Tuổi trẻ của Đức Giêsu soi sáng cho người trẻ hôm nay theo Tông Huấn "Christus Vivit" (Chương 1 và 2) - Lm Inhaxiô Hồ Thông

Thứ hai - 08/06/2020 23:00  1273
THƯỜNG HUẤN LINH MỤC
GIÁO PHẬN NHA TRANG

- 5/2020-

TUỔI TRẺ CỦA ĐỨC GIÊSU SOI SÁNG CHO NGƯỜI TRẺ HÔM NAY THEO TÔNG HUẤN“CHRISTUS VIVIT” (ch. 1-2)
Lm Inhaxiô Hồ Thông
 
Trước khi tìm hiểu Tông huấn này, chúng ta nên lưu ý hai điểm nhấn rất quan trọng: Trước hết, đây là Tông huấn đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội dành riêng cho người trẻ, nhưng không từ quan điểm của Giáo Hội về người trẻ (“Giáo Hội nghĩ gì về người trẻ”), mà từ quan điểm của người trẻ về Giáo Hội (“người trẻ nghĩ gì về Giáo Hội”) dựa trên những tâm thư của người trẻ khắp nơi gởi về Thượng Hội Đồng. Thứ nữa, Tông huấn với nhan đề “Christus vivit” quy chiếu về Đức Giêsu (“quy Kitô”), Đấng không chỉ đang sống, nhưng còn đang nói và đang hành động trong Lời Ngài, trong Phụng Vụ thánh và trong lịch sử của nhân loại qua những dấu chỉ của thời đại. Chỉ trong Ngài, bởi Ngài và với Ngài mà Giáo Hội sống và điều chỉnh cuộc sống của mình mà tiến bước trong lịch sử nhân loại.
Vì thế, đối với những ai hiện đang ở độ tuổi thanh xuân, lứa tuổi tràn đầy sức sống, ôm ấp những mơ ước và muốn thực hiện những lý tưởng cao đẹp của mình, qua Tông huấn này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi hãy mở lòng ra với Chúa Kitô: “Ngài là niềm hy vọng của chúng ta, và Ngài đã mang sức trẻ vào thế giới một cách tuyệt vời. Tất cả những gì Ngài chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, tràn đầy sức sống” (số 1). Đồng thời, đối với những ai mất đi bầu nhiệt huyết tuổi trẻ của mình, Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng: “Chúa hằng kêu gọi, chờ đợi các con quay về với Ngài, và bắt đầu lại một cuộc hành trình mới. Khi các con cảm thấy mình bị già đi vì những nỗi buồn, oán giận hay sợ hãi, nghi ngờ hay thất bại, thì Ngài vẫn luôn hiện diện để phục hồi sinh lực và củng cố niềm hy vọng của các con” (số 2).
Tại sao chúng ta, những linh mục, phải học hỏi Tông huấn dành cho người trẻ này? Trong công việc mục vụ, Tông huấn này nhắc nhở mỗi người chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến người trẻ, thành phần sống động trong cộng đoàn dân Chúa, để hiểu biết họ, đồng hành với họ, thúc đẩy họ thực hiện những ước mơ cao đẹp của mình và nhất là mời gọi họ dự phần tích cực vào những sinh hoạt cộng đoàn để làm cho Giáo Hội trở nên trẻ trung tràn đầy sức sống.
Thực tế, Tông huấn này xuất phát từ Thượng Hội Đồng năm 2018 với tên gọi chính xác của nó: “Người Trẻ và Ơn Gọi”, vì thế Tông huấn này không đơn thuần ngỏ lời với người trẻ chung chung, nhưng còn với người trẻ được giao phó cho chúng ta để đào tạo họ trở thành “những mục tử như lòng Chúa mong ước”. Ngoài ra, trong cộng đoàn linh mục của chúng ta, có rất nhiều linh mục trẻ. Nếu người trẻ được kêu mời làm cho Giáo Hội trở nên trẻ trung, thì các linh mục trẻ phải được kêu mời hơn thế nữa.
Đồng thời, Tông huấn nầy nhắc nhở mỗi người chúng ta: “Tuổi trẻ không đơn giản chỉ là một giai đoạn cuộc đời; nó còn là một tình trạng của tâm hồn” (số 34), vì thế chưa hẳn là linh mục trẻ tuổi tự nhiên có tâm hồn trẻ trung, chưa hẳn là linh mục lớn tuổi tự nhiên có tâm hồn già cỗi. Nhận ra chính mình rất quan trọng vì cách hành xử của chúng ta, những người thuộc thành phần lãnh đạo dân Chúa, có thể làm cho Giáo Hội trở nên tươi trẻ hay kiềm hãm Giáo Hội trong nếp gấp suy nghĩ già nua của mình. Vì thế, Tông huấn này mời gọi mỗi người không ngừng quy chiếu về Đức Giêsu Phục Sinh, “Ngài là sức trẻ đích thật của một thế giới đang già cỗi, là sức trẻ của hoàn vũ đang chờ đợi trong ‘rên siết và quằn quại như sắp sinh con’, để được mặc lấy ánh sáng và sống cuộc sống của Ngài” (số 32).
Trong việc tìm hiểu Tông huấn“Christus vivit”, con được phân công trình bày chương 1và chương 2. Trong bài chia sẻ này, con không trình bày hay tóm tắt những gì con đã đọc được, nhưng những gì con đã hiểu được, đúng hơn Tông huấn như bản văn gợi mở dẫn con đi sâu vào những lời khẩn thiết mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhắn gởi cho mỗi người chúng ta.
I- LỜI CHÚA NÓI GÌ VỀ NGƯỜI TRẺ (ch. 1)?
Đức Thánh Cha dành trọn chương 1, chương mở đầu Tông huấn, cho Lời Chúa để biết rằng Thiên Chúa đã nói và hành động với người trẻ trong lịch sử Cứu độ như thế nào, thì Ngài vẫn đang nói và hành động với người trẻ trong thế giới ngày nay cũng như vậy. Đức Thánh Cha nhận định:“Trong một thời đại mà người trẻ không được đánh giá cao thì trong một số bản văn Thiên Chúa có một cái nhìn khác” (số 6). Để minh chứng điều này, Đức Thánh Cha điểm qua những gương mặt trẻ, nam cũng như nữ, với những cá tính khác nhau, những phản ứng khác nhau trước tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng mỗi người đóng một vai trò quan trọng vào những thời điểm khác nhau trong dòng lịch sử Cứu độ đầy biến động. Nhờ những khác biệt của họ, lịch sử Cứu độ được điểm tô với nhiều sắc màu sinh động.
1- NHỮNG NGƯỜI TRẺ TRONG CỰU ƯỚC
1.1- GIUSE
Vào thời các tổ phụ, chàng trai trẻ Giuse, người con nhỏ nhất trong gia đình, ôm ấp những ước mơ vĩ đại. Các anh của cậu chế giễu cậu là kẻ mơ mộng và tìm cách ngăn cản ước mơ của cậu bằng cách bán cậu sang Ai cập. Nhưng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, những ước mơ của cậu đã thành hiện thực. Các anh nhìn sự việc trên quan điểm phàm nhân: “Không khéo Giuse còn hận chúng ta và trả lại cho chúng ta tất cả điều ác chúng ta đã gây ra cho nó!” (St 50,15); còn Giuse thì xem xét sự việc trên quan điểm Thiên Chúa: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50,19-20). Với sự tự do, con người có thể vâng theo hay phá hoại kế hoạch tốt lành của Ngài. Nhưng Thiên Chúa nương theo những hành động gian ác của phàm nhân để thực hiện ý định của mình một cách thật tài tình. Ngài chuyển hóa sự gian ác của con người thành lợi ích phục vụ kế hoạch cứu độ của Ngài. Kế hoạch cứu độ của Ngài được thành tựu bất chấp những hành động gian ác của con người. Thiên Chúa thường vẻ đường thẳng trên những đường cong.
1.2- GHÍT ÔN
Vào thời Thủ Lãnh, Thiên Chúa đã chọn chàng trai trẻ Ghít ôn, một người nhỏ nhất trong gia đình, thuộc dòng họ thấp kém nhất trong chi tộc Mơnase (Tl 6,15) để cứu dân Ngài trong hoàn cảnh dân Ítraen bị quân Mađian áp bức rất khổ sở. Với cá tính cương trực, cậu đã thẳng thắn trả lời pha lẫn nỗi hờn dỗi: “Ôi, thưa Ngài, nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao chúng tôi đến nông nỗi này?”. Nhưng Thiên Chúa không tranh cãi với cậu. Ngài đã có kế hoạch của Ngài, trong đó cậu có vai trò của mình. Khi đúng thời đúng buổi, Ngài sai cậu: “Hãy mạnh bạo lên đường cứu Ítraen khỏi tay quân Mađian. Không phải chính Ta sai ngươi sao?” (Tl 6,14).
1.3- SAMUEN
Vào thời hừng đông quân chủ, Thiên Chúa gọi trẻ Samuen, một thiếu niên chưa có kinh nghiệm với Thiên Chúa, làm ngôn sứ của Ngài. Nhờ hướng dẫn của tư tế Êli, một vị thầy từng trải, trẻ Samuen đáp trả: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1Sm 3,10). Câu chuyện về ơn gọi của Samuen kết thúc như sau: “Samuen lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (1Sm 3,19-20).
1.4- SAUN, ĐAVÍT, SALÔMÔN, GIÊRÊMIA
Vào thời quân chủ, chàng trai trẻ Saun không nghĩ gì xa xôi chỉ mong tìm lại một con lừa bị thất lạc, nhưng cậu không ngờ Thiên Chúa đã chọn cậu làm vua tiên khởi của dân Ítraen. Trong số các anh của mình, Đavít chỉ là một cậu bé chăn chiên, nhưng Thiên Chúa đã chọn cậu làm mục tử chăm lo cho dân Ngài vì “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16,7), Từ đó, Đức Thánh Cha nhận xét: “Bởi lẽ, hào quang của tuổi trẻ hằng ở trong tim, hơn là sức mạnh thể lý hoặc ấn tượng bên ngoài với người chung quanh” (số 9). Khi kế nghiệp vua cha là Đavít, Salômôn cảm thấy một trọng trách vượt quá tuổi đời và khả năng của mình, nên đã cầu xin với Chúa: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế” (1V 3,9). Trong lời nguyện xin này, hai điều làm Thiên Chúa hài lòng: Salômôn không gọi dân Ítraen là dân của mình, nhưng là dân của Chúa, một dân mà vua phải tôn trọng. Vì thế, Salômôn cầu xin cho mình biết lắng nghe để phân định đúng sai, phải trái, thiện ác ngõ hầu có thể phân xử dân của Thiên Chúa theo lẽ công minh chính trực.
Giêrêmia là một tư tế trẻ được Thiên Chúa gọi để đánh thức dân tộc của mình trong thời kỳ đầy biến động dưới sự đe dọa xâm lăng của đế quốc Babylon. Ông vốn bản tính hiền hòa, thích sống đời bình dị, không muốn làm mất lòng bất kỳ ai. Ấy vậy, sứ điệp của Thiên Chúa mà ông có sứ mạng truyền đạt ngược với những kỳ vọng của vua chúa, các tư tế và dân chúng khiến ông suốt ngày trở nên trò cười cho thiên hạ nhạo báng và là kẻ thù của nhiều người. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, ông vẫn một mực trung thành với sứ mạng đã được ủy thác cho ông. Những lời trần tình trong sách Giêrêmia thắp sáng nhân cách của vị ngôn sứ này, trong đó ông thổ lộ những ý nghĩ sâu kín trong lòng, những khó khăn và đôi khi những nỗi chán chường thất vọng, nhưng tấm lòng kiên trung tín thác của ông vào sứ điệp của Chúa vẫn luôn rực sáng. Cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia được Đức Thánh Cha cô động như sau: “Nhiệt thành của ngôn sứ Giêrêmia trong sứ vụ, cho thấy điều có thể xảy đến khi khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ được kết hợp với sức mạnh của Thiên Chúa” (số 10). 
1.5- CÔ BÉ GIÚP VIỆC NHÀ ÔNG NAAMAN VÀ CÔ RÚT
Để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài, Thiên Chúa không chỉ chọn những chàng trai trẻ, nhưng còn những cô gái trẻ vô danh tiểu tốt. Một hầu gái Do thái giúp việc cho nhà ông Naaman, tướng chỉ huy quân đội của vua Aram, bị bệnh phong hủi . Cô đã can đảm thổ lộ niềm tin của dân tộc mình khi mách bảo với bà chủ: “Ôi, phải chi ông chủ con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Samari, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phong hủi!” (2V 5,3). Nhờ đó, ông Naaman có cơ hội gặp ngôn sứ Êlisa và được chữa lành. Có lẽ ông Naaman là viên chức cao cấp đầu tiên của dân Aram tôn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ítraen như lời ông nói với ngôn sứ Êlisa: “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa” (2V 5,17).
Cô Rút gốc lương dân làm dâu gia đình Do thái. Chồng mất sớm, nhưng cô vẫn chu toàn bổn phận dâu hiền con thảo với mẹ chồng đáng thương của mình khi nói với mẹ chồng những lời trọn tình chí nghĩa  như sau:“Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (R 1,16). Chính vì đức hạnh tuyệt vời của cô mà Thiên Chúa đã chọn cô làm bà cụ tổ của vua Đavít vĩ đại.
1.6- MÔSÊ
Khi nói đến những người trẻ được Thiên Chúa đích thân gọi đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Cứu độ Cựu Ước, chúng ta không thể bỏ qua nhân vật Môsê. Vị lãnh tụ tương lai của dân Ítraen chào đời vào thời kỳ Pharaô bách hại dân Ítraen khắc nghiệt nhất. Thiên Chúa âm thầm hành động qua ba người phụ nữ: mẹ ông, chị ông và thậm chí cả công chúa con vua Pharaô, để cứu sống con trẻ được dấu trong lùm sậy bên bờ sông Nin.
Trong quan phòng của Thiên Chúa, vào thời thơ ấu, Môsê được nuôi dưỡng niềm tin của dân tộc mình và tình yêu dành cho dân tộc mình qua người mẹ ruột Do thái. Vào thời niên thiếu, Môsê được hưởng một nền giáo dục tuyệt hảo của một hoàng tử trong cung vua qua người mẹ nuôi là công chúa con vua Pharaô. Khi trưởng thành, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Môsê ôm ấp một lý tưởng cao đẹp là giải thoát dân tộc mình. Nhưng thất bại, cậu phải trốn chạy vào hoang địa và lý tưởng của mình cũng tàn lụi theo. Chính vào lúc, Thiên Chúa đã gặp cậu và ủy thác cho cậu sứ mạng giải thoát dân tộc mình. Chính từ kinh nghiệm thất bại của mình, cậu học được một bài học quý giá: để có thể giải thoát dân mình, lòng nhiệt thành và lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ chưa đủ, cậu cần phải nương tựa vào quyền năng của Thiên Chúa, bám víu vào Ngài. Thư gởi tín hữu Do thái đã cô động cuộc đời của Môsê: “Nhờ đức tin… ông vững vàng không nao núng, như thể xem thấy Đấng vô hình” (Dt 11,27).
2- NHỮNG NGƯỜI TRẺ TRONG TÂN ƯỚC
2.1- Người con thứ hoang đàng và người con trưởng bất khoan dung
Trong Tân Ước, Đức Thánh Cha trưng dẫn hai người con, người con thứ và người trưởng, trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15,11-32). Người con thứ khao khát cuộc sống độc lập, ước mơ một chân trời mới, nên từ giả nhà cha mà ra đi. “Tuy nhiên, ước mơ tự lập ấy lại biến thành lối sống phóng đãng và phung phí” (số 12). Điều gì khiến cậu chỗi dậy trở về nhà cha? Dù ở đất khách quê người, nhưng trong tâm trí của cậu không bao giờ vắng bóng người cha nhân hậu. Chính động lực này đã thôi thúc cậu cất bước trở về, vì“trái tim người trẻ, một cách tự nhiên, sẵn sàng thay đổi, đứng dậy, trở về, và rút ra bài học từ cuộc sống” (số 12).
Còn người con trưởng, dù sống bên cạnh cha hằng ngày, nhưng thật ra cậu cư xử với cha mình không như tấm lòng của người con mà là một người đầy tớ chu toàn bổn phận với ông chủ. Vì thế, cậu không thể hiểu tấm lòng của cha cậu khi ông mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận đứa con của ông cũng là đứa em hoang đàng của cậu trở về. Đức Thánh Cha nhận xét rằng người con trưởng là “một người trẻ nhưng có trái tim già cỗi, vìtự coi mình tốt lành, nhưng thiếu yêu thương và lòng thương xót” (số 12).
Từ những nhận xét trên, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Đức Giêsu không ủng hộ người lớn có thái độ khinh thường người trẻ hoặc áp chế họ”,vì đối với Đức Giêsu, “tuổi tác không tạo ra những đặc quyền, và nhỏ tuổi hơn không đồng nghĩa với việc có giá trị và nhân phẩm thấp hơn” (số 14). Vì thế, Đức Thánh Cha khuyên: “Là người trẻ không chán nản, nhưng biết ước mơ những điều vĩ đại, để tìm kiếm những chân trời rộng mở, hướng đến những mục đích cao hơn, dám chấp nhận những thử thách và cống hiến đời mình cho những điều tốt đẹp” (số 14). Đức Thánh Cha nhắc nhở người trẻ: “Chớ gì đừng để ai coi thường con vì con còn trẻ!” (số 15). Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng khuyên người trẻ biết học hỏi với những bậc cao niên vì những kho tàng kinh nghiệm phong phú của họ. Để là một người trẻ khôn ngoan, phải “biết mở lòng ra hướng đến tương lai, nhưng đồng thời vẫn có khả năng học hỏi từ kinh nghiệm của người khác” (số 16).
2.2- Đức Giêsu và chàng trai trẻ muốn được nên hoàn thiện
Tiếp đó, Đức Thánh Cha nhắc lại câu chuyện của một chàng thanh niên tuân giữ mọi lề luật của Chúa từ thuở nhỏ (Mc 10, 20), nhưng không hài lòng với cuộc sống hiện nay của mình, mơ ước điều gì lớn lao hơn khi hỏi Đức Giêsu: “Tôi còn thiếu điều gì nữa không?” (Mt 19,20). Vì thế, Đức Giêsu đề nghị: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo…  Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Đức Thánh Cha nhận định: “anh không thể từ bỏ những thứ mà mình đang sở hữu” và kết luận: “Anh đã để thời gian cướp đi những ước mơ tuổi trẻ của mình; anh chọn níu giữ những của cải trần thế” (số 17). Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ: “Chúng ta không bao giờ hối hận vì đã sử dụng tuổi trẻ của mình cho những lý tưởng cao đẹp, mở ra với Thiên Chúa và dám sống khác biệt” (số 17).

2.3- Mười cô trinh nữ chuẩn bị đón chàng rể
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại dụ ngôn mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13), trong đó năm cô khôn ngoan để hết tâm trí của mình vào việc chuẩn bị đón chàng rể, còn năm cô khờ dại thì mặc kệ tới đâu hay tới đó. Từ đó, Đức Thánh Cha đưa ra cho người trẻ một sự chọn lựa: hoặc như năm cô trinh nữ khờ dại, “chúng ta tự chuốc lấy một tương lai nghèo nàn và đơn điệu vì thiếu khả năng xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa, trải nghiệm những giá trị sâu sắc trong cuộc sống”  hay như năm cô trinh nữ khôn ngoan, chúng ta “dành tuổi trẻ của mình cho lý tưởng cao đẹp, và do đó xây dựng một tương lai đầy sức sống dồi dào nơi tâm hồn” (số 19).  
Để kết thúc chương 1 này, Đức Thánh Cha nhắn gởi người trẻ: “Nếu các con đã lỡ đánh mất sức sống nội tại, ước mơ, nhiệt huyết, sự độ lượng và tinh thần lạc quan của chính mình” (số 20), thì hãy biết rằng Đức Giêsu Phục Sinh luôn luôn chờ đợi phục hồi bầu nhiệt huyết tuổi trẻ của các con như xưa kia Ngài đã nói với đứa con duy nhất của bà góa thành Nain (Lc 7,11-17): “Này Con, Ta truyền cho con, hãy chỗi dậy” (số 20).
II-ĐỨC GIÊSU TRẺ MÃI (ch. 2)
1-NGƯỜI TRẺ VỚI CHÚA KITÔ
Đức Thánh Cha nhắc lại câu chuyện về cuộc hành hương của Đức Giêsu năm mười hai tuổi lên Đền Thờ Giêrusalem (Lc 2,41-50). Đây là câu chuyện quan trọng vì nó lấp đầy một khoảng trống giữa thời kỳ Hài Nhi Giêsu trở về nguyên quán Nadarét sau khi lánh nạn sang Ai cập (Mt 2,19-23) và thời kỳ Đức Giêsu khai mạc sứ vụ công khai của mình khi chịu phép rửa bởi thánh Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan.
Trong câu chuyện này, thánh Luca mô tả đoàn hành hương trong đó gia đình của thánh Giuse và Đức Maria là một thành phần, và trong đó Đức Giêsu được mô tả là một thiếu niên không lãnh đạm, không khép kín: “Không ai coi Người là khác thường hoặc dị biệt” (số 28). Đức Thánh Cha nêu lên lý do tại sao Đức Giêsu lớn lên trong mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha và sống trọn vẹn cho gia đình và dân của mình (số 30) “Vì được cha mẹ tin tưởng nên Chúa Giêsu mới có thể đi lại tự do và lên đường cùng với những người khác” (số 29).
Thời niên thiếu của Đức Giêsu đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình con người trẻ của Ngài: rất giản dị, không kiểu cách, dịu dàng và gần gũi với hết mọi người. Từ kinh nghiệm của mình, Chúa Giêsu muốn các em nhỏ đến với Người (Mc 10,13-16). Không những thế, Chúa Giêsu muốn các Tông đồ, những người sau này sẽ là những nhà lãnh đạo dân của Người, phải sống thế nào để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận cách thân thiết gần gũi (Mc 9,33-37). Khi ở bên cạnh các ngài, tất cả mọi thành phần dân Chúa, nhất là những con trẻ, những người bé mọn, những người “phận nhỏ”, bị khinh bỉ, bị khai trừ, vân vân, không cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, nhưng sống trong một bầu khí thân thương của một gia đình.
Từ câu chuyện thời niên thiếu của Đức Giêsu, Đức Thánh Cha đề cập đến công việc đào tạo người trẻ: “Không nên bỏ qua điều này trong công tác mục vụ giới trẻ, vì chúng ta sẽ tạo ra những dự án tách biệt người trẻ khỏi gia đình và cộng đoàn xã hội, hoặc biến họ thành một thành phần được tuyển chọn, được gìn giữ khỏi mọi nguy hại. Thay vào đó, chúng ta cần những dự án giúp củng cố người trẻ, đồng hành với họ và thúc đẩy họ gặp gỡ tha nhân, dấn thân và phục vụ quảng đại trong sứ vụ của mình” (số 30). Hãy nhìn xem: “Chúa Giêsu không dạy người trẻ chúng ta từ xa hay từ bên ngoài, nhưng từ chính tuổi trẻ của các con, là tuổi trẻ mà Ngài cũng đã trải qua” (số 31).
Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ ngắm nhìn “người bạn trẻ Giêsu” như được trình bày trong các sách Tin Mừng để nhận ra một tâm hồn trẻ trung như thế nào: “Chúa Giêsu có đức tin vô điều kiện vào Chúa Cha; Ngài hằng gìn giữ mối quan hệ với các môn đệ, và ngay cả trong những giờ khắc khủng hoảng, Ngài tin tưởng nơi họ. Ngài đã bày tỏ lòng trắc ẩn sâu sắc với những người yếu thế nhất, đặc biệt là người nghèo, người đau ốm, người tội lỗi và những người bị xa lánh. Ngài dũng cảm đối diện với giới chức tôn giáo và chính trị thời ấy; Ngài biết cảm giác bị hiểu lầm và chối bỏ là như thế nào; Ngài đã kinh qua nỗi sợ hãi phải chịu đựng và biết mình mỏng dòn trong cuộc Khổ Nạn. Ngài hướng mắt về tương lai, phó thác đời mình vào bàn tay Quan Phòng của Chúa Cha trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Giêsu, mọi người trẻ đều cảm thấy chính bản thân mình” (số 31).
Từ đó, Đức Thánh Cha nhắc người trẻ nhớ rằng: “Có Ngài ở bên, chúng ta sẽ được uống từ nguồn nước đích thật giúp chúng ta sống những giấc mơ của mình, những dự án, những lý tưởng cao cả; đồng thời thôi thúc chúng ta tuyên xưng những điều làm cuộc sống này thực sự đáng giá” (32); đồng thời, “Chúa mời gọi chúng ta thắp sáng lên những vì sao trong đêm tối nơi những bạn trẻ khác… Chính Đức Giêsu là ánh sáng hy vọng vĩ đại của chúng ta, là Đấng dẫn lối trong đêm, vì Ngài là ‘sao mai sáng ngời’” (số 33).
2- NGƯỜI TRẺ VỚI GIÁO HỘI:
Đức Thánh Cha khẳng định Giáo Hội là một thể chế cổ xưa, nhưng tự bản chất luôn luôn trẻ trung khi trích dẫn giáo huấn của Công đồng Vatican II: “Với lịch sử sống động và phong phú, và hướng tới sự hoàn thiện của con người trong thời gian và những định mệnh tận cùng của lịch sử và đời sống, Giáo Hội là tuổi trẻ đích thật của thế giới”, vì “nơi Giáo Hội, người ta luôn luôn có thể gặp gỡ Đức Kitô, Đấng là người đồng hành và người bạn của tuổi trẻ” (số 34). Tuy nhiên, Đức Thánh Cha kể ra cái nguy cơ lớn nhất làm cho Giáo Hội mất đi sự tươi trẻ của mình “khi không còn lắng nghe Lời Chúa kêu gọi, không dám đón nhận rủi ro của đức tin, không biết trao ban tất cả mà không nề hà những hiểm nguy, quay lưng đi tìm một thứ an toàn giả tạo của thế gian” (số 37).
Đó là lý do tại sao có những người trẻ thẳng thắn nói rằng Giáo Hội“không có ý nghĩa gì cả cho cuộc sống” (số 40), thậm chí chỉ thấy “sự hiện diện của Giáo Hội là một điều phiền toái, khó chịu” (số 40). Những người trẻ này không chấp nhận sự hiện diện thụ động của Giáo Hội bằng cách tránh né những đòi hỏi chính đáng của con người ngày nay, ở bên ngoài những biến động của xã hội để được yên thân trong thứ an toàn giả tạo của thế gian. Trong Tông huấn“Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngần ngại nói lên những ước mơ của mình: Tôi thà có một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình” (số 49).
Vì lý do đó, Đức Thánh Cha kêu mời những người trẻ: một mặt, “Hãy khẩn nài Chúa giải thoát Giáo Hội khỏi những ai làm cho Giáo Hội già cỗi, kìm hãm Giáo Hội trong quá khứ, kéo Giáo Hội thụt lùi hay giữ Giáo Hội bất động” (số 35); mặt khác, “Cũng hãy khẩn nài Chúa giải thoát Giáo Hội khỏi cơn cám dỗ: đó là quan niệm rằng Giáo Hội trẻ vì biết chấp nhận mọi thứ mà thế gian đề ra, quan niệm rằng Giáo Hội được đổi mới vì gác lại thông điệp của mình và hành động như mọi người khác. Không! Giáo Hội trẻ khi là chính mình, khi hằng biết đón nhận sức mạnh sinh ra từ Lời Chúa, Thánh Thể, và sự hiện diện hằng ngày của Đức Giêsu cùng với sức mạnh Thần Khí của Ngài trong đời sống. Giáo Hội trẻ khi bày tỏ bản thân luôn luôn biết hướng về cội nguồn” (35). Vì thế, “Trong tư cách là thành viên của Giáo Hội, chúng ta không thể tách biệt với người khác. Tất cả nên nhận ra mình là anh em… Nhưng đồng thời chúng ta phải dám sống khác biệt, dám chỉ ra những lý tưởng khác với lý tưởng của thế gian” (số 36). 
Có những người trẻ khác muốn Giáo Hội lắng nghe nhiều hơn và làm nhiều hơn, họ không muốn thấy Giáo Hội im lặng và sợ hãi không dám lên tiếng. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha mời gọi “người bạn trẻ có thể giúp Giáo Hội tươi trẻ. Các bạn sẽ ngăn Giáo Hội khỏi tha hóa; các bạn sẽ giúp Giáo Hội tiến bước, ngăn Giáo Hội tự mãn và bè phái, giúp Giáo Hội nghèo hơn và biết làm chứng tá tốt hơn, đứng về phía người nghèo và những người bị ruồng bỏ, biết đấu tranh cho công lý và khiêm tốn đón nhận thử thách. Người trẻ sẽ mang lại cho Giáo Hội vẻ đẹp thanh xuân bằng cách lấy lại cảm giác ‘hân hoan với những khởi đầu mới, không ngần ngại trao ban chính mình, để được đổi mới và sẵn sàng cho những thành tựu lớn lao hơn nữa” (số 37).
Từ những ghi nhận trên, Đức Thánh Cha nhận định: “Chúng ta cần dành thêm không gian để lắng nghe tiếng nói của người trẻ: lắng nghe sẽ giúp ta biết trao đổi những ân huệ trong tình cảm thông… đồng thời, lắng nghe sẽ giúp việc rao giảng Tin Mừng chạm tới tâm hồn một cách thật sự, mạnh mẽ, và sinh hoa kết trái” (số 38). Vì thế, “Cùng nhau tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi để Giáo Hội trở nên đối thoại và chứng tá cho tình huynh đệ sinh hoa kết trái” (số 38).
Để là một cộng đồng huynh đệ, “Giáo Hội đừng nên quá chú tâm tới bản thân mình”, nghĩa là xem mình là những chuẩn mực để quy chiếu, “nhưng thay vào đó, và trên tất cả, phải phản ảnh Chúa Giêsu Kitô” (số 39). Trong Tông huấn“Loan Báo Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phaolô VI viết: “Giáo Hội luôn luôn cần được Phúc âm hoá nếu muốn giữ được vẻ tươi mát, sinh khí và sức mạnh để loan báo Tin Mừng” (số 15).
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Tuy Giáo Hội nắm giữ chân lý Tin Mừng, dù vậy không có nghĩa rằng Giáo Hội hoàn toàn hiểu rõ Tin Mừng, nhưng đúng hơn, Giáo Hội được mời gọi luôn lớn lên trong sự hiểu biết của mình về kho tàng bất tận ấy” (số 41). Khi chân thành soi mình vào Tin Mừng của Chúa Kitô, Giáo Hội“khiêm tốn nhìn nhận rằng có nhiều thứ cần phải thay đổi cụ thể, và để làm được điều ấy thì Giáo Hội phải biết xem trọng quan điểm, và cả những phê bình của người trẻ” (số 39). “Để được người trẻ tín nhiệm, Giáo Hội cần biết lắng nghe trong khiêm tốn và giản dị, nhận ra những gì người khác đang nói sẽ mang lại ánh sáng để giúp Giáo Hội hiểu Tin Mừng tốt hơn” (số 41).
Đức Thánh Cha cảnh giác: “Một Giáo Hội quá sợ hãi và bấu chặt vào những thể chế của mình thì sẽ trở nên độc đoán” (số 42), khi đó, Giáo Hội không thể đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người trẻ ngày nay. Ở đây, Đức Thánh Cha dẫn chứng một vấn đề mang tính thời sự: cuộc đấu tranh quyền bình đẳng giữa nam nữ. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói lên lập trường của Giáo Hội: “Giáo Hội có thể hỗ trợ cho cuộc đấu tranh tôn trọng nữ quyền, và ủng hộ sự bình quyền nam nữ, nhưng đồng thời cũng không thỏa hiệp với tất cả những gì mà một số nhóm nữ quyền đề xuất” (số 42).
Quả thật, trong ánh sáng mặc khải của mình, Giáo Hội xem những đòi hỏi quyền bình đẳng của người nữ là chính đáng, vì cả người nam lẫn người nữ “được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27). Chính từ những khác biệt của hai phái tính này mà Thiên Chúa diễn tình yêu tận mức của Ngài với dân Ngài như người chồng nhất mực yêu thương vợ mình và như cha mẹ hy sinh tất cả cho con cái. Vì thế, quyền bình đẳng giữa nam và nữ không là xóa bỏ sự khác biệt của hai phái tính, nhưng gìn giữ, phát huy và thăng hoa những đức tính của nam và nữ.
Chân phước J. Escriva ca ngợi những đức tính nữ giới như sau: “Những người phụ nữ được mời gọi đem đến cho gia đình, xã hội và Giáo Hội những đức tính của riêng họ mà chỉ mình họ mới có thể ban cho - sự ấm áp dịu dàng và sự quảng đại không biết mệt mõi của họ, tình yêu tinh tế của họ, trực giác nhạy bén của họ, lòng mộ đạo đơn sơ và sâu thẳm của họ, sự kiên vững của họ…” (Conversations, 87).
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Đó chính là sự phản hồi của một Giáo Hội trẻ trung và biết tự mình đón nhận thử thách, biết cảm thấy thôi thúc trước những quan tâm của người trẻ” (số 42).
3- NGƯỜI TRẺ VỚI CÁC THÁNH
3.1- Đức Maria, thiếu nữ thành Nadarét
Sau khi nói lên lập trường của Giáo Hội về quyền bình đẳng nam và nữ, Đức Thánh Cha dành số 43 đến số 48 để ca ngợi những phẩm chất nữ giới tuyệt vời của Đức Maria, thiếu nữ thành Nadarét:
- Tấm lòng của Đức Maria đối với Thiên Chúa: Lời xin vâng của Mẹ không là khởi điểm nhưng là kết quả của một cuộc đối thoại chân thành cởi mở, trong đó Mẹ đã thẳng thắn nêu lên những gì Mẹ không hiểu cho đến khi chạm đến mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa vượt quá khả năng hiểu biết của Mẹ. Chỉ khi đó Mẹ mới đáp trả lời xin vâng trọn cả khối óc và con tim, trọn cả đức tin, đức cậy và đức mến. Được đánh động bởi tiếng xin vâng tuyệt vời của Mẹ, chân phước J. Escriva thốt lên những lời ngợi ca như sau: Đức Maria chăm chú lắng nghe những gì Thiên Chúa muốn, trăn trở với những gì Mẹ không hiểu và hỏi cho ra lẽ những gì Mẹ không biết. Sau đó Mẹ phó thác hoàn toàn vào ý muốn của Thiên Chúa: ‘Vâng, tôi đây là tôi tớ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’. Đó không là kỳ diệu sao? Lạy Đức Trinh Nữ, thầy dạy của chúng con trong tất cả những gì chúng con làm, xin hãy chỉ cho chúng con biết rằng vâng phục Thiên Chúa không là quỵ lụy, không tránh né tiếng lương tâm của mình. Chúng con phải đi vào trong lòng mình để khám phá ‘sự tự do của con cái Chúa’ (x. Rm 8: 21)” (Bl. J. Escriva, Christ is Passing by, 173).
Công đồng Vatican II đã ca ngợi lời xin vâng của Đức Maria: “Đức Maria không phải chỉ là một dụng cụ hoàn toàn thụ động trong tay Thiên Chúa, nhưng đã cộng tác tích cực vào việc cứu độ nhân loại, nhờ tin và vâng phục trong tự do” (LG 56). Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “Đây không chỉ là lời chấp nhận thụ động hay miễn cưỡng… Lời xin vâng của Mẹ chính là lời ‘xin vâng’ của một người đã sẵn sàng hành động, một người vui lòng đón nhận rủi ro, dám đặt cược mọi thứ mình có mà không cần bất kỳ sự bảo đảm nào ngoài việc biết rằng mình là một người mang lời hứa” (số 44). “Từ Mẹ, chúng ta học được cách nói ‘xin vâng’ của những người, vốn tràn đầy nghị lực, luôn sẵn sàng để khởi đầu lại bằng sự kiên trì bền bỉ và sáng tạo” (số 45).
- Tình mẫu tử của Đức Maria đối với Đức Giêsu: Đức Maria sống trọn vẹn tấm lòng của người mẹ nhất mực gắn bó với người con yêu dấu của Mẹ. “Khi đứa con thơ cần được bảo vệ, Mẹ Maria đã lên đường cùng thánh Giuse đến một vùng đất xa xôi” (số 47). “Mẹ đồng hành với đau khổ của Con Mẹ; Mẹ ủng hộ Ngài bằng ánh mắt và bảo vệ Ngài bằng trái tim mình. Mẹ chia sẻ nỗi đau, nhưng không bị nỗi đau đè bẹp”. “Mẹ là người canh giữ xuất sắc niềm hy vọng” (số 45).
-Tấm lòng của Đức Maria đối với tha nhân:“Mẹ Maria là thiếu nữ có trái tim tràn đầy niềm vui, có đôi mắt phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhìn vào cuộc sống bằng đức tin và trân trọng mọi thứ trong trái tim thanh xuân của Mẹ” (số 46). Vì thế, “Mẹ tràn đầy năng lượng, sẵn sàng lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình”. Cha Gallot, một người thầy chuyên giảng dạy về môn học tu đức, đã định nghĩa đức ái như sau: “Đức ái chính là khám phá ra nhu cầu của người khác và tìm cách đáp trả”.
- Tấm lòng của Đức Maria đối với Giáo Hội, Thân Thể Đức Giêsu: Xưa kia, “Mẹ cùng với các môn đệ đợi chờ Chúa Thánh Thần. Trong sự hiện diện của Mẹ, một Giáo Hội trẻ trung đã ra đời, khi các Tông đồ lên đường để sinh hạ một thế giới mới” (số 47). Ngày nay, “Mẹ chúng ta nhìn vào đoàn người hành hương: một đoàn người trẻ trung mà Mẹ yêu mến, và đoàn người tìm kiếm Mẹ trong cõi thinh lặng của tâm hồn giữa ồn ào, giữa huyên náo và tất bật của cuộc hành trình. Dưới ánh mắt của Mẹ, chỉ có chỗ cho hy vọng trong cõi thinh lặng. Vậy nên Mẹ Maria sẽ hằng luôn chiếu rọi tuổi trẻ của chúng ta” (48). Vào ngày 21 tháng 9 năm 1964, vào lúc kết thúc phiên họp thứ ba của Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI long trọng công bố Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội bằng những lời như sau: “Và thế nên, vì vinh quang của Đức Trinh Nữ và vì niềm an ủi của chúng ta, chúng tôi tuyên bố Đức Maria cực thánh là Mẹ của Giáo Hội, nghĩa là, Mẹ của toàn thể dân Thiên Chúa, các tín hữu cũng như các mục tử, gọi Mẹ yêu dấu của Giáo Hội, và chúng ta ước mong rằng từ nay, Mẹ được toàn thể dân Thiên Chúa tôn vinh và được khẩn cầu dưới tước hiệu rất đẹp lòng Mẹ này”.


3.2- Người trẻ với thánh cả Giuse
Khi nói đến người trẻ được gọi để đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Cứu độ, chúng ta không thể bỏ qua chàng trai trẻ Giuse trong Tân Ước. Với tư cách gia trưởng, thánh Giuse“hứng mũi chịu sào” trước mọi biến cố xảy đến cho gia đình thân yêu của mình. Thánh Mátthêu ca ngợi thánh Giuse là “người công chính”, tiêu biểu và tinh hoa của người công chính được đề cao trong thời Cựu Ước, nghĩa là như tổ phụ Abraham luôn lắng nghe tiếng Chúa và thi hành ý Chúa trong cuộc đời mình, tìm cách khám phá ý muốn của Chúa trong giây phút hiện tại và mau mắn đáp trả. Giuse, người công chính trong Tân Ước đã trở nên triều thiên cho tất cả những ai được gọi là công chính trong Cựu Ước. Thánh Mátthêu đã bốn lần (Mt 1,20.13.20.22) mẫu thức hóa đức công chính của thánh Giuse như sau: về phần Thiên Chúa, Ngài có những giấc mơ và Ngài đã trao gởi những giấc mơ của Ngài cho thánh Giuse; về phần thánh Giuse, khi đã khám phá “những giấc mơ của Thiên Chúa”, thánh nhân không một chút chậm trể biến những giấc mơ của Thiên Chúa trở nên hiện thực trong cuộc đời của mình.
3.3- Người trẻ với các thánh trẻ
Để kết thúc chương 2, Đức Thánh Cha nhắc đến nhiều vị thánh rất trẻ đã dâng hiến cuộc đời mình cho Đức Giêsu. “Họ là tấm gương quý giá phản chiếu Đức Giêsu trẻ trung, chứng tá chói ngời của họ giục lòng chúng ta và đánh thức chúng ta khỏi u mê” (số 49). “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ những đời sống công chính của nhiều người trẻ sẽ chữa lành thương tích của Giáo Hội và của thế giới, mang chúng ta trở về với tình yêu trọn vẹn mà chúng ta hằng được kêu gọi: các thánh trẻ truyền cảm hứng cho chúng ta trở về với tình yêu thuở ban đầu” (số 50). Cuối cùng Đức Thánh Cha kết thúc: “Có lẽ những người trẻ này, và nhiều người trẻ khác, trong thinh lặng và kín đáo đã sống trọn vẹn Tin Mừng, hành động vì Giáo Hội, để Giáo Hội cũng tràn đầy niềm vui, lòng dũng cảm và đồng hành với những người trẻ đem đến cho thế giới những chứng tá mới về sự thánh thiện” (số 63).                                                                      
NHỮNG GỢI Ý HỘI THẢO
1- Trong não trạng tục hóa tận căn hôm nay, người ta đề cao “những giá trị nhân sinh” trong khi tìm mọi cách loại bỏ “những giá trị nhân linh”. Vì đó, người ta ra sức tấn công vào những giá trị tôn giáo, nhất là tìm cách tẩy xóa niềm tin trong tâm hồn trẻ thơ bằng cách ngăn cản sự truyền đạt niềm tin sống động, cụ thể và thiết thực mà con trẻ đón nhận từ gia đình và cộng đoàn. Trong não trạng của thời đại này, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải cẩn trọng, nhưng không được có thái độ xem con trẻ là mối nguy hiểm cần phải tránh cho xa để bảo vệ chính mình cách thiển cận. Bởi vì con trẻ là một giềng mối quan trọng không thể thiếu trong nhịp sống đức tin của Giáo Hội. Thời niên thiếu này hình thành nên con người trưởng thành trong đời sống nhân sinh và nhân linh. Hơn nữa, sự hiện diện của chúng đem lại cho Giáo Hội sự hồn nhiên, đơn sơ, trong sáng của Nước Trời, nhất là chúng tiêu biểu rất rõ nét nhất những người phận nhỏ, bé mọn cần được bảo vệ và yêu thương nhất trong Giáo Hội và ngoài xã hội. Nếu Giáo Hội đánh mất con trẻ, Giáo Hội đánh mất tương lai của chính mình.
2- Về giới trẻ, các linh mục quản xứ phải tạo nhiều cơ hội giúp người trẻ tham dự cách tích cực vào mọi sinh hoạt của cộng đoàn. Về vấn đề này, có người chủ trương trẻ hóa ban hành giáo. Tuy nhiên, cộng đoàn Giáo xứ có đủ lứa tuổi, vì thế, theo con cần phải dung hòa để mọi thành phần dân Chúa đều có thể tham gia tích cực vào mọi sinh hoạt của cộng đoàn Giáo xứ.
3- Về các ứng sinh linh mục, ngoài việc đào tạo họ theo bốn chiều kích như Giáo Hội đề ra: nhân bản, trí thức, tâm linh và mục vụ, phải chú trọng đến tiếng lương tâm, như lời dạy của Công đồng Vatican II: “Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người. Bằng một cách thế kỳ diệu, lương tâm giúp con người nhận biết lề luật ấy, lề luật được kiện toàn với mến Chúa và yêu người… Càng dành ưu tiên cho lương tâm ngay thẳng, thì cá nhân và cộng đoàn càng tránh được những chọn lựa mù quáng, và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý” (GS 16).
4- Về các linh mục, con xin được bày tỏ ý kiến như sau. Các linh mục là cộng đoàn huynh đệ, trong đó có sự phân chia độ tuổi, các trách nhiệm trong cùng một sứ vụ, nhưng không có sự phân biệt đối xử. Xin được nhắc lại lời kêu gọi khẩn thiết của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắn gởi các linh mục Mêhicô: “Một linh mục phải nhiệt tâm với Lời Chúa; ngài phải gắn bó với Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, say mê nghiên cứu Lời Chúa và truyền đạt Lời Chúa qua mẫu gương và lời rao giảng của mình. Ngài phải quảng đại công bố Đức Kitô với trọn cuộc đời mình. Vì thế, ngài phải tránh cơn cám dỗ ‘quyền bính trần thế: nó có thể dễ dàng là nguồn gốc của sự chia rẽ trong khi ngài phải là một dấu chỉ và một người cổ vũ sự hiệp nhất và huynh đệ’” (To the Priests of Mexico, 27 January 1979).

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm79
  • Hôm nay33,499
  • Tháng hiện tại726,729
  • Tổng lượt truy cập47,088,333

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây