Đức Thánh cha chủ tọa buổi cầu nguyện hòa bình

Thứ sáu - 08/10/2021 22:41  604

Trong buổi cầu nguyện hòa bình, chiều ngày 07/10/2021 vừa qua, với các vị lãnh đạo tôn giáo, tại Hý trường Colosseo ở Roma, Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các tôn giáo bài trừ xu hướng cực đoan, và ngài kêu gọi các chính phủ hãy giảm bớt võ khí và gia tăng lương thực, vắcxin cho dân nghèo.

 
d
 

Buổi cầu nguyện kết thúc hai ngày gặp gỡ, do Cộng đồng thánh Egidio ở Roma tổ chức, với chủ đề là: “Các dân tộc anh em, trái đất tương lai. Các tôn giáo và văn hóa đối thoại với nhau” và tiến hành qua bốn diễn đàn về các đề tài khác nhau, trong đó, đại diện giới trẻ cũng lên tiếng. Đây là cuộc gặp gỡ thứ 35, theo tinh thần cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình do Đức Thánh cha Gioan Phaolô II triệu tập hồi tháng Mười năm 1986 tại Assisi.

Cuộc gặp gỡ cầu nguyện bắt đầu lúc 4 giờ 30, chiều thứ Năm, với sự hiện diện đặc biệt của Đức Thượng phụ Bartolomaios, vị đứng đầu Chính thống giáo, Đức Tổng Thượng phụ Karekin II của Giáo hội Arméni Tông truyền, Đại Imam Al Tayyeb người Ai Cập, thuộc Đền thờ và Đại học Al-Azhar, là thẩm quyền tinh thần cao nhất của 900 triệu tín hữu Hồi giáo Sunnit, cùng với nhiều lãnh đạo Kitô, Phật giáo, và các tôn giáo khác. Về phía các giới chức chính trị, đặc biệt có bà thủ tướng Đức, Angela Merkel.

Diễn từ của Đức Thánh cha

Lên tiếng vào cuối buổi gặp gỡ cầu nguyện, Đức Thánh cha khai triển hai điểm chính trong chủ đề: “Các dân tộc anh em” và “một trái đất tương lai”:

Đức Thánh cha nhắc đến Hý trường Colosseo, xưa kia là nơi diễn ra các cuộc giải trí tàn bạo, những cuộc đấu cho tới chết giữa người với người và người với ác thú, và nhận định rằng ngày nay chúng ta cũng chứng kiến bạo lực và chiến tranh, huynh đệ tương tàn như thể một trò chơi người ta nhìn từ xa xa, trong thái độ dửng dưng, như thể những điều ấy chẳng liên hệ gì tới mình. Ngài nói: “Không thể đùa giỡn với sinh mạng của các dân tộc và các trẻ em. Ta không thể dửng dưng. Trái lại, cần nhập cuộc với lòng cảm thương và nhìn nhận nhân tính chung của chúng ta, với những cơ cực, chiến đấu và giòn mỏng. Ngày nay, trong xã hội hoàn cầu hóa diễn ra đau khổ nhưng không cảm thương, chúng ta cần “kiến tạo cảm thương”. Cần cảm với tha nhân, coi đau khổ của họ là của mình, nhận ra khuôn mặt của họ”.

Đức Thánh cha cũng xác quyết rằng: “chính chiến tranh đang đùa giỡn với mạng sống con người. Đó là bạo lực, là thảm trạng và nạn buôn bán khí giới ngày càng thịnh hành, nó hoạt động trong bóng tối, được những dòng sông tiền bạc dồi dào nuôi dưỡng. Tôi muốn tái khẳng định rằng: “chiến tranh là một sự thất bại của chính trị và nhân loại, một sự đầu hàng ô nhục, một sự thất trận trước các thế lực của sự ác”. (Ft 261).

Trước tình trạng trên đây, Đức Thánh cha kêu gọi các đại diện tôn giáo “đừng chiều theo sự dua nịnh của cường quyền trần thế, nhưng hãy lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói, nâng đỡ người đau khổ, bênh vực người bị áp bức, các nạn nhân của oán ghét, họ bị con người gạt bỏ trên trái đất, nhưng quí giá trước Đấng ngự trên trời”.

Đức Thánh cha tái kêu gọi từ bỏ khí giới, giảm bớt chi phí quân sự để đáp ứng các nhu cầu của con người, biến các dụng cụ chết chóc thành những dụng cụ phục vụ sự sống.

Đức Thánh cha cũng nhấn mạnh rằng hòa bình mà nhân loại đang mong muốn ngày nay, gắn liền với một giấc mơ khác, đó là “trái đất tương lai”. Đó là dấn thân chăm sóc thiên nhiên, dấn thân cho căn nhà chung mà chúng ta sẽ để lại cho người trẻ. Các tôn giáo cần lắng nghe những tiếng kêu than của mẹ đất, đang bị bạo hành.

Lời kêu gọi chung

Buổi cầu nguyện hòa bình được tiếp nối với phần công bố lời kêu gọi hòa bình của các vị lãnh đạo tôn giáo, do cô Sabena Ahmadi, mới tị nạn từ Afghanistan đến Italia, tuyên đọc.

Các vị lãnh đạo tôn giáo nhận xét rằng: “Các dân tộc đang chịu đau khổ cũng đang chịu khổ đau với những người tị nạn vì chiến tranh và khủng hoảng môi trường, những người bị gạt bỏ, người yếu thế và vô phương tự vệ. Các phụ nữ thường bị xúc phạm và hạ nhục, trẻ em không có tuổi thơ, người già bị bỏ rơi. Trái lại, người nghèo, ngày nay thường vô hình, đang tham gia một cách đặc biệt vào cuộc hội họp của chúng ta: họ là những người đầu tiên đang kêu cầu hòa bình. Lắng nghe họ, để hiểu rõ hơn sự điên rồ của mọi xung đột và bạo lực.”

“Các tôn giáo có thể kiến tạo hòa bình và giáo dục về hòa bình. Các tôn giáo không thể bị sử dụng cho chiến tranh. Chỉ có hòa bình là thánh thiêng và không được lạm dụng danh Thiên Chúa để chúc lành cho khủng bố và bạo lực....

“Cần sớm mở lại tiến trình giải trừ võ trang, hiện nay đang bị kẹt. Cần chặn đứng việc buôn bán và sử dụng võ khí. Cần đẩy mạnh việc giải trừ võ khí hạt nhân. Sự lan tràn các võ khí hạt nhân là một đe dọa kinh khủng. Cần kiến tạo hòa bình. Hòa bình cũng là tôn trọng trái đất, thiên nhiên và các thụ tạo. Sự phá hủy môi trường là do sự kiêu hãnh của con người, tưởng mình là sở hữu chủ. Cái tôi chủ nhân ông trở thành cái tôi bóc lột, cướp bóc, sẵn sàng thống trị và gây chiến tranh” ...

Sau khi cô Ahmadi dứt lời, năm em bé đại diện năm châu đã trao văn bản lời kêu gọi cho các vị lãnh đạo tôn giáo.

Buổi cầu nguyện hòa bình kéo dài 1 giờ 15 phút và kết thúc lúc 5 giờ 45.

(Tổng hợp 7-10-2021)

G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập150
  • Máy chủ tìm kiếm45
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay11,495
  • Tháng hiện tại623,517
  • Tổng lượt truy cập46,307,553

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây