Trang Tin Tức Giáo phận Nha Trang

https://giaophannhatrang.org


Mầu nhiệm Phục Sinh và người trẻ

Ngày nay có lẽ giới trẻ Việt Nam không còn xa lạ với Huấn quyền Hội Thánh, và chắc chắn nhiều người trẻ, nhất là các bạn giáo lý viên, đã từng nghe và đọc Tông huấn Christus Vivit (CV, Chúa Kitô đang sống) mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi trực tiếp cho người trẻ. Tông huấn Christus Vivit bắt đầu thật ấn tượng: “Chúa Kitô đang sống (…) Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!”.
dWHĐ - Ngày nay có lẽ giới trẻ Việt Nam không còn xa lạ với Huấn quyền Hội Thánh, và chắc chắn nhiều người trẻ, nhất là các bạn giáo lý viên, đã từng nghe và đọc Tông huấn Christus Vivit (CV, Chúa Kitô đang sống) mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi trực tiếp cho người trẻ.
Tông huấn Christus Vivit bắt đầu thật ấn tượng: “Chúa Kitô đang sống (…) Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!”. Và tiếp theo, Đức Thánh Cha khẳng định đầy niềm hy vọng: “Dù con có rời xa Người, Đấng Phục sinh vẫn ở bên con.” (CV số 1-2).
Như thế, mầu nhiệm Phục Sinh hoàn toàn không xa lạ với người trẻ. Người trẻ là tương lai của Giáo Hội và xã hội, và hơn thế nữa, người trẻ là hiện tại của Giáo Hội và xã hội. Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; họ góp phần làm cho thế giới được phong phú.” (CV số 64).
Tại sao thế? Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong Sứ điệp gửi cho Đại Hội Mục Vụ Giới Trẻ châu Mỹ La tinh như sau: “Những người trẻ là hiện tại của Thiên Chúa, bởi vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, lòng tốt của Người, bước đi và ở với họ, và qua Chúa Giêsu, Chúa Cha tiếp tục nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của tình yêu của Người, Đấng biết về sự trỗi dậy hơn là té ngã, hòa giải hơn là cấm đoán, tạo cơ hội mới hơn là lên án, tương lai hơn là quá khứ.”
Vâng, chính vì Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết, đang bước đi và ở với người trẻ. Ý thức được điều này, người trẻ can đảm bước đi mà không hề lo sợ.
I. ĐẤNG PHỤC SINH LOAN BÁO CHO NGƯỜI TRẺ TIN VUI
Tin vui lớn nhất cho người tin vào Thiên Chúa là tin Chúa Giêsu Phục Sinh. Đó là nền tảng đức tin Công giáo và là bảo chứng cho niềm hy vọng sống lại của chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền” (1 Cr 15,17).
Chính vì Đức Giêsu Kitô đã phục sinh, nên Người cũng làm cho người trẻ hồi sinh ngay trong cuộc sống này. Tông huấn Christus Vivit viết: “Nếu con đánh mất sức sống nội tâm, những giấc mơ, lòng nhiệt thành, niềm hy vọng và lòng quảng đại, Chúa Giêsu sẽ đứng trước mặt con như ngày xưa Người đã làm thế với đứa con trai đã chết của một bà goá, và với tất cả quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người sẽ thúc giục con: “Này con, Ta bảo con: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14) (CV số 20)
Người trẻ có lúc nhút nhát, sợ hãi và ngại khó khăn, như chàng trai trẻ “nhút nhát muốn đi theo Đức Giêsu, nhưng lại sợ hãi bỏ cả áo xống chạy trốn” (x. Mc 14,51-52) (CV số 32). Nhưng Tin Mừng Phục Sinh làm cho người trẻ vững tin.
Đức Thánh Cha lấy ví dụ trong Tin Mừng để chứng minh chính Chúa Giêsu làm cho người trẻ vững tin và vui mừng vì lòng tin của họ. Tông Huấn Christus Vivit nhắc đến việc Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus. Người giúp họ “nhận ra những gì họ đang sống (…), hiểu ta dưới ánh sáng Lời Chúa ý nghĩa của các biến cố họ đã trải qua.”
Khi cùng đi với Chúa Giêsu Phục Sinh, “lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (CV số 237).
Tin Vui mà người trẻ nhận được là Đức Giêsu Kitô đã phục sinh. Và hơn thế nữa, mầu nhiệm Phục Sinh có tác động trực tiếp trên người trẻ, họ được làm bạn với Đấng Phục Sinh. Chúa Giêsu muốn điều đó. Đức Thánh Cha viết: “Trong cuộc đối thoại của Chúa Phục Sinh với Simon Phêrô bạn của Người, câu hỏi quan trọng là: “Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,16). Nghĩa là: anh có muốn Thầy là bạn của anh không?”. Và Ngài nhấn mạnh: “Chuyện thiết yếu là phải phân định và khám phá điều ấy. Đó là sự phân định căn bản.” (CV số 250)
II. ĐẤNG PHỤC SINH THÚC ĐẨY NGƯỜI TRẺ
Đấng Phục Sinh loan báo cho người trẻ Tin Vui và “Người muốn chúng ta thông dự vào nét mới mẻ của cuộc Phục Sinh ấy. Người là nét trẻ trung đích thực của một thế giới già cỗi, cũng là nét trẻ trung của một vũ trụ “sắp sinh nở” (Rm 8,22) đang chờ được mặc lại ánh sáng và sự sống của Người.” (CV số 32).
Người thúc đẩy người trẻ lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta: “Với cùng một tình yêu mà Người dành cho chúng ta, chúng ta có thể yêu Người, lan toả tình yêu của Người cho những người khác, với hy vọng là họ cũng sẽ tìm thấy chỗ đứng của họ trong cộng đồng bạn hữu đã được Đức Giêsu Kitô thiết lập.” (CV số 153). Như thế, loan báo Tin Mừng Phục Sinh là lan toả tình yêu của Chúa Giêsu, làm cho người khác cũng thành bạn hữu với Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha biết rõ ràng rằng “thế giới kỹ thuật số có thể đẩy con vào nguy cơ của sự khép kín cô lập và lạc thú trống rỗng,” nhưng “trong mọi hoàn cảnh khó khăn và đau thương mà chúng ta đã nói đến, vẫn có một lối thoát.” (CV số 32). Đức Thánh Cha đưa ra mẫu gương của Đấng đáng kính Carlo Acutis như sau:
“Carlo biết rất rõ rằng những cơ chế truyền thông, quảng cáo và mạng xã hội ấy có thể được dùng để biến chúng ta thành những con người uể oải, lệ thuộc vào chủ nghĩa tiêu thụ và những món hàng mới mà chúng ta có thể mua sắm, bị ám ảnh về thời gian rảnh rỗi và bị giam hãm trong những điều tiêu cực. Nhưng Carlo biết cách sử dụng những công nghệ thông tin mới để truyền đạt Tin Mừng, để truyền thông các giá trị và vẻ đẹp.” (CV số 105).
Đức Kitô Phục Sinh thúc đẩy người trẻ vượt thắng khó khăn để “quảng đại giúp xây dựng Vương quốc của Người trên trần gian này, trở nên những công cụ của Người để mang sứ điệp, ánh sáng và nhất là tình yêu của Người đến cho những người khác (x. Ga 15,16).” (CV số 153).
III. ĐẤNG PHỤC SINH CHỮA LÀNH CHO NGƯỜI TRẺ
Trong tác phẩm “Theology of the Body for Teens”, tác giả viết: “Thông thường người ta nghĩ rằng khi họ phạm tội, xa lìa Thiên Chúa, Ngài sẽ ghét bỏ họ. Nhưng không như chúng ta, Thiên Chúa không giận ghét. Chúng ta là những kẻ tự tách mình ra xa Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn luôn trung tín. Bất chấp những gì bạn đã làm, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi bạn, ban cho bạn niềm hy vọng, sự chữa lành và ơn cứu độ”.
Người trẻ hăng say và quyết tâm, nhưng họ cũng yếu đuối và dễ sa ngã. Chính khi chúng ta yếu đuối, “Chúa Thánh Thần lấp đầy con tim của Đức Kitô Phục sinh và từ đó phát sinh suối nguồn sự sống cho con. Và khi con đón nhận Người, Chúa Thánh Thần làm cho con ngày càng đi sâu vào con tim của Đức Kitô, để các con luôn được đầy tràn tình yêu, ánh sáng và sức mạnh của Người.” (CV số 130).
Đức Thánh Cha nói rõ: “Giữa những thập giá này mà người trẻ phải vác lấy, có Đức Giêsu ở đó để trao ban cho họ tình bạn, niềm an ủi và sự đồng hành có sức chữa lành của Người.” (CV số 83)
Tuổi trẻ khao khát tình yêu. Nhưng khi đi tìm tình yêu nơi người trần gian mà quên mất Chúa Phục Sinh thì người trẻ dễ có nguy cơ thất vọng hay chán nản. Nhưng có một tình yêu tròn đầy và đem đến cho người trẻ sức mạnh chữa lành. Đức Thánh Cha viết: “Đó là tình yêu của Chúa, tình yêu thường nhật, kín đáo và tôn trọng, một tình yêu tự do và giải thoát, tình yêu chữa lành và nâng dậy. Đó là tình yêu của Chúa, tình yêu đỡ nâng lên hơn là quật ngã, giao hoà hơn là cấm đoán, cho cơ hội mới hơn là kết án, hướng đến tương lai hơn là quá khứ”. (CV số 116).
Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng chữa lành khác hẳn mọi y bác sĩ ở trần gian. Tại sao thế? “Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta là Đấng đang sống. Người là Đức Kitô Phục Sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn.” (CV số 124).

Gioan Lê Quang Vinh
Nguồn: hdgmvietnam.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây