NGƯỜI CÔNG GIÁO NA UY HOAN NGHÊNH GIẢI NOBEL DÀNH CHO NHÀ VĂN CẢI ĐẠO
Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Na Uy đã hoan nghênh việc trao giải Nobel Văn học cho nhà văn Jon Fosse, một người cải sang Công giáo, đồng thời dự đoán vinh dự này có thể nâng cao hình ảnh của Công giáo ở quốc gia có truyền thống Tin lành này.
Đức cha Erik Varden-Giám mục Giáo phận Trondheim, ảnh này do người dịch thêm vào
Đức Giám mục Erik Varden của Trondheim nói: “Fosse cất lên tiếng nói, một cách tao nhã và xinh đẹp, cho mầu nhiệm đức tin – sau khi đọc ông với lòng tôn kính trong nhiều năm, tôi nghĩ đất nước chúng ta thật may mắn khi có một thi sĩ tầm cỡ như ông”.
Nhà văn Jon Fosse
“Một nhà văn Công giáo là người đã thấm nhuần ân sủng được thuộc về Giáo hội theo cách hoàn toàn bẩm sinh và tự nhiên trong cách họ tự mình thể hiện. Theo nghĩa đó, Fosse thực sự là một nhà văn Công giáo,” Đức Giám mục nói.
Vị Giám mục đã bày tỏ như thế với quyết định của Ủy ban Nobel trong việc vinh danh tiểu thuyết gia và nhà viết kịch, người sẽ nhận giải thưởng năm 2023 tại Stockholm vào ngày 10 tháng 12 sắp tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với OSV News, ngài cho biết Fosse có xu hướng “tránh ánh đèn sân khấu” nhưng cũng nổi tiếng là người “nói một cách cởi mở về đức tin của mình, không bị cản trở bởi những mặc cảm”.
Trong khi đó, một linh mục nổi tiếng cho biết giải thưởng sẽ làm nổi bật cội rễ của Giáo hội Công giáo trong xã hội và văn hóa Na Uy.
Cha Pal Bratpak, Giám quản Giáo phận Oslo, phát biểu với OSV News: “Tin đó mang lại một sự thúc đẩy tuyệt vời cho chúng tôi khi những người Công giáo có thể phát triển và sử dụng tài năng của mình đến mức như vậy”.
“Văn học của ông trình bày một cuộc gặp gỡ với những điều lớn lao hơn, bao gồm các yếu tố đức tin - và mặc dù đây có thể không phải là mục tiêu có ý thức của ông, nhưng chắc chắn nó sẽ đến được với mọi người,” cha nói.
Sinh năm 1959 tại Haugesund trên bờ biển phía tây Na Uy, Fosse học tại Đại học Bergen và đã xuất bản hơn 30 tiểu thuyết, cũng như tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và các bản dịch, trong khi các tác phẩm sân khấu của ông, được biểu diễn trên khắp thế giới, đã khiến ông trở thành nghệ sĩ biểu diễn nhiều nhất ở Na Uy kể từ nhà viết kịch kể từ Henrik Ibsen (1828-1906).
Mặc dù đã rời khỏi Giáo hội Luther chính thức của Na Uy khi còn là một thiếu niên, ông vẫn làm cố vấn văn học cho bản dịch Kinh thánh tiếng Na Uy mới vào năm 2011, rồi kết hôn với người vợ thứ ba, Anna, một người Công giáo đến từ Slovakia, cùng năm.
Fosse được gia nhập Giáo hội Công giáo tại Tu viện Thánh Dominic, Oslo vào năm 2012, và tác phẩm nhiều tập của ông, “Bộ Bảy- Septology”, xoay quanh một họa sĩ cải đạo theo Công giáo, đã lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng sách Quốc tế năm 2022 và Giải thưởng Nhà phê bình Sách Quốc gia.
Trong một cuộc phỏng vấn dài vào tháng 11 năm 2022 với The New Yorker, Fosse mô tả phong cách của mình là “văn xuôi chậm” và “chủ nghĩa hiện thực huyền bí”, nói thêm rằng ông đã chuyển sang đức tin Công giáo trong khi vật lộn với chứng nghiện rượu và các vấn đề khác. Fosse đã bỏ uống rượu khi viết “Septology” vào thời điểm cải đạo.
“Trong thế giới chúng ta đang sống, tôi cảm thấy các cường quốc kinh tế rất mạnh mẽ - họ điều khiển tất cả. Bạn có một số thế lực ở phía bên kia, và Giáo hội là một trong số đó”, nhà văn nói.
“Theo như tôi thấy, Giáo hội là thể chế quan trọng nhất có một nền thần học chống tư bản. Bạn có văn học và nghệ thuật như một tổ chức khác, nhưng chúng không mạnh bằng các Giáo hội.”
Trong trích dẫn của mình, Ủy ban Nobel cho biết công trình của Fosse đã mang lại “tiếng nói cho những điều không thể nói được” bằng cách mô tả “cảm giác lo lắng, bất an và mất phương hướng” thường “khó diễn tả bằng lời”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban, Anders Olsson, nói với Reuters vào ngày 5 tháng 10 rằng nhà văn, người từng đoạt các giải thưởng văn học khác ở Scandinavia và nước ngoài, đã đề cập đến “những câu hỏi về sự sống và cái chết” và đón nhận “sự hấp dẫn của chủ nghĩa nhân văn cơ bản”.
Người Công giáo chiếm một thiểu số trong số 5,47 triệu cư dân của Na Uy, nơi có ba giáo phận trực thuộc Hội đồng Giám mục Bắc Âu chung với các giáo phận ở Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Thụy Điển.
Vào năm 2015, Giáo phận Oslo đã bị cảnh sát đột kích sau khi truyền thông đưa tin giáo phận này đã nhận được thêm trợ cấp của nhà nước bằng cách thổi phồng danh sách thành viên.
Tuy nhiên, các vị hữu trách của Giáo hội cho biết con số này đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua, phần lớn là do những người di cư và tị nạn từ các nước Công giáo.
Trong số những động thái trước việc công bố giải Nobel, Đức Giám mục Bernt Eidsvig của Oslo cho biết trong một tuyên bố rằng việc tôn vinh Fosse là “tin tức tốt nhất” đối với người Công giáo Na Uy, đồng thời nói thêm rằng ngài hài lòng với nhà văn, nhưng không “coi ông là một người hộ giáo” đã “làm chứng cho đức tin của mình”.
Trong khi đó, một người cải sang Công giáo khác, nhà sử học Nils Heyerdahl, chủ tịch Học viện Ngôn ngữ và Văn học Na Uy, cho biết Fosse đã “có uy tín” với tư cách là một nhà văn trước khi trở thành người Công giáo, nhưng luôn đưa “chiều kích tôn giáo” vào tác phẩm của mình – “ không phải ở dạng ý kiến xâm phạm mà là sự hiện diện bí ẩn trong ngôn ngữ.”
Fosse là nhà văn Na Uy thứ tư đoạt giải Nobel Văn học, hiện trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (1 triệu USD), sau Bjornstjerne Borjnson năm 1903, Knut Hamsun năm 1920 và tiểu thuyết gia kiêm dịch giả Sigrid Undset, người cũng đoạt giải năm 1928, cải sang Công giáo và trở thành một giáo dân theo dòng ba Đa Minh.
Trong cuộc phỏng vấn với OSV News, Cha Bratpak nói rằng thật “thú vị và đáng chú ý” khi hai trong số bốn người Na Uy đoạt giải, là người Công giáo, những người đã “được mọi người đánh giá cao” vì đã “truyền đạt đức tin của mình thông qua văn học”.
Tuy nhiên, cha nói thêm rằng những người Na Uy bình thường khác đã chấp nhận đức tin Công giáo trong khi “đi qua tầm radar” và cho biết ngài hy vọng danh tiếng cao của Fosse sẽ không “củng cố một khuôn mẫu sai lầm” rằng hầu hết những người cải đạo đều là “học giả và trí thức”.
Tuy nhiên, Đức Giám mục Varden cho biết sự nổi bật của Fosse với tư cách là một người Công giáo sẽ mang lại cho các thành viên Giáo hội “lý do đặc biệt để vui mừng”.
Vị Giám mục được đào tạo ở Anh, cũng là một người cải đạo, coi sóc các giáo phận miền bắc Trondheim, với năm giáo xứ và bốn tu viện, cho biết: “Điều đó có thể khuyến khích thêm nhiều người Công giáo tìm đọc những tác phẩm văn học hay - khuyến khích một số người đóng góp sáng tạo cho diễn đàn công cộng theo những cách làm cho niềm hi vọng Kitô giáo trở nên rõ ràng và đáng tin cậy”.
“Chúng ta phải chờ xem liệu giải thưởng này có tác động truyền giáo và thu hút nhiều người đến với Giáo hội hơn hay không. Nhưng đọc Fosse là phát triển sự hiểu biết về bản thân và học cách quan sát cuộc sống của người khác với sự dịu dàng thông minh.”
Giải thưởng Nobel, do nhà bác học Thụy Điển Alfred Nobel (1833-1896) thành lập năm 1895, được trao hàng năm cho những người được đánh giá là đã “mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại” về vật lý, hóa học, sinh lý học hoặc y học, văn học và hòa bình.
Một số người từng đoạt giải Nobel văn học bao gồm Thomas Mann người Đức và Albert Camus người Pháp, cũng như Gabriel Garcia Marquez của Colombia, John Steinbeck người Mỹ, thủ tướng thời chiến của Anh Winston Churchill và ca sĩ kiêm nhạc sĩ Bob Dylan.
Đình Chẩn dịch