Kinh Lạy Cha - Kỳ 2

Thứ ba - 05/10/2021 04:54  1300
What and where is heaven? The answers are at the heart of the Easter story

LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI

Cha John Taneburgo – Dòng Thừa sai Comboni
 
Trong kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha ngự trên trời. “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Như thế, chúng ta nhìn nhận tình phụ tử của Thiên Chúa là điều cao trọng hơn tất cả nhưng lại hiện diện trong cõi lòng của những ai khao khát Ngài.

Việc Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha đã làm người Do Thái tức giận. Tin mừng theo thánh Gioan viết: “Bởi vậy, người Do Thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật sa bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18).

Thế nhưng, điều khiến người Do Thái căm tức Đức Giêsu lại làm cho chúng ta vui mừng và biết ơn. Thật vậy, vì Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu, nên tình phụ tử này ôm lấy tất cả mọi người trên toàn thế giới.

Đức Phanxicô nói: “Đây không phải là vấn đề sử dụng biểu tượng – trong trường hợp này là hình ảnh người cha – để ám chỉ mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhưng có thể nói là ‘cả thế giới’ của Đức Giêsu đổ vào cõi lòng chúng ta”. Thần học đã tìm ra một kiểu nói cụ thể để công bố điều này: Chúng ta là con cái Thiên Chúa trong Người Con.

Một ngày kia Philípphê hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8). Tôi nghĩ rằng nội dung lời thỉnh cầu này tóm tắt cách súc tích và đặc biệt, một điều sâu thẳm nơi mỗi người: tìm kiếm một người cha có ý nghĩa sâu xa lấp đầy cuộc sống con người.

Điều này đặc biệt đúng trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nghĩ về Thiên Chúa như người Cha là nghĩ về Đấng không chỉ tác tạo mà còn ban tặng sự sống như là món quà vĩ đại giúp chúng ta vui sống.

“Ở trên trời”
Thiên Chúa, Cha chúng ta, ở trên trời! Thuật ngữ này có nghĩa gì? Toát yếu Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 586 viết rằng: “‘Ở trên trời’ là một cách diễn tả theo Thánh Kinh, không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu: Thiên Chúa vượt quá và vượt trên tất cả. Thuật ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa”.

“Ở trên trời” cũng có nghĩa là tình phụ tử của Thiên Chúa vượt khỏi những giới hạn của bất kỳ người cha trần thế nào. Đức Phanxicô viết: “Có lẽ kinh nghiệm về tình phụ tử mà các con từng có, không phải là điều tuyệt vời nhất; người cha trần thế của các con ở cách xa hoặc vắng mặt, thích chiếm hữu và áp đặt, hoặc đơn giản là ông không phải là người cha mà các con cần đến. Cha không biết. Nhưng cha không ngần ngại nói rằng các con có thể xà vào vòng tay của người Cha Thiên Chúa, Đấng đã ban cho các con sự sống và luôn làm mới ân ban này từng phút từng giây. Ngài sẽ giữ các con trong vòng tay nhưng luôn luôn tôn trọng tự do của các con”.

Theo thánh Augustinô, cõi trời mà Thiên Chúa ngự là cõi lòng của từng người công chính, nơi Thiên Chúa xem như đền thờ của mình. Thánh Elisabeth Chúa Ba Ngôi khai triển ý tưởng này và đào sâu hơn ý nghĩa sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Dưới đây là một phần lời cầu nguyện đẹp và có chút táo bạo của thánh nữ:

“Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
Xin giúp con quên mình hoàn toàn
Để ở lại trong Chúa.
Lặng lẽ và an bình
Như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
Xin biến hồn con thành chốn trời cao,
Thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
Nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi
Con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
Nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
Với thái độ nhạy bén trong đức tin,
Cung kính tôn thờ
Và phó mình cho Chúa sáng tạo.
Xin Chúa ngự đến trong con để con có thể được đắm chìm trong Chúa cho đến khi được chiêm ngắm rõ ràng vẻ tráng lệ vô cùng của Chúa!”*

 “Ở trên trời” còn có một ý nghĩa khác. Đó là chúng ta không thể kiểm soát cũng như không thể hiểu biết Thiên Chúa để chiếm hữu Ngài với sức mạnh tâm trí. Chúa Cha ngự trên trời cũng như ở khắp mọi nơi, nhưng cách dè dặt kín đáo; Ngài không áp đặt chính mình. Bao lâu chúng ta còn sống, chúng ta vẫn sẽ luôn tìm kiếm Thiên Chúa trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội, như là những môn đệ của Đức Giêsu và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, chúng ta cầu xin cho toàn thể nhân loại khao khát Thiên Chúa, khát khao mãnh liệt như thánh Elisabeth: để ở lại trong Thiên Chúa và biến cõi lòng mình thành cõi trời, nơi Chúa ngự, mở lòng ra để được Ngài biến đổi.


* Lời nguyện trích từ: RABBOUNI – 120 Lời nguyện của Bạn Trẻ Việt Nam, Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ban Học tập Sao Biển chuyển ngữ từ World Mission Magazine (4/2021)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập155
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm137
  • Hôm nay35,002
  • Tháng hiện tại276,057
  • Tổng lượt truy cập53,261,092

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây