Trang Tin Tức Giáo phận Nha Trang

https://giaophannhatrang.org


Suy Niệm Thánh Vịnh 121 - Lm. Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Đây là thánh vịnh ‘hành hương’, theo nhịp bước tiến, những từ ‘chìa khoá’ được lập đi lập lại.
Suy Niệm Thánh Vịnh 121
 
1 Ca khúc lên Đền. Của vua Đa-vít.
            Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
            "Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA !"
            Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
2          cửa nội thành, ta đã dừng chân.
3          Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
            được xây nên một khối vẹn toàn.
4          Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
            trẩy hội lên đền ở nơi đây,
            để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
            như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.
5          Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
            ngai vàng của vương triều Đa-vít.
6          Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
            rằng : "Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
7          tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
            lâu đài dinh thự mãi an ninh."
8          Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
            tôi nói rằng : "Chúc thành đô an lạc."
9          Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
            tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.
 
Cùng Đọc Với Israel

Đây là thánh vịnh ‘hành hương’, theo nhịp bước tiến, những từ ‘chìa khoá’ được lập đi lập lại.
Khách hành hương, sau khi vượt một đoạn đường dài, giờ đây đã đến Giêrusalem, một người trong bọn họ diễn tả niềm vui và sự thán phục. Thành đẹp tuyệt vời! Người ta có cảm tưởng đó như sự kinh ngạc của một dân quê lên tỉnh hoặc của một người du mục há hốc mồm khi thấy những công trình xây dựng làm thành một khối tuyệt đẹp: nhà cửa, đường phố, cung điện, với Đền Thánh ở giữa, được thành luỹ kiên cố bao vây.

Để ý những nét đẹp văn chương của đoạn thánh vịnh ngắn này. Từ dòng đầu tiên ta thấy vang lên cung giọng của niềm vui. Với hình thức ‘gọng kìm’ ở đầu và cuối thánh vịnh cho thấy rõ nguyên do của niềm vui ấy: ‘đền thánh Chúa’, vâng, Đức Chúa ở trong thành.Và rồi, xoay quanh tên gọi trìu mến của thành được lập đi lập lại, phô diễn những sắc hoa của niềm hân hoan mà không một chuyển dịch nào có thể diễn tả trọn vẹn. Dù sao cũng hãy cố gắng phát âm thật cao giọng những từ do thái: Scha’halou schalom IerouschalaimNguyện chúc Giêrusalem được thái bình.

Tác giả không ngừng lập lại cách trìu mến tên gọi thành thánh: từ ‘thái bình’ có cùng những phụ âm giống như từ Giêrusalem (thái bình=sch-l-m Giêrusalem=I-r-sch-l-m)… và ở nơi mà ông không dùng hai từ này, ông lại dùng một trạng từ ‘nơi đó’, trạng từ này cùng gồm có hai phụ âm giống từ Giêrusalem. Tất cả, được hát lên bằng tiếng do thái, thật là một một tuyệt tác mang tính âm nhạc. Đúng là sáng tác của một đại thi sĩ.

Ý nghĩa sâu xa, cũng là một khối duy nhất toàn vẹn: Giêrusalem, thủ đô, người ta đi lên đó, cấu trúc xây dựng nói lên tính đính kết (thành phố được xây dựng trên đỉnh núi), thành phố với tên gọi có nghĩa là ‘thái bình’, cũng là biểu trưng của sự hiệp nhất các chi tộc …và chính niềm tin vào cùng một Thiên Chúa mà vinh quang Người ngự trong Đền là chất keo dính kết cộng đoàn huynh đệ này.

Cùng Đọc Với Đức Giêsu

Trong ‘thành duy nhất này’ Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại. Trong thành này đã cử hành thánh lễ đầu tiên, mầu nhiệm của sự quy tụ huynh đệ tất cả mọi người xoay quanh Thân Thể Đức Kitô, Đền thánh mới của Thiên Chúa.

Đức Giêsu Nagiarét hàng năm đã hoà mình cùng dân chúng lên thành thánh, cùng hoà giọng hát với đoàn người hành hương để ca bài thánh vịnh này. Mỗi năm, hàng triệu du khách và tín hữu do thái giáo, hồi giáo, kitô giáo lên đền này để thờ kính cùng một Thiên Chúa…cho dù vẫn còn chia rẽ và thù địch nhau: trong việc chung nhau tiến lên cùng một nơi, trong thâm tâm họ xác quyết ước mơ lớn lao về tình người, hoà bình, niềm vui, tình huynh đệ giữa mọi sắc tộc, mọi màu da, là những người con của cùng một Cha. Đức Giêsu đã nói lên điều này.

Trong thành thánh này, thủ phủ của thế gian, Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình ‘để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối’ (Ga 11,52)

Trong thành thánh này, Thần Khí của Đức Giêsu, vào ngày lễ Ngũ tuần, đã thiết lập một cộng đoàn những con người thuộc mọi màu da, ngôn ngữ, Hội thánh, trong đó toàn thể nhân loại tuy khác biệt nhau đều đi tìm một nơi để ‘nên một, trong hoà bình’. Và giờ đây tất cả những gì chất chứa trọng thánh vịnh này và tóm gọn trong từ ‘Giêrusalem’ đang phân tán khắp nơi trên thế giới nhờ việc cử hành thánh thể: mỗi thành phố trên thế giới là ‘nhà của Chúa’ (đền thánh Chúa), nơi có sự hiện diện nhiệm mầu ‘bánh hằng sống’ mà linh mục cầm lấy và đọc ‘Này là Mình Thầy’. Ngày xưa, chính tại Giêrusalem mà Israel phải dâng lời tạ ơn…Còn ngày nay, khắp nơi đều là nơi con người tạ ơn. Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ‘Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa’. Các bạn có biết chăng, nhà của Chúa (đền thánh Chúa) ở ngay cửa nhà bạn, ở ngay đầu đường, trong khu phố của bạn! Từ nay, không cần phải đi hành hương xa đến Giêrusalem. Bạn hãy vào một thánh đường, hãy đặt mình trước nhà Tạm, bạn đang ở trong thành hoà bình, bạn đang ở Giêrusalem. Hãy quỳ gối và mang lấy niềm hân hoan vui sướng từ Thiên Chúa đấng yêu bạn và muốn ‘cắm lều giữa chúng ta’ (Ga 1,14).

Cùng Đọc Với Người Thời Nay

Thế giới khao khát hoà bình, niềm vui, hạnh phúc. Chúng ta ngày nay không cần phải di chuyển đâu xa để cầu nguyện thánh vịnh này trong chân lý ngay giữa thế giới hôm nay. Toàn thể nhân loại càng ngày càngý thức sự hiệp nhất nền tảng, cần những hỗ tương lẫn nhau. Đồng thời cũng thấy có những cục bộ, chống đối gia tăng. Lạy Chúa, ước gì nhân loại trở nên ‘như một đô thị được xây nên một khối vẹn toàn’, nơi đó các chi tộc, các sắc dân, văn hoá tiến lên và gặp nhau, ước gì thái bình ngự trị khắp mặt đất!

Hiệp nhất, liên đới. Điều làm nên sự hiệp nhất của Giêrusalem, vượt trên cách kiến trúc và vị trí địa lý, đó là có chung một lịch sử và một tương lai. Điều làm nên sự hiệp nhất của một môi trường, của một dân tộc, của nhân loại, chính là sự liên đới số phận mà ngay từ bây giờ là số phận chung của mọi người: quả thực chúng ta đang cùng chung trên một con thuyền chật chội, trên cùng một hành tinh bé nhỏ, bên trong cùng những bức tường…chúng ta cần phải học biết sống chung với nhau ‘như anh em, như người cận thân’.

Niềm vui: ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa. Trải nghiệm hành hương đi bộ mang một biểu trưng sâu xa: từ nhà mình ta bắt đầu đi, đối diện với những nguy hiểm và mệt nhọc của cuộc hành trình, đếm từng ngày, hướng nhìn về đích ban đầu còn xa nhưng ngày càng trở nên gần…và sau cùng đạt đến đích từ lâu mong ước. Chính trong thân phận con người mà ta tiến dần đến ‘nhà Thiên Chúa’. Nhưng thực tế, ta có đang đi về Thiên Chúa hay không? Có quan niệm cuộc sống của ta như một cái gì đang đi tới, và đi đến một mục đích, đến một Đấng?

Đavít! Giêsu Kitô! Kitô Vua! Ta biết rằng chính lúc người do thái cầu nguyện thánh vịnh này (và ngày nay cũng vậy) thì nhà Đavít không còn cai trị nữa. Như thế, làm sao họ có thể nói rằng: ‘Cũng nơi đó, đặt nơi xét xử, ngai vàng của vương triều Đavít’?  Sẽ là điều nực cười, nếu ta không đặt bên dưới các từ ngữ này niềm mong chờ và khát vọng đấng cứu thế, thuộc dòng dõi Đavít theo lời hứa (2 Sm 7,1.17). Đức Giêsu, Ngài là ‘Hoàng tử hoà bình’. Ta có thể cầu nguyện thánh vịnh này bằng cách suy nghĩ về đấng đến để thực hiện ‘Giao ước mới’.
 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây