Mùa Vọng, Thánh Thể và lời kêu gọi đích thực cho chúng ta

Thứ bảy - 17/12/2022 03:17  795
MÙA VỌNG, THÁNH THỂ VÀ LỜI KÊU GỌI ĐÍCH THỰC CHO CHÚNG TA
 
Michael R. Heinlein 
Nhóm dịch Triết học I chuyển ngữ từ
Our Sunday Visitor (10/12/2022)
Nguồn: 
https://stellamaris.edu.vn/

 

 
Bài đọc II Chúa nhật IV Mùa Vọng nhắc nhớ rằng: chúng ta được tạo dựng để nên thánh, “được kêu gọi làm dân thánh”, như thánh Phaolô đã diễn tả trong Rm 1,7. Và điều này không gì khác hơn là để cho Đức Kitô sống trong chúng  ta, như gương cuộc sống của thánh Phaolô. Nó có nghĩa là biến lời xin vâng của Mẹ Maria trở nên lời đáp trả của chúng ta, qua việc một lần nữa đem Chúa Kitô vào thế giới trong sự vâng phục với Đấng là đường, sự thật và sự sống. Chúng ta dành hay nên dành toàn bộ cuộc sống của mình để chuẩn bị cho việc được  “gọi vào hưởng phúc Nước Trời”, như lời nguyện nhập lễ Chúa nhật I Mùa Vọng nhắc nhở mỗi người. Nhưng chúng ta có đang thực thi lời mời gọi đó không?

Mùa Vọng là cơ hội hàng năm để sửa đổi hành trình – là thời gian để chúng ta điều chỉnh nhiều hơn trước lời kêu gọi đích thực nhất: chuẩn bị cho ngày Chúa lại đến. Và Bí tích Thánh Thể chính là phương cách giúp hiện thực hóa việc chuẩn bị này trong cuộc sống của chúng ta. Mùa Vọng và thánh lễ có thể trở thành một phương thế hữu hiệu giúp thực thi công việc nền tảng này của người Kitô hữu.


Sống trong Nước Chúa

Thánh Gioan Tẩy Giả là nhân vật nổi bật của Mùa Vọng. Ngài đóng vai trò trung tâm trong việc chuẩn bị mọi người đón Đấng Cứu Thế đến qua lời kêu gọi ăn năn và hoán cải, để “mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” như câu xướng Alleluia của Chúa nhật II Mùa Vọng. Khi xem xét tầm quan trọng đặc biệt của Gioan Tẩy Giả, trong bài Tin mừng Chúa nhật III Mùa Vọng năm nay, chúng ta nghe Chúa Kitô nói rằng “trong số những người do phụ nữ sinh ra, không có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.”

Chúa Kitô đã cảnh báo rằng – điều này có liên quan đến tất cả chúng ta “nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11). Chúa Giêsu muốn nói gì? Và nó có ý nghĩa gì với chúng ta?

Giống như Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng được kêu gọi trở thành những vị tiền hô cho Chúa. Trong khi Gioan chuẩn bị cho sứ vụ cứu rỗi của Chúa Kitô, thì chúng ta cũng cần phải loan báo sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta. Chắc chắn, sự cao cả của thánh Gioan gắn liền với lời tuyên bố của ngài rằng “Nước Trời đã gần đến!” (Mt 3,2). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng con người phải cao trọng hơn việc loan báo tính nội tại của vương quốc trong chính vương quốc đó. Qua các dụ ngôn Đức Kitô đã làm sáng tỏ, rằng chỉ lời nói thôi thì chưa đủ để được sống trong Nước Thiên Chúa, điều cần thiết là phải hành động.

Nếu chọn sống trong Nước trời, chúng ta cần dứt khoát từ bỏ mọi thứ, kể cả chính bản thân mình. Khi đó, chúng ta có thể nói, giống như thánh Phaolô, “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đây là cuộc sống mà chúng ta được kêu gọi, cuộc sống mà chúng ta phải có nếu muốn xứng đáng với Nước trời. Và chính Thánh Thể là chìa khóa để dẫn đưa ta đến cuộc sống viên mãn ấy.


Sống nhờ Thánh Thể

Nếu ngay cả những người bé mọn nhất trong Nước trời cũng cần nên giống Chúa Kitô, thì chính trong bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô đã ban cho con người phương tiện để trở nên giống như Người. Là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (Lumen Gentium, 11), Thánh Thể không những là nền tảng cho việc cầu nguyện và phụng tự, mà còn đòi buộc chúng ta phải bắt chước và rập khuôn đời mình theo bí tích này. Nơi Thánh Thể, chúng ta tìm thấy những ân sủng cần thiết để đạt được mục tiêu này. Chúa Kitô tự nhận mình là “Bánh hằng sống từ trời xuống” và hứa rằng “ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời” (Ga 6,51).

Nhưng, như Mùa Vọng nhắc nhở, ngày phán xét chúng ta sẽ đến trước. Bài Tin mừng Chúa nhật I Mùa Vọng năm nay nhắc nhở chúng ta “Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24,44). Vì thế, thật là một niềm an ủi khi Chúa ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.

Trong khi chúng ta chờ đợi Chúa đến, thì Người cũng chờ đợi chúng ta đến với Người, nơi nhà tạm và nơi mặt nhật Chầu phép lành. Chân phước James Alberione, đấng sáng lập các dòng mang tên Gia đình thánh Phaolô, đã trình bày một linh đạo dựa trên kinh nguyện Thánh Thể, nói rằng việc tôn thờ Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là “bí quyết để mình được biến đổi trong Chúa Kitô”: ‘Chúa Kitô sống trong tôi’”.


Sống như Đức Kitô

Nếu Đức Kitô hiện diện sống động nơi chúng ta thì đời sống của chúng ta sẽ nên như thế nào? Trong bài đọc II Chúa nhật I Mùa Vọng, thánh Phaolô khuyên nhủ mỗi người “Hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13,14). Vì lẽ đó, chúng ta cần tuân theo truyền thống luân lý Kitô giáo. Nhưng nó cũng có nghĩa là những phẩm tính nơi đời sống của Đức Kitô sẽ định hình cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Bài đọc I trích sách Isaia (11,1-10) của Chúa nhật II Mùa Vọng trình bày điều này. Đó là Chúa Thánh Thần sẽ ngự trên chúng ta. Trong kinh nguyện Thánh thể, vị chủ tế khẩn cầu Chúa Thánh Thần ngự xuống, trước hết là để biến đổi lễ vật bánh và rượu, nhưng cũng ngự trên chúng ta là những người lãnh nhận các lễ vật thánh thiện này, để nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể được biến đổi thành của lễ mà chúng ta đón nhận. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích: “Như thế dưới tác động của Thánh Thần, Đức Kitô vẫn hiện diện và hoạt động trong lòng Hội Thánh, từ chính Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống. (Sacramentum Caritatis, 12).

Trong khi những lời của ngôn sứ Isaia có nhiều nghĩa, thì ý nghĩa nổi bật nhất là trình bày sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Tuy nhiên, như chi thể của Thân thể Đức Kitô nhờ phép Rửa Tội, những đặc tính của sự đổi mới và tăng cường nơi mối dây liên đới qua việc thờ phượng Thánh Thể cũng diễn tả chúng ta như là chi thể của thân thể Người.  Cũng nên nói rằng khi mới đọc qua thì nhữngđặc tính này diễn tả một vị vua lý tưởng của dòng tộc Đavít. Chúng ta cũng tham dự vào sứ vụ vương giả của Đức Kitô. Ngài là vị Vua hòan vũ mới, trường tồn đến muôn đời, Đấng “được xức dầu” và “đem tin mừng đến cho người nghèo khó” - như câu xướng Alleluia của Chúa nhật III Mùa Vọng,  trích từ sách ngôn sứ Isaia và Tin mừng Luca.

Trong thánh lễ, những lần biến đổi bắt đầu bởi quyền năng của Thánh Thần. Khi Thánh Thần biến đổi bánh và rượu trở nên Mình Thánh Chúa Kitô, thì cũng chính Người biến đổi chúng ta thành các chi thể của cùng một thân thể ấy. Và khi tiếp nhận con người đã được biến đổi, Chúa Thánh Thần, qua việc chúng ta tham dự vào sự  sống của Chúa Kitô, trang bị cho chúng ta để chúng ta  biến đổi thế giới nhân danh Chúa Kitô.

Công đồng Vatican II nhắc lại rằng: “Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa.” (Lumen Gentium, 31). Từ Đức Kitô, chúng ta kiếm tìm sự khôn ngoan, hiểu biết, những lời khuyên, sức mạnh, sự thông hiểu và lòng kính sợ Thiên Chúa. Nếu muốn sứ mạng mà chúng ta được sai đi từ thánh lễ có hiệu quả , thì những điều này phải  định hình đời sống chúng ta.

Thánh Phaolô cũng nói những tính cách chúng ta phải có khi mang lấy Chúa Kitô (x. Cl 3,12-15. Bài đọc này chỉ là một chọn lựa tùy ý vì lễ Thánh Gia Thất nhằm ngày trong tuần của năm nay). Chúng ta phải nổi bật với lòng trắc ẩn, nhân từ, khiêm nhường, dịu dàng, kiên nhẫn, tha thứ, yêu thương và lòng biết ơn. Bí tích Thánh Thể, trường học của những nhân đức ấy, thúc đẩy đời sống thiêng liêng của mỗi người đón nhận những nhân đức này như của mình.


Sống như Đức Kitô

Thánh Thể - một sự tổng hợp và tưởng niệm tính cách và nhân đức của Đức Kitô – hiện tại hóa cuộc tử nạn cứu độ, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Và chính Thánh Thể đưa chúng ta vào trong nhiệm cục cứu độ. Bằng cách đón nhận Chúa trong thánh lễ, bằng chiêm ngắm Mình Thánh Chúa với lòng khao khát được trở nên giống Chúa, chúng ta mới hiểu được vẻ đẹp, ý nghĩa và những cảm nghiệm sâu sắc của việc sống Bí tích Thánh Thể. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta học biết ý nghĩa của việc sống như Chúa Kitô: bằng lòng vâng phục dâng hiến và hy sinh mạng sống của chính mình cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Chúng ta học được ý nghĩa của việc trung thành, sống trong hy vọng, phục vụ trong tình bác ái. Chính Thánh Thể dạy chúng ta luôn chuẩn bị cho Nước Trời, và sự từ bỏ cuối cùng Đức cố Hồng y Francis E. George, OMI đã mô tả điều này rất tài tình: “Điều duy nhất chúng ta mang theo khi chết là những gì chúng ta đã cho đi”.

Nếu Mùa Vọng có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với đời sống thiêng liêng của chúng ta, thì thực tại trên hết là: sống Chúa Kitô và trao ban Chúa Kitô. Chỉ khi đó “chúng ta mới có thể chia sẻ thần tính của Chúa Kitô,” như lời nguyện nhập lễ Ngày Giáng sinh. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể được coi là xứng đáng với Nước trời. Chỉ khi đó Chúa Kitô mới có thể sống trong chúng ta và được sinh vào trần gian một lần nữa, chúng ta mới có thể dẫn vào triều đại của Emmanuel, và loan báo bằng cuộc sống của mình: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nên thánh được.

 
Michael R. Heinlein là biên tập viên của OSV's Simply Catholic, từ Indiana.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay36,558
  • Tháng hiện tại155,237
  • Tổng lượt truy cập42,987,233

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây