Một cái nhìn về Philatô trong Tin Mừng Thứ Tư

Thứ ba - 26/04/2022 21:23  2288

MỘT CÁI NHÌN VỀ PHILATÔ TRONG TIN MỪNG THỨ TƯ

Lm. Gioakim Nguyễn Quốc Nam

Philatô là một nhân vật quan trọng, quyền lực nhưng không kém phần bi thương. Ông xuất hiện 21 lần trong Tin mừng Thứ Tư từ chương 18 câu 28 đến chương 19. Đây là phiên tòa xét xử Đức Giêsu. Trong giới hạn nội dung bài viết này, người viết không có chủ đích phân tích những nét thần học: về căn tính, về vương quốc Thiên Chúa mà Đức Giêsu mặc khải trong phiên tòa này, nhưng người viết chỉ muốn gói gọn trong nhân vật Philatô qua hai phần chính: Philatô là một nhân vật có thật trong lịch sử qua bút tích của sử gia Josephus và Philatô trong Tin mừng Thứ Tư nhân đọc bài viết về vấn đề này[1].

1. Lịch sử tính của nhân vật Philatô

Ông là tổng trấn thứ năm[2] của Judah, Samaria và Idume từ năm 26 tới năm 36 sau Công nguyên dưới thời hoàng đế Tiberius. Các nguồn liệu về cuộc đời của Philatô được tìm thấy nơi một tấm bia khắc chữ gọi là tấm đá Philatô.[3]

Bên cạnh đó, những bằng chứng từ sử gia Josephus cũng cho thấy tính lịch sử của nhân vật này. Khi Philatô đến Giêrusalem, ông mang theo những bức họa của hoàng đế Xêda và đem vào thành xem như những huy hiệu. Điều này đã làm dấy lên trong dân một sự bạo động vì đối với người Do Thái, không có chuyện tôn thờ một hình ảnh, tượng…nào khác ngoài một mình danh Đức Chúa. Những người dân kéo nhau đến gặp tổng trấn Philatô và xin ông gỡ bỏ những bức họa đó, nhưng ông không chịu. Thấy ông không chịu, dân đã phủ phục bất động dưới đất suốt năm ngày đêm. Sang ngày hôm sau, một cuộc đàn áp diễn ra. Philatô cho quân lính bao vây những người Do Thái, ông yêu cầu họ chấp nhận và bái quỳ đối với họa ảnh của  hoàng đế Xêda, nếu không họ sẽ bị chặt thành nhiều mảnh. Nhưng dân đã la lớn tiếng là họ thà chết chứ không phản bội lại lòng tin vào một Đức Chúa duy nhất va vô hình. Philatô rất đỗi ngạc nhiên về lòng tin của dân. Tiếp đó, Philatô lại gây ra một sự xáo trộn khác cũng không kém phần nghiêm trọng: ông sử dụng quỹ tiền thánh thiêng – gọi là Corban của dân để dùng cho mục đích riêng của mình. Dân lại nổi dậy. Nhưng Philatô đã cho đàn áp họ cách dã man, nhiều người bị thương, nhiều người chết đến nỗi dân đã đành phải im lặng[4].

Từ những dữ kiện đó, có thể khẳng định rằng Philatô là một nhân vật có thật trong lịch sử.

2. Philatô trong Tin mừng Thứ Tư

Trình thuật của Tin mừng Thứ Tư về phiên tòa tại dinh tổng trấn dài hơn so với trình thuật ở Nhất Lãm. Trong Tin mừng Thứ Tư, khi trình bày về phiên tòa xử án Đức Giêsu nơi dinh tổng trấn Philatô chúng ta thấy tác giả đã miêu tả sự lúng túng, lóng nga lóng ngóng của vị tổng trấn này. Phân cảnh chuyển biến liên tục từ trong dinh, ra ngoài dinh, rồi lại vào trong dinh, khiến cho người đọc cảm nhận rõ sự bối rối của Philatô như kiểu một cận thần khi phải đối diện với chủ tể của mình. Chúng ta nhận ra một điều: dường như các nhân vật chính: Đức Giêsu – Philatô và dân chúng thực sự không hiểu nhau. Dân chúng họ chỉ khăng khăng cố ép làm sao để Philatô kết án Đức Giêsu phải bị đóng đinh trên cây thập giá (cc. 19, 6-7.15.16). Trong ý nghĩ  của dân, họ không có khái niệm về một phiên tòa công bằng, đúng hơn, họ đang dùng sức ép của dư luận để đè bẹp công lý và công bằng. Còn với Philatô, có thể nói rằng ông đang lưỡng lự, ông không biết phải làm thế nào cho đúng, hay có thể nói ông đang đối mặt với “tính lưỡng hợp trong Gioan” (Johannine dualism): ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hay nói cách khác: tin hay không tin Đức Giêsu. Đức Giêsu là Sự Thật (alhqeia) vì Thiên Chúa là Sự Thật mà Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa và luôn hướng về Thiên Chúa. Còn thế gian (kosmos) thì đối nghịch với Sự Thật. Do đó, Philatô phải lựa chọn: hoặc tin vào Sự Thật hoặc tin vào thế gian? (18,37). Và ông đã băn khoăn: sự thật là gì? (Τί ἐστιν ἀλήθεια;;).

Nhưng Philatô không tìm được câu trả lời một cách minh nhiên. Và ông tiếp tục vòng luẩn quẩn. Ông gặp dân chúng một lần nữa và khẳng định: ông không hề tìm thấy một lý do nào để có thể kết án Đức Giêsu. Đọc tới đây, có lẽ chúng ta đã phải vỗ tay hoan hô Philatô vì rõ ràng ông đang đi theo đúng Sự Thật, dù ông chưa hề biết Sự Thật đó là gì, hay nói đúng hơn Sự Thật đó là ai. Nhưng ông đang hành động theo đúng lương tâm của một thẩm phán công bình chính trực. Thế nhưng sao ông không ngay lập tức phóng thích Đức Giêsu mà phải nại đến một tập tục: vào dịp lễ Vượt Qua, sẽ tha một người nào đó cho dân, người đó do dân chọn, hay cũng có thể do chính Philatô quyết định. Có thể có lập luận cho rằng ông đang kiếm cách tha Đức Giêsu, nhưng (với người viết,) người viết nghĩ hoàn toàn ngược lại: ông hỏi dân, nghĩa là ông để cho dân quyết định, mà ông hoàn toàn nhận thấy rõ dân cố tình ép chết Đức Giêsu, nhưng ông vẫn để họ quyết định. Và rồi họ yêu cầu tha Barabba (Barabba) một tên cướp (lhsths) thay vì tha người vô tội. Hơn nữa, tại sao Philatô lại không nói: vậy các ngươi có muốn ta tha Giêsu cho các người? mà ông lại nói: vậy các ngươi có muốn ta tha Vua Dân Do Thái cho các ngươi? (βούλεσθε οὖν ἀπολύσω ὑμῖν τὸν βασιλέα τῶν Ἰουδαίων;) Chúng ta hoàn toàn có thể suy đoán, có lẽ Philatô đang “cà khịa” hay đổ thêm dầu vào lửa chăng? Vì rõ ràng, dân Do Thái đang mong chờ một vị vua, một đấng Messia sẽ đến giải thoát họ theo nghĩa đen, khỏi ách đô hộ của Rôma – mà chính Philatô là đại diện? Phải chăng ông đang muốn đả kích niềm hi vọng của họ?

Vậy thì có thật sự Philatô muốn tha Đức Giêsu? Hay là ông đang muốn mượn cơ hội này để đả kích niềm tin, niềm hi vọng vào Đấng Messia của dân? Tin mừng không nói rõ điều đó, chúng ta chỉ biết một điều là Philatô dù có toàn quyền, nhưng đã nhượng bộ để dân đem Đức Giêsu đi đóng đinh. Chúng ta cũng có thể nói rằng ông sơ dân nổi loạn, nhưng có lẽ lý luận này không vững vì trong tay ông có quân đội – một quân đội hùng mạnh, thế nên dân nào dám nổi loạn? Barabba đã nổi loạn, đã bị bắt, và nếu không có Đức Giêsu – như con chiên chết thay thì liệu Barabba có còn sống sót?

Tiếp đến nơi Ga 19,1-3 khi Philatô đem Đức Giêsu đi đánh đòn, binh lính đã kết một vòng gai nhọn, đeo cho Người như một vương miện (στέφανον ἐξ ἀκανθῶν) và còn chế nhạo Người mà rằng: χαῖρε ὁ βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων (Kính chào vua dân Do Thái). Đến đây, có lẽ người viết có thể khẳng định lập luận của mình: rõ ràng Philatô và binh lính La Mã đang chế nhạo Đức Kitô đồng thời chế nhạo niềm tin vào Đấng Messia của người Do Thái. Nơi bản án treo trên cây thập giá, Philatô cũng viết: Ἰησοῦς ὁ Ναζωραῖος ὁ βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων (Giêsu Nazaret vua dân Do Thái) (19,19) như vậy niềm hi vọng của dân Do Thái về Đấng Messia chấm hết.

Ga 19,4-8: Philatô lại ra gặp dân, lần này ông mang theo Đức Giêsu với vương miện bằng gai và áo choàng màu đỏ (một hình tượng dành cho vua – nhưng ở đây không khác gì là một hàm ý sỉ nhục) và ông tuyên bố: đây là người (Ιδε, ὁ ἄνθρωπος)[5]. Rồi ông bắt dân tự đóng đinh Đức Giêsu – Vua Dân Do Thái, có thể hiểu: hãy tự giết chết cái ý nghĩ sẽ có một vị vua giải thoát các ngươi đi, quên chuyện đó đi. Nhưng dân chúng không chịu vì theo luật Rôma thì Thượng Hội đồng Do Thái không có quyền kết án tử bất kì ai. Hơn nữa, dân chúng thấy nếu xét về mặt chính trị, Philatô không có cớ gì để kết án tử Đức Giêsu vì có lẽ đối với Philatô, một anh chàng Giêsu này không thể uy hiếp gì tới địa vị của ông chăng? Thế là đám đông dưới sự kích động của các Thượng Tế, họ chuyển qua lý do tôn giáo: vì tự xưng mình là Con Thiên Chúa – một lối nói phạm thánh – mà theo luật Môsê (Lv 24,16) thì đây là tội chết.

Ga 19,9-16: Philatô nghe đến tước hiện Con Thiên Chúa (υἱὸν θεοῦ) (c. 7) thì hoảng sợ (c. 8) và ngay lập tức trở vào trong dinh để tìm hiểu về căn tính của Đức Giêsu từ đâu mà đến? Nhưng Đức Giêsu thinh lặng (c.10). Sự thinh lặng ở đây có thể ngầm hiểu: những gì Đức Giêsu nói nãy giờ về vương quốc của Ngài (18,36) về vương quyền của Ngài (18,37) về căn tính Ngài là Sự Thật (18,38) là đã quá đủ, không cần phải nói gì thêm. Có lẽ sự im lặng trước quyền bính, trước cái chết này quá đáng sợ, nó làm cho tâm trí Philatô ra sợ hãi và từ giờ phút này, ông thật sự tìm cách thả (apolusai) Đức Giêsu (19,12).

Ga 19,12-16: Đến đây, các Thượng tế thấy chiến lược chuyển từ cáo buộc chính trị sang tôn giáo đã gây tác dụng ngược, nên họ lập tức quay lại với chiến lược cáo buộc chính trị (c. 12b) “ai xưng mình là hoàng đế, người ấy chống lại Xêda” và nếu Philatô tha kẻ chống lại Xêda thì chắc chắn ông bay ghế. Câu này đã đánh vào điểm yếu nhất của Philatô: tham vọng quyền lực. Do đó, không có lý do gì mà ông lại chọn hi sinh quyền lực của mình. Thế là ông trao Đức Giêsu cho người Do Thái đem đi đóng đinh.

Kết thúc phiên tòa, các Thượng tế và phần đông dân chúng có vẻ như đã toàn thắng vì đã đạt được mục đích của mình đó là đóng đinh Đức Giêsu. Philatô bảo toàn được ngôi vị tổng trấn. Chỉ có Đức Giêsu thất bại – chịu đóng đinh – chịu chết khổ nhục.

Tóm lại, trong Tin mừng Thứ Tư, Philatô xuất hiện như một thẩm phán khá lúng túng, ông bị đặt giữa hai lựa chọn mang tính quyết định cho vận mệnh của mình: thế gian hay Sự Thật? địa vị hay Đức Giêsu? Và ông đã chọn thế gian và địa vị. Ông không hề yếu nhược và thiếu quyết đoán, trái lại ông mạnh mẽ như lời ông tuyên bố: ἐξουσίαν ἔχω ἀπολῦσαί σε καὶ ἐξουσίαν ἔχω σταυρῶσαί σε (Tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh) (19,10). Ông hoàn toàn có quyền tha Đức Giêsu cũng như ông hoàn toàn có đủ minh mẫn để nhận ra sự vô tội nơi Đức Giêsu nhưng ông vẫn nhắm mắt làm ngơ, cứ để cho một người vô tội chết đi để bảo toàn địa vị của mình.

Như thế, có thể chúng ta nhận ra bản thân của mỗi người chúng ta nơi Philatô: đứng trước những chọn lựa, đặc biệt những chọn lựa mang tính sống còn, những chọn lựa bắt buộc ta phải chọn giữa thế gian (quyền lực, địa vị, tiền tài…) là những thứ xem ra rất thực tế, và một bên là một Thiên Chúa vô hình, một Thiên Chúa có vẻ nhu không chắc chắn, một Thiên Chúa có vẻ như không “thực tế”. Đứng trước ngã ba đường đó, chắc chắn ta cũng sẽ rối lên như Philatô mà thôi, nhưng cái được thua ở đây là: tôi sẽ chọn ai? Tôi sẽ chọn điều gì? Tôi có khác Philatô không?

Bài học ngàn đời vẫn còn đó: Philatô -  ông vẫn đáng thương hơn đáng trách vì đã đưa ra một lựa chọn có thể nói là sai lầm.

 


[1] Christian Gers-Uphaus, “The Figure of Potius Pilate in Josephus Compared with Philo and the Gospel of John,” Religions 2020, 11(2): 65; https://doi.org/10.3390/rel11020065, truy cập 16/11/2021.

[2] Có tài liệu cho là tổng trấn thứ 6:  the sixth Roman procurator of Judah and Samaria who ordered Christ to be crucified (x. Biblework 10).

[3] “Bằng chứng vật chất duy nhất xác nhận sự tồn tại của Philatô là những dòng khắc chữ Latin được tìm thấy trên một tấm đá vôi liên quan tới việc Philatô cung hiến cho hoàng đế Tiberius. Tấm đá này thường được gọi là tấm đá Philatô, được một toán nhà khảo cổ dưới sự hướng dẫn của “Antonio Frova” phát hiện năm 1961, là một tấm đá được sử dụng lại ở cầu thang của một khán đài vòng lộ thiên tại thành phố Caesarea Maritima – thành phố cổ của Israel ở ven bờ Địa Trung Hải – xưa kia là trung tâm hành chính của đế quốc La Mã ở xứ Judea. Vị quan khâm mạng La Mã có trụ sở ở thành phố này, chỉ tới Jerusalem vào những dịp đặc biệt hoặc khi có sự bất ổn. Tấm đá là một mảnh vỡ có khắc chữ cung hiến của một tòa nhà – có lẽ là một ngôi đền – được xây dựng để vinh danh hoàng đế Tiberius, từ khoảng năm 26–36 sau Công nguyên. Lời cung hiến cho biết Phongxiô Philatô là tổng trấn xứ Judaea.” https://vi.wikipedia.org/wiki/Phongxi%C3%B4_Philat%C3%B4,truy cập 15/11/2021.

[4] X. Josephus, josephus/War/WE02 (biblical.ie), truy cập 15/11/2021.

[5] Kinh Thánh ấn bản 2011 của Nhóm CGKPV: hình như theo ý tổng trấn Philatô, thì cảnh tượng một người thảm não làm trò cười cho thiên hạ có đủ sức cho thấy: tham vọng làm vua của nhân vật này chỉ là hão huyền (chú giải d, trang 2394 – Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2011).
 

Thư mục

Brown, R. E. The Gospel According to John (XIII-XXI): Introduction, Translation, and Notes (New Haven: Yale University Press, 2008).

Gers-Uphaus, C. “The Figure of Potius Pilate in Josephus Compared with Philo and the Gospel of John.” Religions 2020, 11(2): 65; https://doi.org/10.3390/rel11020065

Josephus, josephus/War/WE02 (biblical.ie)

https://vi.wikipedia.org/wiki/Phongxi%C3%B4_Philat%C3%B4

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay37,467
  • Tháng hiện tại837,510
  • Tổng lượt truy cập56,534,057

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây