Ngày 23 - 25/10/2018, Caritas Việt Nam tổ chức Hội Nghị Thường Niên 2018 - Kỷ Niệm 10 năm hoạt động của Caritas Việt Nam được tổ chức tại TGM Xuân Lộc, với chủ đề: “LIÊN ĐỚI ĐỂ THĂNG TIẾN”.
Trong dịp tổ chức Hội Nghị Thường Niên (HNTN) năm nay cũng là dịp kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam hoạt động trở lại. Chính vì vậy, Caritas Việt Nam long trọng được đón tiếp những thành phần khách quý gồm các Đức Cha, các cha nguyên Giám đốc và Giám đốc của 26 Giáo phận, các Ân nhân, các Bề trên các Dòng tu, các Vị khách quốc tế, đặc biệt có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục, Marek Zalewski, đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, TGP Huế, chủ tịch HĐGMVN và các đại biểu của 26 Giáo phận. Ngày thứ nhất: Hội thảo chủ đề hội nghị: LIÊN ĐỚI ĐỂ THĂNG TIẾN
Lúc 8g00, sau ít phút cầu nguyện thánh hoá đầu ngày và chào đón các đại biểu, Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, đã phổ biến chủ đề Hội nghị với đề tài “Liên đới theo Giáo huấn của Giáo hội”. Trước hết, liên đới nằm trong nguyên tắc trường tồn của Học thuyết xã hội Công giáo, và cũng là trọng tâm của Giáo huấn của xã hội Công giáo. Tiếp đến, Cha chia sẻ về ý nghĩa và giá trị của liên đới. Liên đới là sự tương trợ, và lệ thuộc của con người với nhau trong một tổ chức, một xã hội. Liên đới không làm mất đi tính riêng biệt của mỗi người nhưng nó càng làm tăng giá trị tự do cho sự phát triển chung. Hơn nữa, liên đới còn là một đức tính luân lý. Đó không phải là cảm giác thông cảm mơ hồ hay hời hợt trước những bất hạnh của người khác nhưng phải là sự dấn thân lo cho công ích, tức là lo cho ích lợi của mọi người. Đây là đức tính nằm trong phạm vi của công bằng, của giá trị Tin mừng.
Cha cũng nhấn mạnh về sự liên đới và phát triển chung của nhân loại. Trong thông điệp Học thuyết Xã hội Công giáo về sự liên đới đã cho thấy rõ có một mối tương quan mật thiết giữa liên đới và công ích, liên đới bình đẳng giữa con người và giữa các dân tộc, liên đới và hoà bình trên thế giới. Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng: mỗi người đều có bổn phận đối với xã hội và cũng là người mắc nợ xã hội.
Sau cùng, Cha Vinh Sơn làm nổi bật mẫu gương của Đức Giêsu Kitô về sự liên đới. Đức Giêsu Nazareth là Con Người Mới, Đấng đã kết hợp với nhân loại sâu xa tới mức “chết trên thập giá.”
Buổi chiều, Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh đã trình bày về “Kỹ Năng Lãnh Đạo”. Đối với bất kỳ một tổ chức, hay một nhóm nào đó, đều cần có người lãnh đạo. Bắt đầu bằng một vài khái niệm về lãnh đạo. Lãnh đạo là người dẫn đường, dẫn dắt, và hướng dẫn người khác hay một tổ chức nào đó. Lãnh đạo là kỹ năng thúc đẩy người khác hành động theo hướng đạt được những mục tiêu chung đề ra. Lãnh đạo là một nghệ thuật kích thích con tim và khối óc của cấp dưới để đạt được những kết quả mong đợi. Lãnh đạo là truyền cảm hứng và định hướng cho hành động của cấp dưới. Vai trò của lãnh đạo là khơi dậy tiềm năng của nhân viên, tạo sự kết nối giữa những người có liên quan, thúc đẩy sự thay đổi cá nhân và tổ chức, xác định được tầm nhìn… Sau đó, với câu hỏi lãnh đạo làm nên tầm nhìn hay tầm nhìn làm nên lãnh đạo? Câu trả lời không phải lãnh đạo tạo nên tầm nhìn mà chính “tầm nhìn” của người đứng đầu tổ chức tạo nên sự lãnh đạo, đã cho thấy tầm quan trọng của người lãnh đạo là cần có tầm nhìn. Việc áp dụng cửa sổ JOHARI cho người lãnh đạo là rất cần thiết. Người lãnh đạo là người biết cởi mở chính mình, người thấu hiểu về mình và người khác, người biết đón nhận những phản hồi, và biết lắng nghe sẽ tạo được niềm tin và xây dựng được mối tương quan tốt. Như thế lãnh đạo mới hiệu quả.
Thái độ và phong cách của người lãnh đạo cũng là yếu tố thiết yếu trong việc điều hành. Một người lãnh đạo cần phải có sự chân thành, hiểu và thông cảm với cấp dưới của mình. Người lãnh đạo cần xây dựng được mối tương quan tốt với cấp dưới và không nên có thái độ “cấp trên.” Chất lượng lãnh đạo phần lớn phụ thuộc vào Trí tuệ cảm xú (EQ) của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo nhận biết được cảm xúc của mình và người khác, hiểu được cảm xúc của mình cũng như của người khác, biết tạo ra cảm xúc, và quản lý cảm xúc của mình và của người khác, thì tạo được sự tthành công trong việc lãnh đạo. Sau cùng là phần trình bày về bốn phong cách lãnh đạo: phong cách lãnh đạo độc đoán, tự do, dân chủ và lãnh đạo theo tình huống. Trong lãnh đạo theo tình huống có bốn kiểu: (1) Hướng dẫn/chỉ đạo (2) Tư vấn/huấn luyện, (3) Động viên, (4) uỷ quyền (hoàn toàn tin tưởng trao quyền). Tuỳ theo khả năng cấp dưới, tuỳ nhân viên mới hay cũ, tuỳ tính cách của mỗi nhân viên mà người lãnh đạo áp dụng phong cách nào cho phù hợp. Ngoài ra người lãnh đạo luôn cần có sự lắng nghe, sẵn sàng nhận phản hồi để có thể điều chỉnh con người của mình và cho việc lãnh đạo tốt hơn.
Tiếp đến là phần trình bày của Ban Phòng Chống Buôn Bán Người (PCBBN) do Nữ tu Jacinta Dương Hoàng Anh Thư. Bắt đầu bằng đoạn video-clip trích đoạn trong phim “Quỳnh Búp Bê”, cho thấy rằng nhạn nhân bị lừa đảo, bị ép làm nô lệ tình dục, bị đánh đập dã man như thế nào.
Trong những năm gần đây, nạn buôn bán người diễn ra rất tinh vi và độc ác. Rất nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị lừa đảo ép làm nô lệ tình dục. Các bé trai bị ép làm những công việc nặng nhọc hay bị bán cho các chủ tàu đánh cá… Không ít số người bị bắt cóc để lấy nội tạng. Họ có thể bị chết hay bị di chứng nghiêm trọng vì không được chăm sóc y tế.
Chính phủ Việt nam cũng báo động về tình trạng buôn bán người, theo báo chí ghi nhận, hiện nay nạn buôn người xảy ra khắp 64 tỉnh thành của Việt Nam. Vì đây là hình thức mang lại lợi nhuận rất lớn cho bọn buôn người. Phần lớn nạn nhân người Việt Nam ban đầu được giới thiệu việc làm ở nước ngoài, hoặc được môi giới hôn nhân, và sau cùng bị lừa đảo sang nước ngoài. Phần lớn nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước khác. Họ bị ép làm nô lệ tình dục, bị cưỡng bức lao động. Đa phần nạn nhân ban đầu do muốn thay đổi số phận, do thiếu thông tin,và cả tin vào các nhà môi giới. Vì vậy mà họ đã bị sa vào tay bọn buôn người. Trước tình trạng báo động như vậy, Caritas Việt Nam kết hợp với Caritas các Giáo phận nỗ lực truyền thông cho các bạn trẻ tinh thần cảnh giác cao độ, để bảo vệ chính mình cũng như những người thân, tránh rơi vào những cạm bẫy của bọn buôn người. Từng bước thành lập nhóm Tình Nguyện Viên để họ cùng chung tay tuyên truyền, gặp gỡ những bạn trẻ, phụ huynh, để giúp họ hiểu biết thêm và tránh rơi vào nạn buôn người.
Sau cùng là phần trình bày của Nữ tu Anna Vũ Thị Kim Hồng, phụ trách Ban Di Dân của Caritas Việt Nam.
Góp phần chia sẻ với những người di dân nghèo tại Việt nam, rất nhiều con em di dân không đủ điều kiện vào các trường công lập, hay hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. Vì vậy, Caritas Việt Nam đã giúp đỡ và hỗ trợ cho các em được tiếp cận giáo dục, tạo sân chơi bổ ích, bình đẳng với các trẻ em khác. Việc cộng tác với các trường tư để mở lớp phổ cập, hỗ trợ bữa ăn sáng, thành lập thư viện, dự án giáo dục hè, tập huấn cho các giáo viên… là những hoạt động của Caritas Việt Nam. Trong tương lai, Ban Bác Ái Di Dân – Caritas Việt Nam nhắm tới việc: Mở rộng mô hình thư viện, tiếp tục giúp đỡ trẻ di dân có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ di dân không những được tiếp cận giáo dục mà còn được tiếp cận về mặt đạo đức, nhân bản, tâm linh, kết nối và mở rộng mạng lưới tại các Giáo phận.
Ngoài ra Caritas Việt Nam còn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các bạn trẻ có công ăn việc làm ở Nhật. Đây là nỗ lực của Caritas Việt Nam đang dấn thân cho những người di dân nghèo, sánh như giọt nước trong đại dương. Hơn bao giờ hết, người di dân đặc biệt là các con em di dân, những thanh niên đang độ tuổi cống hiến cho gia đình và xã hội rất cần đến sự nâng đỡ, hỗ trợ về mọi mặt để họ được sống đúng với giá trị nhân phẩm của con người.
Phần trình bày của ban di dân đã khép lại ngày Hội thảo chủ đề Hội Nghị vào lúc 17g00.
Caritas Việt Nam: Muối cho đời - Anh sáng cho trần gian. Xem video
Caritas Việt Nam: Hội nghị thường niên 2018 ngày 2
Ngày 2: 24-10-2018
Ngay từ sáng sớm khuôn viên Toà Giám Mục (TGM) Xuân Lộc lại trở nên nhộn nhịp, mọi thành viên Caritas đã có mặt đông đủ để mừng ngày Khai Mạc Hội Nghị - Kỷ Niệm 10 Năm Caritas Việt Nam tái Thành Lập. Đây là cơ hội để các thành viên Caritas nhìn lại, tạ ơn và thăng tiến hơn trong tình liên đới. Tạ ơn Chúa đã luôn đồng hành và dẫn dắt Caritas Việt nam trong sự yêu thương và phục vụ người nghèo và người bên lề xã hội.
Đúng 7g45, bắt đầu chương trình Khai mạc Hội nghị. Tham dự ngày khai mạc hôm nay, Caritas Việt nam vinh dự có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục, Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam; Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM tổng giáo phận Huế, Chủ tịch HĐGMVN; Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Nguyên GM giáo phận Xuân Lộc, Nguyên Chủ tịch Caritas Việt Nam; Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo GM giáo phận Xuân Lộc và Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân GM phụ tá giáo phận Xuân Lộc; Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, GM giáo phận Bùi Chu, Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam; Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, GM giáo phận Kon Tum; Đức Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, GM phụ tá giáo phận Hưng Hoá, quý Cha Giám đốc, Phó Giám đốc, quý Cha TGM Xuân Lộc; Hội Đồng Quản Trị Caritas Việt Nam; quý vị đại diện các Dòng tu; quý vị ân nhân; anh chị em cựu nhân viên và cộng tác viên Caritas; quý đại biểu của 26 Caritas Giáo phận. Ngoài ra còn có các vị khách quốc tế: Ông Zar V. Gomez, Tổng Thư ký Caritas Á Châu; Ông Marc D’Silva và Bà Elizabeth R. Pfifer, tổ chức Catholic Relief Services, Bà Wegner-Schneider Christine và Ông Hubert Heindl, đại diện Caritas Đức.
Sau phần giới thiệu và chào mừng của Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, Đức cha Tôma - Chủ tịch Caritas Việt Nam, đã đọc diễn văn khai mạc Hội nghị Caritas Việt Nam 2018 với chủ đề: “LIÊN ĐỚI ĐỂ THĂNG TIẾN”.
Phần mở đầu Đức cha nói lên niềm tự hào về sự thăng tiến và liên đới trong 10 năm Caritas Việt Nam hoạt động. Tuy nhiên Đức cha mời gọi các thành viên Caritas không nên dừng lại với những thành quả mà Caritas Việt nam có được nhưng còn phải thăng tiến hơn nữa trong tình liên đới. Đức cha nhấn mạnh: “Liên đới là chiều kích sâu thẳm của con người sống với nhau trong xã hội. Liên đới bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho nhân loại.” Theo quan điểm Công giáo, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi liên đới là một “nhân đức Kitô giáo”.
Sau đó Đức cha lần lượt triển khai “Liên Đới để Thăng Tiến” dưới ba khía cạnh: (1) Liên đới trong cơ cấu văn phòng Caritas; (2) Liên đới trong mạng lưới Caritas; và (3) Liên đới với đối tác và các tổ chức trong và ngoài Giáo hội.
Trong phần kết, Đức cha mời gọi các thành viên Caritas tiếp tục dấn thân phục vụ cho những người nghèo khổ đang rất cần vòng tay quảng đại của mọi người. Ngài mời gọi mọi thành viên Caritas đồng lòng quyết tâm liên đới với nhau để cùng thăng tiến trong YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ.
Sau bài diễn văn của Đức cha, cha Giám Đốc Vinh Sơn đọc điện văn chúc mừng của các tổ chức quốc tế.
Tiếp đến, cha Giám Đốc báo cáo tóm lược các hoạt động của Caritas Việt Nam cũng như hoạt động của Caritas 26 giáo phận trong năm 2018 cũng như trong 10 năm hình thành và phát triển của Caritas Việt Nam qua một đoạn phim phóng sự. Đúng 9g30: Thánh lễ Khai mạc Hội nghị
Thánh lễ Khai mạc Hội nghị và tạ ơn mừng kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam tái thành lập do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế và Đức TGM Marek Zalewski giảng lễ. Trong bài giảng Đức TGM Marek nhấn mạnh hình ảnh “muối” và “ánh sáng” trong Tin Mừng (Mt 5, 13-16) để soi sáng cho các thành viên Caritas sống sứ mạng của mình. Ngài chia sẻ hình ảnh muối và ánh sáng. Bản chất của muối là mặn. Muối không thể tồn tại nếu không mặn. Ánh sáng không phải là ánh sáng nếu không toả sáng và ánh sáng luôn toả sáng cho người khác. Các thành viên Caritas cũng được mời gọi sống sứ mạng của mình là muối và ánh sáng cho người khác. Đức TGM Marek mời gọi các thành viên Caritas sống sứ mạng môn đệ Đức Kitô là yêu thương và giúp đỡ người nghèo. Như lời nhắn nhủ của ĐTC Phanxicô, làm sao cộng đoàn Caritas luôn vươn cánh tay rộng ra khỏi Giáo phận đến với mọi người.
Sau Thánh lễ, chính quyền đến chúc mừng Hội nghị và Kỷ niệm 10 năm tái thành lập Caritas Việt Nam; phái đoàn gồm có Ông Dương Ngọc Tấn - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; Bà Đào Thị Đượm, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo; và các vị đại diện chính quyền địa phương.
Ông Dương Ngọc Tấn đại diện chính quyền bày tỏ niềm vui và trao lẵng hoa chúc mừng Caritas Việt Nam trong dịp kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam tái thành lập. Chính quyền đã khen ngợi về tinh thần phục vụ và đóng góp của Caritas Việt nam trong 10 năm qua trong việc từ thiện nhân đạo, giúp người nghèo khổ. Ông cũng ghi nhận sự quan tâm và hợp tác giữa chính quyền nhà nước và Toà Thánh Vatican. Đáp lời ông Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, cha Vinh Sơn đã đại diện Hội nghị đáp từ và cảm ơn phái đoàn. Sau đó, Đức cha Chủ tịch Caritas Việt Nam đã trao tặng những món quà diễn tả những lời cám ơn chân thành. Toàn thể Hội nghị và quý khách đã cùng dùng bữa trưa tại TGM Xuân Lộc. Buổi chiều: Các tham luận và chia sẻ
Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, GM Phụ tá GP Hưng Hóa, Chủ tịch UB. Loan Báo Tin Mừng đã có bài tham luận: “Liên Đới Để Thăng Tiến”.
Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng HĐGMVN, Thư ký UBMVDD đã khơi gợi lên về ý nghĩa của từ Liên Đới và Thăng Tiến, làm sao để sự liên đới giữa UBBAXH và Mục vụ Di dân ngày một liên đới với nhau để mỗi ngày được cùng nhau thăng tiến. Cha cũng chia sẻ sự trăn trở mục vụ cho những người di dân và ước mong UBMVDD được cộng tác với Caritas trong việc phục vụ cho người di dân.
Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch UBGDCG trình bày tham luận với chủ đề: “Chiều Kích Tâm Linh Của Công Việc Bác Ái”, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khía cạnh và yếu tố tâm linh trong công tác bác ái. Để có được cái tâm, người được sai đi (làm công việc bác ái) phải nghe được tiếng Chúa nói. Kế đến, người được sai đi phải biết chạnh lòng thương người nghèo như Chúa đã chạnh lòng thương. Sau một vài gợi ý từ Tin Mừng, Đức cha mong ước người làm bác ái cần chuyển mình ở ba chiều kích: (1) Nhìn việc mình làm: từ việc thực hiện công tác bác ái xã hội sang thi hành một sứ mệnh; (2) Nhìn người làm: từ người thực hiện công tác bác ái xã hội sang sứ giả của Thiên Chúa tình yêu và cứu độ; (3) Nhìn người lãnh nhận: từ một người đói sang hiện thân của Chúa Kitô và cần ơn cứu độ của Người.
Tiếp đến là phần chia sẻ về “Hỗ trợ người nghèo thuộc Caritass 26 Giáo phận” của gia đình ông bà Vinh - Tuyết.
Sau đó là phần chia sẻ thực tiễn: “Hỗ trợ các em khuyết tật” và “Viện Dưỡng Lão Suối Tiên” do Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể và Dòng Đa Minh Tam Hiệp đảm trách.