BỐN BƯỚC CỦA LECTIO DIVINA

Lectio divina gồm 4 bước: Đọc (Lectio), Suy Gẫm (Meditatio), Cầu Nguyện (Oratio), và Chiêm Niệm (Contemplatio). Phân biệt các bước này với nhau không luôn là việc dễ dàng. Có người coi bước này là đọc nhưng người khác lại coi đó là suy gẫm. Lý do của sự không rõ ràng này nằm ở bản chất của lectio divina, khi mà các bước tiếp nối nhau trong một tiến trình năng động. Chúng quyện lẫn vào nhau như sự chuyển đổi ngày đêm vậy. Vào lúc rạng đông, một số người nói, “Vẫn đang là đêm”, và những người khác lại cho rằng “Ngày đã bắt đầu rồi”. Hơn nữa, đó là vấn đề của bốn thái độ thường trực, ví dụ như thái độ đọc vẫn tiếp tục trong suốt toàn bộ tiến trình thực hành lectio divina nhưng với một mức độ khác nhau tùy thuộc vào bước mà người đó hay cộng đoàn đó đang nhấn mạnh. Nên duy trì dựa sự tập trung vào các yếu tố cơ bản đặc thù của mỗi bước, nhờ đó khi hợp lại chúng tạo nên một môi trường tổng thể đầy đủ, thể hiện ra nơi lectio divina.

A. ĐỌC: BIẾN LỜI THÀNH CỦA MÌNH, TÔN TRỌNG VÀ ĐẶT LỜI VÀO TRONG HOÀN CẢNH CỦA MÌNH

            Đọc (lectio) là bước đầu tiên trong tiến trình làm cho Lời trở thành một phần của người đọc: đọc, đọc và đọc! Chúng ta phải đọc thật nhiều để quen với Kinh Thánh nhờ vậy Kinh Thánh trở nên lời của chúng ta, diễn tả lịch sử cuộc đời chúng ta bởi vì “Lời được viết ra là để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này” (1 Cr 10,11). Trong các cộng đoàn kitô hữu cơ bản người ta đã thực hiện tiến trình biến Lời thành của mình. Đọc là một hành động rất cơ bản: đọc, công bố lời cách thích hợp và đọc lớn tiếng. Bước đầu tiên rất quan trọng và đòi hỏi rất khắt khe. Không được thực hiện bước này với một thái độ giả tạo. (Đối với nhiều người, Kinh Thánh chỉ là mớ chữ cái vô hồn).

            Thông qua việc đọc (lectio) chúng ta đi vào trong mối tương quan với Kinh Thánh như với một người bạn. Có một sự tương đồng rất lớn giữa thái độ sống với con người và thái độ sống với Kinh Thánh. Cả hai đều đòi hỏi một mức độ tối đa của sự tập trung, tôn trọng, tình bạn, sự cống hiến, yên lặng và sẵn sàng lắng nghe. Cả con người lẫn Kinh Thánh đều không tự vệ khi bị tấn công nhưng cuối cùng cả hai đều thành công vì sự mệt mỏi của kẻ gây chiến. Đọc Kinh Thánh giúp con người mở mắt để nhận thấy sự sống nơi con người và ngược lại, giúp con người mở mắt để nhìn thấy sự sống nơi Kinh Thánh.

            Việc đọc (lectio), cũng giống như cuộc sống với người nghèo, không được lệ thuộc vào sở thích trong chốc lát nhưng đòi hỏi mỗi cá nhân một sự quyết tâm liên tục và bền bỉ. Việc đọc Kinh Thánh phải được duy trì và thực hiện hằng ngày. Việc này đòi hỏi tính kỷ luật và sự từ bỏ cá nhân, không ích kỷ, vô vị lợi và phục vụ vì vương quốc của Thiên Chúa và lợi ích của con người.

            Đọc (lectio) là điểm khởi hành chứ không phải là đích đến. Việc này đòi hỏi người đọc phải kiên định và qua đó người đọc và bản văn sẵn sàng đi vào cuộc đối thoại trong bước suy gẫm (meditatio). Để cho việc suy gẫm không biến thành hành động tưởng tượng nhưng được thực hiện dựa trên nền tảng thực tế của bản văn, lúc đọc cần chú ý và tôn trọng những tiêu chí cụ thể. Thầy Guigo, dòng Brunô nói: “Thái độ sẵn sàng học hỏi đi đôi với tinh thần chăm chú”. Trong nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của bản văn, thái độ không thiên vị này làm cho bản văn không phụ thuộc vào những suy nghĩ riêng của chúng ta, nhờ đó bản văn không bị bóp méo hay uốn nắn theo sự tưởng tượng của chúng ta. Đồng thời, trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, thái độ không thiên vị này tạo điều kiện để bản văn phát huy được vai trò độc lập của mình. Việc đọc cũng hình thành nên nơi người đọc thái độ phê bình, thận trọng và tôn trọng đối với Kinh Thánh. Chính qua việc đọc mà khoa chú giải Kinh Thánh góp phần mình vào chức năng đúng đắn của lectio divina.

            Việc đọc (lectio), ở đây hiểu như là một sự học hỏi có phê bình, giúp người đọc phân tích bản văn và đặt nó vào bối cảnh nguyên thủy của nó. Việc phân tích này gồm ba cấp độ

  1. Ở cấp độ văn chương, việc phân tích này giúp xem xét bản văn cách kỹ lưỡng và phân tích cấu tạo của nó thông qua việc đặt các câu hỏi đơn giản: Ai? Việc gì? Ở đâu? Thế nào? Tại sao? Khi nào? Bản văn ăn khớp thế nào với cấu tạo văn chương của quyển sách?
  2. Ở cấp độ lịch sử, việc phân tích bản văn giúp nhận ra bối cảnh lịch sử ra đời của bản văn hay bối cảnh lịch sử của các sự kiện được trình thuật. Bốn khía cạnh liên quan đến bối cảnh có thể được điều tra nghiên cứu: đó là kinh tế, xã hội học, chính trị và ý thức hệ. Việc phân tích bản văn còn giúp nhận ra những mâu thuẫn nền tảng của bản văn hay những mâu thuẫn được phản ảnh trong bản văn.
  3. Ở cấp độ thần học, việc phân tích bản văn giúp khám phá sứ điệp mà bản văn, trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, gởi đến cho con người thời đó, nghĩa là nhận ra cách thức bản văn phản ánh những mâu thuẫn của con người lúc đó; ý định của Thiên Chúa đối với dân Người là gì, Ngài mạc khải về mình như thế nào, con người đón nhận sứ điệp này ra sao … Một cuộc điều tra nghiên cứu khoa học về bản văn không phải là mục tiêu của việc đọc. Nó là một phương tiện để đạt đến mục tiêu mà thôi. Mức độ vận dụng khoa chú giải Kinh Thánh trong lectio divina không phụ thuộc nhà chú giải nhưng phụ thuộc vào nhu cầu và hoàn cảnh của người đọc. Để khoan xuyên qua một bức tường, có thể sử dụng những loại mũi khoan khác nhau tùy cấu tạo của bước tường. Mục đích khoan xuyên qua bức tường cũng giống như thế. Một cái mũi dùng để khoan đá cẩm thạch sẽ không được dùng để khoan lỗ trên tấm bìa cứng!

            Mục tiêu của việc đọc (lectio) là: khoan một cái lỗ trên tường ngăn cách giữa bản văn của quá khứ và cuộc sống của chúng ta hôm nay để mở ra một cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong khi suy gẫm. Dùng mũi khoan nào cho phù hợp để nhìn xuyên qua bức tường ngăn cách chúng ta? Một mặt là “chuyên cần học hỏi với tinh thần chăm chú”, (thầy Guigo), mặt khác là “kinh nghiệm sống của chính chúng ta” (Cassian). Đức Giáo hoàng Phao lô VI, trong phát biểu ngày 25 tháng 09 năm 1970, nói rằng ta phải tạo cho mình một sự tương quan nhất định giữa “lợi ích thực tế (hôm nay) với những trình thuật của bản văn (quá khứ), để sẵn sàng lắng nghe (đối thoại)”. Nói cách khác, mũi khoan đó là: vừa đào sâu bản văn của quá khứ vừa đào sâu kinh nghiệm của chúng ta hôm nay. Đôi lúc, lectio divina không mang lại kết quả cũng như bản văn không chuyển tải được sứ điệp của nó. Điều này không phải do thiếu sự nghiên cứu bản văn nhưng do thiếu sự đào sâu phê bình những kinh nghiệm của chính chúng ta lúc này, ở đây tại Châu Mỹ Latinh.

            Việc đọc, một khi được thực hiện đúng cách, sẽ giúp vượt qua cách giải thích Kinh Thánh theo khuynh hướng bảo thủ. Còn nếu không đọc đúng cách, có thể lún sâu vào cách giải thích Kinh Thánh theo khuynh hướng bảo thủ. Cám dỗ nghiêng chiều theo cách giải thích này vốn có trong đầu của nhiều người. Cách giải thích này tách biệt bản văn khỏi cuộc sống, khỏi lịch sử của con người và tách riêng bản văn ra như là mạc khải duy nhất của Lời Chúa. Lịch sử con người và lịch sử cộng đoàn không nói lên điều gì về Thiên Chúa và thế giới của Người. Cách giải thích Kinh Thánh theo khuynh hướng bảo thủ không để ý đến hành động của Lời Thiên Chúa trong đời sống. Ở đây hoàn toàn không hề có ý thức phê bình. Nó bóp méo ý nghĩa của Kinh Thánh và trong việc giải thích Kinh Thánh, nó thúc đẩy tính răn dạy, chủ nghĩa cá nhân và thuyết duy linh. Đây là một viễn cảnh ảm đảm mà những kẻ áp bức người khác nhiệt tình chào đón vì cách giải thích theo lối bảo thủ này ngăn cản những người bị áp bức ý thức về chế độ bất công do những kẻ có quyền dựng lên và duy trì. Chỉ có thể tránh được cách giải thích Kinh Thánh theo khuynh hướng bảo thủ một khi đọc Kinh Thánh thành công, nghĩa là người đọc nhận ra bối cảnh nguyên thủy của Lời và tìm thấy trong đó những phản ảnh về hoàn cảnh của nhân loại ngày nay vốn đầy dẫy những xung đột, lộn xộn và tranh giành.

            Người đọc chuyển từ đọc sang suy gẫm (meditatio) lúc nào? Thật khó xác định thời khắc chính xác khi thiên nhiên chuyển từ mùa xuân sang mùa hè. Sự chuyển đổi này khác nhau theo từng năm, khác nhau ở mỗi nước. Tuy nhiên, vẫn có một vài tiêu chí. Mục đích của việc đọc (lectio) là đọc và nghiên cứu bản văn cho đến khi bản văn trở thành một chiếc gương phản chiếu những kinh nghiệm trong cuộc sống của chúng ta mà vẫn không đánh mất tính độc lập của bản văn. Việc đọc phải làm cho chúng ta quen với bản văn cho đến khi nó trở thành lời của chính chúng ta. Cassian nói: “Chúng ta đang được biến đổi nhờ được thấm nhuần cùng những cảm xúc đã sản sinh ra bản văn, vì thế chính chúng ta cũng trở thành tác giả”. Đây là lúc chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa, thông qua bản văn, cố gắng nói với chúng ta điều gì đó. Lúc đó chúng ta cúi đầu, giữ thinh lặng và lắng nghe: “Con đang lắng nghe điều Chúa nói với con”, (Tv 85, 9). Đây là lúc chuyển từ đọc(lectio) sang suy gẫm (meditatio) và người đọc chuyển sang bước thứ hai của lectio divina.

B. SUY GẪM: SUY NGHĨ, ĐỐI THOẠI, HIỆN THỰC HÓA

Việc đọc giúp ta hiểu nội dung của bản văn. Việc suy gẫm giúp ta cảm nghiệm được Lời Chúa muốn nói gì với ta. Thiên Chúa muốn nói gì với những người tu sĩ như chúng ta, tại vùng châu Mỹ Latinh, phải chăng là bước theo tiếng gọi của Tin Mừng, dâng hiến cuộc đời chúng ta cho Chúa và tha nhân? Suy gẫm là một nỗ lực hiện thực hóa bản văn vào trong đời sống cá nhân và xã hội của mỗi chúng ta. Bản văn, một khi được viết cho chúng ta, ắt hẳn phải nói với chúng ta điều gì đó. Suy gẫm chiếm vị trí trung tâm trong phương pháp đọc lectio divina.

Thầy Guigo viết: “Suy gẫm là một hoạt động cẩn thận của trí khôn tìm kiếm sự hiểu biết về những chân lý còn ẩn dấu nhờ sự trợ giúp của khả năng sáng suốt nội tại của trí khôn”. Chân lý còn ẩn dấu là gì? Thông qua việc đọc, chúng ta khám phá ra cách thức bản văn đáp ứng lại với bối cảnh của thời đại, vị thế của bản văn khi đối diện với những xung đột, và bản văn mang thông điệp gì đến cho con người. Bởi vì hoàn cảnh đã thay đổi so với quá khứ nên bối cảnh và những xung đột cũng không còn giống nhau nữa. Tuy nhiên, đức tin mách bảo cho ta biết rằng mặc dù bản văn phác họa bối cảnh của những thế kỷ xa xưa nhưng chắc chắn nó vẫn hàm chứa thông điệp cho chúng ta ngày nay. Bản văn chắc hẳn chuyển tải một giá trị vĩnh cửu, một giá trị có cùng tác động gây nên sự thay đổi như đã từng tác động như thế hàng bao thế kỷ trước đây. Như thế, chân lý ẩn dấu mà thầy Guigo muốn nói đến là một sứ điệp hiện sinh cho bối cảnh ngày nay, một sứ điệp cần phải được khám phá và hiện thực hóa thông qua việc suy gẫm. Nên suy gẫm như thế nào?

Phương pháp thực hành suy gẫm trước tiên là làm theo sự gợi ý của thầy Guigo: Ta phải vận dụng trí khôn và lý trí để có thể khám phá ra chân lý còn ẩn dấu. Ta đi vào cuộc đối thoại với bản văn, với Thiên Chúa, đặt ra những vấn nạn đang thách đố trí khôn và để cho bản văn đi vào đời sống chúng ta. Suy gẫm chuẩn bị cho suy niệm: Đâu là sự giống và khác nhau giữa những bối cảnh xưa kia của bản văn và những bối cảnh hiện nay của chúng ta? Có chăng những xung đột của ngày hôm qua vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay? Có sự khác nhau nào chăng? Sứ điệp mà bản văn muốn gởi đến cho hoàn cảnh của chúng ta ngày nay là gì? Khi sống tại châu Mỹ Latinh, tôi có thể làm thay đổi được điều gì thông qua thái độ sống của tôi? Bản văn biện minh hay kết án những người tu sĩ chúng ta như thế nào? Bản văn giúp tôi/chúng ta thăng tiến điều gì?

Một phương pháp suy gẫm nữa đó là lặp lại bản văn, suy nghĩ, nghiền  ngẫm cho đến khi tìm ra được ý nghĩa thực của nó. Đó cũng là điều mà Đức Maria đã làm khi ghi nhớ tất cả những biến cố và suy niệm trong lòng (Lc 2,19.51). Tác giả sách Thánh vịnh đã khuyên bảo chúng ta khi nói: “Phúc cho ai không theo đường lối kẻ gian ác nhưng an vui trong Lề luật Chúa và gẫm suy Luật Chúa đêm ngày (Tv 1, 2).  Cũng vậy, tiên tri Isaia nói rõ khi nhấn mạnh rằng: “Vâng, lạy Đức Chúa, trên con đường thánh ý vạch ra, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài” (Is 26,8). Sau khi đọc và khám phá ra ý nghĩa, chúng ta nên tóm tắt ý vào trong một câu, tốt nhất là chọn câu trong cùng bản văn Kinh Thánh đó, để ghi nhớ, lặp đi lặp lại và suy ngẫm trong ngày cho đến khi nó trở thành một phần của cuộc sống chúng ta.

Với cách suy niệm này, chúng ta đặt mình trước sự phê phán của Lời Chúa. “Lời Chúa là lời thiết thực và sống động, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy. Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). “Không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Người, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,13). Nhờ suy gẫm, dần dần Lời Chúa sẽ giúp ta cởi bỏ những mặt nạ nơi chúng ta, phát hiện và phá vỡ sự khô cứng lạnh nhạt nơi chúng ta, ngõ hầu Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, nghiền ngẫm, và hòa giải sẽ lại trở thành sự sống cho ta.

Cassian muốn nói đến một khía cạnh quan trọng khác của suy gẫm, như là hiệu quả của nghiền ngẫm. Ông nói: “Với những cảm nhận từ bản thân, chúng ta không còn hiểu bản văn chỉ như là điều gì đó chúng ta vừa nghe mà còn như là điều mà chính bản thân ta kinh nghiệm và mục kích được, không giống như một câu chuyện lạ chưa từng được nghe, nhưng như là những điều xuất phát từ tận đáy lòng ta, giống như cảm xúc làm nên một phần con người chúng ta. Chúng ta nên lưu ý rằng, không phải là việc đọc bản văn nhưng là bằng những kinh nghiệm đã từng gặp trong  cuộc sống hằng ngày sẽ giúp ta hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa” (Collationes X,11). Dường như không còn sự khác biệt giữa Kinh Thánh và cuộc sống của chúng ta, giữa Lời Chúa và ngôn ngữ của con người. Theo Cassian thì dường như chính nhờ việc tìm kiếm Lời Chúa trong Kinh Thánh mà chúng ta có thể gặp thấy những ý nghĩa tiềm ẩn cho cuộc sống chúng ta. Cassian nói rằng chúng ta nhận biết được ý nghĩa của băn văn không phải qua việc học hỏi nghiên cứu nhưng là bằng những kinh nghiệm cuộc sống của ta. Để so sánh, chúng ta mượn hình ảnh dòng điện: Việc học hỏi cung cấp cho chúng ta một sợi dây dẫn điện, những kinh nghiệm của chúng ta tạo nên dòng điện, việc suy gẫm nhấn nút làm cho dòng điện chạy qua dây dẫn và thắp sáng bóng đèn. Sợi dây dẫn được nối với dòng điện là điều kiện cần thiết để tạo ra ánh sáng. Dòng diện tạo ra ánh sáng cũng giống như kinh nghiệm cuộc sống tạo ra ý nghĩa. Kinh nghiệm cuộc sống giúp ta khám phá Lời Chúa và ngược lại Lời Chúa sẽ soi sáng cho cuộc sống.

Việc suy niệm cũng sẽ giúp đào sâu chiều kích cá nhân của Lời Chúa. Lời nói có giá trị không chỉ tùy thuộc nội dung nhưng còn tùy thuộc vào người nói và cách thức thông đạt lời đó. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta và Ngài làm điều đó với một tình yêu lớn lao. Một lời nói phát xuất từ tình yêu hàm chứa sức mạnh, có sức biến đổi, tái tạo con người. Qua việc suy gẫm Lời Chúa, lòng con người tiến gần đến Thiên Chúa. Điều này được thể hiện khi chiều kích bí nhiệm của lectio divina được khám phá. Một người công nhân ở Pernambuco nói: “Tôi đã quan sát và nhận thấy rằng những ai để cho Lời Chúa thấm nhập con người mình, người đó sẽ được thánh hóa. Điều ấy có thể giải thích như thế này: Lời Chúa thấm nhập con người bạn, khi ấy bạn không còn phân biệt đâu là điều phát xuất từ Chúa và đâu là điều xuất phát từ bản thân bạn hoặc đâu là Lời Chúa và đâu là ý của riêng bạn. Kinh Thánh giúp tôi có được cảm nghiệm như thế”. (Por tras da Palavra, số 46, 1988, tr 28).

Việc đọc giúp ta tiếp cận được với bản văn, và qua việc suy gẫm ta cố gắng khám phá bản văn để tìm ra hoa trái của Thánh Thần, “Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6). Thánh Thần hoạt động trong Kinh Thánh (x. 2 Tim 3,16). Qua việc suy gẫm, Thánh Thần Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta, khích lệ chúng ta, và tạo nên nơi mỗi chúng ta thái độ của Đức Kitô (x. Pl 2,5); Thánh Thần Thiên Chúa cho phép chúng ta đạt tới sự thật toàn vẹn trong Chúa Giêsu (x. Ga16,13); Ngài bày tỏ cho chúng ta thấy rằng nếu không có Ngài chúng ta sẽ chẳng làm gì được (x. Ga 15,5); Thánh Thần nói thay cho chúng ta theo một cách mà không bao giờ có thể diễn tả được thành lời và ban cho chúng ta tự do (x. 2 Cr 3,17). Cũng chính Thánh Thần đó tràn ngập địa cầu (x. Kn1,7). Thuở xưa, Thiên Chúa hoạt động nơi các Thủ lãnh và Ngôn sứ, còn ngày nay Ngài giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa thiêng thiêng; đây chính là điều mà Thánh Thần  của Thiên Chúa muốn nói với Giáo Hội hôm nay qua Kinh Thánh.

Suy gẫm là hoạt động vừa mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đoàn. Khi mọi người chia sẻ về những điều mình cảm nhận, khám phá và lãnh hội được khi tiếp xúc với Lời Chúa thì những chia sẻ đó phong phú hơn nhiều so với của một cá nhân. Việc cùng nhau khám phá làm nổi bật chiều kích Giáo Hội của Kinh Thánh và giúp các thành viên củng cố khía cạnh cộng đoàn đức tin. Chính vì lý do đó mà việc đọc, suy gẫm và học hỏi Kinh Thánh trở nên tối quan trọng không chỉ đối với cá nhân mà trên hết là trong cộng đoàn. Kinh Thánh là quyển sách của Giáo Hội, của cộng đoàn.

Đâu là thời điểm chuyển từ suy niệm sang cầu nguyện? Thật khó có thể xác định cách chính xác, nó giống như thời điểm chuyển tiếp từ một người thanh niên thành người lớn. Tuy nhiên vẫn có một vài tiêu chuẩn. Việc suy gẫm hiện thực hóa ý nghĩa của bản văn cho đến khi ý nghĩa đó cho ta biết rõ ràng điều Chúa đòi hỏi nơi chúng ta, những tu sĩ đang sống tại Châu Mỹ La Tinh. Một khi hiểu rõ được ý Chúa thì  cũng là lúc ta phải tự hỏi “Bây giờ tôi sẽ nói gì với Chúa? Tôi đón nhận hay chối từ?” Chúng ta sẽ nhận ra được sự bất tài và yếu đuối của mình khi ý Chúa thể hiện rõ ràng. Đây là thời khắc dành cho cầu nguyện, “Dám xin Ngài đứng lên phù giúp! Lấy tình thương cứu chuộc dân Ngài” (Tv 44,26). Một khi đoan chắc rằng Chúa mời gọi chúng ta đến với những người nghèo, những người bị bóc lột và nghe được tiếng khóc than của họ thì đó là lúc ta phải hợp nhất lời cầu xin của ta với những tiếng khóc của họ, ngõ hầu Thiên Chúa có thể lắng nghe lời van nài của ta và đến giải cứu dân của Người. Nói cách khác, suy gẫm là hạt giống của việc cầu nguyện. Ta cần nuôi dưỡng việc suy gẫm và chuyển sang cầu nguyện.

C. CẦU NGUYỆN: KHẨN NÀI, CA TỤNG, CẦU XIN

Việc đọc giúp ta hiểu ý nghĩa của bản văn. Qua suy gẫm, chúng ta biết được bản văn muốn nói gì với chúng ta. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta qua cầu nguyện là, bản văn muốn chúng ta thân thưa điều gì? Bản văn muốn chúng ta trả lời cho Thiên Chúa như thế nào? Đây là lúc chúng ta cần đáp trả, nghĩa là phải bày tỏ phản ứng của chúng ta khi nghe và suy gẫm Lời. Thầy Guigo nói rằng: “Cầu nguyện là sự rung động tha thiết của con tim trước mặt Thiên Chúa, cầu xin Người giúp chúng ta làm lành lánh giữ”.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc cầu nguyện không hề xảy ra trong lúc đọcsuy gẫm. Thái độ cầu nguyện phải có ngay từ đầu. Lúc bắt đầu và xuyên suốt  quá trình đọc chúng ta dành những khoảng thời gian ngắn cầu xin cùng Chúa Thánh Thần. Suy gẫm là một hành động cầu nguyện bởi suy gẫm tự nó đã biến thành những lời khẩn cầu rồi. Tuy nhiên, dù tính chất năng động của lectio divina luôn đi kèm với cầu nguyện nhưng vẫn cần một bước dành riêng cho việc cầu nguyện: đó là bước thứ ba.

Thái độ cầu nguyện khi đối diện với Lời Chúa phải là thái độ của Mẹ Maria: “… xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói …” (Lc 1, 38). Lời mà Mẹ Maria nghe không phải là lời Kinh Thánh, nhưng là lời cảm nhận được nơi những biến cố trong cuộc sống khi thiên thần đến viếng thăm Mẹ. Mẹ Maria có thể đón nhận điều đó bởi vì thái độ suy gẫm ( x. Lc 2,19. 51) đã thanh tẩy cách nhìn và con tim Mẹ. Trái tim tinh tuyền của Mẹ đón nhận hành động của Thiên Chúa nơi những biến cố trong cuộc sống (x. Mt 5,8). Cầu nguyện và lời ca tụng (x. Lc 1,46-56) hợp nhất sự tinh tuyền vào trong cuộc sống. Thái độ cầu nguyện phải thành thật chứ không được giả tạo; do đó, cầu nguyện chỉ đạt được qua suy gẫm mà thôi.

Việc cầu nguyện được thúc đẩy trong lúc suy gẫm có thể là lời cầu nguyện tự phát, phát sinh từ chính lectio divina. Tùy thuộc những gì chúng ta lắng nghe được nơi Lời Chúa qua việc đọcsuy gẫm mà việc cầu nguyện có thể là một hành động ca tụng hoặc tạ ơn, cầu khẩn hay xin tha thứ; thậm chí đó còn có thể là một hành động kháng cự hay nguyền rủa như ông Job, ngôn sứ Giêrêmia, hay trong một vài thánh vịnh. Giống như suy gẫm, điều quan trọng là cầu nguyện tự phát không chỉ là hành động mang tính cá nhân mà còn là hành động thể hiện chiều kích cộng đoàn.

Việc cầu nguyện nảy sinh qua suy gẫm, có thể mang đến cho tâm trí những lời cầu nguyện đã sẵn có rồi. Trong trường hợp này, các giờ kinh phụng vụ, việc cầu nguyện theo giờ đem lại sự trợ giúp đáng kể. Các giờ kinh phụng vụ chia việc đọc trong suốt ngày theo mỗi giờ. Các tu sĩ chiêm niệm lắng nghe Lời Chúa, ghi nhớ và tiếp tục suy gẫm trong suốt thời gian lao động chân tay. Đây chính là trường hợp của thầy Guigo. Việc cầu nguyện gắn liền với các thánh vịnh được phân phối theo những giờ khác nhau của Kinh Thần Vụ. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của một tu sĩ chiêm niệm khi gia nhập đan viện là phải học thuộc lòng những thánh vịnh. Điều này sẽ giúp cho đan sĩ đó trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Ngày nay chúng ta không lặp lại những khuôn mẫu của những tu sĩ chiêm niệm thời trung cổ nữa. Thời thế đã thay đổi. Tuy nhiên, cách thế, cảm hứng và thách đố vẫn như xưa: nhớ lại một thánh vịnh lúc ta cần; luôn mang theo bên mình một đoạn Kinh Thánh trong suốt ngày, trong những lúc rảnh rỗi, khi làm việc, lúc trên xe bus, hay trong những lúc ra đồng; tạo một thói quen thích ứng với cách sống của chúng ta và đạt tới cùng một mục đích như trước đây.

Một lời có thế giá không chỉ bởi ý tưởng mà còn bởi năng lực chuyển tải của nó. Lời đó không chỉ diễn tả mà còn thực hiện điều gì đó. Lấy Bí tích Thánh Thể làm ví dụ. Lời “Này là mình Thầy” thực hiện điều mà nó diễn đạt. Trong câu chuyện tạo dựng, Thiên Chúa phán và mọi sự được tạo thành (x. Tv 148, 5; St 1, 39). Người Do thái nhạy cảm sâu sắc hơn chúng ta ngày nay trong việc cảm nhận hai khía cạnh này của Lời và hợp nhất chúng với nhau. Trong ngôn ngữ Do thái, khi nói “dabar”, thì đồng thời vừa có nghĩa là lời nói vừa có nghĩa là hành động. Lời phán ra và thực hiện, Lời loan báo và làm cho sống động, Lời chỉ dẫn và trao ban sự sống, Lời soi sáng và củng cố, Lời là ánh sáng và là sức mạnh, là Lời và là Thần Khí.

Vì bắt nguồn từ dân Do thái, lectio divina rất được coi trọng vì hai khía cạnh này, và kết hợp chúng với nhau. Qua việc đọc, ta tìm thấy ý tưởng và sứ điệp của Lời Chúa dạy. Qua suy niệm và trên hết là qua cầu nguyện, tức khoảng trống dành cho sự tác động của Lời, sinh ra những gì mà Lời loan báo, lan truyền sức mạnh của Lời Chúa, và trên hết ban cho chúng ta sức mạnh trên cuộc hành trình của mình. Hai khía cạnh đó không thể tách rời nhau vì cả hai được liên kết với nhau trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa, trong lòng Chúa Ba Ngôi. Từ đời đời, Chúa Cha công bố Lời và củng cố Lời bằng Thánh Thần của Người. Ngôi Lời đã trở thành nhục thể nơi Đức Giêsu, và Thánh Thần tràn đầy nơi Người.

Điều chẳng may là hai khía cạnh này của Lời đã bị tách rời khi thi hành công tác mục vụ. Một đàng, có nhiều phong trào đoàn sủng, đàng khác lại có nhiều phong trào giải phóng. Những phong trào đoàn sủng rất hăng hái cầu nguyện, nhưng họ thường thiếu một cái nhìn phê bình. Đôi khi họ không thực hiện việc đọc đúng cách. Họ không đặt văn bản vào ngữ cảnh nguyên thủy của nó; do vậy, họ có khuynh hướng rơi vào chủ nghĩa bảo chủ và chủ nghĩa cá nhân trong việc giải thích Kinh Thánh. Chính vì lẽ đó mà việc suy niệm và cầu nguyện của họ thường thiếu nền tảng thực sự nơi bản văn và trong thực tế.

Các phong trào giải phóng thì lại có cái nhìn phê bình hơn. Họ thực hiện tốt phần đọc, nhưng thỉnh thoảng họ lại thiếu sự kiên trì và niềm tin khi có vấn đề phải đối diện với những tình huống nhân bản trong đó các phân tích có tính khoa học thực tiễn lại chẳng đóng góp được gì để cải biến xã hội. Họ khó có thể hiểu được sự hữu ích của việc hy sinh cầu nguyện lâu giờ mà chẳng có được một kết quả tức thời nào. Nếu những bước của lectio divina được thực hiện tốt, thì đó có thể là sự trợ giúp cho việc sửa chữa những sai lầm này và tái liên kết những gì đã từng bị tách rời.

Trong cầu nguyện, mỗi người ngẫm nghĩ về hành trình cá nhân của mình trên đường đến với Chúa và những nỗ lực mở rộng lòng mình cho Thiên Chúa, cho anh chị em, cho người nghèo, cho cộng đoàn. Đây là lúc ta có thể gặp phải đêm tối với những khủng khoảng và khó khăn, với những khô khan và những cám dỗ; đây là những giây phút dành để cầu nguyện, để suy gẫm, và để đối diện với chính mình trong ánh sáng của Lời Chúa (x. Mt 4,1-11).

Lúc nào là thời điểm chuyển từ cầu nguyện sang chiệm niệm ? Chẳng thể có câu trả lời. Chiêm niệm là những gì còn tại trong mắt, trong tim một khi cầu nguyện kết thúc. Đó chính là điểm đến của lectio divina. Đó cũng là điểm khởi hành để bắt đầu lại với việc đọc, suy gẫm, cầu nguyện. Chiêm niệm như là hoa trái của cây: nó đã chứa hạt giống rồi, và nó phát triển từ từ cho đến khi trưởng thành.

D. CONTEMPLATION: PHÂN ĐỊNH, HÀNH ĐỘNG, CẢM NẾM

Chiêm niệm là bước cuối cùng của lectio divina. Nó là điểm đến, nhưng đồng thời mở ra một điểm khởi hành mới. Như vậy, chiêm niệm luôn là một tiến trình đổi mới của việc đọc – suy niệm – cầu nguyện – chiêm niệm – nhờ quá trình này chúng ta lớn lên trong việc lĩnh hội ý nghĩa và sức mạnh của Lời Chúa. Cơ may sẽ chẳng đến với những ai nói rằng: “Tôi đã đạt tới mục đích trọn vẹn của Lời Chúa trong cuộc sống của tôi!” Vẫn luôn có một khả năng để nhìn rõ hơn, đọc sâu hơn, suy gẫm kỹ càng hơn, cầu nguyện thành tâm hơn, chiêm niệm rõ ràng hơn, cho tới khi mọi bức màn sẽ được vén lên, khi thực tại được biến đổi và sự hoàn tất của Vương quốc sẽ đến. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, hành trình vẫn còn xa (x. 1V 19,7).

Chiêm niệm hiệp nhất trong nó toàn bộ tiến trình lectio divina : Cho đến lúc này bạn nhận ra rằng bạn đã đặt mình trước mặt Thiên Chúa; bạn đã đọc và lắng nghe Lời Chúa; bạn đã học hỏi và khám phá ra ý nghĩa của Lời Chúa. Bằng cách đó bạn đã chấp nhận gắn kết với Lời Chúa; bạn đã bắt đầu nghiền ngẫm để Lời Chúa đi vào trong sự năng động của cuộc sống, để Lời Chúa có thể chuyển từ khối óc đến con tim bạn. Bạn đã chuyển tất cả những điều này vào trong lời cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa và vào trong kế hoạch đời bạn; muối của Lời đã thấm nhập vào trong cuộc sống của bạn và làm cho đời bạn thêm một hương vị mới; bạn đã được ăn bánh của Lời và bánh đó cho bạn một sức hành động mới. Cuối cùng, hãy giữ tất cả những điều này trong tâm trí và con tim bạn, rồi bạn sẽ bắt đầu có một cái nhìn mới, giúp bạn có khả năng nhìn thấy và đánh giá cuộc sống, những sự kiện, lịch sử, con đường của các cộng đồng, tình trạng con người ở Châu Mỹ Latinh, người nghèo. Bằng cách này, cái nhìn của Thiên Chúa về thế giới được biểu lộ và mở rộng. Bạn có một cái nhìn mới; bạn thưởng thức theo cách mới; hành động của bạn cũng mới mẻ. Chiêm niệm bao trùm tất cả con người.

Thánh Augustine diễn tả rằng Thiên Chúa phục hồi trong chúng ta sức mạnh của chiêm niệm thông qua việc đọc Kinh Thánh. Điều này giúp chúng ta nhận ra và biến đổi thế giới này thành một mạc khải mới của Thiên Chúa, một cuộc thần hiển. Chiêm niệm, hiểu theo cách này, thì hoàn toàn trái ngược với thái độ của một số người xa lánh thế giới và chọn lựa lối sống chiêm ngắm Thiên Chúa. Xét như là kết quả của lectio divina, chiêm niệm là thái độ của những người kiếm tìm chiều sâu của các sự kiện, để khám phá và tận hưởng sự hiện diện thiết thực và sáng tạo của Lời Chúa, đồng thời dấn thân sâu hơn vào trong tiến trình biến đổi mà Lời thúc đẩy xuyên suốt lịch sử. Chiêm niệm không chỉ là suy niệm sứ điệp, mà còn là đưa sứ điệp vào trong thực tế; chiêm niệm không chỉ là lắng nghe, mà còn là đưa ra thực hành. Với chiêm niệm, không thể tách rời hai khía cạnh lời nói và hành động; chiêm niệm chỉ dẫn và đem lại sức sống; chiêm niệm thắp sáng và mang lại sức mạnh.

Đối với những người chủ trương giải thích Kinh Thánh theo lối bảo thủ, Lời Chúa chỉ được tìm thấy trong Kinh Thánh mà thôi. Thế giới, cuộc sống và lịch sử, tất cả đều đồi bại hay xấu xa. Họ tin rằng con người có thể tự cứu lấy chính mình bằng cách áp dụng Kinh Thánh vào cuộc sống của người đó và bằng cách tránh xa khỏi thế giới này, khỏi chính trị, khỏi những xung đột của con người, khỏi những vấn đề ở vùng ngoại ô, … Chiêm niệm hiệu chỉnh lối nhìn lầm lạc này và biến đổi chúng ta. Chiêm niệm giúp chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không hề vắng mặt trong thực tại mỗi ngày. Chính chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Ngài. Chúng ta là những người mù (x. Is 42, 19). Lectio divina cho chúng ta một phương thuốc chữa lành sự mù lòa để chúng ta biết phân biệt. Lectio divina cởi bỏ mặt nạ, giúp ta khám phá và sống sự hiện diện của Thiên Chúa ngày nay như đã từng sống trong suốt dòng lịch sử; để nhận biết cách thức mà Đức Kitô, trung tâm của mọi sự, để cho chúng ta chuyển từ thời Cựu Ước sang Tân Ước. Lectio divina còn giúp ta khám phá ý nghĩa của mọi sự và gắn kết chúng ta vào trong công cuộc xây dựng Vương quốc Thiên Chúa.

Theo thầy Guigo, chiêm niệm là bước cuối cùng của “bậc thang tu sĩ để vươn đến những tầng mây và xuyên qua những bí nhiệm của trời cao.” Ở đây, tương lai đã được hưởng trước ngay trong hiện tại rồi; sự khởi đầu của hạnh phúc nhưng không mà chúng ta mong chờ từ Thiên Chúa và đó cũng là điều chúng ta cố gắng đạt tới bằng chính những nỗ lực của chúng ta. Thầy Guigo dùng những cách diễn đạt khác nhau để miêu tả điều này, “việc đọc tìm kiếm sự ngọt ngào của hạnh phúc vĩnh cửu, suy gẫm là gặp gỡ hạnh phúc ngọt ngào đó, cầu nguyện xin cho được hạnh phúc đó và chiêm niệm là thưởng thức hương vị ngọt ngào của hạnh phúc vĩnh cửu đó. Đọc mang thực phẩm vào miệng, suy gẫm nhai và tiêu hóa nó, cầu nguyện nếm vị của nó, và chiêm niệm thưởng thức vị ngọt của nó để được khỏe khoắn và vui tươi. Đọc chạm đến lớp vỏ bên ngoài, suy gẫm đi vào đến nhân, cầu nguyện hình thành niềm khao khát, và chiêm niệm nếm hương vị ngọt ngào hằng khát mong”. Ông còn nói tiếp: “Chiêm niệm là nâng cao tâm hồn, lâng lâng trong Thiên Chúa, tận hưởng niềm vui của hạnh phúc vĩnh cửu.” Điều lôi cuốn sự lưu tâm của chúng ta chính là sự nhấn mạnh trong cách diễn tả của thầy Guigo về chiêm niệm như là một sự tiêu hóa hương vị ngọt ngào của Lời Chúa. Theo ông, qua chiêm niệm, cảm nghiệm về Thiên Chúa nâng mọi sự lên, đem lại một sức sống mới và cụ thể như báo trước điều gì đó về niềm vui mà “… Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai yêu mến Ngài” (1Cr 2, 9).

Thầy Guigo sử dụng ngôn ngữ của thế kỷ 12. Một nông dân ở Đông Bắc Brazil ở thế kỷ 20 dùng ngôn ngữ thời đại mình để diễn tả những điều đó: “Khi tôi bắt đầu theo một khóa học tại trường Kinh Thánh, tôi đã cảm nhận rằng Kinh Thánh không phải là một trò đùa. Kinh Thánh đòi hỏi rất nhiều nơi con người; nó đòi hỏi chúng ta sống những gì chúng ta nghe, đọc và học từ Kinh Thánh. Tôi đã nghĩ rằng mình không thể thực hiện theo những đòi hỏi như thế và tôi đã nghĩ đến việc rời bỏ trường Kinh Thánh. Nhưng sau đó, tôi tiếp tục cố gắng và nhận ra rằng nếu tôi để Lời Chúa chiếm lấy tôi, tôi sẽ được thánh hóa. Lời Chúa sẽ đi vào trong tôi theo cách này; tôi không còn có thể tách biệt cái gì đến từ Thiên Chúa và cái gì là của tôi. Kinh Thánh đã cho tôi cảm nghiệm đó.” (Portras da Palaura, No. 1988, p.28).

Toàn bộ tiến trình lectio divina được diễn tả như sau, một lối diễn tả mà ngay cả thầy Guigo cũng có thể thèm muốn. Hưởng nếm sự ngọt ngào của Thiên Chúa và cảm nhận niềm vui khi có sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta, là những gì xảy ra trong cuộc sống của người nông dân ở Đông Bắc Brazil. Có cả hàng ngàn người giống như ông ấy. Chiêm niệm là những gì chúng ta nhìn thấy xảy ra trong cuộc sống cộng đoàn. Mặc dù vẫn còn có chiến tranh, đau khổ, thất bại, đe dọa và lừa dối, vẫn còn có nghèo khó, đói khát và bệnh tật, nhưng niềm vui của con người không thể mất đi được. Niềm vui bù đắp tất cả! Chính lời hứa của Chúa Giêsu đã trở thành hiện thực ở đây, “… niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16, 22). Niềm vui phát xuất từ một bảo đảm chắc chắn, một sự hiện diện đầy tin cậy của bạn bè trong những lúc khó khăn, và sự hiện diện rõ ràng của Thiên Chúa trong mọi thời khắc. Niềm vui đó phát xuất từ niềm hy vọng, để đi tới, để chiến thắng trong đấu tranh và để cải thiện thế giới này như lời của một bài hát, “Chúng ta vui khi biết rằng một ngày nào đó con người sẽ được tự do, vì Đức Giêsu Kitô là Chúa của thế giới, niềm hy vọng của chúng ta sẽ trở thành hiện thực!” Chiêm niệm là tất cả những điều đó!

Chiêm niệm là bậc thang cuối cùng, dành để nghỉ ngơi và yên tĩnh cho một sự khởi đầu mới. Nó giống như việc trèo lên một ngọn tháp cao. Bạn đi lên tới tầng thứ nhất của cầu thang với 3 bước: đọc, suy niệm và cầu nguyện. Ngay tại cửa sổ của tầng thứ nhất, bạn nghỉ ngơi và ngắm cảnh đồng quê. Sau đó bạn tiếp tục leo lên tầng thứ hai với sự trợ giúp của một cầu thang khác cũng gồm ba bước giống như thế: đọc, suy niệm và cầu nguyện. Tại cửa sổ của tầng thứ hai, bạn lại nghỉ ngơi và ngắm cùng một cảnh đồng quê đó. Dường như nó đẹp hơn và vì thế bạn tiếp tục trèo lên; tiến trình luôn luôn và ngày càng cuốn hút mà chẳng bao giờ kết thúc cả. Bạn luôn trải qua cùng những bước đó, luôn ngắm nhìn một cách vui thích cùng cảnh  đồng quê đó. Càng trèo lên cao, tầm nhìn cảnh đồng quê càng xa hơn, rộng hơn, và hiện thực hơn. Bạn phân biệt căn nhà của bạn với căn nhà của người hàng xóm. Bạn tìm thấy tương lai đích đến của bạn ngay trong cuộc sống của bạn. Và tiếp tục như thế, bạn bắt đầu trèo lên cùng với các bạn đồng hành, trao đổi ý kiến và giúp người khác cùng trèo để không ai bị bỏ lại phía sau. Và như thế, chúng ta tiếp tục trèo lên cao, lên cao nữa cho tới khi chúng ta đạt tới Thiên Chúa để chiêm ngắm Ngài diện đối diện (x. 1Cr 13, 12) và trong Thiên Chúa, anh chị em chúng ta, thực tại và cảnh đồng quê là một viễn ảnh trọn vẹn và rõ ràng.

Chiêm niệm là tất cả những điều đó, và hơn thế nữa! Một thợ xây nói: “Ánh sáng huy hoàng, mây sáng chói, và con người vui tươi ca hát … tôi nghĩ đây là một chút hé mở về sự phục sinh vẫn còn trong giấc mơ của chúng ta. Những người thận trọng sẽ không tiếp tục nhận ra sự an ủi của Phục sinh bởi vì nó luôn xảy ra dưới bóng của đau khổ và đấu tranh. Và điều này sẽ vẫn tiếp tục, nhưng tôi biết rằng cuối cùng Phục sinh và hạnh phúc sẽ đến cho con người, rực rỡ hơn những giấc mơ của tôi … Cuối cùng, một ngày nào đó, sự Phục Sinh sẽ bao trùm trái đất!” Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa.


SVD Bulletin DEI VERBUM, số 22 – 23 / 1992
Nguồn: kinhthanhvn.net