Lúc 5 giờ 30 chiều, Chúa nhật 6/6/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Năm ngoái, vì đại dịch, Đức Thánh cha không thể cử hành đại lễ với các tín hữu. Năm nay, tình trạng y tế đã sáng sủa hơn, nên ngài cử hành lễ này tại Đền thờ thánh Phêrô, nơi bàn thờ Ngai Tòa, phía đầu thánh đường nhưng không có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa sau lễ như thói quen.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có 25 hồng y, 22 giám mục và hàng chục linh mục khác thuộc kinh sĩ đoàn Đền thờ thánh Phêrô và các vị bề trên tiền Chủng viện thánh Piô X trên lãnh thổ Vatican, trước sự hiện diện của khoảng 200 tín hữu, tuân hành các biện pháp chống dịch: đeo khẩu trang và giữ sự giãn cách.
Bài giảng thánh lễ
Trong bài giảng, Đức Thánh cha đặc biệt diễn giải ý nghĩa ba hình ảnh được nhắc đến trong trình thuật Tin Mừng của thánh lễ:
Hai hình ảnh đầu tiên
Trước tiên, Chúa Giêsu sai môn đệ đi chuẩn bị nơi Ngài sẽ cử hành Bữa Tối Lễ Vượt Qua và họ gặp người cầm vò nước (Mc 14,13). Hình ảnh này chỉ nhân loại đang khát, tìm kiếm một nguồn nước để được giải khát và bồi dưỡng. Trong ý hướng đó, các Kitô hữu được mời gọi giúp nhân loại khao khát Chúa, thay vì miệt mài chạy theo những điều trần tục.
Hình ảnh thứ hai là “phòng trên nhà rộng rãi” (v.15), nơi Chúa cử hành Bữa Tiệc Ly, Lễ Vượt Qua, với các môn đệ: “một phòng lớn cho một miếng Bánh nhỏ. Thiên Chúa trở nên bé nhỏ như một miếng bánh và chính vì thế cần có một con tim rộng lớn để có thể nhận ra, thờ lạy và đón nhận Chúa. Nếu con tim chúng ta, thay vì là một phòng lớn, lại giống như một góc nhỏ trong nhà, nơi chúng ta nuối tiếc giữ những điều cũ kỹ... thì chúng ta sẽ không thể nhận ra sự hiện diện thầm lặng và khiêm tốn của Thiên Chúa. Cần một phòng lớn. Cần mở rộng con tim. Cần ra khỏi căn phòng chật hẹp cái tôi của mình để bước vào không gian lớn của sự kinh ngạc và thờ lạy”.
Và đặc biệt, Đức Thánh cha diễn giải hình ảnh Chúa Giêsu bẻ bánh trước khi rút ra những hệ luận cho đời sống của tín hữu.
Đức Thánh cha nói:
Ý nghĩa bẻ bánh
Bẻ bánh “là một cử chỉ Thánh Thể tuyệt hảo, một cử chỉ nói lên căn tính đức tin của chúng ta, là nơi gặp gỡ của chúng ta với Chúa, Đấng hiến mình để làm cho chúng ta được tái sinh vào một đời sống mới. Cả cử chỉ này cũng đảo lộn: cho đến bấy giờ người ta chỉ hiến tế các con chiên và dâng hy tế cho Thiên Chúa, nhưng nay chính Chúa Giêsu trở thành chiên và tự hiến tế để ban cho chúng ta sự sống. Trong Thánh Thể, chúng ta chiêm ngưỡng và thờ lạy Thiên Chúa Tình Thương. Chúa không bẻ gẫy một ai nhưng tự bẻ chính mình. Chính Chúa không đòi các lễ hy sinh nhưng Ngài hy sinh bản thân. Chúa không đòi hỏi gì nhưng Ngài ban mọi sự. Để cử hành và sống Thánh Thể, cả chúng ta cũng được kêu gọi sống tình yêu ấy. Vì bạn không thể bẻ Bánh Chúa nhật nếu tâm hồn bạn khép kín đối với tha nhân. Bạn không thể ăn Bánh này nếu bạn không cho người đói cơm bánh. Bạn không thể chia sẻ Bánh này nếu bạn không chia sẻ đau khổ của những người túng quẫn. Sau mọi sự, cả sau những đại lễ phụng vụ Thánh Thể của chúng ta, chỉ còn lại tình yêu. Và ngay từ bây giờ, các thánh lễ của chúng ta đang biến đổi thế giới theo mức độ chúng ta có để cho mình được biến đổi và trở thành bánh được bẻ ra cho tha nhân hay không”.
Ra đi mang Chúa cho tha nhân
Và Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Anh chị em, chúng ta “chuẩn bị bữa tối của Chúa” ngày hôm nay ở đâu? Cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, - một đặc điểm của lễ này, nhưng nay chúng ta chưa thể làm được - nhắc nhở cho chúng ta rằng chúng ta được mời gọi hãy đi ra ngoài mang Chúa Giêsu. Hăng hái ra ngoài để mang Chúa Kitô cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy trở thành một Giáo hội với một vò nước cần trong tay, thức tỉnh sự khao khát và mang nước. Chúng ta hãy mở toang tâm hồn trong tình yêu thương, để chúng ta trở thành căn phòng rộng rãi và hiếu khách, nơi mà tất cả có thể vào để gặp gỡ Chúa. Chúng ta hãy bẻ cuộc sống của mình trong sự cảm thông và liên đới, để thế giới thấy, qua chúng ta, sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa. Và khi ấy, Chúa sẽ đến, Ngài sẽ làm cho chúng ta lại ngạc nhiên, trở thành lương thực cho đời sống thế giới. Và chúng ta sẽ được no đủ mãi mãi, cho đến ngày, nơi bàn tiệc thiên quốc, chúng ta sẽ chiêm ngắm nhan thánh Chúa và hoan lạc vô tận.”
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Ngày 06.6.2021, Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa ĐTC PHANXICÔ: THÁNH THỂ KHÔNG PHẢI LÀ PHẦN THƯỞNG CỦA CÁC THÁNH, NHƯNG LÀ BÁNH CỦA TỘI NHÂN
Trưa Chúa Nhật 06/6, vào lúc 12 giờ trưa, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trước sự hiện diện của khoảng hơn 3.000 tín hữu tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn, quảng diễn Tin Mừng Thánh Máccô (Mc 14,12-16, 22-26). Sự vĩ đại của Thiên Chúa: bánh được bẻ ra và trao ban Đức Thánh Cha nói: “Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta Bữa Tiệc Ly. Lời nói và cử chỉ của Chúa đánh động tâm hồn chúng ta: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (c. 22). Như thế, với sự đơn giản, Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta một bí tích vĩ đại nhất. Cử chỉ của Chúa là một cử chỉ khiêm tốn của hồng ân, của sự chia sẻ. Vào giây phút quan trọng nhất của cuộc đời, Chúa không phân phát bánh cách dồi dào cho đám đông hết đói, nhưng tự bẻ mình ra trong bữa tối Vượt Qua với các môn đệ. Bằng cách này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy mục đích của cuộc sống là ở việc hiến dâng chính mình, điều lớn lao nhất là phục vụ. Và hôm nay, chúng ta thấy được sự vĩ đại của Thiên Chúa trong một tấm Bánh, trong sự yếu đuối nhưng tràn đầy tình yêu và chia sẻ”. Trong Thánh Thể, yếu đuối là sức mạnh Đức Thánh Cha nói, trong ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa ngài muốn nhấn mạnh đến sự yếu đuối. Bởi vì, Chúa Giêsu trở nên yếu đuối như bánh bị bẻ ra và vỡ vụn. Nhưng chính sức mạnh của Người ở trong hành động này. Trong Thánh Thể, yếu đuối là sức mạnh: sức mạnh của tình yêu trở nên nhỏ bé để được đón nhận và không sợ hãi; sức mạnh của tình yêu được bẻ ra và chia sẻ để nuôi dưỡng và ban tặng sự sống; sức mạnh của tình yêu được phân mảnh để làm làm cho chúng ta hiệp nhất. Sức mạnh của Thánh Thể: yêu thương người lầm lỗi Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm một điểm nổi bật của sức mạnh nơi Thánh Thể, đó là sức mạnh yêu thương những ai lầm lỗi. Điều này được thể hiện trong đêm Chúa bị phản bội. Thực vậy, trong đêm đó, Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta Bánh sự sống. Người ban tặng cho chúng ta món quà lớn nhất trong khi phải trải qua vực thẳm nơi tâm hồn: người môn đệ chấm chung một chén phản bội. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Trước sự phản bội này, phản ứng của Chúa như thế nào?” Ngài trả lời: Chúa đã đáp trả cái ác bằng điều tốt hơn. Cái "không" của Giuđa, Chúa đáp trả bằng "có" của lòng thương xót. Người không phạt kẻ có tội, nhưng hiến mạng sống cho người đó. Khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng làm như vậy với chúng ta: Chúa biết chúng ta là tội nhân và chúng ta phạm rất nhiều lỗi lầm, nhưng Chúa không từ bỏ kết hiệp cuộc sống của Người với cuộc sống chúng ta. Chúa biết chúng ta cần Người, vì Thánh Thể không phải là phần thưởng của các thánh, nhưng là Bánh của tội nhân. Đây là lý do tại sao Chúa khuyến khích chúng tôi: "Anh em hãy cầm lấy và ăn". Thánh Thể làm cho yếu đuối có một ý nghĩa mới Tới đây, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người ý thức rằng, mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bánh Sự Sống, Chúa Giêsu đến để làm cho sự yếu đuối của chúng ta có một ý nghĩa mới, nhắc nhở chúng ta rằng trong mắt Người, chúng ta quý giá hơn những gì chúng ta nghĩ, lặp lại với chúng ta rằng lòng thương xót của Người không sợ những đau khổ của chúng ta. Và trên hết, Chúa chữa lành chúng ta bằng tình yêu thương từ những yếu đuối, làm chúng ta khép kín cõi lòng. Thánh Thể là phương dược hữu hiệu chống lại những khép kín này. Thật vậy, Bánh Sự Sống chữa lành những cứng nhắc và làm cho chúng ta trở nên ngoan ngùy. Thánh Thể làm cho chúng ta có khả năng bẻ ra và hiến thân cho anh chị em, cho chúng ta can đảm để thoát ra khỏi chính mình và cúi xuống với tình yêu thương trước yếu đuối của người khác. Như Chúa làm với chúng ta. Luận lý của Thánh Thể là: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, Đấng yêu thương và chữa lành những yếu đuối của chúng ta, để chúng ta cũng yêu thương người khác và giúp đỡ họ khi họ yếu đuối. Xin Đức Trinh Nữ, trong Mẹ, Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, giúp chúng ta biết đón nhận hồng ân Thánh Thể với lòng biết ơn và để cuộc đời chúng con trở nên một hồng ân. ……… Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói ngài đau buồn về tin gây sốc liên quan đến việc phát hiện hài cốt của 215 em học sinh của trường Nội trú Kamloops Indian ở British Columbia của Canada. Ngài bày tỏ sự hiệp nhất với các Giám mục và toàn thể Giáo hội Canada, trong sự gần gũi với người dân bị tổn thương do tin đau buồn này, và mong quyền bính chính trị và tôn giáo tiếp tục cộng tác, để làm sáng tỏ sự kiện đau buồn này và khiêm tốn dấn thân cho con đường hòa giải và chữa lành. Trước khi chào và chúc mọi người một Chúa Nhật an bình, Đức Thánh Cha nhắc mọi người vào thứ Ba 08/6 vào lúc 13 giờ, Phong trào Công giáo Tiến hành mời mọi người theo truyền thống tôn giáo, dành một phút cầu nguyện cho hòa bình. Trong dịp này, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện đặc biệt cho Myanmar