SUY NIỆM TĨNH TÂM MÙA CHAY 2023 CHO GIÁO TRIỀU ROMA
CỦA VỊ GIẢNG THUYẾT PHỦ GIÁO HOÀNG
Bài 4: LỜI TUNG HÔ “ĐÂY LÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN!” TRONG PHỤNG VỤ
Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap
Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết Phủ Giáo hoàng, hôm 24. 3. 2023, trong bài suy niệm thứ tư cho Mùa Chay 2023, đề cập đến những mối quan tâm về Phụng vụ và việc thờ phượng của Giáo hội tập trung vào lời tung hô “Đây là Mầu nhiệm đức tin!” trong Phụng vụ.
Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Hồng y:
Sau khi suy tư về việc loan báo Tin Mừng và Thần học, hôm nay tôi muốn đề xuất một số quan tâm về Phụng vụ và việc thờ phượng của Giáo hội, luôn luôn với mục đích đóng góp, dù khiêm tốn và gián tiếp, vào công trình của Thượng hội đồng. Phụng vụ là điểm đến, nghĩa là, điều mà công cuộc loan báo Tin Mừng hướng tới. Trong dụ ngôn Tin Mừng, những người đầy tớ được sai đi khắp các ngã tư đường phố để mời mọi người đến dự tiệc, Giáo Hội là phòng tiệc và trong đó Thánh Thể là “bữa tiệc của Chúa” (1 Cor 11, 20) đã được chuẩn bị sẵn.
Trong những suy tư, chúng ta hãy bắt đầu với một cụm từ trong Thư gửi tín hữu Do Thái: để đến gần Thiên Chúa, trước hết, cần phải “tin rằng có Thiên Chúa” (Dt 11, 6). Tuy nhiên, ngay cả trước khi tin rằng có Thiên Chúa (có nghĩa là chúng ta đã đến gần với Ngài), thì ít nhất cũng cần phải có “gợi ý” về sự hiện hữu của Ngài. Đây là điều mà chúng ta gọi là cảm thức thiêng liêng và là điều mà một tác giả nổi tiếng gọi là “thần thiêng”, coi nó là một “mầu nhiệm cao cả và cuốn hút”.
Thánh Augustinô đã dự đoán một cách đáng ngạc nhiên về khám phá này của hiện tượng học hiện đại của tôn giáo. Khi ngỏ lời với Thiên Chúa, trong tác phẩm Tự thú (Confessions), thánh nhân nói, “Ngay khi con có thể khám phá ra Ngài …, Lạy Chúa, con đã run lên vì yêu mến và kinh hãi”[1]. Và một lần nữa, “Con run sợ và con bùng cháy; Con run sợ vì sự khác biệt, con bùng cháy vì sự tương đồng”[2]
Nếu cảm thức thiêng liêng hoàn toàn bị mất đi, thì đất đai hoặc khí hậu để hành động đức tin phát triển cũng không còn. Đây là hậu quả tồi tệ nhất của sự tục hóa. Charles Péguy đã viết rằng “sự khan hiếm và nghèo nàn đáng sợ về sự thánh thiêng là dấu ấn sâu đậm của thế giới hiện đại”. Tuy nhiên, nếu cảm thức về sự thánh thiêng bị biến mất, thì sự tiếc nuối về nó, mà ai đó đã định nghĩa, theo thuật ngữ thế tục, là “sự khao khát trọn vẹn về một Đấng khác” vẫn còn đó[3].
Hơn ai hết, những người trẻ cảm thấy nhu cầu cần phải thoát ra khỏi sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày và họ đã nghĩ ra những cách thế riêng để đáp ứng nhu cầu này. Các nhà tâm lý học đại chúng đã quan sát thấy rằng những người trẻ từng tham dự các buổi hòa nhạc rock nổi tiếng, chẳng hạn như của The Beatles, của Elvis Presley hoặc Lễ hội Woodstock năm 1969, đã được đưa ra khỏi thế giới hàng ngày của họ và phóng chiếu vào một chiều kích mang lại cho họ ấn tượng về một điều gì đó siêu việt và thánh thiêng.
Ngày nay, điều tương tự cũng xảy ra đối với những người tham gia vào các cuộc quy tụ lớn của các ca sĩ và ban nhạc. Thực tế là với số lượng lớn và sự rung động đồng điệu với đám đông, sẽ khuếch đại cảm xúc của con người đến vô tận. Người ta có cảm giác mình là một phần của một thực tại khác, siêu việt hơn. Thuật ngữ “người hâm mộ” (fan- viết tắt của từ fanatic -cuồng tín) tương đương với thuật ngữ thế tục hóa của “người sùng đạo”. Phẩm chất "thần tượng" được trao cho những nhân vật mà họ yêu thích có sự tương ứng sâu sắc với thực tế.
Những cuộc tụ tập đông người này có thể có giá trị nghệ thuật và đôi khi truyền tải những sứ điệp cao quý và tích cực, chẳng hạn như hòa bình và tình yêu. Chúng là những “buổi phụng vụ” theo nghĩa nguyên thuỷ và phàm tục của thuật ngữ này, nghĩa là, các buổi biểu diễn được thực hiện xuất phát từ nghĩa vụ hoặc để thu hút sự ưu ái của công chúng. Tuy nhiên, những buổi phụng vụ này không liên quan gì đến trải nghiệm đích thực về sự thánh thiêng. Trong tiêu đề “Phụng vụ thánh”, tính từ thánh (divine) đã được thêm vào chính xác để phân biệt Phụng vụ với các nghi lễ của con người. Có một sự khác biệt về phẩm chất giữa hai điều này.
Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu xem Giáo hội có thể trở thành nơi ưu tiên như thế nào đối với con người ngày nay để trải nghiệm thực sự về Thiên Chúa và về sự siêu việt. Cơ hội đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến – do sự giống nhau bên ngoài - là những cuộc tụ họp lớn được các Giáo hội Kitô khác nhau thúc đẩy. Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến “Ngày Giới trẻ Thế giới” và vô số sự kiện khác – đại hội, hội nghị, và các cuộc tụ họp – trong đó hàng chục ngàn (đôi khi hàng trăm ngàn) người trên khắp thế giới tham gia. Chúng ta chẳng thể thống kê được số lượng những người mà các sự kiện này trở thành cơ hội để họ trải nghiệm cách mạnh mẽ về Thiên Chúa và khởi đầu cho một mối tương quan mới và cá vị với Đức Kitô.
Điều làm nên sự khác biệt giữa kiểu gặp gỡ quần chúng này với những kiểu gặp gỡ được mô tả ở trên, đó là, ở đây nhân vật chính không phải là một con người, mà là Thiên Chúa. Cảm thức về sự thánh thiêng mà một người trải nghiệm nơi mình là cảm thức thực sự chân thật duy nhất chứ không phải là điều có thể thay thế được, bởi vì nó được khơi dậy bởi Đấng Chí Thánh (Holy of Holies) chứ không phải bởi một “thần tượng”.
Tuy nhiên, đây là những sự kiện đặc biệt mà không phải ai và không phải lúc nào cũng có thể tham gia. Cơ hội tuyệt vời và phổ biến nhất để trải nghiệm sự thánh thiêng trong Giáo hội là Phụng vụ. Phụng vụ Công giáo đã trải qua một sự chuyển đổi từ một hành động mang đậm dấu ấn thánh thiêng và tư tế sang một hành động mang tính cộng đoàn và tham gia nhiều hơn, trong đó mọi thành phần dân Chúa đều có phần của mình, mỗi người có sứ vụ riêng.
Tôi muốn nói cách tôi nhìn và giải thích sự chuyển đổi này cho chính mình. Điều này hoàn toàn không phải là để đặt mình vào vị trí của người phán xét quá khứ, mà là để hiểu rõ hơn về hiện tại. “Hiện tại” trong Giáo hội không bao giờ là sự phủ nhận “quá khứ”, nhưng là sự phong phú của quá khứ, hoặc, như trong trường hợp hiện tại, đó là quay trở lại quá khứ gần đây để tái khám phá quá khứ cổ xưa và nguyên thuỷ hơn.
Trong tiến trình phát triển của Giáo hội như là cộng đoàn, một điều gì đó xảy ra giống như như điều đã xảy ra với tòa nhà Giáo hội. Chúng ta hãy nghĩ về một số Vương cung thánh đường và thánh đường nổi tiếng: có biết bao thay đổi kiến trúc qua nhiều thế kỷ để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của từng thời đại! Nhưng nó vẫn là cùng một nhà thờ, dâng hiến cho cùng một vị Thánh. Nếu có một xu hướng chung đang diễn ra trong thời kỳ hiện đại, thì đó là khôi phục những tòa nhà này – bất cứ khi nào điều này là có thể và xứng đáng –về cấu trúc và phong cách ban đầu của chúng. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trong Giáo hội với tư cách là dân Chúa, và đặc biệt là trong Phụng vụ của Giáo hội. Công đồng Vatican II là một bước ngoặt trong tiến trình này, nhưng không phải là một khởi đầu tuyệt đối. Công đồng đã gặt hái thành quả của nhiều công trình trước đó.
Chắc chắn chúng ta không cần thiết phải đi sâu vào lịch sử của phụng vụ – những người khác đã làm điều đó – và chính xác họ đã làm điều đó từ quan điểm mà chúng ta quan tâm. Ở đây, tôi chỉ muốn nêu bật sự tiến hóa liên quan đến cảm thức thánh thiêng mà thôi.
Vào thời kỳ đầu của Giáo hội và trong 3 thế kỷ đầu tiên, Phụng vụ thực sự là một “phụng vụ”, nghĩa là hành động của dân chúng (laos – dân chúng – nằm trong số các thành phần từ nguyên của từ leitourgia). Từ Thánh Justin, từ tác phẩm Truyền Thống Tông đồ (Traditio Apostolica) của Thánh Hippolytus, và từ các nguồn khác vào thời kỳ đó, chúng ta có được một hình ảnh về Thánh lễ chắc chắn gần với hình ảnh Thánh lễ canh tân ngày nay hơn so với hình ảnh về Thánh lễ của các thế kỷ vừa qua. Điều gì đã xảy ra kể từ đó? Câu trả lời nằm trong một từ mà chúng ta không thể tránh khỏi: giáo quyền hóa! Không có lĩnh vực nào khác mà sự giáo quyền hóa rõ nét hơn là trong Phụng vụ.
Việc thờ phượng Kitô giáo, và đặc biệt là hy tế Thánh Thể, đã trải qua một sự chuyển đổi nhanh chóng từ hành động của dân chúng sang hành động của giáo sĩ, ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Trong nhiều thế kỷ, phần trọng tâm của Thánh lễ, được gọi là Canon - Kinh nguyện Thánh Thể hoặc Anaphora - Kinh tạ ơn của Giáo hội Đông phương, được linh mục đọc bằng tiếng Latinh với một giọng trầm, đằng sau bức màn hoặc bức tường (gần như một ngôi đền trong một ngôi đền!), khuất tầm nhìn và ngoài tầm nghe của mọi người. Vị chủ tế chỉ cất cao giọng khi đọc những lời cuối cùng của Kinh nguyện Thánh thể: “Per omnia saecula saeculorum,” (đến muôn thuở muôn đời) và mọi người đáp lại, “Amen!” với những gì họ đã không nghe, chứ đừng nói đến việc hiểu. Sự tiếp xúc duy nhất với Thánh Thể, được thông báo bằng tiếng chuông, là thời điểm nâng cao Mình Thánh.
Rõ ràng là có một sự trở lại với những gì đã diễn ra trong việc thờ phượng của Cựu ước. Vị Thượng tế bước vào gian Cực thánh (Sancta sanctorum), với bình hương và máu của các con vật bị sát tế, còn dân chúng thì đứng bên ngoài run rẩy, choáng ngợp trước cảm thức về sự thánh thiện, uy nghiêm và bất khả tiếp cận của Thiên Chúa. Tại đây, cảm thức về sự thánh thiêng rất mạnh mẽ, nhưng sau Đức Kitô đến, thì liệu cảm thức này có phải là điều đúng đắn và chân thực không? Đây là câu hỏi cốt yếu của chúng ta.
Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy: “Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm... Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Môsê phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy! (Xh 19,16-18; Đnl 9,19). Trái lại, anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Ðức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben” (Dt 12, 18-24). “Nhờ máu Ðức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.” (Dt 10, 19-20). Đức Kitô đã xuyên qua bức màn bước vào cung thánh và mở cho chúng ta một con đường mới (Dt 10, 20).
Sự thánh thiêng đã thay đổi cách thể hiện: không còn như một bí ẩn của sự uy nghiêm và quyền năng, mà như một khả năng ẩn giấu và đau khổ vô biên. Sau khi truyền phép, chủ tế đọc hoặc hát: “Đây là Mầu nhiệm đức tin!” Những người ở độ tuổi của tôi hẳn sẽ nhớ rằng một thời câu tung hô này được đưa vào giữa công thức truyền phép rượu: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu – đây là mầu nhiệm đức tin! - sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Như thể Giáo hội dừng lại giữa chừng câu chuyện, kinh ngạc về những gì mình đang đọc!
Tất nhiên, cuộc canh tân đã làm rất tốt khi chuyển câu tung hô này đến phần cuối lời truyền phép, nhưng chúng ta không được đánh mất cảm thức kinh ngạc ẩn chứa trong câu tung hô đó, và trên hết là phải hiểu lý do thực sự khiến chúng ta kinh ngạc là gì. Nó phải giống như những gì chúng ta đọc được trong các Bài Ca của Người tôi tớ đau khổ của Giavê: “Người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ. Ðiều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Ðức Chúa đã được tỏ cho ai?” (Is 52, 15-53,1).
Kinh sợ và run rẩy vẫn có một vị trí trong Tân ước, nhưng là sự kinh sợ và run rẩy trước sự khiêm nhường và tình yêu của Thiên Chúa, hơn là vì sự uy nghiêm của Ngài. Thánh Phanxicô Assisi là một trong những người đã trải qua cảm giác sâu sắc này. Trong một lá thư gửi cho anh em toàn Dòng, thánh nhân viết: “Nhân loại hãy run sợ, toàn vũ trụ hãy run sợ và thiên đàng hãy hân hoan khi ở trên bàn thờ, trong tay vị linh mục là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”.
Một lần nữa, run rẩy vì điều gì? Thánh nhân tiếp tục: “Ôi sự khiêm nhường siêu phàm! Ôi sự siêu phàm thẳm sâu, rằng Chúa của vũ trụ, Thiên Chúa và Con Thiên Chúa, đã hạ mình đến mức ẩn mình dưới hình thức nhỏ bé nhất của tấm bánh, vì phần rỗi của chúng ta! Hỡi anh em, hãy nhìn ngắm sự khiêm nhường của Thiên Chúa!”
Vấn đề duy nhất là đừng lãng phí cơ hội mới này mà Phụng vụ canh tân mang lại với những ứng biến tùy tiện và kỳ lạ, đồng thời duy trì sự trang nghiêm và chừng mực cần thiết ngay cả khi Thánh lễ được cử hành trong những tình huống và bối cảnh cụ thể.
Trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể trước đây và hiện tại, lời mời gọi ngay sau khi truyền phép là luôn tưởng nhớ: “Unde et memores…” – “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ …” Đó là lời đáp trả đối với mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!" Nhưng trên hết, chúng ta phải nhớ gì về Người? “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11, 26). Một lần nữa chúng ta hãy cố gắng vượt ra khỏi ngôn từ, hay đúng hơn, là mang lại cho ngôn từ một nội dung hiện sinh chứ không chỉ là một nghi thức. Chúng ta quay hãy trở lại thời điểm khi Chúa Giêsu công bố những lời đó, và cố gắng nắm bắt được trong những điều kiện nội tâm nào mà những lời “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!” này đã thốt ra từ miệng Đấng Cứu độ. Chúa Giêsu thấy rõ Người đang làm gì. Người đã nói về những điều này nhiều lần, nhưng như thể từ xa. Nhưng nay Giờ đã đến; thậm chí không còn thời gian để xoa dịu nỗi thống khổ. Những lời “Đây là chén máu Thầy” không còn chỗ cho sự nghi ngờ. Chúa Giêsu biết rằng trong vài giờ nữa, Người sẽ chết và là một cái chết khủng khiếp. “Qui pridie quam pateretur” – Hôm trước ngày chịu khổ hình…
Và điều gì xảy ra xung quanh Chúa Giêsu? Các tông đồ một lần nữa tìm cách tranh luận xem ai là người lớn nhất (Lc 22, 24-27), giống như kiểu anh em cãi nhau về tài sản thừa kế quanh giường bệnh của cha mình. Một người trong số họ, trong vài giờ nữa, sẽ bán Người với giá 30 đồng bạc – “In qua nocte tradebatur” – vào đêm Người bị phản bội!
Chính trong bối cảnh này, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích mà theo đó, Người cam kết sẽ ở lại với gia đình của mình cho đến tận thế. Người ta có thể tìm thấy ở đâu một mầu nhiệm “cao cả và cuốn hút” hơn thế? Liệu có điều gì trên trần gian có thể thánh thiêng hơn thế? Vào ngày mà Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta, dù chỉ trong chốc lát, nhìn vào tận đáy của vực thẳm yêu thương và đau khổ này, tôi tin rằng chúng ta sẽ không còn có thể sống như trước được nữa. Điều này giải thích tại sao Thánh Pio Pietrelcina dường như rất khó khăn trong Thánh lễ và thường không thể hoàn tất việc truyền phép.
Nhưng bây giờ chúng ta phải hoàn thành việc đọc lại Thánh lễ. Thánh lễ không chỉ bao gồm Kinh Nguyện Thánh Thể và việc Truyền phép mà còn có phần Phụng vụ Lời Chúa và Hiệp lễ. Chúng ta hiện có sẵn những phương tiện mà trước đây chúng ta không có, để nâng cao và biến Phụng vụ Lời Chúa thành cơ hội để trải nghiệm sự thánh thiêng. Nhờ những tiến bộ mà Giáo hội đã đạt được hiện nay trong nhiều lĩnh vực, chúng ta có cơ hội tiếp cận trực tiếp hơn với Lời Chúa. Lời Chúa có thể cộng hưởng với sự phong phú và mạnh mẽ hơn so với trước kia.
Phụng vụ hiện nay rất phong phú về Lời Chúa, được sắp xếp một cách khôn ngoan, theo trình tự của lịch sử cứu độ, trong một khuôn khổ các nghi thức thường quay trở lại tính tuyến tính và đơn giản của nguồn gốc. Chúng ta phải tận dụng những phương tiện này. Không gì có thể thấm nhập tâm hồn con người và làm cho họ cảm nhận được thực tại siêu việt của Thiên Chúa hơn là lời hằng sống của Thiên Chúa, được công bố với đức tin trong Phụng vụ, và chạm đến cuộc sống. Thánh Phaolô nói, đức tin phát sinh từ việc nghe lời Đức Kitô – Fides ex auditu (Rm 10, 17).
Nhiều lời của Chúa Giêsu, có khi vừa được nghe trong bài Tin Mừng trong ngày, trở lại vang vọng trong tâm hồn vào giây phút truyền phép, như thể những lời này được chính tác giả công bố lại một cách sống động và hiện diện thực sự trên bàn thờ. Tôi luôn nhớ khoảnh khắc mà, sau khi chú giải về những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “mà đây thì còn hơn ông Giona nữa, … mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa” (Mt 12, 41-42), đứng dậy sau khi bái gối sau lời truyền phép, tôi thốt lên trong lòng, với sự xác tín và đầy kinh ngạc: “Bây giờ ở đây còn hơn cả Salomon!”
Ngay cả bài đọc Cựu Ước, được chọn trong mối tương quan với bài Tin Mừng, cũng cho thấy những ý nghĩa và sáng tỏ mới. Thánh Augustinô nói, trong quá trình chuyển đổi từ hình ảnh sang hiện thực, tâm trí sáng lên như “một ngọn đuốc đang chuyển động”. Giống như với hai môn đệ làng Emmau, Chúa Giêsu tiếp tục giải thích cho chúng ta “những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27).
Và sau đó chúng ta có việc Hiệp Lễ. Làm sao để Phụng vụ có thể làm cho thời điểm này trở thành một cơ hội để trải nghiệm điều thánh thiêng, không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp độ cộng đoàn? Tôi sẽ nói, đó là thông qua sự thinh lặng! Có hai loại thinh lặng: một là sự thinh lặng mà chúng ta có thể gọi là thinh lặng khổ tu, và hai là thinh lặng thần bí. Một sự thinh lặng nhờ đó thụ tạo tìm cách vươn lên tới Thiên Chúa và một sự thinh lặng do Thiên Chúa khơi dậy để tiếp cận thụ tạo. Sự thinh lặng sau khi Rước lễ là một sự thinh lặng thần bí, giống như sự thinh lặng mà chúng ta thấy trong các cuộc thần hiện trong Cựu Ước. Sau khi rước lễ, chúng ta cần lặp lại với chính mình những lời của ngôn sứ Sôphônia (1, 7), “Hãy lặng thinh trước nhan Ðức Chúa là Chúa Thượng!” Nên có một vài khoảnh khắc, dù ngắn thôi, thinh lặng tuyệt đối sau khi rước lễ.
Truyền thống Công giáo cảm thấy cần phải kéo dài và dành nhiều thời gian hơn cho khoảnh khắc tiếp xúc cá nhân này với Chúa Giêsu Thánh Thể, và đã phát triển qua nhiều thế kỷ, nhất là bắt đầu từ thế kỷ XIII, việc sùng kính Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Đó không phải là một việc thờ phượng riêng biệt, tách rời và độc lập với Bí tích; mà là sự tiếp nối của việc “tưởng nhớ” Đức Kitô, các Mầu nhiệm và Lời của Người – một cách để nội tâm hoá mầu nhiệm mà chúng ta đã lãnh nhận. Chầu Thánh Thể là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy sự khiêm nhường và sự ẩn mình của Đức Kitô không làm cho chúng ta quên rằng chúng ta đang ở trước mặt “Đấng Chí Thánh”, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đã tạo dựng trời đất.
Nơi nào việc Chầu Thánh Thể được thực hành – bởi các giáo xứ, cá nhân và cộng đoàn – thì hoa trái của việc đạo đức này có thể được nhận ra, thậm chí liên hệ với việc truyền giáo. Một nhà thờ đầy tín hữu trong sự thinh lặng hoàn toàn suốt giờ chầu Chầu Thánh Thể, sẽ khiến bất cứ ai tình cờ bước vào phải thốt lên: “Chính Chúa đang hiện diện nơi đây!”. Tôi nhớ lời nhận xét của một người không Công giáo, vào cuối giờ chầu Thánh Thể thinh lặng, tại một nhà thờ giáo xứ lớn ở Hoa Kỳ, chật ních tín hữu: anh ấy nói với một người bạn rằng, “Bây giờ tôi hiểu điều những người Công giáo các bạn có ý gì khi nói về 'sự hiện diện thực sự'!”
Nếu có một lý do khiến tôi luyến tiếc khi chúng ta không còn dùng tiếng Latinh nữa, đó là vì điều này khiến một số bài thánh ca đã phục vụ nhiều thế hệ tín hữu thuộc mọi ngôn ngữ trong việc thể hiện lòng sùng kính sốt sáng trước Thánh Thể không còn được sử dụng nữa, chẳng hạn như bài: Adoro te devote, Ave verum, Panis angelicus. Hiện nay những bài hát này hầu như chỉ tồn tại nhờ âm nhạc mà các nghệ sĩ nổi tiếng đã viết trên những bản văn đó.
Chúng ta, “những đầy tớ của Ðức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cor 4, 1) và, theo những cách khác nhau, mọi tín hữu tham gia vào việc thờ phượng của Giáo hội, có thể cảm thấy choáng ngợp và bất lực trước một nhiệm vụ cao cả như vậy. Làm sao chúng ta có thể giúp mọi người cảm nghiệm được sự thánh thiêng và siêu nhiên trong Phụng vụ, trong khi chính mình luôn cảm nhận rất rõ sự nặng nề của xác thịt? Câu trả lời luôn giống nhau, “Bạn sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần!”, Đấng được định nghĩa là “Linh hồn của Giáo hội”, cũng là Linh hồn của Phụng vụ, là ánh sáng và sức mạnh nội tại của các Nghi thức.
Thật là một hồng ân mà cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II đã đặt epiclesis, tức là lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vào tâm điểm của Thánh lễ: trước hết là trên bánh và rượu, sau đó là trên toàn nhiệm thể của Giáo hội. Tôi rất kính trọng Kinh nguyện Thánh Thể I của Lễ quy Rôma, và tôi thích thỉnh thoảng dùng lại Kinh nguyện này, là Kinh nguyện được đọc trong ngày tôi thụ phong linh mục.
Tuy nhiên, tôi không thể không tiếc nuối về sự vắng mặt hoàn toàn của Chúa Thánh Thần trong Kinh nguyện Thánh Thể này. Thay vì lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần trong lời truyền phép hiện tại trên bánh và rượu, chúng ta tìm thấy trong đó công thức chung, “Lạy Cha,… chúng con khẩn khoản nài xin Cha thương nhận và ban phúc cho những của lễ hiến dâng…”.
Đây cũng là một hậu quả đáng buồn của cuộc luận chiến giữa phương Đông và phương Tây. Trong quá khứ, điều này khiến cho người Latinh chúng ta đóng khung vai trò của Chúa Thánh Thần để gán tất cả hiệu quả cho các lời truyền phép, và nó khiến người Hy Lạp đóng khung lời truyền phép để quy tất cả hiệu quả cho hành động của Chúa Thánh Thần. Như thể điều mầu nhiệm được thực hiện bằng một loại phản ứng hóa học có thể xác định được thời điểm chính xác.
Tuy nhiên, có một viên ngọc quý mà Lễ quy Rôma đã lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và việc canh tân phụng vụ đã duy trì và đưa vào tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể mới một cách đúng đắn; và đó chính là lời tán tụng cuối cùng: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Công thức này diễn tả một chân lý cơ bản mà Thánh Basil đã trình bày trong chuyên luận đầu tiên về Chúa Thánh Thần. Thánh nhân viết, ở bình diện hữu thể, nghĩa là sự xuất phát của các thụ tạo đến từ Thiên Chúa, mọi sự đều bắt đầu từ Chúa Cha, đi qua Chúa Con và đến với chúng ta trong Chúa Thánh Thần; trong trật tự tri thức, nghĩa là thứ tự các tạo vật trở về với Thiên Chúa, thì ngược lại, mọi sự bắt đầu với Chúa Thánh Thần, đi qua Chúa Con và trở về với Chúa Cha. Vì Phụng vụ là thời điểm tuyệt vời nhất của việc các thụ tạo trở về với Thiên Chúa, nên mọi sự trong Phụng vụ phải được bắt đầu và lấy động lực từ Chúa Thánh Thần.
Sách Lễ cổ có một loạt các lời nguyện mà linh mục phải đọc để chuẩn bị cho việc cử hành Thánh Lễ. Hiện nay chúng ta có thể chuẩn bị cho việc cử hành tốt hơn bằng một lời cầu nguyện ngắn gọn nhưng mãnh liệt nài xin Chúa Thánh Thần canh tân việc xức dầu tư tế của Người nơi chúng ta và đặt vào tâm hồn chúng ta cùng một động lực mà Người đã đặt vào trái tim Chúa Kitô để dâng chúng ta cho Chúa Cha như của lễ sống động và thơm tho. Thư gửi tín hữu Do Thái nói rằng Chúa Giêsu, “nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Ðức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9, 14). Chúng ta hãy cầu xin để những gì đã được thực hiện nơi Đấng là Đầu, cũng được thực hiện nơi chúng ta, những chi thể của Nhiệm Thể của Người.
Augustine, Confessions, VII, 10: “contremui amore et orrore”.
Ib. XI, 9: “et inhorresco et inardesco”.