Trang Tin Tức Giáo phận Nha Trang

https://giaophannhatrang.org


Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 2018 (từ ngày 05 đến 08.03.2018)

Trong Thánh lễ sáng thứ Hai 05/03 tại nhà nguyện Foyer Phát Diệm, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm gợi ý: Nếu xét về chiều kích thiêng liêng, việc viếng mộ hai Thánh Tông đồ là đỉnh cao của cuộc hành hương Ad limina, thì việc yết kiến Đức Giáo hoàng là đỉnh cao của chuyến hành hương xét về chiều kích mục vụ. Ngài cũng xin quý Đức cha cùng cầu nguyện cho sự hiệp thông trong Giáo hội Việt Nam và sự hiệp thông giữa Giáo hội Việt Nam với Giáo hội toàn cầu, cụ thể là Giáo hội Rôma trong buổi yết kiến hôm nay.
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 2018
(Ngày 05.03.2018)
Yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Hãy sống niềm vui loan báo Tin Mừng”
Thánh lễ sáng
Trong Thánh lễ sáng thứ Hai 05/03 tại nhà nguyện Foyer Phát Diệm, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm gợi ý: Nếu xét về chiều kích thiêng liêng, việc viếng mộ hai Thánh Tông đồ là đỉnh cao của cuộc hành hương Ad limina, thì việc yết kiến Đức Giáo hoàng là đỉnh cao của chuyến hành hương xét về chiều kích mục vụ. Ngài cũng xin quý Đức cha cùng cầu nguyện cho sự hiệp thông trong Giáo hội Việt Nam và sự hiệp thông giữa Giáo hội Việt Nam với Giáo hội toàn cầu, cụ thể là Giáo hội Rôma trong buổi yết kiến hôm nay.
Trong bài giảng, Đức cha nói đến sự tức giận của ông Naaman khi được tiên tri Êlisa bảo đi tắm 7 lần tại dòng sông Giođan. Ông chưa hiểu vấn đề không nằm ở vẻ đẹp hay sự trong sạch của con sông nhưng là sức mạnh chữa lành từ việc đón nhận Lời. Nơi bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói một cách cay đắng rằng: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24). Người ta đòi thấy nơi Chúa sức mạnh quân sự, những điều phi thường, nhưng Lời Chúa lại chứa đựng trong những thứ hết sức bình thường và dung dị. Xin cho con cái Chúa biết lắng nghe Lời Chúa trong những điều đơn sơ và bình thường của cuộc sống hằng ngày.


 
 
Yết kiến Đức Thánh Cha
Từ sáng sớm ngày 5 tháng Ba các Giám mục Việt Nam đã có mặt tại khán phòng Sala Consistorium của Phủ Giáo hoàng, chờ đợi giờ yết kiến vị Cha chung của Giáo hội hoàn vũ. Đúng 10g15 Đức giáo hoàng đến. Sau khi từng Đức cha đến bắt tay và tự giới thiệu về mình, Đức giáo hoàng chào mừng toàn thể đoàn 33 giám mục Việt Nam, và trong tâm tình đơn sơ thân ái, ngài nói rất vui mừng được gặp gỡ và mời mọi người phát biểu tự do về mọi sự.
Đầu tiên, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, thay mặt các Đức giám mục nói lời chào mừng Đức Thánh Cha. Thay vì đọc diễn văn, Đức cha Giuse cũng đơn sơ và kính trọng nói lên cảm tưởng đầu tiên rất vui mừng và ngưỡng mộ Đức Thánh Cha khi được trực tiếp diện kiến ngài rất vui vẻ tự nhiên, đơn sơ và gần gũi. Đức cha giới thiệu với Đức Thánh Cha dung mạo của Giáo hội Việt Nam qua vài con số. Giáo hội Việt Nam với ba giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục tại chức hôm nay đang hiện diện đầy đủ trước mặt Đức Thánh Cha, khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước. Giáo hội Việt Nam năm nay mừng kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo, thêm một chân phước tử đạo Anrê Phú Yên mà đúng ngày 5/3 hôm nay mừng kính ngài. Đức cha chủ tịch cũng ngỏ ý mong đợi một ngày Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đất nước và Giáo hội Việt Nam.


 
 
 
Đức Thánh Cha đáp lời cũng trong tâm tình đơn sơ, vui vẻ tự nhiên, ngài nói một trong những hoa trái từ các vị tử đạo là ơn gọi vẫn còn dồi dào ở Việt Nam hôm nay. Ngài ngỏ ý muốn nghe các giám mục nói thay vì ngài nói cho các Đức cha nghe vì các Đức cha đã nghe ngài nói nhiều qua phương tiện truyền thông hằng ngày rồi.
Qua sự điều phối của Đức cha Tổng thư ký, các Đức cha lần lượt tự do nói và hỏi Đức Thánh Cha.
Một vị hỏi Đức Thánh Cha, vốn là người trước đây nổi tiếng bình dị, gần gũi dân chúng và từng khuyên các mục tử cần phải mang “mùi chiên”, về kinh nghiệm điều hành một giáo phận: đâu là điều quan trọng nhất? Đức Thánh Cha trả lời, một mục tử cần có hai điều: không những con người mục tử cần có “mùi chiên” tức là trở nên gần gũi với dân, mà còn trước hết cần gần gũi Thiên Chúa nữa, nghĩa là mục tử phải là một con người của cầu nguyện và luôn lắng nghe Lời Chúa. Các giám mục cũng cần giúp các linh mục của mình như thế. Ngài nhấn mạnh, các giám mục cần gần gũi thăm hỏi các linh mục của mình để mọi người có thể cảm thấy “mình có một người cha”. Giám mục giúp các linh mục để các linh mục có thể giúp giám mục của mình trong việc chăn dắt đoàn chiên. Ngài chia sẻ gần đây ngài có bổ nhiệm một giám mục. Trong thư mục vụ của mình, Đức cha còn ghi cả số điện thoại của mình nữa. Quả là một sự liều lĩnh nhưng thật tốt đẹp.
Một Đức cha khác chia sẻ: Hội đồng Giám mục Việt Nam hôm nay đến gặp gỡ Đức Thánh Cha như là dấu hiệu tỏ tình hiệp thông với Giáo hội toàn cầu. Mừng kỷ niệm 5 năm Đức Thánh Cha được lên ngôi Giáo hoàng, tất cả giáo dân, tu sĩ, linh mục, giám mục yêu mến và cầu nguyện luôn cho Đức Thánh Cha và xin ngài bày tỏ điều ước muốn nhất về Giáo hội của Chúa hôm nay. Đức Thánh Cha nói, như đã bày tỏ trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Giáo hội của Chúa phải là Giáo hội loan báo Tin Mừng, cần phải “đi ra” dù có gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại và rủi ro. Trong cách nói vui, ngài dùng hình ảnh diễn tả trong sách Khải Huyền để nói về một Chúa Giêsu đứng trước cửa nhà đóng kín của ta và gõ cửa, mà có nhiều khi Người đứng gõ cửa vì bị nhốt kín từ bên trong. Giáo hội “đóng kín” thì đau yếu, bệnh tật, giống như người đàn bà bị còng lưng, một hình ảnh trong Phúc Âm. Một Hội Thánh “đi ra” có thể gặp nhiều rủi ro tai nạn nhưng như thế mới là mình. Đi ra đến với dân, phục vụ dân với lòng thương xót của Chúa, nhất là biết giúp người ta cầu nguyện. Ngài bảo tôi tò mò không biết các Đức cha huấn luyện các chủng sinh của mình như thế nào. Các chủng sinh có cầu nguyện nhiều không.
Một số giám mục vốn trước đây trực tiếp phụ trách đào tạo chủng sinh chia sẻ về công tác đào tạo linh mục tại các Đại chủng viện. Các ngài nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng và mục vụ, để ứng sinh tập sống kết hợp mật thiết với Chúa và sống yêu thương gần gũi với dân, nhất là với người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Các ngài bận tâm đến việc giáo dục động lực ơn gọi nơi các ứng sinh. Đức Thánh Cha nói động lực và ý ngay lành của các chủng sinh rất quan trọng, nhưng chúng ta không mong đợi tất cả các chủng sinh có động lực tốt hoàn hảo ngay từ đầu mà cần kiên nhẫn đào tạo và để Chúa thanh luyện dần trong thời gian. Ngài nhấn mạnh: Gương mẫu đời sống của các linh mục rất có ý nghĩa, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các ứng viên linh mục tương lai. Từ đó, Đức Thánh Cha lưu ý các giám mục phải chăm lo đến việc thường huấn linh mục trong giáo phận. Ngài nói cám dỗ tinh khôn nhất của ma quỷ là làm cho các linh mục chỉ chấp nhận một đời sống tầm thường, “sống hâm hẩm” nghĩa là không nóng mà cũng không lạnh và từ đó dễ xa rời Chúa và anh em. Ngài nói mạnh, các Đức cha không nên gửi các chủng sinh đến thực tập với những người hâm hẩm như thế.
Về tình hình quan hệ với các nước, đặc biệt, như các giám mục quan tâm, với Cuba, Trung Quốc và Việt Nam, Đức Thánh Cha diễn tả với tinh thần lạc quan và cho biết tình hình vẫn tiến triển tốt nhưng phải kiên nhẫn và tin tưởng vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Điều quan trọng là vẫn giữ được mối liên lạc thông giao, xây dựng được một cầu nối.
Bận tâm đến đời sống thánh hiến, một Đức cha chia sẻ về nỗi khó khăn sống khổ chế hy sinh của con người sống trong xã hội ngày nay và xin Đức Thánh Cha hướng dẫn việc giúp đỡ cho các tu sĩ sống ơn gọi và sứ mạng của mình. Đức Thánh Cha nói khổ chế có nhiều hình thức thích hợp khác nhau tùy theo vùng miền, văn hóa và thời đại, nhưng gốc rễ của nó là biết “từ bỏ chính mình” trong cuộc sống hằng ngày, trong những việc nhỏ nhặt. Tập từ bỏ chính mình có một giá trị Kitô giáo rất ý nghĩa. Trong đời sống cộng đoàn, ta cần tập từ bỏ ý riêng và tìm thi hành thánh ý Chúa. Ngài lưu ý cần dạy và sống khổ chế ngày nay nhiều hơn nơi những môi trường thế tục hóa. Ngài nói tới hai kẻ thù của Kitô giáo ngày nay là chủ nghĩa tân Pêlagiô (neo-Pelagianism) đề cao sức riêng con người đến độ ân sủng không còn ý nghĩa trong sự cứu độ và thuyết tân Ngộ đạo (neo-Gnosticism) chủ xướng coi trọng nội tâm chủ quan coi nhẹ thực tại cứu độ. Hai điều này, Ngài sẽ đề cập tới trong Tông thư “Sự Thánh Thiện” ngày 19 tháng Ba sắp tới.
Các Đức cha khác còn chia sẻ với Đức Thánh Cha về khó khăn mục vụ và truyền giáo trong tình trạng di dân phổ biến ngày nay tại Việt Nam và trên thế giới, nhất là khó khăn chủ quan do thiếu nhiệt huyết tông đồ nơi con người Kitô hữu hôm nay. Đức Thánh Cha nhắc đến vấn đề này gợi lại số cuối cùng của Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (Loan báo Tin Mừng), Chân phước giáo hoàng Phaolô VI nói khó khăn của sự thiếu hăng say tông đồ đến từ trong “lòng con người”. Ngài sẽ đề cập đến vấn đề này trong Tông thư “Sự Thánh Thiện” sắp tới: nguội lạnh, sự ngã lòng, nản chí hay thiếu hy vọng là cám dỗ của ngày hôm nay.
Sau hơn một giờ rưỡi đồng hồ, Đức Thánh Cha kết thúc bằng một lời nhắn nhủ hãy vui lên, sống niềm vui loan báo Tin Mừng. Ngài nói, nếu có ai trong anh em mình không vui, hãy tự hỏi tại sao, vì mục tử không thể dẫn dắt một Giáo hội địa phương mà không có niềm vui. Xin anh em giám mục nhớ trách nhiệm mục vụ rất quan trọng này: không thể chu toàn mà thiếu cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa.



 
Buổi yết kiến Đức Thánh Cha kết thúc với lời cám ơn của Đức cha Tổng thư ký và chụp hình chung lưu niệm. Khi chia tay, Đức Thánh Cha ân cần vui vẻ bắt tay và tặng quà cho từng người.
Lúc 13g30, các Đức cha và các cha đồng hành với phái đoàn cùng dùng bữa trưa tại nhà ăn của Nhà Santa Martha. 

 
 Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 2018
(Ngày 06.03.2018)
Viếng mộ và dâng Thánh lễ tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành
và viếng mộ Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Tiếp tục chương trình Ad Limina, sáng thứ Ba 06/03, quý Đức cha đi viếng mộ Thánh Phaolô Tông đồ và dâng Thánh lễ tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Đây là một trong những việc chính yếu của chuyến đi Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Thời tiết hôm nay vẫn âm u và mưa. Nhiệt độ khoảng từ 8 độ đến 13 độ. Theo dự báo, mưa sẽ nặng hạt hơn về chiều tối. Trên đường đi, quý Đức cha đến Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (ở Piazza della Scala) để viếng mộ Đấng Đáng kính, Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đức Hồng y Phanxicô về với Chúa vào ngày 16/09/2002 và được an táng tại nghĩa trang Verano. Ngày 18/06/2012, di hài của Đức Hồng y được đưa cải táng và đưa về đặt trong nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang, là nhà thờ hiệu tòa của ngài.





 
Khoảng 9g00, quý Đức cha tới nhà thờ, cha xứ Vicenzo niềm nở đón tiếp đoàn. Một số quý cha, quý thầy, quý sơ và giáo dân Việt Nam cũng có mặt. Quý Đức cha đứng vây quanh bên mộ Đức Hồng y Phanxicô, lòng nghẹn ngào xúc động. Thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh ngỏ lời với cộng đoàn: “Ngay khi sắp xếp chương trình đi Ad Limina 2018 của Hội đồng Giám mục, chúng con đã ghi vào chương trình thời gian tới viếng mộ Đức Hồng y Phanxicô. Điều đó nói lên tâm tình yêu mến, kính trọng của các giám mục Việt Nam với Đức Hồng y. Ngài là người thầy, người cha, người anh hết sức gương mẫu cho quý Đức cha Việt Nam đang hiện diện. Chúng ta xin Đức Hồng y cầu bầu cùng Chúa cho tất cả quý Đức cha Việt Nam luôn biết noi gương Đức Hồng y, luôn là những mục tử hiền từ, gần gũi. Với tâm tình đó, chúng ta cùng nhau cầu nguyện”.








 
Quý Đức cha đọc kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Xin Ơn và kết thúc bằng bài hát Kinh Hòa Bình.
Tiếng hát Kinh Hòa Bình chấm dứt, mọi người chìm vào trong thinh lặng. Ai cũng cảm thấy mình đang đứng bên cạnh Đức Hồng y thân yêu, người con ưu tú của Giáo hội tại Việt Nam, một chứng tá đức tin kiên trung, một mục tử hiền từ và gần gũi với hết mọi người. Từ đáy lòng của quý Đức cha và mọi người đang hiện diện bỗng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: Chúng con “xin Chúa ban cho chúng con được ơn đang khẩn cầu, với niềm hy vọng thấy Ngài sớm được vinh hiển trên bàn thờ”.
Rời nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang khoảng 11g00, quý Đức cha tới Đền Thờ thánh Phaolô ngoại thành. Một lần nữa, các ngài lại đứng vây quanh bên mộ thánh Phaolô để tuyên xưng đức tin. “Hội đồng Giám mục Việt Nam luôn xác tín vào nền tảng của đức tin Tông truyền. Nền tảng đó được xây dựng trên hai cột trụ là thánh Phêrô và thánh Phaolô”. Đó là những lời mở đầu của Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh cho nghi thức tuyên xưng đức tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam.









 
Bước vào nghi thức, quý Đức cha đọc kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha. Tiếp đó, các ngài dâng Thánh lễ ngay phía sau Bàn thờ chính của Đền thờ. Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế và Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên giảng lễ. Khai triển ý tưởng của bài Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 18,21-35), ghi lại dụ ngôn kể về sự tha thứ, Đức cha Giuse khẳng định: “Câu chuyện vừa bao gồm giáo huấn về lòng thương xót của Chúa Cha, vừa là lời mời gọi con người hãy tha thứ cho nhau”, và “đối với Chúa Giêsu, sự tha thứ không có giới hạn”. Rồi Đức cha Giuse gợi ý: “Cảm nhận lòng thương xót của Chúa, người tín hữu phải thực thi lòng thương xót đối với anh chị em mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã san bằng những cách biệt, nối liền những khoảng cách. Mùa Chay chính là thời điểm giúp chúng ta nhận ra khoảng cách ấy, để khiêm nhường sám hối và canh tân đổi đời. Một khi nhận ra lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ đối xử nhân hậu với anh chị em mình”. Liên hệ tới chuyến hành hương Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Giuse chia sẻ: “Chuyến viếng thăm Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam được thực hiện trong thời điểm Mùa Chay. Mùa Chay là mùa trở về. Chuyến hành hương Ad Limina cũng là một cuộc trở về. Nếu lời mời gọi của Mùa Chay là trở về với Chúa, thì chuyến Ad Limina là cuộc trở về với cội nguồn đức tin. (…). Dừng chân suy niệm bên mộ thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông đồ, chúng ta, các Giám mục, như được liên kết hơn bao giờ hết với các vị thủ lãnh đầu tiên của Giáo hội, đồng thời cảm nhận tính liên tục của Giáo hội qua mọi thời đại, bất chấp những bão tố phong ba. Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập, đặt nền móng trên Phêrô và có cột trụ vững chắc là Phaolô”.





 
Buổi chiều, vào lúc 16g00, một nhóm quý Đức cha do Đức Hồng y Phêrô trưởng đoàn đến thăm “Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện” của Tòa Thánh. Các ngài được Đức Hồng y Peter A. K. Turkson và các thành viên đón tiếp vui vẻ và thân tình. Sau khi hai bên giới thiệu các thành viên tham dự, Đức Hồng y Bộ trưởng trình bày về hoạt động và các thành viên của Bộ. Đây là Bộ mới được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập (chính thức hoạt động vào ngày 01.1.2017), bao gồm các cơ quan của Tòa thánh trước đây: Hội đồng Toà thánh Công lý và Hoà bình, Hội đồng Toà thánh Cor Unum, Hội đồng Toà thánh phụ trách Mục vụ di dân và người lữ hành, Hội đồng Toà Thánh phụ trách Mục vụ chăm sóc y tế. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện tiến trình tái cơ cấu, vấn đề nhân sự, và nhất là định hướng cho tương lai.

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 2018
(Ngày 07.03.2018)
Thăm Bộ Phúc Âm hoá các Dân tộc
và Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản luật
Mở đầu Thánh lễ sáng thứ Tư 07/03 tại nhà nguyện của Foyer Phát Diệm, Đức cha chủ tế Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã ngỏ lời với cộng đoàn tham dự: “Việc hành hương viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô của chúng ta lần này bỗng chìm lặng sâu thẳm, vì sự ra đi đột ngột của người anh em chúng ta, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Ngài đã đồng hành với chúng ta ngay từ đầu chuyến hành hương Ad Limina, đặc biệt trong Thánh lễ hôm qua tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành mà ngài chủ tế. Thánh lễ sáng nay, trong tình hiệp thông huynh đệ, chúng ta cầu nguyện cho ngài. Xin Chúa là Cha nhân từ đón nhận Đức Tổng Giám mục Phaolô về Quê hương vĩnh cửu là Nước Trời”.




Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang,
nhà thờ hiệu tòa của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Hai ngày gần đây, sức khỏe của Đức Tổng Giám mục Phaolô không được tốt, nhưng ngài vẫn tham dự đầy đủ chương trình đã hoạch định. Sáng thứ Ba, ngài cùng quý Đức cha tới viếng mộ Đức Hồng y Phanxicô. Sau đó, vì thấy ngài đi lại khó khăn, các cha đã đưa ngài tới Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành bằng taxi. Sau khi viếng mộ thánh Phaolô, ngài chủ sự Thánh lễ. Thánh lễ xong, ngài về bằng xe riêng và bất tỉnh ngay trong xe; lập tức ngài được đưa thẳng tới bệnh viện thánh Camillô ở đường Circonvallazione Gianicolense gần đó để cấp cứu. Và hồi 22 giờ 15 (giờ Rôma), ngài đã về với Chúa.
Thời tiết Rôma sáng nay bỗng có nắng từ sớm. Theo dự báo, buổi sáng, trời hửng nắng và buổi chiều trời lại có mưa. Nhiệt độ giao động từ 7 độ đến 13 độ.




Váo lúc 8g00, một nhóm quý Đức cha do Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm làm trưởng nhóm đi thăm Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản luật (Pontificium Consilium de Legum Textibus). Đón tiếp nhóm của các Đức cha Việt Nam có Đức cha Juan Ignacio Arrieta Ochoa de Chinchetru, Tổng thư ký; Đức Ông Markus Graulich và Đức Ông Gioan Baotixita Phạm Mạnh Cương. Đức cha Tổng Thư ký chia buồn với Hội đồng Giám mục Việt Nam về sự ra đi của Đức Tổng Giám mục Phaolô. Rồi ngài giới thiệu với quý Đức cha về các hoạt động của Hội đồng, là giúp Đức Thánh Cha tất cả các công việc liên quan tới Giáo luật. Tiếp đó, quý Đức cha trao đổi với ngài về những vấn đề liên quan giữa luật dân sự và luật Giáo hội, về luật liên quan tới việc ly dị và tái hôn, tới toà án hôn phối. Đức cha Tổng Thư ký ngỏ lời sẵn sàng giúp Giáo hội tại Việt Nam tất cả những gì quý Đức cha cần liên quan tới luật của Giáo hội.
Đến 9g30, Hội đồng Giám mục Việt Nam tới thăm Bộ Phúc Âm hoá các Dân tộc. Tiếp đón Hội đồng Giám mục Việt Nam, có Đức Hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng và các thành viên của Bộ tại phòng hội lớn, trong một bầu khí rất thân tình và cởi mở.
Trước hết, Đức Hồng y ngỏ lời chia buồn với Hội đồng Giám mục Việt Nam và Giáo hội tại Việt Nam, đặc biệt với Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh vì sự ra đi đột ngột của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Tuy nhiên, Đức Hồng y xác tín: “Tôi nghĩ Đức Tổng Giám mục Phaolô vẫn không rời xa chúng ta. Ngài đang hiện diện với chúng ta, nhưng một cách khác”.





Tiếp đó, Đức Hồng y giới thiệu với Hội đồng Giám mục Việt Nam các thành viên của Bộ. Đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh cám ơn Đức Hồng y đã có lời chia buồn sâu sắc với Hội đồng Giám mục và Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngài cũng cám ơn Đức Hồng y và Bộ đã luôn quan tâm tới Giáo hội tại Việt Nam là một Giáo hội thuộc Bộ Phúc Âm hoá các dân tộc.
Sau đó, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch trình bày sơ lược Giáo hội tại Việt Nam, những thuận lợi cũng như những khó khăn mà Giáo hội đang gặp phải. Đức Hồng y cũng chia sẻ những ưu tư, thao thức không chỉ của ngài mà còn là thao thức, ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô, mong muốn có một Giáo hội luôn biết đi ra (ad extra), ra tới vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng. Đức Hồng y cũng mong muốn quý Đức cha quan tâm tới việc đào tạo linh mục (các Đại chủng viện) và việc thường huấn các linh mục. Trong việc đào tạo các linh mục, tinh thần truyền giáo phải là một trong những nội dung không thể thiếu. Tinh thần này còn phải được truyền bá tới những người tín hữu. Làm sao ngay cả người tín hữu cũng cảm thấy thao thức phải truyền giáo.
Các Đức cha cũng trao đổi với Đức Hồng y nhiều vấn đề liên quan tới mục vụ và các vấn đề khác. Đức Hồng y vui vẻ giải thích một cách hết sức rõ ràng và ngắn gọn. Thời gian gần 2 tiếng gặp gỡ trôi đi thật nhanh và quý Đức cha cảm thấy rất phấn khởi.
Lúc 15g30, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam tới thăm Toà Đại sứ Việt Nam tại Rôma. Toà Đại sứ chia buồn với Hội đồng Giám mục Việt Nam vì sự ra đi của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, đồng thời hứa sẽ hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi để đưa thi hài của ngài về Việt Nam.
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 2018
(Ngày 08.03.2018)
Dâng Thánh lễ với Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Santa Marta
và thăm một số cơ quan trung ương của Toà thánh
Sáng thứ Năm 08/03, theo chương trình đã định, quý Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam dâng Thánh lễ cùng Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện Santa Marta; đồng thời cầu nguyện cho Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc mới về với Chúa.
Ngày hôm nay, Hội đồng Giám mục sẽ chia thành 3 nhóm đi thăm một số cơ quan của Toà thánh.
Lúc 9g00, một nhóm quý Đức cha do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh làm trưởng nhóm đã tới thăm Bộ Phụng Tự. Tiếp đón đoàn có Đức Hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục Arthur Roche, Tổng Thư ký. Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã trình bày những hoạt động phụng vụ tại Việt Nam, về những bản dịch Sách Lễ Roma và các Sách Bài Đọc. Sau đó, quý Đức cha nêu ra những khó khăn về hội nhập văn hoá trong các Bản văn Thánh lễ theo nghi lễ truyền thống dân tộc. Đức Hồng y lưu ý: Bản dịch Kinh Thánh được dùng trong phụng vụ phải được dịch một cách trung thành và phù hợp ngôn ngữ địa phương. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và nhiều công sức.



Lúc 9g30, một nhóm quý Đức cha do Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm trưởng nhóm tới thăm Quốc vụ viện Truyền thông của Toà Thánh. Tiếp đón đoàn có Đức Ông Dario Edoardo Vigano, Chủ tịch và Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, Thư ký. Đức Ông Chủ tịch chào đón Đức Hồng y và đoàn, giới thiệu các thành viên cũng như các hoạt động của Quốc vụ viện. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá truyền thông trong một xã hội biến chuyển không ngừng. Quý Đức cha trao đổi với Đức Ông Chủ tịch về những hạn chế trong việc truyền thông tại Việt Nam và trình bày những cố gắng sử dụng những phương tiện truyền thông, để truyền tải chân lý và nhất là đưa Tin Mừng tới mọi người.



Một nhóm khác do Đức cha Giuse Võ Đức Minh làm trưởng nhóm tới thăm Bộ Giáo sĩ và Chủng sinh. Tiếp đón đoàn có Đức Hồng y Beniamino Stella, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục Joel Mercier, Thư ký; Đức Tổng Giám mục Jorge C. Patron Wong, Thư ký đặc trách các Đại chủng viện. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng giới thiệu với Đức Hồng y và các thành viên của Bộ, văn bản Ratio của Uỷ ban Giáo sĩ – Chủng sinh đang được áp dụng cho 10 Đại chủng viện tại Việt Nam. Quý Đức cha cũng trình bày những khó khăn trong việc đào tạo các chủng sinh tại Việt Nam hiện nay do ảnh hưởng của chủ nghĩa tục hoá và duy vật. Đức Hồng y nhấn mạnh tới việc các cha giáo và giáo phận cần phải đồng hành thiêng liêng với các chủng sinh, và cả các ứng sinh ở tiền chủng viện.



Lúc 11g00, nhóm của Đức Hồng y Phêrô tới thăm Hội đồng Đối thoại Liên tôn. Tiếp đón đoàn có Đức cha Miguel Angel Ayuso Guixot, Tổng Thư ký; Đức Ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage, Thư ký. Đức cha Guixot vui mừng chào đón đoàn và trình bày về những hoạt động đối thoại với các tôn giáo của Toà Thánh. Kể từ Công đồng Vatican II, nhất là với Đức Thánh Cha đương nhiệm, việc tìm ra một phương thế để đối thoại với các tôn giáo khác luôn là một cố gắng lớn. Đối với Đức Thánh Cha, đối thoại chính là truyền giáo.



Nhóm của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh tới thăm Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ. Tiếp đón đoàn có Đức Hồng y Joãn Braz de Aviz, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục José Rodriguez Carballo, Tổng Thư ký. Đức Hồng y gửi lời chia buồn tới Hội đồng Giám mục Việt Nam vì sự ra đi của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Sau khi ngài giới thiệu các thành viên của Bộ, Đức Tổng Giám mục trưởng đoàn bày tỏ tâm tình biết ơn Đức Hồng y và Bộ đã giúp đỡ Giáo hội tại Việt Nam. Ngài trình bày sơ lược về đời sống tận hiến của các tu sĩ và những người sống đời thánh hiến. Các nam nữ tu sĩ lên tới trên 29.000 vị, hiện đang đảm nhận các công việc như giáo dục mầm non, đào tạo dạy nghề, chăm sóc người khuyết tật, người nhiễm HIV, bảo vệ sự sống… Đức Hồng y vui mừng về sự phong phú dồi dào ơn gọi của Giáo hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngài cũng lưu ý tới việc đào tạo, nâng cao trình độ và chất lượng đời sống tu trì.
Ban chiều, vào lúc 15g45, nhóm của Đức cha Giuse Võ Đức Minh tới thăm Bộ Giáo lý đức tin. Tiếp đón đoàn có Đức Tổng Giám mục Luis Francisco Ladaria, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục Giacomo Morandi, Thư ký. Trong buổi gặp gỡ, Đức cha Giuse trưởng đoàn trình bày cho Đức Tổng Giám mục Bộ trưởng về Học viện Công giáo và những liên kết giữa một số Đại chủng viện ở Việt Nam với một số Đại học Công giáo trên thế giới, về đời sống đức tin, những thách đố, về ảnh hưởng của phong trào “Sứ điệp từ trời”. Ngỏ lời với quý Đức cha, Đức Tổng Giám mục cho hay khủng hoảng đức tin là vấn đề lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, lòng đạo đức bình dân và việc cầu nguyện tại các gia đình rất quan trọng.
Lúc 16g00, nhóm của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh tới thăm Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Tiếp đón đoàn có cha Alexandre Awi Mello, Thư ký. Trong buổi gặp gỡ, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Chủ tịch Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày cho cha Thư ký về vai trò rất tích cực của người tín hữu Việt Nam trong các hoạt động của Giáo hội, như tham gia Hội đồng Mục vụ, dạy giáo lý, thiện nguyện viên bác ái. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên cho cha Thư ký biết con số lớn các em thiếu nhi Thánh Thể tại Việt Nam (khoảng 700.000 em), chiếm gần một nửa tổng số thiếu nhi Thánh Thể trên thế giới. Quý Đức cha cũng nêu những khó khăn hiện nay là tình trạng di dân, tạo nên nhiều vấn đề phức tạp như vấn đề thất nghiệp, hôn nhân dị giáo, sống thử…






Lúc 17g00, nhóm của Đức cha Giuse Võ Đức Minh tới thăm Bộ Giáo dục Công giáo. Tiếp đón đoàn có Đức Hồng y Giuseppe Versaldi, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục Angelo Vincenzo Zani, Thư ký. Đức cha Giuse trưởng đoàn trình bày cho Đức Hồng y và các thành viên về tình hình giáo dục Công giáo tại Việt Nam, về ước mong của Giáo hội được mở các trường Công giáo phục vụ cho việc giáo dục các cấp, từ mẫu giáo đến đại học. Đức Hồng y hoan nghênh nỗ lực của Giáo hội tại Việt Nam trong việc cố gắng góp phần mình vào lãnh vực giáo dục. Ngài hứa sẽ trợ giúp hết sức cho công tác giáo dục tại Việt Nam.


 
WHĐ
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây