Trang Tin Tức Giáo phận Nha Trang

https://giaophannhatrang.org


HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 58 VÀ 59.

Tuần 58: Sách Sử biên niên I & II. Tuần 59: Sách Châm Ngôn, chương 1-15

Tuần 58: Sách Sử biên niên I & II

I. TỔNG QUÁT

Các học giả cho rằng sách Sử biên niên I & II là sách viết lại lịch sử Israel từ quan điểm của các tư tế thời hậu lưu đày. Các học giả cũng đồng ý rằng hai sách này được viết lịch sử trong sách Đệ nhị luật, và có lẽ được biên soạn sau khi những người lưu đày đã trở về Giuđa. Nói chung, sách bàn đến những vấn đề liên quan đặc biệt đến các tư tế, bao gồm việc giữ ngày sabát, những chỉ dẫn về nghi lễ, những vật dụng dùng trong Đền thờ và những điều tương tự. Tại sao sách lại nhấn mạnh những điều này?

Dân được Chúa tuyển chọn, dân có Chúa là vua và là chiến binh (x. Xh 15,3,18), dân đã được lãnh nhận lời hứa về đất đai và sự sung túc mầu mỡ… dân ấy hiện nay ra sao? Thưa là một dân đã mất chủ quyền dân tộc. Những lời hứa tốt đẹp đã thuộc về quá khứ, còn hiện tại chỉ là sự thống trị của đế quốc Ba Tư. Vậy nếu có cái gì đó để dựa vào mà hi vọng cho tương lai, thì cái gì đó chỉ có thể là chính căn tính của Israel xét như là dân của Chúa. Chính vì thế, cần nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa ở giữa dân. Chính vì thế, cần nhấn mạnh đến Đền thờ cũng như các tư tế của Chúa. Hiểu như thế, sách Sử biên niên là lời an ủi và khích lệ dành cho dân: mọi sự không phải đã mất hết. Họ vẫn là dân của Chúa, và chính ở đó mà tương lai rộng mở.

Mặc dù được viết theo lịch sử trong sách Đệ nhị luật, tác giả sách Sử biên niên có những điểm nhấn khác, đặc biệt là khi nói đến các vua của Giuđa. Đavít và Salomon được đề cao tối đa. Khi kể về Đavít, tác giả không nói đến chuyện gian dâm với bà Bathsêba, không có lời tiên tri kết án vua, không có chuyện con trai phản nghịch vua cha, cũng không có âm mưu ám hại vua. Nghĩa là tác giả muốn trình bày Đavít như một vị vua lý tưởng. Về Salomon cũng thế. Không thấy tác giả nói đến việc Salomon có 700 bà vợ ngoại giáo, từ đó dẫn đến việc thờ các thần ngoại giáo. Cũng giống như vua cha, Salomon được trình bày như một tín hữu tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa. Lý do là vì tác giả muốn trình bày một quá khứ thật tốt đẹp, và đó là nền tảng cho hi vọng vào tương lai. Những người dân thời hậu lưu đày cần nhìn lại quá khứ để học bài học trung tín với Thiên Chúa của giao ước. 

Vì chỉ đọc sách Sử biên niên I & II trong một tuần, nên cần có cái nhìn tổng quát về nội dung :

SỬ BIÊN NIÊN I

Phần I Các bản gia phả ((1,1 – 9,34)
Phần II Lịch sử vua Đavít (9,35 – 29,29)

SỬ BIÊN NIÊN II

Phần I Triều đại của Salomon (1,1 – 9,31)
Phần II Thời quân chủ trước vua Hezekia (10,1 – 27,9)
Phần III Cuộc cải cách của Hezakia và Giosia (28,1 – 36,1)
Phần IV Chấm dứt vương quốc (36,2-23)

II. GIÁO HUẤN

Tác giả viết lại lịch sử Israel từ quan điểm tôn giáo: đòi hỏi phải trung thành với Giavê, với những lề luật của giao ước, với Lời Chúa được các tiên tri loan báo. Bất trung sẽ dẫn đến án phạt, và cuối cùng là Đền thờ bị phá huỷ, mất quê hương và lưu đày. Không có vị vua nào là tối cao cả. Chính Giavê là vua. Vua Đavít cũng như các vị vua kế vị ông sau này chỉ là những đại diện của Thiên Chúa mà thôi chứ không là gì khác, và một vị vua nhân loại chỉ trung thành với Chúa khi tuân giữ giao ước và lời Chúa phán qua các tiên tri. Cũng vì thế, sách nhấn mạnh đến Đền thờ hơn là nhà vua, và cho rằng vua có trách nhiệm phải sửa sang Đền thờ và canh tân đời sống thờ phượng vì Thiên Chúa ở trong Đền thờ mang thánh danh Người.

Theo tác giả, nếu không biết lịch sử, sẽ lại vướng vào những sai lầm của quá khứ. Vì thế ông viết lại lịch sử để những người sống trong hiện tại và tương lai có thể rút ra được những bài học hữu ích từ đó. Cũng vì thế, những gì tác giả trình bày là những sự kiện, nhưng cũng là những “giải thích thần học” về sự kiện. Nếu dân không muốn một tương lai u ám, bị kết án và lưu đày, thì phải tôn thờ Chúa cho nghiêm túc, cụ thể là vâng phục và trung thành với giao ước.

Những bài học lịch sử này không chỉ cần thiết cho dân Chúa sau thời lưu đày, nhưng còn là dịp cho dân Chúa ngày nay suy nghĩ về đời sống Giáo Hội.
 

Tuần 59: Sách Châm Ngôn, chương 1-15

I. TỔNG QUÁT

1. Văn loại

Sách Châm ngôn sử dụng hai thể văn: châm ngôn và giáo huấn. Đặc tính của thể văn châm ngôn là (1) ngắn gọn, (2) khôn ngoan, (3) dễ nhớ, (4) phát xuất từ kinh nghiệm, (5) trình bày chân lý phổ quát, (6) nhằm mục đích thực hành, (7) có giá trị lâu dài. Các châm ngôn thường được trình bày do những tác giả khuyết danh, như những bài học thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Thể văn giáo huấn (các chương 1-9; 22,17 – 24,23): được trình bày như di sản người cha để lại cho con cái, với những huấn lệnh và những lý do giải thích tại sao phải vâng theo.

2. Mục đích

Sách Châm Ngôn nhấn mạnh đến cả hai mặt: tri thức và đạo đức. Văn hoá của Israel cổ xưa xem “tâm” như là nguồn của suy nghĩ, lý luận và quyết định; do đó những giáo huấn trong sách Châm Ngôn nhắm đến “tâm” chứ không chỉ là trí theo quan niệm ngày nay. Nếu sách Châm Ngôn nhấn mạnh suy nghĩ như là chìa khoá của hiểu biết, thì suy nghĩ ở đây không chỉ được nhìn thuần túy là tư tưởng trừu tượng nhưng phải được thể hiện và đánh giá trong đời sống cụ thể. Vì thế, khía cạnh tri thức luôn song hành với khía cạnh đạo đức. Cách nhìn này khá gần gũi với truyền thống văn hoá Việt Nam.

3. Thần học của sách Châm Ngôn

Những tư tưởng trọng tâm trong sách Châm ngôn là lý tưởng về đời sống gia đình và lòng hiếu thảo, sự chân thật và ngay chính, quan tâm đến người nghèo, tự chủ và kềm hãm các đam mê. Nguồn gốc và tóm kết của tất cả các nhân đức này là sự khôn ngoan, hiểu như sự kính sợ Chúa và tin tưởng nơi một mình Chúa. Aån bên trong những lời khuyên này là niềm xác tín rằng sự ác không thể được dung thứ trong trật tự của Thiên Chúa. Chương 1-9 đồng hoá đức khôn ngoan với chính quyền bính của Thiên Chúa. Vì thế, những người trung tín sẽ được chúc phúc và những kẻ bất tín sẽ bị nguyền rủa.

4. Các phần chính trong sách Châm Ngôn

– Phần I: Những giáo huấn về khôn ngoan 
(1,1– 9,18)
– Phần II : Các châm ngôn của Salomon 
(10,1– 22,16)
– Phần III: Ba mươi lời của hiền nhân (22,17 – 24,22)
– Phần IV: Sưu tập của Hezekiah (25,1 – 29,27)
– Phần V: Các lời của Agur và Lemuel (30,1 – 31,31)

II. ĐỨC KHÔN NGOAN

1. Giá trị của đức khôn ngoan

Mọi hiểu biết và phúc lành đều từ Thiên Chúa mà đến. Khôn ngoan là quà tặng của Thiên Chúa chứ không chỉ là sản phẩm của trí khôn nhân loại. Nói như thế không có nghĩa là khinh thường những nỗ lực tìm kiếm và nghiên cứu nhưng để thấy đâu là điều chính yếu (2,1-11).

Đức Khôn Ngoan được nhân cách hoá (8,12-16) và đã hiện diện trước nhan Thiên Chúa như mẫu mực trong ngày Chúa tạo dựng thế giới. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được coi là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (x. Mt 11,19tt; Lc 11,49; 1Cor 1,24-30).

Khởi điểm của sự khôn ngoan là lòng kính sợ Chúa (1,7) và trung thành với Chúa (9,1-18). “Đừng khinh thường sự sửa trị của Giavê và đừng nhàm chán lời Người quở mắng. Bởi Giavê quở mắng kẻ Người thương mến, như người cha quở mắng đứa con ông yêu dấu” (3,12).

2. Những lời cảnh giác

– Cảnh giác trước đường lối của kẻ vô đạo (2,12-15) từ tư tưởng đến lời nói: 
“Con sẽ bước đi trong đường kẻ lành, 
con sẽ giữ nẻo người công chính. 
Người ngay chính sẽ ở trong xứ sở… 
còn phường gian ác sẽ bị tiễu trừ khỏi xứ sở.”
– Cảnh giác trước những phụ nữ lăng loàn (5,1-18): 
“Môi miệng vợ người khác tiết ra mật ngọt, 
và lời của nó trơn tru hơn dầu; 
nhưng rốt cuộc nó đắng hơn khổ ngải, và sắc như gươm hai lưỡi. 
Chân nó bước vào cõi chết, và bước đi đạt thấu âm phủ; 
nó chẳng màng tới đường sự sống, lạc đường lạc lối nó nào có hay.”

 

 

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây