Chuyện đời - Chuyện đạo (37)
Thứ tư - 12/06/2024 00:18
106
CHUYỆN ĐỜI - CHUYỆN ĐẠO (37)
Chuyện đời:
Tại Việt Nam, ai cũng biết về loài chim yến, thường được mệnh danh là ‘thiên thần biển cả’. Chúng không dùng tới một cọng rơm hay chiếc lá nào để làm tổ, mà chim yến sưởi ấm cho con nó bằng chính khí huyết, thể xác của mình. Chúng nuôi con không phải bằng sâu, bọ, thóc, đậu, hay thịt thà các loài khác, mà bằng chính những gì quý giá chắt chiu từ cơ thể. Đó là một chất dãi màu trắng đục, được tiết ra từ tuyến hạch màu lam ở dưới hầu, mà dân gian thường gọi máu sữa, tâm dịch hoặc ngọc dịch. Khi tâm dịch bị khô, chim yến không khạc ra thêm được nữa, và lúc ấy nó bắt đầu thổ huyết mà người ta gọi là huyết nhũ.
Hơn nữa, chẳng có loài chim nào chăm nuôi con như yến; để chăm con, những chú chim yến bố mẹ ngậm lấy mỏ con cho con ăn, không khác gì người mẹ mớm cho con ăn suốt thời thơ ấu.
Chuyện đạo:
Trong một số nhà thờ, nơi gian cung thánh hay trước bàn thờ có chạm trổ hình con chim bồ nông mẹ đang truyền thức ăn cho chim con. Biểu tượng của chim bồ nông mẹ nuôi con có gốc tích theo truyền thuyết cổ xuất hiện thời tiền Ki-tô giáo. Theo truyền thuyết này, suốt mùa đói khát, chim bồ nông mẹ lấy mỏ tự mổ vào ngực để dùng máu mình mà nuôi các con. Tương tự, một truyền thuyết cổ xưa khác cũng kể rằng: chim bồ nông mẹ đã dùng máu mình để giúp các con đã chết được tái sinh, nhưng chính chim mẹ lại bị lìa đời. Vì vậy, thời các Ki-tô hữu sơ khai, chúng ta hiểu tại sao hình ảnh này lại được sử dụng để ám chỉ Chúa Giê-su. Chim bồ nông mẹ là biểu tượng Chúa Giê-su cứu độ đã hy sinh mạng sống mình cứu chuộc nhân loại. Con người chúng ta đáng bị chết trong tội, nhưng được cứu độ và vui hưởng sự sống mới qua Bửu huyết châu báu của Chúa Ki-tô.
Lm. Xuân Hy Vọng