Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II – Vị chủ chăn được nhiều người gặp gỡ nhất trong lịch sử

Thứ ba - 19/10/2021 09:46  1678
 
THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
 
Daniel Esparza
 
Vị thánh Giáo hoàng tại vị lâu thứ hai trong lịch sử Giáo hội này vẫn là một trong những nhà lãnh đạo thế giới công du nhiều nhất từ ​​trước đến nay, ngài đã viếng thăm 129 quốc gia trong triều giáo hoàng của mình.

Đức Innôcentê XII (1691–1700) là vị giáo hoàng cuối cùng để râu, Đức Clêmentê VIII (1592–1605) là vị đầu tiên thử cà phê, Đức Lêô X (1513–1521) là vị đầu tiên (và cuối cùng) nuôi một con voi do vua Manuel I của Bồ Đào Nha dâng tặng, Chân phước Piô XI (1922–1939) là vị đầu tiên sử dụng điện thoại di động (sớm nhất là vào năm 1932), và thánh Giáo hoàng Phaolô VI (1963–1978) (được xem là "vị Giáo hoàng hành hương") là vị chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, đầu tiên đi tông du bằng máy bay, cũng như ra khỏi nước Ý kể từ năm 1809, và đến thăm tất cả các châu lục. Nhưng thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vẫn giữ kỷ lục là vị giáo hoàng đã có nhiều chuyến đi mục vụ hơn tất cả các vị tiền nhiệm cộng lại, với gần 1.160.421 km, tương đương với 31 chuyến đi vòng quanh thế giới. Do đó, ngài đã được nhiều người tận mắt nhìn thấy hơn bất kỳ ai khác trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

Đức Gioan Phaolô II cũng là vị giáo hoàng tại vị lâu thứ hai trong lịch sử Giáo hội Công giáo, chỉ sau Chân phước Piô IX (1846–1878), làm giáo hoàng trong 32 năm. Triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II bắt đầu vào năm 1978 và kết thúc năm 2005 khi ngài mất – kéo dài 27 năm.

Sự nổi tiếng của ngài là điều không thể bàn cãi. Ngài được Tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của Năm 1994, và theo Viện thăm dò dư luận Gallup, đối với người Mỹ, ngài đứng thứ 8 trong số những người được ngưỡng mộ nhiều nhất trên thế giới. Vốn yêu thích bóng đá, ngài được tặng danh hiệu thành viên danh dự của các đội bóng FC Barcelona, ​​BV Borussia Dortmund, và Schalke – và cũng là thành viên danh dự của đội bóng rổ Harlem Globetrotter!

Các lần tiếp xúc chung với các tín hữu của Đức Gioan Phaolô II đã mở ra một tiền lệ cho các lần tông du của các vị giáo hoàng khác trong tương lai. Ngày nay, chúng ta thường thấy các giáo hoàng đi khắp thế giới, nhưng trong nhiều thế kỷ, một vị giáo hoàng đi ra ngoài Rôma là điều rất đặc biệt. Trong 500 năm đầu tiên của Kitô giáo, các giáo hoàng chỉ rời khỏi Rôma nếu bị bắt buộc – hầu hết là khi bị giới cầm quyền đế quốc lưu đày. Trên thực tế, lưu đày dường như là một quy luật trong những thời kỳ đầu của Kitô giáo. Theo các sách ngụy thư, thánh Giáo hoàng Clêmentê I (88–99) (vị Giáo hoàng thứ tư, liền sau thánh Phêrô, thánh Linô và thánh Anaclêtô) bị hoàng đế Trajanô lưu đày, và sau đó chịu tử đạo khi bị ném xuống Biển Đen vào khoảng năm 99. Thánh Giáo hoàng Pontianô (230–235) qua đời sau khi bị lưu đày một năm ở Sardinia. Thánh Giáo hoàng Cornêliô (251–253) cũng qua đời sau một năm lưu đày tại Civitavecchia (chỉ cách Rôma 80km). Thánh Giáo hoàng Liberô (352–366) bị hoàng đế Constantinô II đày đến Beroea. Và dĩ nhiên, không thể xem lưu đày là “du hành”.

Hãy khám phá 12 quan điểm dưới đây của thánh Gioan Phaolô II về tình yêu, gia đình và hôn nhân mà một số được phát biểu trong những chuyến viếng thăm mục vụ của ngài.



 
12 quan điểm của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
 
1. “Như vậy, đôi bạn là lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã xảy ra trên thập giá. Họ là nhân chứng cho nhau và cho con cái về ơn cứu độ mà bí tích [Hôn phối] đã làm cho họ được dự phần” (Tông huấn Familiaris Consortio, 13).
 
© Mondarte I CC BY-SA 4.0
 
2. “Cũng như các bí tích khác đều có mục đích thánh hoá con người, xây dựng Thân Thể Đức Kitô, và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa; bí tích Hôn phối tự nó cũng là một hành vi phụng tự để tôn vinh Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu và trong Hội Thánh” (Tông huấn Familiaris Consortio, 56).
 
© MARTIN ATHENSTAEDT / DPA / AFP
 
3. “Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị: tình yêu của chồng và vợ, của cha mẹ và con cái, của họ hàng . . . không có tình yêu, gia đình không phải là một cộng đồng các ngôi vị; thì cũng thế, không có tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và hoàn thiện chính mình xét như một cộng đồng các ngôi vị” (Tông huấn Familiaris Consortio, 18).
 
© Rob Croes (ANEFO) | CC BY 4.0

4. “Quyền chính đáng của một người là họ phải được đối xử như một đối tượng của tình yêu, chứ không phải là một đối tượng để sử dụng” (Love and Responsibility [Tình yêu và Trách nhiệm], xuất bản lần đầu vào năm 1960 bằng tiếng Ba Lan khi ngài còn là linh mục Karol Wojtyla).
© Public domain
 
5. “Để duy trì một gia đình hạnh phúc, điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ cả cha mẹ lẫn con cái. Mỗi thành viên trong gia đình, một cách đặc biệt, phải trở thành người phục vụ kẻ khác” (Bài giảng trong Thánh lễ tại Capital Mall, Washington, DC, ngày 7 tháng 10 năm 1979).
 
© Shutterstock
 
6. “Hôn nhân là một hành vi của ý chí biểu thị và liên quan đến một quà tặng giữa vợ chồng, kết hợp đôi bạn và cuối cùng gắn kết tâm hồn họ với nhau làm thành một gia đình duy nhất – một Hội Thánh tại gia” (Tình yêu và Trách nhiệm).
 
© STF | AFP
 
7. “Điều thực sự quan trọng trong cuộc sống là chúng ta được Chúa Giêsu yêu thương và chúng ta cũng yêu mến Ngài. So với tình yêu của Chúa Giêsu, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Và, nếu không có tình yêu của Ngài, mọi thứ đều vô ích” (Diễn văn trong chuyến viếng thăm mộ Thánh Gioan Neumann, ngày 4 tháng 10 năm 1979).
 
© GERARD JULIEN / AFP
 
8. “Khi gia đình được thăng tiến, thì đất nước và cả thế giới mà chúng ta đang sống cũng được thăng tiến” (Bài giảng tại Perth, Úc, ngày 30 tháng 11 năm 1986).
 
© Dennis Jarvis | Flickr CC BY-SA 2.0
 
9. “Không thể xây dựng tình yêu giữa người nam và người nữ nếu không có sự hy sinh và từ bỏ bản thân” (Tình yêu và Trách nhiệm).
 
© Shutterstock | travelview
 
10.  “Sự sống đã được giao phó cho con người như một kho báu không được phung phí, như một nén bạc phải làm cho sinh lời” (Thông điệp Evangelium Vitae, 52).
 
© WHITE HOUSE | DPA | dpa Picture-Alliance | AFP
 
11. “Giữa bất kỳ xã hội nào, mà người ta thần tượng hóa thú vui, sự thoải mái và độc lập, thì một mối nguy lớn cho cuộc sống gia đình nằm ở chỗ người ta đóng cửa trái tim mình và trở nên ích kỷ” (Bài giảng trong Thánh lễ tại Capital Mall, Washington, DC, ngày 7 tháng 10 năm 1979).
 
© GERARD JULIEN | AFP
 
12.  “Tình yêu đích thực . . . thì luôn đòi hỏi. Nhưng vẻ đẹp tình yêu lại nằm nơi chính những yêu cầu mà nó đưa ra. Chỉ những ai có thể nhân danh tình yêu để đòi hỏi bản thân thì mới có thể đòi hỏi tình yêu từ người khác” (Sứ điệp cho các bạn trẻ Cuba, ngày 12 tháng 01 năm 1998).
 
© POOL | AFP
Ban Học tập Sao Biển chuyển ngữ từ Aleteia.org (21/9/2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay22,962
  • Tháng hiện tại857,634
  • Tổng lượt truy cập56,554,181

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây