Thánh Kinh về ngôn ngữ, về cách diễn đạt bằng hình ảnh cụ thể cũng như cách kể truyện của Thánh Kinh và phải lấy chính lời Thánh Kinh làm những câu đúc kết để học thuộc lòng, thay vì mượn những công thức trừu tượng của thần học[13].    

 
  1. ... ĐẾN MỘT TRẢI NGHIỆM

Từ nhu cầu đặt Lời Chúa trong Thánh Kinh làm tâm điểm cho các buổi gặp gỡ giáo lý, chúng tôi nghĩ đến việc đào tạo giáo lý viên và biên soạn một giáo trình theo hướng giáo lý Thánh Kinh cho giáo lý phổ thông, dự tòng và hôn nhân.

1. Về đào tạo giáo lý viên
, ngoài nội dung chính gồm bốn phần của sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức về Thánh Kinh và sư phạm cho học viên[14]. Học viên sẽ được học Hiến chế Tín lý về Mạc Khải, tìm hiểu Thánh Kinh, tìm hiểu Cựu Ước và Tân ước cũng như được trang bị kỹ năng trình bày Lời Chúa cho các lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn.

2. Về giáo trình, chúng tôi nhắm đến việc xây dựng mối hiệp thông giữa học viên với Đức Kitô; nhờ đó, với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Hội Thánh, trên bình diện đời sống cũng như sứ vụ. Để được như thế, giáo trình phải trang bị cho học viên ba thói quen căn bản: thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa (7-9, 10-12 tuổi), thói quen đọc Lời Chúa trong tâm thế cầu nguyện (Lectio Divina) và thói quen đọc các dấu chỉ thời đại bằng cách phân định theo phương pháp Xem – Xét – Làm (13-15, 16-18 tuổi). Với lứa tuổi thiếu nhi, tâm điểm là xây dựng mối hiệp thông cá vị với Thiên Chúa và gắn bó với cộng đoàn Hội Thánh. Với lứa tuổi thiếu niên, tâm điểm là giúp trẻ hình thành nhân cách theo mẫu gương của Đức Kitô.

3. Về tiến trình của buổi gặp gỡ giáo lý, chúng tôi sử dụng 2 tiến trình khác nhau: một cho lứa tuổi thiếu nhi (7-12 tuổi), một cho lứa tuổi thiếu niên (13-18 tuổi).
3.1. Tiến trình của buổi Gặp gỡ Giáo lý dành cho lứa tuổi thiếu nhi (7-12 tuổi), gồm các  bước quan trọng sau:
  • Trình bày Lời Chúa (nghe và hiểu),
  • Nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa (đón nhận),
  • Cầu nguyện  (đáp lại bằng lời nói),
  • Quyết tâm (đáp lại bằng việc làm).

Kinh       Quyết tâm                                                                                     
nghiệm          
 Lời Chúa                                            Cầu nguyện
                                              Nội tâm hóa

a/ Bước trình bày Lời Chúa: Nghe Lời Chúa & Hiểu Lời Chúa
  • Nghe Lời Chúa

-  Trước khi công bố Lời Chúa, giáo lý viên nên chuẩn bị tâm hồn học viên bằng một kinh nghiệm sống (nhân học); chẳng hạn trước khi kể cho các em câu chuyện Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều để cho dân được no thỏa, giáo lý viên gợi lại kinh nghiệm vì yêu thương nên quan tâm đến nhu cầu của người khác và làm cho họ sống vui vẻ và khỏe mạnh hơn. Kinh nghiệm này giúp học viên hiểu Đức Giêsu vì yêu thương nên quan tâm tới đám đông đang đói và giúp họ được no thỏa. Việc chuẩn bị này giống như việc người nông dân dọn đất trước khi gieo hạt giống, nhờ đó hạt giống có điều kiện thuận tiện để bén rễ sâu và lớn lên.  

-  Khi công bố hay kể lại một câu chuyện trong Tin Mừng, giáo lý viên phải: a/ thuộc nằm lòng câu chuyện; b/ nắm vững cốt truyện cũng như chuyển biến của nó; c/ nhấn mạnh đến sự kiện chính bằng cách lặp lại những từ hoặc câu quan trọng; d/ quan tâm đến hậu cảnh của nó trong Cựu Ước.
-  Vd: Khi kể lại câu chuyện Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều trong Tin mừng Thánh Gioan (Ga 6, 1-15), giáo lý viên cần nắm vững Đức Giêsu yêu thương dân chúng, Người biết họ cần những gì và đáp ứng những nhu cầu của họ ra sao, cũng cần nhớ các chi tiết quan trọng như Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và phân phát” cho dân chúng, còn chi tiết “cho dân ngồi xuống trên cỏ” thì gợi lại hậu cảnh Thiên Chúa ban manna và chim cút cho dân trong sa mạc.


-  Khi kể chuyện, giáo lý viên có thể cho các em: a/ tham gia bằng cách nhập vai (theo kiểu đọc bài thương khó); b/ minh họa bằng cách đóng vai các nhân vật chính (vd. sứ thần và Đức Maria trong trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ); c/ sử dụng tranh (vd. 6 bức tranh diễn lại chuyện người Samari nhân hậu), hoặc các biểu tượng (Vd. vòng tròn tô vàng = Đức Giêsu, tô đỏ = dân chúng, tô cam = tông đồ, tô hồng = cậu bé; chữ nhật xanh dương = biển, chữ nhật xanh lá cây = đồng cỏ), hoặc sơ đồ (vd. Sơ đồ Chúa gọi các môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan)[15]:

  • Hiểu Lời Chúa
Các bản văn Thánh Kinh phần lớn được viết theo lối văn tường thuật (vd. Trình thuật nhân bánh ra nhiều: Mt 14,13-21) và giáo huấn (vd. Tin tưởng vào Chúa quan phòng: Mt 6,25-34).
-  Để giúp học viên hiểu một bản văn tường thuật, trước hết giáo lý viên phải giúp học viên nắm vững câu chuyện; sau đó, giúp các em hiểu ý nghĩa của câu chuyện.
  • Những cách thức giúp học viên nắm vững câu chuyện:
Cách thứ nhất: giáo lý viên cho học viên sắp xếp và điểm số thứ tự của những bức tranh cho đúng với diễn biến của câu chuyện:
    


Cách thứ hai: giáo lý viên có thể dùng ô chữ để giúp học viên khám phá trọng tâm của bản văn:
     Vd. 1: Khám phá việc Chúa Giêsu thường làm khi bắt đầu một ngày mới qua ô chữ:


Vd. 2: Thực hiện ô chữ với một vài tên các tông đồ như Andrew, Peter, Thomas,Judas, Thaddeus, Philip, James, Judas (Iscariot). 


Cách thứ ba: giáo lý viên cho học viên chọn từ để điền vào chỗ trống cho phù hợp với nội dung của câu chuyện.
Vd. Chọn một trong các từ sau mà điền vào chỗ trống trong bản văn dưới đây cho hợp nghĩa: con cá, giải tán, Anrê, cầm lấy, Philíp, phân phát, chiếc bánh, ăn no, năm ngàn người, tạ ơn, ngạc nhiên. 
Một ngày nọ, Đức Giêsu ở với các tông đồ gần hồ Ti-bê-ri-a. Đông đảo dân chúng đi theo Người, vì biết rằng Người có thể làm một điều gì đó cho họ.
Chúa Giêsu tiếp đón dân chúng và giảng cho họ nghe về Thiên Chúa, Cha của Người. Họ say mê nghe Chúa Giêsu nói, đến độ quên cả việc ăn uống. Lúc bấy giờ, họ đang ở xa các làng mạc, nên ông ______ xin Chúa cho __________ đám đông để cho họ đi tìm thức ăn. Chúa Giêsu biết họ cần được ăn trước khi ra về và cũng biết điều Người sắp làm cho họ.
Một trong các môn đệ là ông ________ thưa với Chúa: “Ở đây có một em bé có năm ___________ và hai __________. Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu?”. Chúa Giêsu yêu cầu đem cá và bánh đến cho Người và cho đám đông ngồi xuống cỏ. Chúa Giêsu __________ bánh, ________ Chúa Cha, rồi ____________ cho mọi người, bao nhiêu họ muốn.
Mọi người rất ___________ vì thấy những sự lạ lùng Người đã làm cho hơn _______________ được_________. Vì biết người ta muốn tôn mình làm vua, nên Đức Giêsu lánh đi nơi khác.

Cách thứ tư: giáo lý viên giúp học viênđối chiếu lời nói và việc làm của Chúa Giêsu với các nhân vật khác trong câu chuyện Tin Mừng[16]:

 
Ở đâu?
Khi nào?
Các nhân vật Chúa Giêsu
Ai? Làm gì? Nói gì? Làm gì? Nói gì?
Gần hồ Tibêria       giảng cho dân  
  Dân chúng say mê nghe giảng, quên ăn      
  Philíp xin giải tán dân để họ đi tìm thức ăn.    
        biết họ cần ăn
và sẽ làm gì
 
  Anrê   Có em bé có 5 bánh và 2 cá    
        yêu cầu đem bánh và cá đến, cho dân ngồi xuống cỏ, cầm lấy bánh, tạ ơn, phân phát  
  Dân chúng ngạc nhiên,
được ăn no,
muốn tôn Chúa làm vua
     
        Lánh đi nơi khác  
 
  • Giáo lý viên giúp học viên hiểu ý nghĩa của câu chuyện Tin Mừng: Để giúp khám phá sứ điệp của bản văn Lời Chúa, giáo lý viên có thể sử dụng những cách thức sau:
Cách thứ nhất: Dựa vào những chi tiết quan trọng trong bản văn mà học viên đã ghi nhận để giúp họ hiểu ý nghĩa của câu chuyện.
Vd. Dựa vào những chi tiết được ghi nhận trong câu chuyện Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, giáo lý viên trao đổi với học viên:
  • Vì sao Chúa Giêsu không đồng ý giải tán đám đông
     để họ đi tìm thức ăn trên đường về như ông Philíp đề nghị?
[Vì Người biết họ không thể tìm đâu ra bánh dọc đường
và họ cần được ăn bởi đường còn xa]
  • Cử chỉ của Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, tạ ơn, phân phát cho dân chúng”
khi nhân bánh ra nhiều, nhắc cho chúng ta nhớ đến biến cố nào
trước khi Chúa chịu nạn, chịu chết?
[Bữa tiệc ly khi Chúa lập Bí tích Thánh Thể]
  • Cử chỉ của Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, tạ ơn, phân phát cho dân chúng”
khi nhân bánh ra nhiều còn nhắc cho chúng ta nhớ đến chi tiết nào trong Thánh Lễ?
[Linh mục thánh hóa bánh và rượu để bánh và rượu trở nên Mình Máu Chúa]
  • Vì sao Chúa Giêsu lánh đi nơi khác khi dân chúng muốn tôn Người lên làm vua?  [Vì Chúa không đến để ban cho họ cơm bánh hằng ngày, nhưng còn ban cho họ chính Mình Máu Người, để họ được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa]

Cách thứ hai: Dựa vào cấu trúc của câu chuyện gồm ba phần chính: điểm khởi đầu, kết thúc và chuyển biến, để giúp học viên hiểu tại sao tác giả lại khởi đầu và kết thúc như vậy, tại sao lại có sự chuyển biến hay thay đổi này[17].
Ví dụ 1: Trong câu chuyện Chúa Giêsu nhân bánh ra nhiều, khởi đầu dân chúng bị đói khát và lẽ ra phải tự đi tìm thức ăn, nhưng kết cuộc dân chúng chẳng cần phải đi đâu cả mà được phân phát bánh ăn đến no thỏa; lý do của sự chuyển biến hệ tại Chúa Giêsu chạnh lòng thương và nhân bánh ra nhiều từ năm cái bánh và hai con cá của một em bé để nuôi dân. Qua đó, Thánh sử như muốn nói: “Giống như Thiên Chúa đã nuôi dân trong hành trình sa mạc thế nào, thì nay Chúa Giêsu cũng nuôi dân trong hành trình đức tin; của ăn không chỉ là Manna, nhưng là chính Mình và Máu Người”.
Ví dụ 2:  Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa bà mẹ vợ ông Phêrô (Mt 8,16- 17), khởi đầu bà bị sốt và nằm liệt giường, nhưng kết cuộc bà chỗi dậy và phục vụ Chúa cũng như các môn đệ; lý do của sự chuyển biến này hệ tại Chúa Giêsu đụng vào tay bà và cơn sốt dứt ngay. Qua đó, Thánh Mát-thêu như muốn nói: “Chúa Giêsu là Đấng tốt lành và quyền năng”.
Cách thứ ba: Dựa vào các ý tưởng tương phản giữa hai phần chính của câu chuyện.
Vd: Câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám (Mc 5,1-20), gồm hai phần: trong phần đầu (từ câu 1-13), kẻ bị quỷ ám đến gặp Đức Giêsu từ mồ mả nơi người ấy bị xích lại, đêm ngày tru tréo và lấy đá đập vào mình, còn quỷ thì nài xin Chúa đừng hành hạ và đuổi chúng khỏi vùng mà nhập vào đàn heo, Chúa cho phép và quỷ xuất khỏi kẻ bị ám; trong phần sau (từ câu 14-20), thiên hạ đến gặp Đức Giêsu từ thành phố, họ phát sợ khi thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo nên xin Chúa rời khỏi vùng, còn kẻ bị quỷ ám thì ra đi và loan truyền những gì Chúa đã làm cho anh. Qua đó, Thánh Mác-cô như muốn nói: “Chúa Giêsu là Đấng giải thoát con người khỏi sự dữ và ác thần”.
Cách thứ tư: Dựa vào cuộc đấu tranh cam go của người giúp hay của bậc anh hùng đối với những kẻ đối nghịch vì thiện ích của người được giúp:
Vd. Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh (Ga 9, 1-41), Chúa Giêsu gặp phải sự chống đối kịch liệt của người Pharisêu để đem lại ánh sáng cho người mù. Qua việc làm cho người mù được sáng mắt, Thánh Gio-an như muốn nói: “Chúa Giêsu là ánh sáng đến trong thế gian để tỏ cho chúng ta biết vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống. Ai tin tưởng và đón nhận Người, sẽ bước đi trong ánh sáng”.
Cách thứ năm: Dựa vào việc so sánh lời đối thoại hay thái độ của các nhân vật trong câu chuyện:
Vd 1: Trong câu chuyện Chúa Giêsu và người phụ nữ Canaan (Mt 15, 21-28),
  • Chúa Giêsu lui về ... 
Người phụ nữ đi ra ...
  • Người phụ nữ xin Chúa dủ lòng thương con gái tôi bị quỷ ám ...
     Chúa Giêsu không đáp lại lời nào.
  • Người phụ nữ bái lạy và xin Chúa cứu giúp.
Chúa Giêsu đáp lại: Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó..             
  • Người phụ nữ nói: Chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi..
     Chúa Giêsu đáp lại: Lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy.
Qua đó, Thánh Mát-thêu như muốn nói: “Chúa Giêsu đến giải thoát con cái Ít-ra-en khỏi sự dữ và giải thoát cả dân ngoại nữa, miễn là họ tin tưởng và kêu cầu Ngài”. 
Vd. 2: Trong câu chuyện Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà ông Simon (Lc 7, 36-50),
  • Simon: chẳng đổ nước lên chân tôi
   Người phụ nữ: lấy nước mắt tưới ướt chân tôi
  • Simon: chẳng hôn tôi
Người phụ nữ: không ngừng hôn chân tôi
  • Simon: chẳng đổ dầu ô-liu lên đầu Chúa
Người phụ nữ: lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi
    • Chúa Giêsu nói: tội của chị nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị yêu nhiều
Qua đó, Thánh Lu-ca như muốn nói: “Chúa Giêsu là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân”.
  • Để giải thích một bản văn giáo huấn, giáo lý viên viết lại bản văn để phân biệt những câu chính (ở đầu hàng) và những câu phụ (lui vào trong), rồi dựa vào các từ nối trong bản văn để xác định vai trò của từng phân đoạn cũng như bố cục của bản văn nhằm khám phá chủ ý của tác giả; cần chú ý đến những từ/ngữ được lặp đi lặp lại cũng như những câu “khuyên nhủ” khởi đầu với chữ “hãy” và những câu “can ngăn” khởi đầu với chữ “đừng/chớ”[18].
Vd. 1: Trong đoạn Mát-thêu 6,25-34, dựa vào các từ nối chúng ta có thể viết lại bản văn bằng cách giữ câu chính ở đầu hàng, còn các câu phụ thì lùi vào phía trong để thấy rõ 3 phân đoạn của bản văn (1: mở, 2: dẫn chứng, 3: kết luận); nhờ đó, nhận ra chủ ý của tác giả với sự trợ giúp của từ chốt “lo lắng” và từ can gián “chớ” (Chớ áy náy lo lắng).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
                 1: Mở
"Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng

cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn,                                                   
hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc.                                            
Nào mạng sống không hơn của ăn,
thân xác không hơn áo mặc sao?
2: Dẫn chứng hay minh họa

Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm,
thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng.
Nào các con không hơn chúng sao?
Nào có ai trong các con lo lắng áy náy
có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư?
Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì?
Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng,
coi chúng mọc lên thế nào?                                                                 
Chúng không làm lụng, không canh cửi.                                             
Nhưng Thầy nói với các con rằng:                                                     
Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông,                          
cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó.        
Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa,              
còn được Thiên Chúa mặc cho như thế,
huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.
3: Kết luận

Vậy các con chớ áy náy lo lắngmà nói rằng:
Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc?
Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó.
Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó.
Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa           
sự công chính của Người,                                                              
còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con.                              
Vậy các con chớ áy náy lo lắngvề ngày mai.                                                 
ngày mai sẽ lo cho ngày mai.
Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

Vd. 2: Trong đoạn Thư Giacôbê 1,2-4, dựa vào các từ nối chúng ta có thể viết lại bản văn và phân làm hai đoạn: một (c. 2) là ý chính = Hãy vui khi bị thử thách; hai (3-4) là lý do của lởi khuyên nhủ này = sinh lòng kiên nhẫn và dẫn đến hoàn hảo.
1.Vui khi bị thử thách
Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.  
2. Lý do: Sinh lòng kiên nhẫn, dẫn đến hoàn hảo                       
3 như anh em biết : đức tin có vượt qua thử thách
mới sinh ra lòng kiên nhẫn. 
4Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra
bằng những việc hoàn hảo,                                                                          
để anh em nên hoàn hảo,                                         
không có chi đáng trách,                               
không thiếu sót điều gì.

Về việc trình bày sứ điệp Tin Mừng, Bộ Giáo sĩ, trong Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý 1997, nêu ra những tiêu chuẩn sau:  quy Kitô (tập trung vào Đức Kitô và dẫn đến Ba Ngôi), loan báo ơn cứu độ (bao hàm ơn giải thoát), trong thời gian của Hội Thánh (tính lịch sử của mầu nhiệm cứu độ), cách toàn vẹn và hội nhập văn hóa (sứ điệp cho mọi người), có hệ thống và thứ bậc đồng thời có ý nghĩa đối với con người (xoay quanh mầu nhiệm Ba Ngôi, trong viễn tượng quy Kitô, nhằm soi tỏ mầu nhiệm con người)[19]
b/ Bước nội tâm hóa sứ điệp: đón nhận Lời Chúa
Để giúp học viên đón nhận sứ điệp Lời Chúa, giáo lý viên phải hiện tại hóa và cá nhân hóa sứ điệp, dẫn họ vào cuộc gặp gỡ Chúa trong thinh lặng, giúp họ diễn đạt niềm tin của mình qua sinh hoạt giáo lý và đối thoại mục vụ.
  • Hiện tại hóa và cá nhân hóa sứ điệp Lời Chúa: Giáo lý viên giúp học viên đón nhận sứ điệp Lời Chúa như lời Chúa ngỏ với chính mình, chứ không phải người nào khác,  trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, nhờ nhận ra ân huệ Chúa ban cho mình (x. Ga 4,10).
    • Dẫn học viên bước vào cuộc gặp gỡ với Chúa trong thinh lặng: Muốn thế, giáo lý viên phải học với Chúa Giêsu “biến đi” khi hai môn đệ nhận ra Người (x. Lc 24, 31) hoặc với Gioan Tẩy Giả “đứng lại” để các môn đệ đi theo Đức Giêsu, Đấng mà ông vừa giới thiệu cho họ.
    • Cho học viên sinh hoạt và đồng hành với họ: Sau đó, giáo lý viên cho học viên diễn tả lại cuộc gặp gỡ với Chúa thông qua việc vẽ tranh, nặn hình, viết lời nguyện vv... Dựa vào những gì học viên làm, giáo lý viên đối thoại với họ nhằm giúp họ gắn bó hơn với Chúa và học biết nên giống Người. 
c/ Bước quyết tâm: thực hành Lời Chúa
     Giáo lý viên đề nghị một số việc cụ thể mà học viên có thể lựa chọn để thực hiện trong tuần nhằm đáp lại lời Chúa mời gọi chúng trong buổi gặp gỡ này.
3.2. Tiến trình của buổi Gặp gỡ Giáo lý dành cho lứa tuổi thiếu niên (13-18 tuổi), gồm ba bước XEM – XÉT – LÀM và bước quan trọng nhất là Xét, gồm hai giai đoạn: Xét dưới ánh sáng tự nhiên (lý trí) và Xét dưới ánh sáng siêu nhiên (Lời Chúa), trong đó, giai đoạn quan trọng hơn là XÉT DƯỚI ÁNH SÁNG LỚI CHÚA.
Giáo lý viên có thể tiến hành bước này theo cách “đọc Lời Chúa trong tâm thức cầu nguyện” (Lectio divina), gồm việc đọc, suy niệm, cầu nguyện, chiêm niệm và hành động (x. Tông huấn Lời Chúa 87). 
  • Chặng thứ nhất là đọc (lectio) bản văn và tìm hiểu xem: Tự nó, bản văn Kinh Thánh muốn nói gì? Nhờ đó, hiểu biết trung thực nội dung của bản văn.
  • Chặng thứ hai là suy niệm (meditatio) với câu hỏi: Bản văn Kinh Thánh muốn nói gì với ta? Nhờ đó, ta để cho Lời Chúa chạm tới và chất vấn mình.
  • Chặng thứ ba là cầu nguyện (oratio) khởi đi từ câu hỏi: ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người? Nhờ đó, ta được Lời Chúa biến đổi.
  • Chặng thứ tư là chiêm niệm (contemplatio) bằng cách đón nhận cái nhìn của Chúa và tự hỏi: Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải hoán cải tinh thần, con tim và đời sống như thế nào? Việc chiêm niệm cho ta cái nhìn của Chúa về thực tại và kiến tạo trong ta “tư tưởng của Đức Kitô” (1 Cr 2,16). Ở đây, Lời Chúa xuất hiện như một tiêu chuẩn để phân định.
  • Chặng thứ năm là hành động (actio). Lectio divina thúc đẩy ta hiến dâng đời mình cho người khác trong tình bác ái, bao hàm cả việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.

III. VÀ MỘT NIỀM HY VỌNG 

1. Với niềm xác tín về sự cần thiết và tầm quan trọng của Lời Chúa trong việc dạy giáo lý, chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội tại Việt Nam bằng cách đặt Lời Chúa làm tâm điểm của việc dạy Giáo lý; nhờ đó Phúc âm hóa việc Dạy Giáo lý để việc Dạy Giáo lý có khả năng Phúc âm hóa (Evangelized Catechesis toward to Evangelizing Catechesis).

2. Dẫu biết rằng thay đổi một thói quen đã thành nếp trong việc dạy giáo lý rất khó, nhưng trước những thách đố của một thời đại chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa tục hóa, thiết tưởng chúng ta cần hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (24/11/2013): Mọi việc loan báo Tin Mừng phải dựa trên Lời Chúa, phải lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành và làm chứng cho lời ấy. Kinh Thánh chính là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng. Do đó, [...] Lời Chúa thiết yếu phải không ngừng được đặt một cách đầy đủ hơn vào tâm điểm của mọi hoạt động của Hội Thánh [...]. Việc học hỏi Kinh Thánh phải là một cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu. Nhất thiết lời mạc khải phải triệt để làm cho việc dạy giáo lý và mọi cố gắng truyền thụ đức tin của chúng ta trở nên phong phú” (174-175).

3. Chúng tôi rất vui khi thấy nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vai trò của Lời Chúa trong việc Dạy Giáo lý. Ước mong rằng, nhờ Đại Hội Mục Vụ Kinh Thánh Toàn Quốc này, việc rao giảng Lời Chúa trong mọi hoạt động của Giáo Hội nói chung cũng như trong việc Dạy Giáo lý nói riêng được quan tâm và thực hiện cách tốt đẹp hơn.

           Trung Tâm Mục Vụ Sài-gòn, ngày 25.1.2019 
 

[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, s. 8.
[2] Ga 14,23.
[3] 1 Pr 2,2-3.
[4] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới XXVI, 2011, s. 2.
[5]Hiệp Thông, Chúa Giêsu tha thứ cho người tội lỗi, Giáo trình tập 2, tr. 133.
[6] x. Bộ Giáo sĩ, Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý, 1997, s. 80.
[7] Sđd., s.84-86.
[8] x. Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc IV, Bản Ghi Nhớ, s. 4.
[9] x. Hosffman Ospino, Catechesis as Encounter, trong The Catechetical Review: Communicating Christ for a New Evangelization, https://review.catechetics.com/catechesis-encounter
[10] x. Bênêđictô XVI, Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini), s.74.
[11] Bộ Giáo Sĩ, Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý, 1997,  s. 41.
[12] Nguyễn Văn Tuyên, Giáo lý với Thánh Kinh, trong Sư phạm Giáo lý, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr.21.
[13] Sđd., tr. 23.
[14] x. Bênêđictô XVI, Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini), s.75.
[15] Xem thêm Hiệp Thông, Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo trình tập 2, tr.99.
[16] x. Oletta Wald, Niềm vui khám phá : Phương pháp học hỏi Thánh Kinh (The joy of discovering in Bible Study), bản dịch của Tòa Giám mục Nha Trang, 1996.
 
[17] X. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Chỉ nam giảng lễ, s. 28.
[18] x. Oletta Wald, Niềm vui khám phá : Phương pháp học hỏi Thánh Kinh (The joy of discovering in Bible Study), bản dịch tiếng Việt của Tòa Giám mục Nha Trang, 1996.
[19] Bộ Giáo Sĩ, Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý, 1997, s. 98-118.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây