1. Tín và nghĩa
1.1. Tín: Có 3 chữ tín: 信, 囟, 顖. Trong từ tín nghĩa, tín viết là信. Chữ này là chữ hội ý[1], gồm bộ nhânイvà chữ ngôn言. Ý nguyên thủy là chân tâm thành ý, chuyên tâm không thay đổi. Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận nói: “Trực ngôn viết ngôn, luận nan viết ngữ” (Trong lòng có gì, trực tiếp nói ra là ngôn, mà lời phải lý luận biện hộ vặn hỏi thì gọi là ngữ). Nên Pháp Ngôn Nghĩa Sơ – Vấn Thần nói: “Ngôn, tâm thanh dã” (Lời là tiếng nói của con tim). Tín có nghĩa là: dt. (1) Tin, không sai lời hay là biết tin cậy lẫn nhau và giữ lòng tin cậy của kẻ khác đối với mình. Một trong năm đức tốt (ngũ thường) của con người theo luân lý phương Đông: (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín): chữ tín, thành tín, thất tín, trung tín; nhân vô tín bất lập. (2) Bằng chứng: ấn tín. (3) Tin tức: thư tín. (4) Người đưa thơ: tín sử. (5) Ngòi nổ: tín quản. (6) Họ Tín. (7) Một hợp chất độc: thạch tín (Arsenic). đt. (8) Lòng tin: tín ngưỡng. (9) Nghe theo: thâm tín bất nghi (hoàn toàn nghe theo, không nghi ngờ). trt. (10) Thuận miệng: tín khẩu khai hà (thuận miệng nói đại). (11) Quả thật: thủ ngữ tín nhiên (lời này quả thật).
1.2. Nghĩa: Chỉ có một chữ義 (义), nghĩa là: dt. (1) Điều phải hay là cách xử sự phải đường, hào hiệp. Một trong năm đức tốt (ngũ thường) của con người theo luân lý phương Đông (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín): tiết nghĩa, trung nghĩa, nghĩa cha con, nghĩa vua tôi, nghĩa thầy trò, nghĩa vợ chồng, nghĩa bậu bạn. Duyên phải duyên kim cải, nghĩa phải nghĩa giao hoà. (2) Đạo lý: nghĩa chính từ nghiêm (lý lẽ đúng, lời nói nghiêm túc). (3) Tình thân ái: tình nghĩa. (4) Ý nghĩa: văn nghĩa (nghĩa văn). (5) Hợp lý: nghĩa bất dung từ (việc hợp lý không thể chối từ). (6) Họ Nghĩa. tt. (7) Làm việc không có ý riêng về mình: nghĩa sư (quân đi vì nghĩa, không phải vì lợi mà sát phạt) (8) Cùng chung: nghĩa thương (cái kho chung). (9) Cứu trợ: nghĩa học (trường dạy không phải đóng học phí). (10) Làm việc vì người: nghĩa hiệp. (11) Nhận làm thân thích: nghĩa tử (con nuôi). (12) Nhân tạo: nghĩa chi (tay chân giả).
2. Tín nghĩa
Tín nghĩa là đức tính trung thành trước sau như một đối với lẽ phải, đối với chính nghĩa. Đó là lòng chung thuỷ và trung thành hay lòng thành thật và óc hiếu nghĩa.
Thời xưa chưa có giấy, tất cả mọi việc, như truyền đạt kinh nghiệm, kỷ năng, giáo dục, hay giao tiếp, đều phải dựa vào lời nói, nên chữ tín tạo thành bởi bộ nhânイvà và chữ ngôn言: Lời nói của con người là tín, là điều đáng tin cậy. Theo Đạo giáo, đức tín của con người, như: đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, có quan hệ trên dưới. “Lão Tử”[2] chương 38 nói: “Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ. phù lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ”. Nghĩa là: Nếu mất đạo mới có đức, mất đức mới có nhân, mất nhân mới có nghĩa, mất nghĩa mới có lễ. Cái gọi là lễ, là do thiếu trung tín, đây chính là nguyên nhân của bạo loạn. Nên căn bản là tín, tín là nền tảng của “Đạo”. Lễ Vận, Đại Đồng Thiên[3] nói: “Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục”, nghĩa là: Gọi là Đạo, là lý tưởng cuộc sống của con người: ngoài việc đức hạnh tài năng hơn người, chính trị gia còn phải có đặc tính nhân phẩm thành thật (tín) và hoà thuận với mọi người. Hữu Tử, học trò của Khổng Tử, nói: “Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phức dã” (Việc hứa với người ta, phải gần với nghĩa, mới có thể thực hiện lời nói đó). Ngược lại, nếu lời hứa không hợp với lễ nghĩa, dù đã hứa cũng chẳng thực hiện được.
Chúa Giêsu đã nói: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Lời nói hay chữ tín là một vấn đề lớn, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc rất đơn giản: Luôn phải giữ lấy chữ tín.
Nghĩa chính là việc chính đáng, thông thường gọi là đạo nghĩa. Tương đương vói chữ Hy Lạp “deon”, nghĩa là thích đáng, trách nhiệm. Hành vi của con người phải tuân theo tính chính đáng, không chú trọng hậu quả của hành vi, mà chú trọng quy tắc, tiêu chuẩn, trọng tâm là nghĩa vụ và trách nhiệm. Nghĩa là một hành vi đúng hay sai, không quyết định bởi hậu quả của hành vi, mà bởi động cơ và quy tắc, chú trọng đến động cơ của hành vi “thiện” hay không, và hành vi đó có thể hiện tiêu chuẩn đạo nghĩa đã dự định không.
Giữ lấy chữ tín, nhưng cũng cần giữ lấy việc đạo đức. Tử Cống hỏi Khổng Tử thế nào mới là “sĩ”[4], Khổng Tử nhắc đến ba hạng người, mà hạng cuối cùng là: “Ngôn tất tín, hành tất quả. Khanh khanh nhiên tiểu nhân tai”[5] (Lời nói trung thực, làm việc có kết quả, cũng chỉ là tiểu nhân thôi). Tại sao Khổng Tử nói như thế, vấn đề tại chữ “nghĩa”. Mạnh Tử nói: “Đại nhân dã, ngôn bất tất tín, hành bất tất quả, duy nghĩa sở tại”[6] (Người đức hạnh hoàn bị (đại nhân) không nhất thiết thực hành lời đã nói, làm việc không nhất thiết phải có kết quả, tất cả phải dựa vào đạo nghĩa). “Nghĩa” đồng nghĩa với thích hợp. Sự việc thích hợp với hoàn cảnh hôm nay, không nhất thiết thích hợp ngày mai. Một việc thích hợp trong hoàn cảnh A, không nhất thiết thích hợp trong hoàn cảnh B. Sách Trang Tử cũng nhắc đến một người tên là Vĩ Sinh, rất chú trọng chữ tín. Ông hẹn gặp một cô gái dưới gầm cầu, nhưng không may, gặp nước lụt, ông ôm cột cầu không chịu đi, vì đã hẹn gặp tại gầm cầu, kết quả là ông bị chết đuối. Trí tuệ của Nho giáo là linh động, nghĩ đến các tình huống thay đổi. Chữ “dịch” trong “Kinh Dịch” chính là thay đổi. Trong khả năng biến chuyển, người ta phải tìm ra quy tắc bất biến và phối hợp với hoàn cảnh cụ thể, mới đưa ra lưa chọn. Nghĩa là ta phải chân thành, giao thiệp với người khác bằng trái tim chân thành, nhưng cũng cần xem xét hoàn cảnh cụ thể. Đó là tín nghĩa của nhà Nho.
Thời Đông Hán, Trương Thiệu ở quận Như Nam và Phạm Thức ở quận Sơn Dương cùng học ở kinh thành Lạc Dương. Khi kết thúc thời gian học tập, họ chia tay nhau. Trương Thiệu đứng ở đầu đường nhìn chim nhạn bay trên bầu trời nói: “Hôm nay chia tay, không biết đến bao giờ gặp lại” vừa nói vừa khóc. Phạm Thức kéo tay Trương Thiệu, khuyên rằng: “Người anh em, chớ có đau lòng. Mùa thu hai năm sau, tôi nhất định sẽ đến nhà anh thăm hỏi cha mẹ anh, cùng anh hội ngộ”.
Hai năm sau, mùa thu đã đến, lá rơi xào xạc, hoa cúc nở rộ. Trương Thiệu tự nhiên nghe thấy tiếng chim nhạn kêu trên trời, tâm tư thay đổi, bất giác tự nhủ: “Anh ấy sắp đến rồi”. Nói xong liền quay về nhà, nói với mẹ: “Mẹ ơi, vừa lúc nãy con nghe thấy tiếng chim nhạn kêu. Phạm Thức sắp đến rồi, chúng ta chuẩn bị thôi”. Mẹ anh không tin, lắc đầu than vãn: “Ngốc ạ, Sơn Dương cách đây hàng nghìn dặm, Phạm Thức làm sao mà đến được”. Trương Thiệu nói: “Phạm Thức là người chân thành, thật thà, giữ chữ tín, anh ấy không thể không đến”. Mẹ già đành phải nói: “Được rồi, nó sẽ đến. Mẹ đi chuẩn bị rượu thịt đây”. Thực ra, mẹ Trương Thiệu không tin, chỉ sợ con trai đau lòng, nên an ủi mà thôi.
Ngày hẹn đã đến, Phạm Thức quả nhiên đến. Bạn cũ trùng phùng, nồng ấm khác thường. Mẹ Trương Thiệu cảm động lau nước mắt và nói: “Thiên hạ thực sự có người bạn giữ lời hứa đến thế sao?”
Câu chuyện về Phạm Thức giữ lời hứa luôn được hậu thế truyền tụng noi gương. (Hậu Hán Thư).
3. Tín nghĩa trong Thánh Kinh
Có một câu Thánh vịnh thường đọc và nghe cũng êm tai: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85,11). Tín nghĩa ở đây, tiếng Latinh là veritas. Còn nhiều chỗ nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ hay dịch veritas là tín nghĩa. Xin xem bản đối chiếu:
Vulgata | Cố Chính Linh | Ng. Thế Thuấn | CGKPV | |
Tv 61,8 | sedebit semper ante faciem Dei misericordia et veritas servabunt eum | Vua được bền đỗ trước mặt Chúa đời đời, ai thấu suốt nhân từ, chân thật Chúa? | Ngự trị mãi mãi trước mặt Thiên Chúa, ân nghĩa cùng sự thật hãy hộ vệ ngài | Hiển trị muôn đời trước Nhan Thánh, được ân tình tín nghĩa chở che |
Tv 85,11 | misericordia et veritas occurrerunt iustitia et pax deosculatae sunt | Nhân từ và chân thật gặp lẫn nhau; công chính và hoà thuận hôn mặt nhau. | Ân nghĩa, tín thành cùng nhau hội ngộ, công chính bình an áp má hôn nhau. | Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. |
Tv 85,12 | veritas de terra orta est et iustitia de caelo prospexit | Chân thật bởi đất mọc lên Công chính bởi lời soi xuống | Từ đất tín thành nẩy mầm, từ trời công chính đoái lại | Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. |
Tv 89,15 | iustitia et iudicium firmamentum throni tui misericordia et veritas praecedent faciem tuam | Công chính và lý đoán là nền tòa Chúa; nhân từ và chân thật đi trước mặt Người | Chính trực, công minh là bệ ngai Người, ân nghĩa sự thật đi trước nhan Người. | Bệ ngai vàng: này công minh chính trực, quân tiền phong: đây tín nghĩa ân tình |
Tv 98,3 | recordatus est misericordiae suae et veritatis suae domui Iacob | Chúa nhớ lại nhân từ Người; và chân thật Người vuối nhà Israel. | Ơn nghĩa và lòng trung tín của Người, Người đã nhớ lại cho nhà Israel. | Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. |
Cn 3,3 | misericordia et veritas non te deserant circumda eas gutturi tuo et describe in tabulis cordis tui | Nhân từ chân thật chớ lìa khỏi con; hãy đeo nó vào cổ con, ghi nó trong bia lòng con | Chớ gì trung tín và tín nghĩa không rời bổ con! Con hãy đeo chúng nơi cổ, viết chúng trên phiến lòng con. | Ước chi ân tình và tín nghĩa chẳng hề lìa xa con, nhưng nên như vòng con đeo vào cổ, và được con ghi khắc tận đáy lòng |
Thật ra tín nghĩa không diễn tả được ý nghĩa của chữ veritas. Veritas thường được dịch là chân lý, sự thật, là luật tự nhiên tối cao, tồn tại cách khách quan, giúp con người có niềm tìn vào quy luật tuyệt đối của tự nhiên, là quy luật tối cao của hành vi con người. Tuy định nghĩa về veritas còn nhiều tranh cải, nhưng người Công giao xem Thiên Chúa là Veritas tuyệt đối.
4. Kết luận
Nho giáo rất chú trọng tín nghĩa, giải thích cũng nhiều, nhưng hoàn toàn khôn ngoan theo kiểu nhân loại, thực dụng, nên họ cho rằng người giữ chữ tín một cách cứng cỏi chỉ là hạng sĩ thứ ba. Hay nói cách khác, họ theo kiểu luân lý hoàn cảnh. Người Công giáo trước tiên giữ chữ tín với Thiên Chúa, từ đó cũng luôn giữ tín với người khác. Đó chính là lòng trung thành phải có, nhưng không phải là môt chân lý (veritas), nên veritas không thể dịch là tín nghĩa được.
[1] Gọi là hội ý tức chọn hai chữ (đồng âm) có liên quan sự lý cấu thành một chữ phối hợp ý nghĩa để dẫn ra được nghĩa của chữ mới, ví dụ: vũ 武, tín 信 là loại chữ hội ý.
[2] Còn gọi là Đạo Đức Kinh (772 – 476 TCN).
[3] Khổng Tử (551-479 TCN), Lễ Ký quyển 7, Lễ Vận 9.
[4] Thành phần trí thức trong xã hội thời xưa.
[5] Luận Ngữ, Tử Lộ.
[6] Mạnh Tử, Ly Lâu Hạ.
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Nguồn: emty
Những tin mới hơn