Người trẻ với truyền thông Công giáo

Thứ ba - 18/05/2021 05:55  1063
dDanh từ “truyền thông” được sử dụng rộng rãi và chúng ta dễ dàng bắt gặp nó ở bất cứ đâu, vậy chúng ta nên nhìn về nó như thế nào, đặc biệt nơi “truyền thông Công giáo”; những người hữu trách đang làm gì để góp phần phát triển lãnh vực mà họ đang đảm trách, hay nơi người đón nhận, đặc biệt là người trẻ, họ đang cần gì nơi truyền thông Công giáo? Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh vai trò của người làm truyền thông: “Giáo hội nhìn vào anh chị em, những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông với sự tin tưởng và kỳ vọng. Bởi vì anh chị em được kêu gọi để đọc và giải thích thời hiện tại và nhận ra cách thức thông truyền Tin mừng theo các ngôn ngữ và cảm thức của con người thời nay”[1]Là người trẻ, đặc biệt là một Kitô hữu trẻ, tôi và các bạn có quyền hy vọng nơi truyền thông Công giáo những điều hữu ích cho đời sống và đức tin của mình, để rồi chính mỗi chúng ta cũng trở thành nhà truyền thông nói về Chúa Giêsu cách sống động cho mọi người, nhất là những người cùng thời với chúng ta.
 
1. Chân thật
 
Điều đầu tiên tôi luôn mang trong mình đó là niềm hy vọng, hy vọng nơi lãnh vực truyền thông Công giáo, nơi người đảm trách cũng phải rao giảng và làm chứng cho Tin mừng như các tông đồ xưa khi Chúa Giêsu về trời, là “các ông ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”[2]. Việc loan báo Tin mừng cũng là lệnh truyền của chính Đức Kitô phục sinh khi hiện ra với Nhóm Mười Một: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”[3]. Khi nói về nguồn gốc của truyền thông Công giáo, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ có nói như sau: “Truyền thông Công giáo khởi sự từ Thiên Chúa, do sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện và đạt đỉnh cao nơi Chúa Giêsu Kitô, được lưu truyền và tiếp nối theo lệnh truyền của Chúa qua Giáo hội cho đến ngày tận thế![4] Truyền thông Công giáo khác với những việc truyền thông đại chúng khác, không cần tin “giật gân”, không cần số lượng bài nhưng phải là một “thông điệp đẹp”. Đẹp với nghĩa là làm chứng cho Tin mừng, sống và chết để cho Tin mừng được phát triển rộng khắp, chúng ta cũng cần nhớ đến lời của Thánh Phaolô nói với các tín hữu trong cộng đoàn Côrintô: “Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi viết, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người”[5]
 
2. Chứng tá
 
Kế đến, Truyền thông Công giáo phải can đảm vượt qua những thử thách và những xô bồ của nhiều luông thông tin, điều đó cũng đúng với thông điệp trong ngày lãnh nhận sứ vụ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II mà nay Ngài đã là thánh, “Đừng sợ! Hãy mở cửa thật rộng cho Đức Ki-tô, cho sức mạnh giải thoát của Người để mở cửa biên giới các Chính phủ, các hệ thống kinh tế và chính trị, những lĩnh vực bao la thuộc văn hóa, văn minh, và sự phát triển. Đừng sợ! Đức Ki-tô biết rõ ‘những gì có trong con người’. Chỉ mình Người biết điều đó.” Chúng ta hãy là công cụ hữu hiệu của Đức Kitô, để rồi chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi của những thử thách mà sẵn sàng loan đi những sứ điệp của Chúa đến với mọi người. Chúng ta không thể nói về Đức Giêsu nếu như chúng ta không sống là Đức Giêsu, điều ấy thật phù hợp với lời nhắn nhủ của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI: “Con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào lời thầy dạy thì chính thầy dạy đó là chứng nhân”, hay cũng giống như chúng ta không thể nói về Đức Giêsu nếu như chúng ta không biết Người là ai, và nếu không biết Người là ai thì người khác cũng chẳng thể tin điều chúng ta đang làm chứng về Đức Giêsu.
 
3. Cảm thông
 
Sau đó, truyền thông Công giáo phải là nơi để cảm thông với những tâm tư của anh chị em mình. Ở thời nào cũng thế, nhu cầu được lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông là rất lớn; đặc biệt trước tình hình biến động và ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch trên toàn cầu. “Các phương tiện truyền thông là những viên gạch câng thiết xây dựng nên các xã hội hiện đại. Chúng không tồn tại vì bản thân chúng, mà đúng hơn, với tính cách là các phương tiện giao tiếp xã hội, chúng phục vụ con người và giúp họ hiểu nhau. Phương tiện truyền thông-và những ai cung cấp và phân phối chúng-phải gánh lấy trách nhiệm đạo đức. Họ phải hướng hoạt động của mình vào mục tiêu hỗ trợ sự hiểu biết lẫn nhau…”[6] Chính nơi những nhà truyền thông, chúng ta tìm thấy sự đồng cảm và tin tưởng nơi họ, để rồi qua đó chúng ta thấy được hình bóng của Đức Giêsu tình yêu mục tử, sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên của mình. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới về Truyền thông Xã hội lần thứ 55 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra chủ đề: Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họvới cảm hứng từ câu Kinh thánh “Hãy đến và xem” (Ga 1,46). Sứ điệp ấy như sau: "Lời mời gọi ‘đến và xem’ trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy cảm xúc giữa Chúa Giê-su và các môn đệ cũng là phương pháp cho mọi cách thông tin đích thực của con người. Để có thể thuật lại chân lý của cuộc sống, điều làm nên lịch sử, cần phải vượt ra khỏi thái độ tự mãn, cho rằng chúng ta ‘đã biết’ điều gì đó. Thay vào đó, chính chúng ta cần đi và nhìn thấy chúng, dành thời gian ở bên người dân, lắng nghe những câu chuyện của họ và so sánh với thực tế, điều luôn làm chúng ta ngạc nhiên dưới một khía cạnh nào đó”
 
4. Cẩn thận
 
Tất cả những ai, với khả năng tự do chọn lựa của mình, mà sử dụng các phương tiên truyền thông… cần phải tránh những gì có thể là nguyên cớ hay dịp tội cho chính họ bị thiệt hại về phần thiêng liêng, hay khiến kẻ khác gặp nguy hiểm do gương xấu, hoặc cản trở các trình chiếu thích hợp và tung ra các trình chiếu có hại[7]. Truyền thông, hay nói đúng hơn là các phương tiện truyền thông có thể là công cụ hữu ích giúp kết nối và đưa con người lại gần nhau hơn, hoặc cũng là nơi mà con người cô lập chính mình và loại trừ anh chị em khác. Kênh truyền thông cũng có thể là nơi cung cấp thông tin, nơi truyền cảm hứng và những bài học bổ ích; nhưng đây cũng có thể là chỗ cho những cám dỗ lôi kéo con người sa vào tội lỗi, “truyền thông kỹ thuật số có thể đặt người ta trước nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần đánh mất sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, làm bế tắc sự phát triển các tương quan liên vị[8]. Nói đến đây, chúng ta cần nhớ đến trách nhiệm cá nhân của mỗi người là tự chủ với tự do của mình, ngay cả người làm truyền thông và người đón nhận. Thứ nhất là trách nhiệm với Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta sống là làm chứng cho Tin mừng của Chúa; kế đến là trách nhiệm với chính bản thân mình, bởi lẽ dù là điều tốt hay điều xấu, nếu tôi làm thì nó cũng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tôi; và cuối cùng là trách nhiệm với tha nhân, khi ý thức sự truyền thông là những tương tác giữa người truyền và người đọc thông điệp, lúc ấy chúng ta sẽ ý thức mạnh mẽ sự tác động của truyền thông đến với người khác, đặc biệt là với người trẻ.
 
Trong thời đại hôm nay, rất cần thiết khi chúng ta trang bị cho mình khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông mới, không phải chỉ để theo kịp thời đại, mà đúng ra, để cho sự phong phú vô hạn của Tin mừng lan truyền đến trí óc và tâm hồn của tất cả mọi người, nhờ vào những cách thức diễn đạt hiện đại[9]. Để cho lời Chúa phát triển và sống động giữa xã hội hôm nay, tất cả chúng ta hãy là những nhà truyền thông trong chính môi trường chúng ta đang sống, đang học tập hay làm việc, đó là trách nhiệm cũng như bản chất của việc truyền thông là giới thiệu Chúa cho người khác. Truyền thông cũng là giao tiếp, mà giao tiếp thì không của riêng ai, nhưng đó là quyền của tất cả mọi người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy mang đến cho cuộc giao tiếp của mình một thông điệp tốt đẹp, đó là những sự thật dựa trên chân lý nền tảng là Tin mừng. Với tôi, truyền thông cũng là hành động của đức tin, nó thật giống với lời khẳng định nổi tiếng của thánh Giacôbê, “đức tin không có hành động là đức tin chết. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động cho bạn thấy thế nào là tin”[10]. Ước mong rằng, khi nhận ra Thiên Chúa là tình yêu, mỗi chúng ta sẽ hăng say làm chứng cho Đức Kitô là Đấng cứu độ con người để rồi sau đó chúng ta sẽ nhận ra Đức Kitô vẫn hằng sống và rất sống động giữa mỗi người chúng ta.
 
Giuse Lưu Hành, SDB
Nguồn: gpbanmethuot.com 
 
[1] x. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-truyen-thon-cong-giao-niem-hy-vong.html
[2] x. Mc 16, 20
[3] x. Mc 16, 15
[4] x. https://gpcantho.com/gioi-tre-va-truyen-thong-cong-giao/
[5] x. 2Cr 3, 3
[6] x. Do Cat, Phải làm gì?, số 38
[7] x. Công đồng vaticanô II, Sắc lệnh Inter Mirifica (IM) 9

[8] x. Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 88
[9] x. Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, Thông điệp cho ngày truyền thông thế giới lần thứ 47, 2013
[10] x. Gc 2, 17-18

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay11,437
  • Tháng hiện tại261,045
  • Tổng lượt truy cập52,429,993

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây