Hai cuộc sinh hạ của Chúa Kitô theo Tôma Aquinô và De Koninck

Thứ tư - 21/12/2022 03:54  766

HAI CUỘC SINH HẠ CỦA CHÚA KITÔ THEO TÔMA AQUINÔ VÀ DE KONINCK [1]

Susan Waldstein
Chủng sinh Grêgôriô Trần Nhựt và Gioan Quốc Trầm
chuyển ngữ từ: 
Church Life Journal | University of Notre Dame

 


Và bà đã sinh con đầu lòng, và lấy tả vấn con và đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,7) [2].

Khi Chúa Giêsu chịu thanh tẩy xong . . . trời mở ra . . . và này có tiếng tự trời phán: “Ngài là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ” (Mt 3,16–17).

Chúa Giêsu là Con của Mẹ Maria và Con của Chúa Cha. Khi chiêm ngắm sự ra đời làm người của Ngài, chúng ta có thể có cái nhìn thoáng qua về sự ra đời thần linh của Con Thiên Chúa được phản chiếu trong đó. Charles De Koninck, người sáng lập Trường phái Tôma Laval, so sánh giữa việc sinh ra của Chúa Con bởi Đức Maria với việc sinh ra từ đời đời bởi Chúa Cha trong hai cuốn sách về Đức Maria, cuốn Ego Sapientia và cuốn The Piety of the Son. Ông bắt đầu với giáo thuyết của thánh Tôma rồi sau đó phát triển lên.

Thánh Tôma dạy rằng có hai sự sinh ra của Chúa Kitô, bởi vì Ngài mang hai bản tính và mục đích của việc sinh hạ là để hiện hữu trong một bản tính nhất định:

Trong Chúa Kitô có hai bản tính: một bản tính Ngài đã  nhận từ Đức Chúa Cha, từ vĩnh cửu, bản tính thứ hai Ngài đã lãnh nhận từ mẹ của mình trong thời gian. Vậy người ta một cách tất yếu phải chỉ về cho Chúa Kitô hai sự sinh ra (duas nativitates): một sự sinh ra mà Ngài từ vĩnh cửu sinh ra từ Đức Chúa Cha, sự sinh ra thứ hai mà Ngài đã sinh ra từ mẹ Ngài trong thời gian
[3].

Thánh Tôma định nghĩa sự sinh ra như “sự phát xuất của một sinh vật từ một nguyên lai sống liên cận . . . theo cách giống như nguyên lai”
[4].

Yếu tố đầu tiên, “sự phát xuất của một sinh vật (living being) từ một nguyên lai sống (living principle), quy chiếu đến người cha hoặc mẹ trong tư cách là nguyên nhân tác thành sự sống của đứa trẻ. Người cha hoặc mẹ sinh ra người con của mình.

Yếu tố thứ hai, “nguyên lai sống liên cận” (a conjoined living principle), quy chiếu đến nguyên nhân chất thể của con người mà từ đó đứa trẻ xuất phát. Người cha và mẹ hình thành nên người con từ chính bản thể của họ, trong trường hợp con người, là từ tinh trùng của người cha và tế bào trứng của người mẹ. Cả hai được liên kết với người con thông qua các giao tử trung gian [X/Y, các tế bào giới tính]; người mẹ cũng được liên kết qua dây rốn và đứa trẻ đang cư ngụ trong dạ mình.

Yếu tố thứ ba, “theo cách giống như nguyên lai”, quy chiếu đến nguyên nhân cứu cánh và mô thức của quá trình, đồng loại với nguyên lai giữa cha mẹ và người con. Mục tiêu của việc sinh sản là sản sinh bản tính của cha mẹ. De Koninck lập luận rằng, cả Đức Maria và Chúa Cha đều thực sự sinh ra Chúa Con. Cả ba yếu tố này của sự sinh ra, như định nghĩa của thánh Tôma, đều có thể được nhận thấy trong cả hai cuộc sinh hạ của Chúa Kitô.

1. Nguyên lai sống: Cả Chúa Cha và Đức Maria đều là những nguyên nhân tác thành sự sống của Chúa Kitô qua một hành vi sự sống. Chúa Cha là nguồn gốc của Chúa Con theo thần tính; Đức Maria là nguồn gốc của Chúa Con theo nhân tính.

2. Nguyên lai liên cận:

Đức Maria sinh ra Chúa Giêsu từ chính bản thể của mình cũng như Chúa Cha sinh Chúa Con từ bản thể của Ngài. Nơi thân xác mình, Đức Maria tạo thành và đóng góp điều mà một người mẹ nhân loại tạo thành và đóng góp cho người con. Như vậy, Đức Maria là người sinh thành đích thực. Người sinh thành rút ra thứ được sinh ra từ chính bản thể mình trong khi hình thành nên nó. . . . Hành động đồng hóa diễn ra theo mô thức trong việc sản sinh của nguyên lý thụ động của việc thụ thai, một sự sản sinh có kết quả từ năng lực sinh sản chủ động của người phụ nữ, xét từ góc độ của người được sinh ra. . . . Vì lý do này, người mẹ dự phần cách tích cực vào sự đồng hóa thiết yếu của người con được sinh ra. Một cách thích đáng, Đức Maria chính là genetrix (một người mẹ)
[5].

Sinh học thời nay chỉ ra rằng tế bào trứng chứa đựng chính xác một nửa số gen chịu trách nhiệm cho sự phát triển của đứa trẻ. Đây là dấu hiệu cho thấy tế bào trứng chia sẻ chung trách nhiệm đối với việc thành hình của đứa trẻ; giống như thánh Tôma đã tin rằng, tinh trùng không hình thành nên đứa trẻ từ thứ vật chất vô định nào đó mà người mẹ đóng góp. Một khi tế bào trứng được thụ tinh, có một hữu thể sống mới phát triển bằng những năng lực chủ động của chính mình thông qua việc sử dụng các gen như những phương tiện được thừa hưởng từ cả cha lẫn mẹ. Như thế, quan sát sinh học hiện đại làm sáng tỏ hơn vai trò tích cực của người mẹ trong việc sinh con, vì họ chủ động tạo ra tế bào trứng, kết hợp với tinh trùng sẽ trở nên đứa trẻ.

Trong trường hợp của Chúa Giêsu, thay vì tinh trùng thì quyền năng Thánh Thần tác động lên tế bào trứng, nhưng có lý để cho rằng Đức Maria sản sinh và đóng góp tế bào trứng giống như mọi người mẹ nhân loại khác. Đức Maria sinh ra Chúa Giêsu từ bản thể của mình như Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ bản thể của Ngài. Kết quả là Chúa Con có bản tính thần linh từ Chúa Cha trên trời và bản tính nhân loại từ người mẹ trần gian. Món quà từ chất thể của Mẹ Maria bắt chước món quà nguyên thủy của chính Chúa Cha dành cho Chúa Con.

Vẫn còn một khoảng cách vô hạn giữa việc sinh ra theo cách thần linh và nhân loại của Chúa Con, vì Chúa Cha không dùng đến trung gian, thể xác, hay cách thế nào khác để sinh ra Chúa Con. Sự phát xuất của Chúa Con là nhiệm sinh. Phép loại suy gần gũi nhất về sự phát xuất này, theo thánh Tôma, là việc phát xuất theo đường lý trí hay hiểu biết, một sự phát xuất nội tại
[6]. Chúa Con phát xuất từ bên trong Chúa Cha. “Bản tính sẽ được biểu đạt trong chính nó”[7].

3. Theo cách giống như nguyên lai: Mẹ Maria trao ban bản tính của mình cho Chúa Giêsu để Ngài có một bản tính nhân loại trọn vẹn, gồm cả thể xác lẫn linh hồn. Như De Koninck phát biểu, “[Đức Maria đã] chia sẻ cái chết của Con mình bằng tình yêu, theo nghĩa chết cùng Ngài bởi vì Ngài là xương bởi xương bà, thịt bởi thịt bà”
[8]. Đức Maria có thể chịu đau khổ sâu nặng đến thế với Con mình trong cơn hấp hối trên Thập giá, bởi vì mẹ hết mực yêu Ngài. Ngài có nhân tính từ nhân tính của mẹ, thân xác từ thân xác của mẹ. Do đó, chỉ nhờ có mẹ mà Con Người mới có sự tương đồng với loài người; toàn bộ sự giống nhau theo tử tính hoàn hảo mà Ngài có được đều xuất phát từ Đức Maria. Xét khía cạnh này, Ngài là hình ảnh đồng bản thể với thân mẫu Ngài[9].

Chúa Giêsu đồng bản thể với người mẹ nhân loại tương tự như Ngài đồng bản thể với Thiên Chúa Cha. Sự trao ban bản tính nhân loại của Đức Maria cho Chúa Giêsu phản chiếu lại sự trao ban bản tính thần linh của Chúa Cha cho Chúa Con. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là hình ảnh của Mẹ Ngài, “con người thật bởi con người thật” vừa là hình ảnh của Chúa Cha, “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Ở đây cũng có một sự khác biệt sâu xa, vì chưng, Đức Maria và Chúa Giêsu không đồng bản thể theo cách mà Chúa Cha và Chúa Con đồng bản thể.

Sự tương đồng của Chúa Cha và Chúa Con không phải là một sự tương đồng thông thường –giống như giữa người cha và người con nhân loại bởi vì Chúa Cha và Chúa Con vượt quá sự tương đồng cùng môt loài– nhưng đó là một sự tương đồng trong căn tính của một và cùng một mô thức, dẫn đến sự đa dạng các Ngôi vị
[10].

Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ bản thể của Ngài đến nỗi mang lại một sự đồng bản thể hoàn bị. Chúa Cha và Chúa Con cùng chính là một Thiên Chúa. Ngược lại, Đức Maria và Chúa Giêsu là hai hữu thể nhân loại mặc dù có chung một bản tính. Họ là hai thực thể mang bản tính nhân loại trong khi Chúa Cha và Chúa Con là một và cùng một bản tính thần linh.

Khi suy gẫm về sự phát xuất từ vĩnh cửu và trong thời gian của Chúa Con, De Koninck khám phá ra những điểm giống nhau sâu xa hơn giữa chúng. Tôi xin đề cập năm điểm:

I. Bằng việc phán một Lời: De Koninch phát biểu rằng sự sinh ra trong thời gian của Chúa Con giống với sự sinh ra thần linh bởi mỗi cuộc sinh hạ đều là một “sự phát xuất theo đường lý trí”
[11]. Theo cách hiểu loại suy về Ba Ngôi, từ muôn đời Chúa Cha phán ra Lời; việc Đức Maria sinh ra Chúa Con cũng bởi một lời, lời fiat [xin vâng] (Lc 1,38):

Sự khôn ngoan hàm ngụ sự hiểu biết, một sự phát xuất theo đường lý trí. Để thực là sự Khôn Ngoan, Đức Thánh Nữ Trinh, ngay cả trong tương quan với Thiên Chúa, ngoài mẫu tính thần linh của xác thịt, phải đạt đến bản tính của nguyên lý đầu tiên theo đường lý trí. Đó là điều Mẹ đã tuyên bố trong lời Fiat – xin hãy thực hiện cho tôi theo lời ngài . . . bằng một cách diễn đạt rõ ràng nhất, M. Olier nói với chúng ta rằng trong lời Fiat, Đức Thánh Nữ Trinh đã mô phỏng sự phát xuất theo đường lý trí của Chúa Con nơi Thiên Chúa
[12].

Thiên thần Gabriel loan báo cho Đức Maria căn tính của người con mà ngài sắp cưu mang: “Giêsu . . . Con Đấng Tối Cao . . . Con Thiên Chúa” (Lc 1,31.32.35). Vì lẽ đó, Đức Maria có thể chấp thuận việc làm mẹ khi biết rằng người con của mình sẽ vừa là con người vừa là Thiên Chúa. Mẹ thốt lên lời fiat với sự hiểu biết và bởi lời đó, thành quả là việc sinh ra người Con trong cung lòng mẹ, mặc dù chỉ qua “quyền năng Đấng Tối Cao”, Đấng hạ cố để chờ mẹ ưng thuận (Lc 1,35):

Cũng như [Chúa Cha hằng hữu] sinh ra Lời từ vĩnh cửu bằng Sự Hiểu Biết của Ngài, bởi một sự quy hồi và quan chiêm chính mình, vậy nên Ngài muốn rằng Đức Maria, Đấng hoàn bị tột bậc và là hình ảnh thánh thiêng cho sự sinh thành thuần khiết của Ngài, sinh ra Ngôi Lời theo sự hiểu biết; và vì lý do đó, Ngài quyết định rằng mẹ sẽ ưng thuận đối với việc sinh ra Lời bằng xương bằng thịt theo cách thế rõ ràng và trang trọng bao hàm hiểu biết và lý trí
[13].

Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến đề nghị Đức Maria ưng thuận, để mẹ có thể phản chiếu cách hoàn hảo hơn việc sinh ra Chúa Con [từ vĩnh cửu]. Tuy nhiên, Đức Maria sinh ra Ngôi Lời bằng sự hiểu biết theo một cách rất khác với Chúa Cha. Chúa Cha biểu lộ sự hiểu biết chính Ngài nơi Lời thiêng liêng, đó chính là Ngôi Con. Đức Maria biểu lộ sự ưng thuận đối với kế hoạch của Thiên Chúa bằng lời nhân loại, điều mà Thiên Chúa chấp nhận. Để rồi Thiên Chúa rợp bóng trên mẹ và sinh ra người Con trong cung lòng mẹ cách thể lý, khi dùng đến tế bào trứng mà mẹ đã chuẩn bị.

II. Sự sinh ra đồng trinh: De Koninck phát biểu rằng việc Đức Maria sinh ra Ngôi Lời, Đấng trở thành nhục thể, cũng phản chiếu việc Chúa Cha sinh ra Ngôi Lời bởi đặc tính nguyên trinh. Đức Maria hoài thai Chúa Giêsu mà không có một người cha nhân loại. “Điều này sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết người nam?” (Lc 1,34). Cũng vậy, theo cách này, mẹ phản chiếu Chúa Cha, Đấng là cội nguồn của thần tính, Đấng sinh ra Chúa Con từ bản thể của Ngài mà không cần đến bất kỳ đối tác nào. Như thế, “Đức Maria [là] sự hoàn bị tột bậc và là hình ảnh thánh thiêng cho sự sinh thành thuần khiết [từ vĩnh cửu]”,
[14] theo De Koninck, khi trích dẫn lại nhận định của M. Olier.

Tuy nhiên, sự trinh khiết này khác biệt với sự thuần khiết của Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha là cội nguồn độc nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguyên nhân tự hữu [principium sine principio], trong khi Đức Maria là nguyên nhân của Chúa Giêsu thông qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thánh Tôma đồng tình với thánh Augustinô rằng Đức Maria là đồng-nguyên-nhân trong việc sinh ra Ngôi Lời. “Như thánh Augustinô đã nói điều đó (Enchiridion xi), không phải cũng một thể cách mà Chúa đã được cưu mang hay đã được sinh ra bởi Đức Chúa Thánh Thần; bởi Đức Maria đã đưa ra chất thể; và bởi Đức Chúa Thánh Thần là nguyên lý chủ động”
[15].

III. Sự sinh ra trong thinh lặng: Như De Koninck lưu ý, không hề có thanh âm của Ngôi Lời phát ra trong vĩnh cửu, bởi vì đó là sự nhiệm sinh tự bên trong Thiên Chúa, cũng như không có âm thanh trong việc thụ thai và chín tháng thai nghén Chúa Giêsu trong lòng Đức Maria. “Bằng sự thinh lặng này trong dạ thân mẫu, Ngôi Lời đồng thời đã mô phỏng lại theo thể cách rõ nét nhất sự phát xuất thinh lặng của Ngài từ cung lòng Chúa Cha”
[16].

Không chỉ việc Chúa Giêsu được thụ thai và thai nghén thinh lặng; thánh Tôma dạy rằng việc Chúa Giêsu được sinh ra cũng diễn ra trong thinh lặng. Việc sinh hạ này không đau đớn vì không có tiếng kêu la đau đớn hay hít thở sâu trong cơn chuyển dạ, thường đi cùng với việc sinh nở trong tình trạng sa ngã. Sự thinh lặng ấy giống với sự phát xuất thinh lặng của Chúa Con từ Chúa Cha. “Song các sự đau đớn lúc sinh con mà giả như mẹ Ngài phải chịu đi nữa, vẫn không liên hệ với Chúa Kitô là Đấng đến đền tội cho chúng ta. Do đó, mẹ Ngài không phải sinh con mà bị đau đớn
[17]. Đây không phải là một giáo thuyết chắc chắn; tuy nhiên, nếu đúng thế, điều đó sẽ làm tăng thêm sự tương đồng giữa hai cuộc sinh ra.

IV. Việc Chúa Con ở lại trong Đức Maria: Chúa Con vẫn hằng ở lại trong Chúa Cha, như Tin mừng Gioan minh thị. “Ta ở trong Cha” (Ga 10,38); “Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri” (Ga 1,18). Cách tương tự, Chúa Con ở lại trong dạ thân mẫu chín tháng, và trong trái tim mẹ đến muôn đời. De Koninck trích lại một đoạn văn tuyệt vời của thánh Albertô về việc cư ngụ của Chúa Kitô trong dạ thân mẫu Ngài:

Nhưng trong dạ Đức Thánh Nữ Trinh, một cung lòng được chuẩn bị bởi Chúa Thánh Thần, cả thần tính và nhân tính của Chúa Kitô đã được đặt để và xác lập, và như thế, đó là nơi chốn xứng hợp của vương quốc: bởi vậy mẹ là chính lòng thương xót và đồng thời, mẹ dĩ nhiên cũng là Nữ vương của Lòng Thương xót
[18].
Thánh Tôma đề cập đến việc Chúa Con ngự nơi linh hồn cũng như cung lòng Đức Maria, “Con Thiên Chúa, là sự ‘Khôn Ngoan của Thiên Chúa’ đã ngự nơi mẹ, không những ở trong linh hồn nhưng còn trong lòng mẹ”
[19]. Ngay cả sau khi Chúa Giêsu được sinh ra, Chúa Con vẫn hằng ở lại nơi thân mẫu Ngài qua đức tin, đức cậy và đức mến. Vì lẽ mẹ được củng cố trong ân sủng, mẹ cũng được củng cố trong các nhân đức hướng thần, để qua đó, Thiên Chúa Ba Ngôi ngự nơi linh hồn mẹ. “Củng cố bằng sự thiện hảo là điều xứng hợp với Đức Thánh Trinh Nữ Maria, bởi vì ngài là thân mẫu Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nơi không có gì bị vấy bẩn”[20]. Ngoài ra, ai có đức ái thì có Thiên Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn mình. “Ai yêu mến Ta, thì sẽ giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và Chúng Ta sẽ đến với nó, và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó” (Ga 14,23).

Vì thế, Chúa Con đã cư ngụ trong dạ và vẫn mãi ngự trong trái tim thân mẫu Ngài như ngụ nơi cung lòng Chúa Cha. Một lần nữa, cần phải lưu ý rằng ở đây có một sự khác biệt lớn giữa sự cư ngụ nơi Đức Maria và nơi Chúa Cha. Chúa Con đã cư ngụ cách thể lý trong dạ thân mẫu Ngài; Ngài ngụ nơi Chúa Cha theo thể cách thiêng liêng huyền nhiệm của mối tương tại [perichoresis]
[21]. Ngài ngụ trong trái tim của Đức Maria bằng việc kết liên với tâm hồn mẹ, thoạt tiên bằng đức tin và đức mến, và giờ đây bằng phúc kiến và đức mến.

Việc Chúa Con ở lại trong Chúa Cha trên trời và nơi Đức Maria, thân mẫu Ngài đều có bản chất trọn vẹn của một chuyển động vòng tròn. Chúa Con phát xuất tự Chúa Cha (nhưng không bao giờ lìa xa Ngài) và quy hồi cùng Ngài trong tình yêu. Ngài phát xuất cách thể lý từ thân mẫu khi được hạ sinh và quay trở lại để cư ngụ trong mẹ Ngài bằng đức ái và đưa thân xác mẹ về với Ngài trên thiên đàng nơi biến cố Mông Triệu.

V. Mối liên kết thường tồn với Đức Maria về nguồn gốc: Chúa Con luôn được liên kết với Chúa Cha như là nguồn gốc của Ngài; chẳng có Chúa Cha mà không có Chúa Con; cũng chẳng có Chúa Con mà không có Chúa Cha. Chúa Cha mặc khải Chúa Con và Chúa Con mặc khải Chúa Cha, bởi vì tương quan luôn biểu lộ tính tương liên của nó. Chúa Cha mặc khải Chúa Con nơi biến cố Chịu Phép Rửa và Biến Hình. “Ngài là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ” (Mt 3,17; 17,5). Cũng thế, Chúa Con mặc khải Chúa Cha. “Nếu các ngươi biết Ta, tất các ngươi cũng biết Cha Ta. Ngay từ bây giờ các ngươi biết Người và đã thấy Người” (Ga 14,7). “Ai thấy Ta là đã thấy Cha” (Ga 14,9).

Một cách tương tự, giờ đây Chúa Con liên kết thường tồn với thân mẫu, là nguồn gốc nhân loại của Ngài. De Koninck tuyên bố: “ Không thể nhận thức được Mẹ mà không có Chúa Con, cũng không thể nhận thức được Chúa Con mà không có Mẹ. Mẹ phát xuất từ Chúa Con – Đấng dựng nên Mẹ, để Chúa Con có thể phát xuất từ Mẹ”
[22]. Chúa Con hướng về thân mẫu Ngài từ trên thập giá: “Này là Mẹ con” (Ga 19,27). Tuy nhiên, thường thì Mẹ là người bày tỏ Chúa Con hơn là Chúa Con bày tỏ Mẹ. Vào biến cố Thăm Viếng, Đức Maria cất lời: “Hồn tôi tôn dương Chúa” (Lc 1,46); tại tiệc cưới Cana, Mẹ truyền: “Ngài có bảo gì, hãy làm theo” (Ga 2,5).

Ở đây vẫn có những khác biệt muôn trùng giữa hai mối tương quan. Tương quan của Chúa Con với Chúa Cha thuộc yếu tính; Chúa Con đối với Chúa Cha là tương quan lập hữu, trong khi tương quan với thân mẫu Ngài không có tính chất này. Chúa Con luôn hướng về Chúa Cha, trong khi, như một hình ảnh phản chiếu ngược lại, thường thì Đức Mẹ là đấng hướng về Chúa Con.

Tuy vậy, những tương đồng kể trên cho thấy sự phát xuất trong thời gian của Chúa Con phản chiếu và biểu lộ cho nhân loại sự phát xuất vĩnh cửu của Ngài. Sự mô phỏng này là do lòng thương xót, bởi vì nó nâng cao phẩm giá của một thụ tạo, là Đức Maria, để Mẹ nên giống với Thiên Chúa hơn bằng việc mô phỏng lại đời sống nội tại của Ba Ngôi. Bằng việc mô phỏng lại sự sinh ra thần linh của Con Thiên Chúa, Mẹ dự phần cách sâu xa hơn vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi, vào trong chính sự hiểu biết về sự sống đời đời. “Sự sống đời đời tức là: chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

Khi đặt Đức Maria làm Mẹ Thiên Chúa, Thiên Chúa cho phép con người và vũ trụ bắt chước lại sự vĩnh cửu và thần thiêng. Giống như Chúa Cha, Đức Maria trở nên nguyên lý của Chúa Con; Chúa Kitô là Thiên Chúa từ Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa từ Người Nữ. Thánh Tôma viết rằng mỗi thụ tạo cách nào đó đều khao khát bắt chước Thiên Chúa: “Mọi vật, khi ham muốn sự hoàn bị của mình, là ham muốn chính Thiên Chúa, vì sự hoàn bị của mỗi vật đều là điều giống như Thiên Chúa”
[23]. Việc Nhập Thể là một sự hoàn tất mang tính siêu nhiên và dư tràn cho khát khao nên giống Thiên Chúa của loài thụ tạo. Đã chẳng ai dám mong đợi một thụ tạo có thể  Thiên Chúa, như trường hợp của Chúa Giêsu; cũng như mong đợi một thụ tạo có thể phản chiếu việc Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con, như trường hợp của Đức Maria.

 Hồn tôi tôn dương Chúa
và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa,
Cứu Chúa của tôi . . .
Vì Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả.
Danh Người là thánh (Lc 1,46.47.49).
---------------------------


 

[1] Susan Waldstein, “The Two Births of Christ in Aquinas and De Koninck”, truy cập ngày 15/10/2022, https://churchlifejournal.nd.edu/articles/the-two-births-of-christ-in-aquinas-and-de-koninck/.
Về tác giả: Susan Waldstein là Giáo sư thỉnh giảng về Thần học tại Franciscan University ở Steubenville, Ohio.
Về Charles De Koninck (1906–1965), ông là triết gia và thần học gia người Canada gốc Bỉ thuộc trường phái Tôma. Đứng đầu Phân khoa Triết học trường Đại học Laval ở Quebec, ông ảnh hưởng lên triết học Công giáo ở Canada vùng nói tiếng Pháp và cũng ảnh hưởng lên các triết gia Công giáo ở Canada vùng nói tiếng Anh và ở Mỹ. Là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết bằng tiếng Pháp và Anh, ông đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực triết học, bao gồm triết học thiên nhiên, triết học khoa học, triết học toán học, triết chính trị. Ông cũng viết về thần học, đặc biệt Thánh mẫu học. De Koninck sáng lập trường phái triết học gọi là trường phái Laval. Xem thêm “Charles De Koninck”, truy cập ngày 15/11/2022, 
https://en.wikipedia.org/wiki/Charles_De_Koninck. Chú thích của người dịch [ND].
[2] Các trích dẫn Kinh thánh và Tổng luận thần học được tham khảo từ: Kinh thánh trọn bộ, dịch giả Nguyễn Thế Thuấn (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2007), và Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, bản dịch của Thư viện Trung tâm Học vấn Đaminh, 2015. [ND].
[3] ST III, 35.2.c.
[4] ST I, 27.2.c. X.
[5] Charles De Koninck, Ego Sapientia: The Wisdom that is Mary in The Writings of Charles De Koninck, vol. 2, trans. and ed. Ralph McInerny (Notre Dame: UNDP, 2009), 7. De Koninck tham chiếu đến ST III, 32.4. De Koninck cũng tham chiếu chú giải của Cajetan về vấn đề này (Cajetan, Commentary on ST III 32.3: n. VI-X).
[6] Xem thêm Norberto Nguyễn Văn Khanh, Sđd, trang 166 và 199. Tôma là người đầu tiên đưa ra phép loại suy sự hiểu biết và ý muốn (intellect and will: lý trí và ý muốn, tuy có lẽ intellect cũng có thể hiểu là knowledge/understanding) để trả lời tại sao sự phát xuất thứ hai trong Ba Ngôi không phải là một sự sinh ra. Trong Thiên Chúa có hai sự phát xuất: một là việc Chúa Cha sinh ra Chúa con; hai là việc Chúa Cha và Chúa Con ‘thổi ra’ Chúa Thánh Thần. Sự phát xuất thứ nhất xảy ra theo đường lý trí kiểu như lý trí con người làm phát sinh tư tưởng hay là ‘lời nội tại’. Lý trí hoạt động khi đối tượng được hiểu biết hiện diện trong lý trí nhờ một sự tương đồng (similitude). Khi ý thức về mình, Thiên Chúa làm phát xuất Lời (tư tưởng). Sự phát xuất thứ hai xảy ra theo đường ý muốn. Ý muốn hoạt động không phải vì có sự giống nhau giữa đối tượng được muốn ở trong người muốn, nhưng vì trong ý muốn có một sự thúc đẩy đưa người muốn tới một đối tượng. [ND].
[7] Charles De Koninck, The Cosmos in The Writings of Charles De Koninck, vol. 1, trans. and ed. Ralph McInerny (Notre Dame, IN: UNDP, 2008), 332. Bối cảnh đầy đủ hơn đi trước trích dẫn trên: “Chúng ta hãy giả sử một hữu thể có sự sống không tiến từ tiềm thể đến hiện thể, hữu thể ấy phát xuất ngay lập tức từ một hành động riêng rẽ của nguyên lý tác sinh, vậy người đó sẽ mang loại hình phát sinh thứ hai [sự phát xuất của một sự sống từ một sự sống] mà không phải loại hình thứ nhất [chuyển từ vô sang hữu], nghĩa là, không có sự bất túc do yếu tố trung gian đưa vào, cách cụ thể là tiềm thể tính mà từ đó đối tượng được sinh ra được rút ra”.
[8] Cornelius a Lapide, In Canticum Canticorum,1:4, t.7, p. 496a, quoted in Ego Sapientia, 37.
[9] Charles De Koninck, The Piety of the Son, trans. Ralph McInerny, privately circulated, 36Phần in nghiêng của người viết. De Koninck tham chiếu đến ST III 32.3 ad 1.
[10] The Cosmos, 333.
[11] Ego Sapientia, 8.
[12] Ego Sapientia, 8-9.
[13] M. Olier, Vie intérieure de la Très Sainte Vierge (Paris, 1875), 5-6. De Koninck trích dẫn lại trong Ego Sapientia, 9.
[14] Ibid.
[15] ST III 32.2 ad 3.
[16] Ego Sapientia, 31.
[17] ST III 35.6.
[18] St. Albert, Mariale, p. 236 b; được trích bởi De Koninck trong Ego Sapientia, 39.
[19] ST III 27.4.
[20] St. Thomas Aquinas, De Veritate 24.9 ad 2.
[21] Thánh Gioan Đamaxênô (+754) dùng từ ‘perichoresis’ (đi theo vòng tròn) để diễn tả sự ở trong nhau (tương tại) của các Ngôi vị thần linh. Ý tưởng này được Bonaventura nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thần học của ngài về Ba Ngôi. Nhưng thay vì dùng từ Hy Lạp, ngài dùng từ Latinh “circum-incessio” để diễn tả sự hiệp thông hoàn hảo trong tình yêu giữa Ba Ngôi. X. Norberto Nguyễn Văn Khanh, Sđd, cước chú 68, trang 195. [ND].
[22] Ego Sapientia, 10.
[23] ST I 6.1 ad 2.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập176
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm146
  • Hôm nay53,789
  • Tháng hiện tại1,032,414
  • Tổng lượt truy cập40,322,370

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây