Trang Tin Tức Giáo phận Nha Trang

https://giaophannhatrang.org


Suy Niệm Thánh Vịnh 46 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Một trong những ngày của Đại Lễ Lều, Giêrusalem chúc mừng Đức Vua, Thiên Chúa. Người ta khởi hành từ dưới suối Gihon trong thung lũng Xêdron và đoàn rước lên dần đến đồi Sion, nơi có đền thờ Giêrusalem. Chẳng khác nào những cử điệu trong một vở kịch câm, họ đang cử hành nghi lễ phong vương cho Thiên Chúa, Đấng ngự trên tòa uy linh cao cả.
Suy Niệm Thánh Vịnh 46 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Suy Niệm Thánh Vịnh 46
1 Phần nhạc trưởng. Của con cái ông Cô-rắc. Thánh vịnh.
2          Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
            Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !
3          Vì ĐỨC CHÚA là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
            là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
4          Chính Người bắt muôn dân muôn nước
            phải phục quyền và quỵ luỵ chúng tôi.
5          Người chọn lựa cho chúng tôi phần cơ nghiệp,
            cơ nghiệp làm cho kẻ Người thương là Gia-cóp
            được nở mặt nở mày.
6          Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
            CHÚA ngự lên, vang dội tiếng tù và.
7          Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
            đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta !
8          Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
            hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.
9          Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
            Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.
10        Kìa vương hầu các dân tề tựu
            cùng dân Thiên Chúa, Chúa của Áp-ra-ham.
            Mọi thủ lãnh trần gian thuộc quyền Thiên Chúa,
            Đấng siêu việt ngàn trùng.


Cùng Đọc Với Israel
Một trong những ngày của Đại Lễ Lều, Giêrusalem chúc mừng Đức Vua, Thiên Chúa. Người ta khởi hành từ dưới suối Gihon trong thung lũng Xêdron và đoàn rước lên dần đến đồi Sion, nơi có đền thờ Giêrusalem. Chẳng khác nào những cử điệu trong một vở kịch câm, họ đang cử hành nghi lễ phong vương cho Thiên Chúa, Đấng ngự trên tòa uy linh cao cả. Nghi lễ này thật ra chẳng mang lại vương quyền cho Thiên Chúa, vì từ ngàn đời Đức Chúa là vua, nhưng nó lại hiện tại hóa vương quyền đó, để toàn dân càng nhìn nhận hơn Thiên Chúa là vua của họ.
Người ta đề cao Thiên Chúa như vị vua cao cả, Đấng tối cao, ngự trên tòa, thống trị chư dân...các vương hầu đều thuộc quyền Ngài. Cuộc rước Đức vua lên ngai làm cho toàn dân vang dậy tiếng hò reo, tiếng tù và. Ta nhận thấy ở đây 7 động từ ở thể truyền khiến, mời gọi vang dậy tiếng tung hô: Vỗ tay đi nào, cất tiếng hò reo, vang dội tiếng kèn và tiếng tù và, hãy đàn ca...Khi đoàn dân đến Đền thờ, các lề cửa rung lên, như Isaia ghi lại, cùng với những tiếng reo vang Thánh, Thánh, Thánh...
Gan dạ của một dân nhược tiểu, trong thực tế chẳng có chút quyền lực nào về mặt chính trị, quân sự trước những nước láng giềng hùng mạnh như Ai cập, Babylon…Gan dạ vì dám nghĩ và tuyên xưng rằng Đức vua của họ là Thiên Chúa, là vua cả hoàn cầu. Gan dạ vì dám hô to rằng Đức vua của họ là vua chiến thắng, trong khi thực tế Israel là một dân luôn bị đô hộ, phải phục tùng các nước lân bang.

Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đây là một lời loan báo có tính tiên tri! Điều mà về mặt nhân loại chẳng bao giờ thực hiện được, lại trở thành hiện thực nhiệm mầu nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa ngự lên, được đặt ngay giữa Thánh vịnh, được hoàn thành một cách trọn vẹn. Ngay từ đầu, Hội thánh đã xử dụng từ ‘cất lên’ để áp dụng cho việc Đức Giêsu sống lại lên trời về trong vinh quang Chúa Cha. Từ ngữ ấy cũng mang ý nghĩa vương quyền phổ quát của Thiên Chúa, khiêm nhu trong thân phận nô lệ trong một thời gian, Đức Giêsu phục sinh được vinh thăng làm vua và lãnh nhận danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Đó chính là lúc Ngài làm chủ vương quốc của Ngài, ngự bên hữu Thiên Chúa, được triều thần thiên quốc chúc khen…đã chiến thắng mọi thù địch và giờ đây chờ đợi ngày mà Ngài sẽ trao lại cho Chúa Cha mọi dân tộc quy tụ trước mặt Ngài.

Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Sau khi xem Israel đã sống Thánh vịnh này và Hội thánh đã áp dụng Thánh vịnh này như thế nào cho Đức Kitô (Đấng được xức dầu làm vua), mỗi người hãy cầu nguyện bằng Thánh vịnh này với tư cách cá nhân hoặc tập thể. Không ai có thể thay thế cho ta được.
Lên trời, niềm vui của toàn thể nhân loại vì đã có một thành viên được trọng thưởng. Trái đất hân hoan vì hoa quả đầu mùa đầy vinh quang: Đức Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha. Vinh quang của Thiên Chúa, cũng chính là sự thành toàn của một con người sinh bởi người nữ (Gl 4,4). Thiên Chúa đã hoàn tất công trình của Ngài, là con người mà Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân (1Cr 15,27). Một người thuộc dòng giống hay chết như ta, đã vâng phục Thiên Chúa cho đến chết, và giờ đây hưởng tràn đầy vinh quang Thiên Chúa. Và Kinh thánh mạc khải cho ta biết rằng Ngài sẽ trao cho ta vinh quang ấy, bởi vì Ngài là trưởng tử của mọi tạo thành: ta cũng sẽ được hưởng những gì Ngài đã hưởng.
Những khi người thời nay rơi vào thất vọng, thật tốt khi suy niệm mầu nhiệm ‘được nâng cao, lên trời’ này: phẩm giá tối cao của mọi người. Đã có một vị vua tự quên mình, làm người nghèo nhất giữa những người nghèo. Con người hư hoại, sinh vật đầy dơ nhớp…lại được hứa ban cho vinh dự vương giả thần thiêng. Tôi phải làm gì cho phẩm giá của những người anh chị em tôi? Một số người nghĩ rằng: đâu cần phải là người kitô hữu mới làm được điều đó. Và một ít người còn thêm rằng các kitô hữu không quảng đại bằng những người vô thần trong việc làm này. Đúng vậy! Tuy nhiên, người hiểu được ý nghĩa của lịch sử, hiểu được nhân loại sẽ đi về đâu, lại không tìm thấy lý do để thực hiện công việc ấy sao?
Dân được chọn…Muôn dân trên mặt đất…Ta thường thấy trong các Thánh vịnh một biện chứng giữa một bên là riêng biệt (tin rằng mình là dân riêng, được Thiên Chúa yêu, dân của tổ phụ Ápraham, Giacóp), và một bên là phổ quát (mời gọi mọi người đến thờ lạy Thiên Chúa chân thật). Cất tiếng hò reo…đây không thể là việc làm của một dân bại trận…Vỗ tay đi nào…đây không thể là cử chỉ tùng phục…Các dân tề tựu…đây không thể là hậu quả của một đàn áp độc đoán. Dù vẻ bên ngoài của từ ngữ xử dụng (Người bắt muôn dân nước phục quyền và quỵ lụy chúng tôi) nhưng đây muốn nói đến một cuộc tập họp hoàn toàn tự nguyện, là một lễ hội. Vương quyền của Đức Giêsu không như vương quyền trần gian: ‘Thủ lãnh các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân…nhưng giữa anh em thì không được như vậy’(Mc 10,42).
Tiếng hò reo…Tiếng vỗ tay… Hãy là những người hân hoan chúc tụng Thiên Chúa. Phụng vụ thường xuyên mời gọi chúng ta như thế. Nhưng chúng ta cứ mãi câm lặng và lãnh đạm.
Hãy là những người mời gọi kẻ khác trẫy hội lễ mừng Thiên Chúa. Theo ý đó, việc tông đồ trước hết không phải là lời mời có tính bó buộc kẻ khác phải trở lại đạo, nhưng là một lời mời vui vẻ tham gia niềm vui chung của những người con cái của Đức vua…Hãy đến dự hôn lễ!
Thiên Chúa, Vua cả…Đấng Tối cao, Đấng khả úy…Sẽ đến ngày cánh chung, vinh quang Thiên Chúa sẽ chói ngời. Hiện thời, Thiên Chúa thật âm thầm và ẩn mặt. Nhưng chẳng có gì ngăn chúng ta tham gia vào đoàn người chuẩn bị cho ngày trọng đại đó, ngay từ bây giờ.

Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây