Kinh thánh có chủ trương phân biệt chủng tộc không?

Thứ tư - 22/09/2021 21:05  1546
Kinh thánh có chủ trương phân biệt chủng tộc không? [1]

Yves Congar
 
Có phải chính người Do Thái là những người đầu tiên ủng hộ học thuyết chủng tộc? Chẳng phải trong Kinh thánh chúng ta đọc thấy lời chúc lành dành riêng cho họ và những lời chúc dữ nhắm vào các chủng tộc khác sao? Do đó, chúng ta phải xem xét lại những tuyên bố mang tính chủng tộc trong Kinh thánh và yếu tố chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong hiện tượng Israel với tư cách là một “dân tộc được chọn”.

Một điểm rõ ràng ngay từ đầu: việc tuyển chọn chắc chắn là chọn một dân tộc, nhưng cả nội dung và ý nghĩa việc Thiên Chúa tuyển chọn đều không có bất kỳ yếu tố phân biệt chủng tộc nào. Đáng chú ý là tôn giáo của Israel khác biệt sâu sắc với tôn giáo của các dân tộc khác trong cùng một cộng đồng chủng tộc. Israel được chọn như một dân tộc vì mục đích của Thiên Chúa là hợp nhất tất cả mọi người trong một dân thiêng liêng duy nhất - Giáo hội, để cứu độ và dẫn dắt họ đến hiệp thông với Ngài, không phải trong cô lập mà là một cộng đồng. Do đó, Israel đã được chọn đại diện và thay mặt cho tất cả (pars pro toto). Nếu ngay từ đầu, sự tuyển chọn rơi vào một dân tộc mà thôi thì rõ ràng đó là bởi vì ý muốn của Thiên Chúa trước tiên ban cho một hoặc một vài dân tộc những gì Ngài dự định cho tất cả, để những nỗ lực và tiến bộ của con người trong suốt lịch sử có thể trở thành một phần kế hoạch của Ngài về lòng thương xót phổ quát. Việc tuyển chọn này cũng là để che chở cho hạt giống mới được gieo trồng của tôn giáo chân chính và bảo vệ hạt giống vừa gieo trước khi phải phơi bày ra với mọi luồng gió của nền văn minh thế giới.

Khi nói về “một dân được chọn”, Kinh thánh hoàn toàn rõ ràng và minh nhiên không có ý nghĩa nào mang tính phân biệt chủng tộc trong việc tuyển chọn của Thiên Chúa, không hề nghĩ đến một chủng tộc cao cấp. Trên thực tế, chúng ta biết Israel được chọn không phải vì bất kỳ phẩm chất vượt trội nào — người Hy Lạp có phẩm chất nổi trội hơn người Israel — nhưng chính xác là bởi vì người Israel không có những phẩm chất đó (x. Đnl 7,7; xem thêm Đnl 14-15, Ed 16,3-15, 1 Cr 1,27). Ý nghĩa việc Thiên Chúa tuyển chọn được đưa ra trong tất cả các sách của Kinh thánh bởi thực tế là Thiên Chúa liên tục đảo ngược tương quan vị trí, chọn người trẻ hơn thay cho người lớn hơn — như trong các câu chuyện của Cain và Abel, Giacop và Esau, Ephraim và Manasseh , và Đavít — hoặc lấy những phụ nữ son sẻ làm mẹ của những thủ lãnh được tuyển chọn trong dân của Ngài — như Sarah, Rebecca, mẹ của Samson, Hannah mẹ của Samuel, Elizabeth mẹ của Gioan Tẩy giả. Vì vậy, “những người được chọn” không có nghĩa là một chủng tộc được đặc ân, chủng tộc được ân ban ngoại lệ; không có ý tưởng phân biệt chủng tộc trong việc tuyển chọn dân Chúa.

Cũng không có quan điểm ​​phân biệt chủng tộc trong nội dung tuyển chọn. Xuyên suốt ngay từ đầu, Israel được chọn cho toàn thể nhân loại để trở thành trung gian Mặc khải vốn dành cho tất cả mọi người. Quan niệm về Thiên Chúa xuất hiện trong Kinh thánh khác biệt sâu sắc với quan niệm được tìm thấy trong tất cả các dân tộc khác xung quanh Israel vào thời đó, ở chỗ Giavê không phải là thần của một dân tộc cụ thể, giống như các vị thần cụ thể, liên quan đến một nhóm người nhất định. Ngài là Đấng Tạo Hóa của vạn vật; không có các vị thần khác bên cạnh. Đó cũng là lý do tại sao Thiên Chúa không bị ràng buộc vào một nơi cụ thể, chẳng hạn như một ngọn núi, một con suối, hoặc một thánh điện. Điểm này được Stêphanô đưa ra rất rõ ràng trong bài phát biểu trước Thượng hội đồng, và trong bài phát biểu của Phaolô trước Hội đồng Areopagô (x. Cv 7,17). Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của hai đoạn Kinh thánh nói về sự phân chia các chủng tộc, tức là các thế hệ của ông Nôê, dẫn đến câu chuyện Tháp Babel (St 10,1; 11,5). Tác giả của một nghiên cứu gần đây về câu chuyện Tạo dựng, M. W. Zimmerli lưu ý rằng hai câu chuyện tạo dựng bổ sung cho nhau. Câu chuyện giải thích sự đa dạng của các dân tộc có nguồn gốc từ Nôê cho thấy khía cạnh vui vẻ, tích cực của sự đa dạng đó. Phúc thay cho những ai có nhiều con cháu. Không có chi tiết nào trong Kinh thánh phản ánh người da đen là “những đứa con đáng nguyền rủa của Ham”; các tác giả ủng hộ thần quyền, như Joseph de Maistre, từ Kinh thánh, tuyên bố biết đâu là quan điểm ​​của Thiên Chúa về lịch sử thời đại của họ, và hơn hết biết những người, như một số nhà văn Anh và Mỹ ở thế kỷ 18 và 19, vốn đã sử dụng Kinh thánh để biện minh cho việc buôn bán nô lệ, có lỗi với việc giải thích sai lầm hoàn toàn và đọc điều không bao giờ có trong Kinh Thánh. Chẳng hạn như Kinh thánh không có lời nguyền rủa chống lại bất kỳ chủng tộc nào như thế.

Theo quan điểm Mặc khải trong Kinh thánh, nhân loại theo tự nhiên là một hoặc bất kỳ lúc nào cũng đều sống chung hòa bình, hòa thuận với nhau. Nếu sự đa dạng giữa con người dẫn đến xung đột và không thể đạt được thỏa thuận, thì đó là điều không tự nhiên và cần phải giải thích. Kinh thánh giải thích sự đa dạng con người bằng trình thuật mang tính tầm nguyên của Tháp Babel vốn cho thấy sự đa dạng cũng có khía cạnh thiệt hại giữa các chủng tộc, dân tộc và ngôn ngữ —Tháp Babel tự nó không tốt cũng không xấu nhưng xét về tổng thể, tác động của nó là may mắn. Từ chính câu chuyện, sự hợp nhất chủng tộc, chính trị và ngôn ngữ của nhân loại không phải là điều đáng chê trách. Thiên Chúa chỉ phản đối sự hợp nhất đó khi nó khơi dậy tham vọng tự phụ là trốn tránh chủ quyền của Ngài. E. Konig, người đã nói rõ điều này, cũng lưu ý rằng không có nền văn học cổ đại nào khác gây căng thẳng nhiều như Kinh thánh về sự hợp nhất của nhân loại. Ông cho thấy rằng từ khi Ađam được dựng nên, Kinh thánh chiêm ngắm  một kế hoạch của Thiên Chúa, và lịch sử cứu độ cho toàn thể nhân loại. Ngay cả sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa vẫn không hủy diệt, Ngài đã cam kết với con người về tình yêu của Ngài và đã ban những phương tiện nhất định để nhận biết Ngài; Thiên Chúa, như Ngài là, đã thực hiện một giao ước với nhân loại để bày tỏ lòng thương xót và ban cho con người những ân huệ tự nhiên. Ngay cả khi lòng kiêu ngạo của loài người đã kéo theo lời chúc dữ của Tháp Babel, thì Thiên Chúa, mặc dù chuyển kế hoạch ân sủng của Ngài cho một gia đình và một dân tộc, bằng việc tuyển chọn Abraham, vẫn không thể không công bố rõ ràng mục đích phổ quát ngay từ đầu về những gì Ngài đang làm: “Nhờ ngươi, mọi gia đình trên mặt đất này sẽ được chúc phúc”.

Kế hoạch phổ quát này luôn luôn hiện diện trong lịch sử của Israel. Trước khi dân ngoại bước vào Giáo hội và sự hỗn loạn tại Babel được cải thiện nhờ phép lạ của Lễ Ngũ tuần thì đã có những tiên báo và cam kết về ơn cứu độ phổ quát, một sự đồng hóa với dân Chúa gồm những cá nhân thuộc các sắc tộc khác nhau — Rakháp, một cô gái điếm ở Giêricô ; Abimelech, con trai của Gideon và một phụ nữ người Canaan; Ruth xứ Môáp, một trong những tổ tiên của Đức Giêsu; và nhiều người vô danh  trong số những người đã được nhận vào sự hiệp thông tôn giáo của Israel với tư cách là ngoại kiều (một từ đặc biệt đối với ngôn ngữ Kinh thánh, có thể được nói đến cách ngụ ý, một thực tế không phải là không có ý nghĩa; x. Xh 12,48-49). Trong bối cảnh này, không thể bỏ qua việc đề cập đến những diễn tả rất đẹp của viễn cảnh phổ quát nơi sách Dân số, Thánh vịnh và các sách Ngôn sứ từ thời Lưu đày trở đi. Không thể trích dẫn hết ở đây, nhưng chúng ta nên đọc lại trong Is 11,9; 15,1-2; 19,19-25; 49,18-23; 52,10 và 56,1-8. 8-11; Tv 2,7-8; 22,27-28; 65,1-2; 67,1-2; 72,8-11; 86,8-10; 96,5. 7. 10; 98,6-7; Dcr 2,11-13; 8,20-23; 14,20-21; Ge 3,1-2; Ml 1,11; v.v ... Theo Kinh thánh, tất cả các dân tộc đều đã phạm tội, nhưng tất cả đều được Thiên Chúa tha thứ và sẽ đến với Ngài.

Tuy nhiên, trong Kinh thánh cũng có những lệnh truyền tiêu diệt người thuộc các chủng tộc khác, hoặc thực sự là để tiêu diệt các chủng tộc đó nói chung. Trong một nghìn năm trôi qua giữa mệnh lệnh tiêu diệt người Midianites, người Canaan, v.v. mà chúng ta đọc trong Sách Dân số, Đệ nhị luật hay Giôsuê, và những biện pháp tương tự được Etra thực hiện sau cuộc xuất hành, máu đã đổ rất nhiều. Nhưng rõ ràng, và thực sự đã được tuyên bố rõ ràng trong Kinh Thánh, rằng những dân tộc xa lạ và những người phụ nữ xa lạ không bao giờ bị kết án hủy diệt vì  phân biệt chủng tộc như vậy, nhưng bị kết án vì sự nguy hiểm hoặc thực sự phạm tội thờ ngẫu tượng (x. Ds 25,5; Đnl 9,4; Er 9,1). Đó cũng không phải là thành kiến ​​về chủng tộc theo đúng nghĩa của từ này, như thế đã gợi hứng cho rất nhiều biện pháp bảo vệ dòng dõi của các Tổ phụ, và sau này của Giuđa, nhưng đúng hơn là mong muốn được giữ trong sạch để thực hiện ý định của Thiên Chúa, đó là từ Abraham đến đức Maria, qua Giuđa và Đavít, để thực hiện những lời hứa thiên sai.

Do đó, không thể có sai lầm nào nghiêm trọng hơn việc chú giải Cựu ước theo quan điểm chủng tộc và đặc biệt hơn là về phân biệt chủng tộc. Ngay cả sau sự trỗi dậy của Kitô giáo, Do Thái giáo đã bị phân tán nhưng vẫn không thể phân chia, không bao giờ đưa ra quan điểm giải thích phân biệt chủng tộc. Có thể đã có một xu hướng tự phát như thế trong dân Israel, và xu hướng đó có thể đã được củng cố đến mức mà chính người Do Thái đã thế tục hóa ý tưởng về dân tộc của họ và, khi sử dụng các thuật ngữ đã được giải thích ở trên, họ trở thành “người Do Thái” hơn là "người Israel". Trong một số phần của Talmud, chủ nghĩa phổ quát ở nơi này nơi khác trên thực tế đã bị lãng quên và việc Thiên Chúa tuyển chọn được coi là việc tuyển chọn của Israel vì lợi ích của họ hơn là vì toàn thể nhân loại. Điều đó không đủ để cấu thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Mặt khác, không ai bị loại trừ dứt khoát khỏi cộng đồng Israel trên mặt đất vì họ không thuộc dòng dõi Ápraham theo xác thịt. Không chỉ các cá nhân thuộc dòng dõi Aryan mà toàn bộ các nhóm dân tộc đã được tiếp nhận vào cộng đồng đó (ví dụ như người Chazars từ phía nam sông Volga, từ thế kỷ IX đến thế kỷ thứ XI, khi họ bị tiêu diệt; hoặc người Berber Do Thái ở Bắc Phi). Tuy nhiên, điều này thường xảy ra khi một nhóm nhất định được đối xử trên cơ sở chủng tộc thì chính nhóm đó phát triển ý thức chủng tộc và họ phản ứng tùy theo đó. Ví dụ này được tìm thấy trong số người da đen chiếm hơn một phần của châu Phi. Người Do Thái có lẽ đã theo một dòng phát triển tương tự ở những nơi khác. Nếu điều này là đúng, họ sẽ không phải là những người đầu tiên ủng hộ thuyết phân biệt chủng tộc.


[1] Đây là một đoạn trích từ tập The Catholic Church and the Race Question  xuất bản năm 1953.



Nguồn: https://churchlifejournal.nd.edu/articles/is-the-bible-racist/
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Thanh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập139
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay32,315
  • Tháng hiện tại537,917
  • Tổng lượt truy cập56,234,464

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây