Suy niệm Tuần IX mùa Thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ sáu - 31/05/2024 18:30  657
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Đức Giêsu đã hứa ở lại cùng chúng ta cho đến tận thế (Mt 28,20). Ngài đã giữ lời Ngài hứa bằng nhiều cách. Ngài ở cùng chúng ta qua lời của Ngài, luôn là lời sống động và thánh thiện, dẫn những ai tin vào lời ấy đến với Chúa Cha. Ngài còn hiện diện hơn thế nữa trong bí tích Mình và Máu Ngài. Điều ấy chắc chắn xứng hợp cho việc mừng lễ trọng thể. Bí tích này làm cho chúng ta được viên mãn nhất là vì mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời đi vào trong ta: Thiên Chúa vẫn tiếp tục đến để ở lại. Ngài sẽ không bỏ chúng ta nữa. Thứ đến, bí tích này còn nuôi dưỡng chúng ta: mang đến cho ta sự sống thần linh là chính sự sống đích thực của ta, vì đó là sự sống vĩnh cữu. Bí tích cho ta thấy rằng, dưới hình bánh và rượu, Đấng mà các tông đồ đã thấy, nhưng cũng như Đức Giêsu Nagiarét đã không được tất cả mọi người nhìn nhận là Đấng Cứu Thế, nên bí tích Mình Máu Ngài cũng không thuyết phục được mọi người. Đối với người chỉ dừng lại nơi vẻ bề ngoài, bí tích này không phải là một bằng chứng, vì điều họ thấy không đủ. Quả vậy người ta chỉ thấy điều để cho thấy được. Trái lại, người tín hữu là người để mình thấu đạt đến tình yêu của Thiên Chúa, thì bí tích này là dấu chỉ cao trọng nhất trong các dấu chỉ, là dấu chỉ đưa ta hiệp thông với chính Đức Giêsu. Nhờ bí tích này mà người tín hữu được biến đổi, tội lỗi được tẩy sạch, nhờ đó mà họ nếm trước bữa tiệc Chúa hứa: tiệc cưới Chúa Con.

Thiên Chúa Đi Tìm Nhà

Vào lúc khởi đầu của Giáo Hội, Thân Thể Chúa không phải là Thánh Thể nhưng là cộng đoàn. Không phải ngẫu nhiên mà vào những ngày lễ lớn, chúng ta xông hương cho cộng đoàn. Người ta xông hương cho Thiên Chúa hiện diện trong Tin Mừng, trong bánh thánh và trong cộng đoàn. Đây là thân thể thật của Đức Kitô. Bí tích tích Thánh Thể được gọi là ‘Thân Thể Mầu Nhiệm’. Mọi thứ sau đó đã thay đổi.

Trong thế kỷ thứ nhất, Thánh Thể là một bữa ăn chung, nơi đó mọi người mang theo một cái gì đó, chia sẻ thực sự với nhau bằng cách ăn chung với nhau, tưởng nhớ đến Bữa Tiệc Ly của Chúa. Trải qua nhiều thế kỷ các bữa tối ấy dần đã có những nghi thức rõ ràng để trở thành bí tích Thánh Thể như ngày nay. Càng chia sẻ, chúng ta càng có nhiều hơn: đó là lôgích của tình yêu.

Chúa Giêsu chia sẻ thức ăn và cùng ăn uống với mọi người (người thu thuế, tội nhân, người Pharisêu, người phong cùi). Ngài thậm chí còn chào đón một người phụ nữ có tiếng xấu tại một trong những bữa ăn này và ngỏ lời đến nhà những người tội lỗi. Đức Giêsu bị kết án vì điều này. Tại sao? Bởi vì Ngài dọn bàn cho mọi người. Bữa tối của Ngài không dành cho những người hoàn hảo, nhưng dành cho những người bị khước từ và không ai yêu thương. Thánh Lễ không phải là một câu lạc bộ độc quyền của những người sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, đó là sự tập hợp của những người chưa được cứu. Qua nhiều thế kỷ, chúng ta đã biến nó thành bữa ăn của những người thanh sạch. Bí tích Thánh Thể dành cho những ai cảm thấy thiếu thốn, đau khổ.

Tôi đi lễ vì tôi cần tình yêu của Ngài, không phải vì tôi sống tốt. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận Chúa bằng đôi bàn tay bẩn thỉu và ô uế của chúng ta. Và Ngài vẫn đến, trên tay tôi, không phải vì tôi xứng đáng mà vì tôi cần Ngài bởi lẽ Ngài vĩ đại hơn những lỗi lầm của tôi. Đó là lý do tại sao Thánh Thể là một ngày lễ, một ngày lễ của những người được yêu, chứ không phải của những người công chính. Những người cử hành Thánh Thể biết rằng họ không xứng đáng với điều đó (Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con ...) nhưng họ biết rằng cái ôm yêu thương của Chúa làm cho họ bắt đầu lại, đặt họ trên đường một lần nữa, biến sự yếu đuối thành sức mạnh không ngờ.

Vì vậy, Thân Thể Chúa Kitô là bánh thánh hiến, nhưng trên hết là con người, nam nữ, là tôi, thân thể tôi. Yêu một miếng bánh mì thật dễ dàng. Hãy thành thật mà nói, tin rằng đây chính là Chúa, điều này không thay đổi cuộc sống của chúng ta mấy. Nhưng yêu thương con người lại là chuyện khác. Tin rằng đằng sau những khuôn mặt nào đó có Thiên Chúa thì khó khăn hơn.

Mẹ Teresa nói, ‘Tôi thấy thật khó tin rằng mọi người có thể nhìn thấy Thân Thể Chúa Kitô trong một tấm bánh mà lại không nhìn thấy điều ấy trên khuôn mặt con người.’ Rốt cuộc, chẳng phải là dễ dàng hơn để nhìn thấy Thiên Chúa trong khuôn mặt của vợ bạn, chồng bạn hơn là trong một mẩu bánh sao? Chẳng phải là dễ dàng hơn để nhìn thấy Thiên Chúa trong khuôn mặt của con bạn hơn là trong một mẩu bánh sao? Chẳng phải dễ dàng nhìn thấy Thiên Chúa trong hoàng hôn, trong một cái nhìn, trong một cuộc đối thoại thân mật, trong một bàn tay giúp đỡ, hơn là trong một chút rượu sao?

Hỡi các bạn, có thể yêu Thên Chúa mà không yêu con người, nhưng những người yêu mến con người chắc chắn cũng sẽ yêu mến Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở thành xác phàm: đây là mầu nhiệm lớn lao mà Giáo Hội tuyên xưng. Điểm đặc biệt của Kitô giáo là tin rằng Thiên Chúa đã nhập thể. Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác, Ngài không ở trên cao xa.

Kitô giáo là tôn giáo của sự trung gian. Chúng ta đến với Thiên Chúa qua tấm bánh ngày Chúa Nhật, qua tình yêu dành cho một người, qua phong cảnh, tiếng khóc của một đứa trẻ, những giọt nước mắt của niềm vui, nhưng sự trung gian lớn nhất là chính thân xác.

Kitô giáo là tôn giáo của thân xác. Trong nhiều thế kỷ, người ta phân chia vật chất và tinh thần. Tất cả mọi thứ thuộc thân xác đều dơ nhớp, tiêu cực, thuộc về ma quỷ, quên rằng thân xác tôi là nơi ở của Thiên Chúa. Tinh thần chỉ tồn tại trong một thân xác.

Khi tôi rước lễ, Thân xác Đức Kitô đến ngự trong nhà tôi. Vì vậy, nếu Chúa thực hiện điều đó, tôi cũng phải làm. Nếu Ngài không xấu hổ khi đến trong tôi, nếu Ngài không ngần ngại sống trong nhà tôi, thì tôi phải yêu thương và đón nhận thân thể này của tôi, tôi phải yêu nó.

Vào ngày Chúa Nhật, chúng ta không chỉ được nghe, ‘Mình thánh Chúa Kitô’, và chúng ta đáp, ‘Amen’ (Vâng), nhưng còn phải được nghe: ‘Đây là thân xác của Phaolô (mỗi người hãy đặt tên cho mình)’ và Chúa Kitô nói: ‘Amen’(Vâng). Chúa rất vinh dự được đi vào trong thân thể tôi. Và thân thể tôi rất vinh dự khi tiếp nhận Chúa.

Thật đẹp khi cảm nghiệm mỗi lần tham dự Thánh Thể, Thiên Chúa đang tìm kiếm tôi, Thiên Chúa đến để xóa đi những ngờ vực trong tâm hồn tôi. Ngài không thể ở một mình. Ngài cần bạn đồng hành, một bạn đồng hành thinh lặng vì chúng ta không biết nói gì.
Chúng ta ở với Ngài, là điều không thể tin được, một đan xen giữa bóng tối và ánh sáng. Tự bản thân chúng ta không có gì để dâng, chỉ là một lịch sử cần được chữa lành. Chúng ta chỉ có thể đón nhận Ngài.

Đôi khi, trong Thánh Lễ, tôi mỉm cười khi nghĩ về ý nghĩ kỳ lạ của Chúa Giêsu. Ngài có thể ở lại giữa chúng ta bằng hàng ngàn cách, có thể để lại cho chúng ta một dấu chỉ mạnh mẽ và không thể nhầm lẫn về sự hiện diện của Ngài, để thuyết phục mọi người, ngay cả những người nghi ngờ nhất.

Nhưng không. Đó không phải là phong cách của Ngài. Chúa Giêsu quyết định ở lại giữa chúng ta, trong dấu chỉ mỏng manh và hàng ngày của bánh và rượu. Toàn bộ thân thể của Ngài, lịch sử của Ngài, cuộc sống của Ngài nồng nàn với tình yêu đang ở đó, trong mẩu bánh mỏng manh và tầm thường đó. Để được ăn. Để được chiêm ngắm. Để được trân trọng.

‘Đây là Mình Thầy’, Chúa nói. Có lẽ chúng ta đã mong đợi Ngài nói những lời này: ‘Đây là tâm hồn của Thầy, là thiên tính của Thầy’ nhưng không bao giờ là thân thể của Thầy.

Trong thân xác có tất cả mọi thứ kết hợp một người với người khác: lời nói, cái nhìn, cử chỉ, lắng nghe, trái tim. Đó là lý do tại sao Ngài đã ban cho chúng ta thân xác của Ngài. Ngài đã ban cho chúng ta toàn bộ lịch sử của Ngài. Ngay cả thân xác Ngài cũng không giữ cho riêng mình, ngay cả máu Ngài cũng không giữ cho riêng mình.

Ai biết được các tông đồ đã hiểu gì buổi tối hôm đó. Chúa Giêsu ở giữa bàn ăn và lần đầu tiên Người gọi họ là ‘các con bé nhỏ’ mặc dù họ là những người thô kệch. Ngài chưa lần nào nói với họ giống như đêm đó.

Thật đáng tiếc là chúng ta đã quá quen thuộc với tấm bánh này: đôi khi không còn ý nghĩa gì nữa. Chúng ta thường lơ đãng bước về phía bàn thờ. Tuy nhiên, Đức Kitô không từ bỏ chính Ngài. Chúng ta là những kẻ không đáng tin. Tuy nhiên, Đức Kitô không chối bỏ chính Ngài.

Tin tốt gì vào Chúa nhật này? TÌNH YÊU đi tìm một ngôi nhà. Sự thông hiệp, hơn cả nhu cầu của chính tôi, là một thiết yếu của Thiên Chúa. Với Bí tích Thánh Thể, tôi được tràn đầy Thiên Chúa.

Thứ hai Tuần IX Tn

Mỗi người chúng ta sẽ được lãnh nhận một vườn nho để vun trồng chăm sóc. Vườn nho này là viên đá của Đền Giêrusalem mới mà Chúa giao cho ta mài nhẵn và đặt nơi mà Người chỉ định.

Hãy tỉnh thức và chú tâm để biết bao nhiêu việc Thiên Chúa đang chờ nơi chúng ta. Hãy bắt tay làm việc để thực hiện điều Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta. Còn nhiều chặng đường phía trước để đạt đến đích cuối cùng. Vụ thu hoạch đầu tiên xảy ra khi ta chọn bậc sống cho mình. Ta chọn gì và chọn như thế nào theo ý Chúa? Nếu tôi chọn lựa không theo ý Chúa, tôi đánh mất phần thưởng đầu tiên và tôi đã không biết đến sứ giả của Chúa.

Vụ thu hoạch thứ hai là lúc tôi thực hiện bậc sống tôi đã lựa chọn; nếu tôi đã chọn đời sống gia đình, vậy tôi có yêu (vợ/chồng) tôi và cùng kết hiệp với nhau trong tình yêu Chúa không? Nếu không có, tôi đã mất đi vụ thu hoạch thứ hai và cũng không nhận biết sứ giả thứ hai của Chúa. Cũng thế, trong đời sống tu trì, trong đời sống độc thân tự nguyện hoặc giáo sĩ, tôi đã lãng quên tìm kiếm và vun trồng sự hiệp thông tình yêu với Đức Kitô, người yêu của linh hồn tôi.

Vụ thu hoạch thứ ba xảy ra trong việc giáo dục con cái trong đời sống gia đình, và trong dấn thân để hoàn thành sứ vụ giao phó và trong việc sống hoàn thiện trong đời sống thánh hiến. Nếu ta không thông truyền cho con cái chúng ta Thiên Chúa tình yêu hoặc nếu ta không mở những con đường của Chúa cho anh em ta, ta cũng mất vụ thu hoạch thứ ba và đã giết hại sứ giả thứ ba của Thiên Chúa.

Khi ấy, Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời, sẽ thực hiện một dự tính khác: cho Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Con của Người. Người sẽ chất vấn chúng ta qua Người Con ấy, qua Tin mừng của Người, qua những thừa tác viên của Người: vẫn còn có thể liên kết tình yêu với Người.

Nếu ta từ chối cơ hội thứ ba này, ta cộng tác trong việc giết chết Con Thiên Chúa trong ta. Đó là tội mà ta thường gọi là ‘tội phạm đến Thánh Thần’, bởi vì nó mang đến cho ta sự chết đời đời. Thiên Chúa lấy đi triều thiên của ta mà trao cho người khác. ‘Tảng đá mà thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường’.

Thứ ba Tuần IX Tn

Trả về Thiên Chúa

Dù bị mù lòa Tobia vẫn luôn tạ ơn Thiên Chúa suốt cả đời ông. Quả là ấn tượng: một con người trong đau khổ tột cùng như thế mà vẫn chúc tụng Chúa. Đó là thái độ chính đáng cần phải có khi cảm nghiệm những ân huệ của Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban ngay cả trong thử thách. Tobia tạ ơn Thiên Chúa là hình ảnh Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, trước khi chịu chết, cầm lấy bánh là chính mình Ngài hiến thấn cho chúng ta, Ngài tạ ơn Chúa Cha. Đức Giêsu nhận ra tcuộc thương khó là ân ban của Chúa Cha. Từ nay, mọi thử thách là một khả năng, một cơ hội tình yêu cho phép ta liên kết với tất cả những ai đau khổ và do đó thật phải lẽ khi chúng ta tạ ơn tình yêu mà Thiên Chúa muốn thông ban cho chúng ta.

Trong Tin Mừng hôm nay, trước câu hỏi quỷ quyệt của những người Biệt Phái, Đức Giêsu đã trả lời thật đơn sơ nhưng hết sức đầy đủ, có thể được giải thích bằng nhiều cách. Ngài nhấn mạnh ý nghĩa của sự nhất quán mà Ngài muốn dạy cho các đối thủ của Ngài: ‘Phải nộp thuế cho Xêdarê không?’ Đức Giêsu biết họ tìm cớ để tố cáo Ngài, nên bảo họ: ‘Đem một đồng bạc cho tôi xem’. Họ liền đưa cho Ngài đồng tiền họ đang sử dụng, đồng tiền la mã. Họ mua bán, trao đổi, làm lợi trong cơ chế của một quyền lực ngoại giáo. Tại sao lại không phải nộp thuế? Họ muốn khước từ nộp thuế vì lý do tôn giáo hoặc chỉ vì muốn độc lập. Nhưng Đức Giêsu lột mặt nạ của họ khi nói: ‘Của Xêda, trả về Xêda’. Ngài còn thêm: ‘Và của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa’, đây là điều nền tảng nhưng không loại trừ điều trước.

Trong cuộc sống thực tế có những hoàn cảnh không hoàn toàn theo lôgích được. Cả trong hoàn cảnh ấy, người kitô hữu cần đóng góp cho lợi ích của quốc gia một cách vô vị lợi, cho dù lúc họ đang bị bách hại, để thông phần vào sự tốt lành của Thiên Chúa. Thánh Phêrô viết trong thư thứ nhất: ‘Hãy xử sự như những con người tự do… như những người phụng sự Thiên Chúa’. Tính nhất quán của Giáo Hội không hệ tại chấp nhận tất cả, nhưng chỉ chấp nhận điều xây dựng sự thiện. Hãy can đảm đón nhận tất cả với tinh thần phúc âm để mang lại điều thiện hảo cho mọi người.

+++

Mỗi ngày chúng ta đối diện với những chọn lựa trong đó Thiên Chúa và Xêda chống đối nhau. Những chọn lựa đó nhiều lúc chỉ đơn giản trên bình diện thưởng thức, nhưng cũng có lúc cả trên bình diện hành động nữa. Báo chí hàng ngày tường thuật cho ta những sự kiện đòi sự chọn lựa của ta, giống như câu hỏi của Đức Giêsu hai nghìn năm trước: ‘Có nên nộp thuế cho Xêda không”?

Có được phép thực hành việc kiểm soát việc sinh sản không? Án tử hình? Chết êm dịu? Phá thai?

Xêda trong các xã hội hiện đại đó chính là Nhà Nước, có lý để…? Và tôi, là kitô hữu, tôi có nên tán dương hay không? Chúng ta không phải là Đức Giêsu. Nhưng bổn phận của ta là làm tất cả để Ngài sống trong ta. Về việc này, ta cần cầu xin Ngài ban cho ta Thần Khí của Ngài trong mọi lúc, để biết nói ‘có’ hay ‘không’ đối với Xêda.

Thứ tư Tuần IX Tn

Thánh Bônifaciô

Sứ Giả Tin Mừng. Một tu sĩ được sai đi rao giảng Tin Mừng; một nhà chiêm niệm trở thành một người hoạt động, với nhiệm vụ thiết lập cộng đoàn Giáo Hội. Điều mà Đức Grêgôriô đã sai Augustinô đến Nước Anh, thì Ngài cũng đã làm khi sai Bônifaciô đến nước Đức. Người kitô phải học cách sống liên kết hành động và chiêm niệm, trở thành nhà chiêm niệm trong khi hành động. Loan báo Tin Mừng. Thế kỷ VIII là thời kỳ hết sức khó khăn: các cuộc xâm lăng của dân man di làm tan rã hoàn toàn đế quốc Lamã; bè rối Ariô làm khuynh đảo đức tin. Khẩn trương tái lập lại một nếp sống mới cho các Giáo Hội, làm cho các Giáo Hội thông hiệp với nhau và với Giáo Hội Roma. Đó là công việc của Bônifaciô nhà thừa sai của Tin Mừng. Trong mọi thời, Giáo Hội chỉ có thể sống nhờ đón nhận Thánh Thần, Đấng thông truyền nhiệt huyết truyền giáo.

+++

Cầu nguyện

Đau khổ, với nhiều hình thái khác nhau, đã gõ cửa nhà ông Tobia cha cũng như cô Sara. Những hoàn cảnh đau khổ đã đẩy cả hai người vào trong tình trạng kiệt sức khó mà chỗi dậy. Lối thoát duy nhất hình như chỉ còn là cái chết. Tuy nhiên trong tâm trạng buồn chán ấy, họ đã không mất niềm tín thác vào Thiên Chúa, họ đã hướng về Ngài với tất cả tin tưởng. Từ đáy lòng họ trào dâng những lời nguyện xin tha thiết, không một chút nổi loạn hay yêu sách. Nhận biết và ca tụng sự công minh của Thiên Chúa, sự công minh mà Ngài tặng ban cho chúng ta theo thánh ý Ngài. Thay vì bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, lời nguyện cầu đích thực thường ca tụng và phó thác tất cả cho lòng nhân lành của Đấng hướng dẫn mọi sự trong công bình và yêu thương. Chạy đến với Ngài khi ta ý thức được điều đó, nhất là khi được Đức Giêsu mạc khải cho biết khuôn mặt hiền phụ của Thiên Chúa.

Đúng vậy, cầu nguyện là đi vào tương giao với Thiên Chúa là Cha, là dìm con tim của mình, những ưu phiền, những chiến đấu, những niềm vui của mình, tất cả vào trong Ngài. Là cảm nhận mình được yêu thương cách vô biên và, như thế mở lòng ra để tri ân và ca tụng. Như vậy lời nguyện xin đan xen cùng với lời tạ ơn và chúc tụng. Ngay trong hành vi cầu xin ta cảm thấy nhu cầu cảm tạ, vì chắc chắn rằng lời xin của ta được Thiên Chúa đoái nhận và Ngài ‘sẽ sai sứ thần của Ngài đến cứu giúp ta’, theo cách thức và thời gian do tình yêu Ngài quy định.

Khi cầu nguyện không cần phải nhiều lời, nhưng hãy thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con, như Chúa muốn và như Chúa biết’. Khi tâm hồn gặp đau buồn, hãy thưa cùng Chúa: ‘Xin giúp đỡ con’. Và Thiên Chúa sẽ đoái thương chúng ta, vì Ngài biết điều gì cần cho ta.

+++

Tôi là Phaolô, Tông đồ của Đức Kitô Giêsu, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Kitô Giêsu

Đây là lời tự giới thiệu của một con người được biến đổi nhờ ân sủng và được canh tân tận gốc rễ: Phaolô có nghĩa là bé nhỏ. Người đã góp phần tạo dựng nên khung sườn cho nền thần học đức tin kitô giáo lại mang một tên gọi ‘bé nhỏ’.

Đúng vậy, ai liên kết với Thiên Chúa, trong sự chân thực, thì nhìn nhận sự thật về sự kém cỏi của chính mình, chẳng là gì cả! Ngược lại người ấy lại nhận ra sự cao sang quý trọng của các ân sủng: tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng ta. Phaolô tự xưng mình là tông đồ của Đức Kitô. Từ ‘tông đồ’ phát xuất từ động từ hy lạp có nghĩa là sai đi, nên diễn tả người được sai đi.

Tông đồ tượng trưng cho người được Thiên Chúa sai đi, nên không thể trọng hơn Đấng sai đi. Hơn nữa: Phaolô không tự mình sáng tác ra việc ‘làm tông đồ’. Ngài trở nên tông đồ là vì trung tâm cuộc đời của Ngài là chính Thiên Chúa; và điều duy nhất điều hướng Ngài chính là ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là loan báo lời hứa sự sống chứ không phải sự chết, sự sống chứ không phải sự hủy diệt, sự sống trường tồn; do đó là ơn cứu độ mang lại ý nghĩa cho tất cả: ngay cả cho những mệt nhọc của đời thường.

Hôm nay trong phút hồi tâm, tôi cầu xin Thánh Thần giúp tạo nên trong tôi một khoảng không cho lời hứa: Thầy ở cùng anh em luôn mãi.

Lạy Chúa Thánh Thần, Thần chân lý, xin làm cho con nên một con người chân thực và khiêm nhượng, biết biện phân và thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Xin làm cho con nên người tông đồ, người được sai đi để con làm phấn khởi những người thất vọng bằng lời hứa ban sự sống đời đời.

+++

Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa ủa Isaác, và Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to.

Những người Israel, đặc biệt là những người thuộc phái Sadducêô, không tin có sự sống lại. Đức Giêsu không ngại làm cho họ ý thức về một xác quyết ngược lại, là chính chiến thắng của sự sống trên sự chết. Chúa đã giở lại một trang sách Cựu Ước (Xh 3,6), thuật lại Giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Ápraham, hứa ban cho ông, ‘cha của những kẻ tin’ và con cháu của ông, Isaác, Giacóp…và những kẻ sẽ đến sau. Sự kiện hiển nhiên là: nếu Ápraham chết đời đời, vậy thì lời hứa của Thiên Chúa luôn mãi là Đấng Cứu Độ của ông phải hiểu thế nào đây?

Rồi về vấn đề phục sinh thân xác, Đức Giêsu nói rằng họ sẽ giống các thiên thần và không còn liên hệ xác thịt nữa (liên hệ này nhằm tạo sinh), Đức Giêsu không dẫn chúng ta đi vào sự phi lý nhưng đi vào mầu nhiệm, cho biết rằng sự kẻ chết sống lại vượt khỏi khả năng hiểu biết của lý trí con người.

Điều xác quyết: ‘Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống’, tựa như tiếng chuông của điệu nhạc huyền bí cho dù có phần âm u, tăm tối, nhưng sẽ được biến đổi thành ánh sáng, thành sự tin tưởng chắc chắn và ủi an.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con đừng bao giờ quên rằng, tiếng nói cuối cùng của cuộc đời con không phải là sự chết mà là sự sống lại. Xin ban cho con được sống lại với Chúa trong niềm vui là Tình Yêu đến muôn đời.

‘Nếu ta rút sự phục sinh kẻ chết ra khỏi đức tin, toàn thể giáo lý kitô giáo sẽ sụp đổ. Nhưng một khi đặt niềm tin vững vàng vào sự kẻ chết sống lại, ta sẽ phân biệt rõ ràng sự sống tương lai và sự sống của ta đang trôi qua. Nên vấn đề được đặt ra là: nếu không có sự kẻ chết sống lại, cũng không có hy vọng vào đời sống tương lai; nhưng nếu có sự kẻ chết sống lại, thật sự có sự sống tương lai. Sự sống tương lai là điểm thứ hai cần rút ra. Hai vấn đề: thứ nhất, nếu có việc kẻ chết sống lại, thứ hai sẽ có sự sống của các thánh trong sự phục sinh’. Thánh Augustinô.

Thứ Năm Tuần IX Tn

Nghe Chúa nói với ta rằng điều răn thứ nhất là yêu thương và điều răn thứ hai cũng là yêu thương, yêu Chúa và yêu tha nhân, không có điều răn nào cao trọng hơn: đây là điều mang lại cho ta niềm vui. Vui vì phù hợp hoàn toàn với ước mong của con tim ta, được tạo dựng để yêu. Thiên Chúa, đấng truyền lệnh cho ta yêu thương.

Có thể nảy sinh trong ta một câu hỏi: nếu ước ao đó ở sâu thẳm trong ta, cần chi phải làm ra một giới răn vậy? Hoặc, không thể ra lệnh cho tình yêu, vì tình yêu xuất phát cách tự nhiên, hoặc có hoặc không có.

Theo một nghĩa nào đó thực sự không thể ra lệnh cho tình yêu. Nếu Thiên Chúa không đặt để trong lòng con người hướng về tình yêu, giới răn của Người sẽ nên vô ích. Trước tiên ta nhận từ nơi Thiên Chúa ơn để có khả năng yêu, rồi mới xem xét giới răn này. Tuy nhiên giới răn này không vô ích, vì tình yêu không phải là một năng động tự nhiên: nó đòi hỏi sự cộng tác của ta, đòi ta phải đặt mọi khả năng suy tư, tình cảm, hành động của mình để phục vụ cho việc yêu. Yêu hết lòng, hết sức không được ban cho ta ngay lập tức, ta cần lớn dần dần trong tình yêu. Tình yêu của ta yếu ớt, giới hạn, xen lẫn với những điều làm cho nó bị ô nhiễm. Do đó giới răn cần thiết, tình yêu trong ta cần phải được quan tâm hết sức, tựa một cây con nhỏ mỏng manh cần được chăm sóc để phát triển.

Trong bài đọc I ta có một mẫu gương tuyệt đẹp, thật quan trọng cho việc giáo dục tình yêu. Tình yêu của hai người nam nữ đối với nhau là một ân ban của Thiên Chúa, Đấng đặt để trong ta tình yêu sâu thẳm ấy. Nhưng tình yêu này, trong tình trạng thoái hóa do tội, dễ dàng biến thành ích kỷ; lòng khao khát nhục dục là một trợ giúp cho tình yêu, nhưng theo một nghĩa nào đó có thể trở nên một trở ngại lớn, nếu như ta chỉ tìm nơi người khác sự thỏa mãn cho riêng mình. Tobia và Sara ý thức điều ấy và chứng tỏ trung thành trong tình yêu. Tobia nói với Sara: ‘Đứng lên em!...Chúng ta hãy cầu nguyện…nài xin Thiên Chúa xót thương…Chúng ta là con cháu các thánh nên chúng ta không thể kết bạn như những người không nhận biết Thiên Chúa…Và thưa với Thiên Chúa: ‘Lạy Chúa, Chúa biết rằng không phải vì lòng dục mà con lấy em con đây nhưng vì lòng chân thành’. Như thế chúng ta thấy rằng sức mạnh thúc đẩy tình yêu cần phải được thanh tẩy.

Điều đúng đắn trong tình yêu hôn nhân thì cũng đúng trong những tương quan liên vị. Chúng ta thường có khuynh hướng công cụ hóa kẻ khác để nhằm đạt được mục đích của ta, ta ‘sử dụng’ kẻ khác thay vì yêu thương họ, chỉ tìm nơi họ điều làm ta thích, điều thỏa mãn nhu cầu của ta. Để có thể trung thành với giới răn yêu thương, ta cần phải chống lại khuynh hướng ấy, đừng để cho tình yêu vấy nhiễm tính ích kỷ, nhưng nhẫn nại tìm cách thanh luyện.

Đàng khác, tình yêu của ta cần phải mạnh mẽ. Trước những cản trở, chúng ta dễ dàng bỏ cuộc và rơi vào thất vọng. Ta nói: không thể yêu, yêu thương gặp quá nhiều phền phức rắc rối…Không ai hiểu tôi, không ai thích hợp với tôi…Nếu muốn yêu thương cần phải đối mặt với biết bao hy sinh, cần phải từ bỏ chính mình. Tắt một lời, cần phải mạnh mẽ, để tình yêu của ta đối diện mọi hy sinh với lòng quảng đại, vượt qua những cản trở, không ngã lòng vì sự vô ơn. Chính vì vậy mà ta cần phải lắng nghe luôn giới răn này: Ngươi hãy yêu mến…ngươi hãy yêu mến để kiên trì trong hành trình tình yêu, không chán nản, không đóng lòng mình lại, không từ bỏ yêu thương.

Đức Giêsu lập lại giới răn ghi trong Lề Luật của Thiên Chúa. Nhưnng Ngài không chỉ bằng lòng với việc nhắc lại như là một lề luật bên ngoài: chính Ngài đã thực hiện luật này nơi chính mình. Nếu ta muốn yêu thương, cần chạy đến với con tim của Ngài. Yêu với con tim của Chúa là cách thức duy nhất có được một tình yêu thanh luyện và mạnh mẽ, vì trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã thanh tẩy tình yêu nhân loại và đã biến nó nên mạnh mẽ lạ thường, trong mọi tình huống chống lại bất cứ hình thức ích kỷ nào. Ta có thể nói rằng trong cuộc khổ nạn Đức Giêsu đã sáng tạo tình yêu thanh sạch và mạnh mẽ.

Vậy nếu ta muốn thực hiện giới răn yêu thương, ta có một phương cách duy nhất: ra khỏi chính mình, từ bỏ con tim của mình để nhận lấy con tim của Đức Kitô. Thiết lập giao ước mới Ngài đã muốn ban cho ta một quả tim mới.

+++

Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.

Phaolô đã viết lên những câu trên từ một thánh thi phụng vụ của các cộng đoàn kitô tiên khởi. Chủ đề được diễn tả nhờ việc lập đi lập lại những mệnh đề dẫn nhập bằng từ ‘nếu’. Điều kiện. Có giá trị cho người kitô hữu mọi thời. Cho cả tôi hôm nay nữa. Đề cập đến việc mời gọi sống đồng nhất với Đức Kitô, đồng nhất với Đức Kitô trong sự chết và trong sự sống lại, nghĩa là trong những đau khổ cũng như trong sự vinh quang chiến thắng mọi sự chết là sự phục sinh vào sự sống đích thực và trong niềm vui. ‘Nếu’ người kitô hữu chọn đi vào trong đời sống thường ngày (chứ không chỉ là một niềm tin trong lý trí) đồng hóa với Đức Kitô Giêsu, ‘người đó sống’ và thống trị với Người. 

Nhưng nếu ta quay lưng lại với Đức Giêsu Kitô, nếu ta tự do nói không với Người và tin mừng của Người, ta không có ơn cứu độ. Nhưng nếu vì sự mỏng giòn yếu đuối mà ta bất trung với Người, thì điều quan trọng là đừng bao giờ thất vọng. Vì sao? Người không bao giờ bất nhất với chính mình. Người đã yêu thương ta đến độ chết vì ta. Làm sao Người có thể từ chối ở bên cạnh ta? Tình Yêu, Thiên Chúa Tình Yêu không thể bao giờ lừa dối chính mình.

Trong phút hồi tâm, tôi để lòng mình lắng chìm trong lời này để cảm nhận được bầu khí an bình quanh tôi. Lạy Chúa, xin gởi Thần an ủi của Người đến.

+++

“Anh không còn xa Nước Thiên Chúa”. Cuộc sống đích thực của ta tùy thuộc vào khoảng cách gần hay xa đó. Ta đang ở đâu đối với Nước Thiên Chúa? Ta đang ở mức độ nào trong việc nên giống con cái Thiên Chúa Cha? Để biết điều này, ta nên lập lại hai điều răn: “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi”. Hãy xét mình về hai giới răn này. Ta sẽ rực sáng như vàng đã thử qua lửa không? Nếu được thế, ta sẽ được Đức Kitô xem như đã gần Nước Thiên Chúa. Còn ngược lại, thử thách này sẽ cho ta thấy một hình ảnh nhạt nhòa và rách nát, nhưng đừng thất vọng: chúng ta vẫn còn thời gian để tự sửa đổi và quy hướng con tim mình về Thiên Chúa và tha nhân.

Thứ sáu Tuần IX Tn

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Nghệ thuật kitô giáo sơ khai trình bày Đức Giêsu như một người mục tử ân cần vác trên vai mình con chiên. Hình ảnh ấy lấy cảm hứng từ dụ ngôn về lòng thương xót mà ta nghe trong đoạn tin mừng hôm nay. Sự quan tâm của Chúa dành cho con chiên lạc được nhắc đến trong phụng vụ lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Người mục tử nhân lành không để ý đến chính mình mà hoàn toàn để tâm đến các con chiên của mình. Lo lắng cho những nhu cầu của chúng, chữa lành thương tích của chúng, bảo vệ chúng khỏi thú dữ. Ngài biết rõ từng con một, Ngài gọi đích danh từng con. Ngài quan tâm cách riêng đến con chiên lạc và không ngần ngại bày tỏ niềm vui khi tìm được nó về. Một con chiên lạc hoàn toàn không được bảo vệ, có thể rơi xuống hố hoặc bị cầm chân trong một bụi gai. Trong tình trạng nguy hiểm như thế mới thấy đáng quý và cần thiết biết bao vai trò của người mục tử: sau khi tìm được, người ấy vui mừng vác nó lên vai mang về đàn. Khi bị sói tấn công, người mục tử nhân lành không trốn chạy, nhưng thí mạng sống vì con chiên. Đó là trái tim của người mục tử nhân lành.

Con nào bị mất Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về, con nào bị thương, Ta sẽ băng bó, con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào mập béo, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.

Nghề chăn chiên thời Chúa Giêsu, các con chiên có một giá trị lớn. Làm mục tử không chỉ có nghĩa là làm một công việc mà còn đi vào trong bình diện tình cảm nữa. Hãy nhớ câu chuyện ngôn sứ Nathan kể cho Đavít nghe để giúp vua ý thức về tội phạm của mình. Người có con chiên con, yêu thương nó biết bao? Cũng thế hình ảnh của người mục tử chăm sóc con chiên hết sức ý nghĩa. Liên hệ đến một Thiên Chúa yêu thương tạo vật của mình. Người chăm sóc từng con một, con đi lạc, con bị thương tích, con bệnh tật, con khỏe mạnh…

Hình ảnh của một tình yêu đặc biệt. Là điều chính Đức Giêsu thực hiện trong cuộc đời mình, một trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, chết trên thập giá. Vì thế ngày lễ hôm nay không chỉ là một việc đạo đức tình cảm nhưng còn giúp ta lớn lên trong đời sống thiêng liêng nữa.

Trong phút hồi tâm, tôi nhẫm lại trong lòng những câu thánh vịnh 22, mục tử nhân lành chăn dắt con chiên. Đức Giêsu là mục tử nhân lành cho cuộc đời của tôi, hiến thân vì tôi và đưa dẫn tôi đi trên những con đường đầy ánh sáng của tình yêu Ngài.

+++

Lễ Trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục. Mời gọi mọi người cùng cầu nguyện. Nhưng những người phải cầu nguyện trước hết là chính các linh mục, tốt nhất trước Thánh Thể Chúa.

Lời sấm ngôn ‘không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập’ liên kết với lời sấm ngôn của Giacaria: ‘Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu’. Gioan loan báo hồng ân tin mừng cho muôn dân, mà người đại diện là tên lính đâm giáo vào cạnh sườn của Chúa Giêsu.

Lưỡi giáo đâm vào cạnh sườn Đức Kitô là tiên báo ngày lễ Hiện Xuống, ngày sinh nhật của Giáo hội, xuất phát từ hy tế tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Máu và nước tượng trưng hy tế của Chúa và hồng ân của Thánh Thần.

Lễ Thánh Tâm liên hệ đến nữ thánh Magarita Maria Alacoque, nữ tu thuộc dòng Thăm Viếng, sinh ra và sống tại Pháp (1647-1690). Thánh nữ chết ở tuổi 43, sau 19 năm trong dòng tại Paray- le- Monial, nơi mà chị đã được Đức Giêsu tỏ mình cho thấy và trò chuyện thân tình với chị. Tên của thánh nữ nhắc ta đến việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu.

Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là trường dạy nên thánh, đòi hỏi một sự tái huấn luyện con tim, giả thiết phải đổi mới cảm tình, làm cho con tim của mình hòa nhịp với quả tim của Đấng Cứu Thế. Đó chính là tất cả sự phong phú (và những yêu sách) của tin mừng Đức Kitô.

Thánh nữ Magariata chứng tỏ một tình yêu lớn lao đối với Thánh Thể, một sự nhảy cảm sâu xa đối với người nghèo và những người đau khổ. Sứ điệp của Chị nhận được từ những mạc khải của Chúa Giêsu có thể tóm trong những lời này: ‘Đây là Trái Tim yêu thương loài người vô cùng…mà loài người đáp lại bằng vô ơn, bất kính đối với bí tích Thánh Thể, những phạm thánh’. Sứ điệp luôn tập trung vào điều này là ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con của Ngài’; Đức Kitô tỏ cho thấy trái tim của Ngài như biểu trưng tình yêu vô bờ bến đối với nhân loại. Đức Kitô hứa ban những ân huệ của lòng thương xót cho những ai tôn sùng Thánh Tâm và Thánh Thể Chúa. Mời gọi mỗi người tham dự vào việc đền bù phạt tạ những xúc phạm đối với Thiên Chúa.

+++

Tin mừng của ngày hôm kia, Đức Giêsu chỉ trích giáo lý của các Sadducêô (Mc 12,24-27). Tin mừng hôm nay, Ngài chỉ trích giáo huấn của các tiến sĩ luật. Lần này, Ngài không nhắm trực tiếp đến sự tương phản (không nhất quán) trong cuộc sống của họ, mà nhắm đến giáo huấn họ dạy cho dân chúng. Một dịp khác, Đức Giêsu đã chỉ trích sự không nhất quán của họ và ngài đã nói với dân chúng: ‘Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm’ (Mt 23,2-3). Giờ đây, Ngài hướng về những người giảng dạy niềm hy vọng cứu thế, lời chỉ trích của Ngài trên dựa trên Thánh Kinh.

Mc 12,35-36: Giáo huấn của các tiến sĩ Luật về Đấng Messia. Suy nghĩ chung chung của mọi người cũng như của các tiến sĩ Luật cho rằng đấng Messia đến với tư cách là Con Vua Đavít. Là cách thức để nói rằng Đấng Messia là một vị vua vinh quang, mạnh mẽ và thống trị. Nên dân chúng đã hô vang ngày Lễ Lá: ‘Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta’! Và cả anh mù thành Giêricô cũng hô to: ‘Lạy ông Giêsu, con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi’!

Mc 12,37: Đức Giêsu đặt vấn đề lời giảng dạy của các tiến sĩ Luật. Ngài trích thánh vịnh vua Đavít: ‘Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con’ (Tv 110,1). Và Đức Giêsu còn thêm: ‘Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được’? Có nghĩa là Đức Giêsu không hoàn toàn đồng ý với ý nghĩ về một Đấng Cứu Thế vinh quang, đến như một vị vua quyền năng để thống trị và quy phục mọi quân thù. Mátcô còn thêm rằng dân chúng nghe Đức Giêsu cách thích thú. Quả thật, lịch sử cho biết rằng ‘những người nghèo của Giavê’ không mong chờ một Đấng Cứu Thế thống trị mà là người tôi tớ của Thiên Chúa đến cứu độ nhân loại.

Những hình thái khác nhau của niềm mong đợi thiên sai. Suốt nhiều thế kỷ, niềm mong đợi thiên sai mặc lấy nhiều hình thức. Hầu như các nhóm, các phong trào vào thời Đức Giêsu đều mong chờ Triều Đại đến, nhưng mỗi người theo cách riêng của mình; Người ta có thể phân biệt ba khuynh hướng của niềm hy vọng thiên sai vào thời Đức Giêsu:

1. Đấng Cứu Thế, sứ giả của Thiên Chúa. Đối với một số người, Triều Đại tương lai sẽ đến nhờ một sứ giả của Thiên Chúa, gọi là Đấng Kitô. Ngài được xức dầu để thi hành sứ vụ này (Is 61,1). Một ít người hy vọng rằng Ngài là vị tiên tri; số khác cho là một vị vua, một tư tế. Malakia nghĩ đến hình ảnh tiên tri Elia (Mal 3,23-24). Thánh vịnh 72 diễn tả niềm mong chờ một quân vương lý tưởng, một Đavít mới. Thần ô uế la lên: ‘Tôi biết Ngài là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1,24). Những người nghèo của Giavê mong chờ Đấng thiên sai, người tôi tớ của Thiên Chúa, mà Isaia tiên báo.

2. Chủ nghĩa thiên sai không có sứ giả. Đối với những người khác, tương lai sẽ đến bất ưng, không nhờ bất cứ trung gian nào, cũng chẳng nhờ sự trợ giúp của người nào. Chính Thiên Chúa đích thân đến để thực hiện những lời tiên tri. Không có một Đấng Thiên Sai. Chỉ là một chủ nghĩa thiên sai mà không có sứ giả. Ta nhận thấy điều này trong sách Isaia, Thiên Chúa ngự đến cùng với cánh tay chiến thắng (Is 40,9-10; 52,7-8 ).

3. Đấng Cứu Thế đã đến. Có những nhóm không còn mong chờ đấng thiên sai nữa. Đối với họ, tình trạng hiện tại sẽ tiếp tục như thế, vì họ nghĩ rằng tương lai đã đến rồi. Những nhóm này không mang tính phổ thông. Ví dụ, các người Sadducêô không mong đợi đấng thiên sai. Những người phe Hêrôđê cho rằng Hêrôđê là vị vua thiên sai.

+++

Phụng vụ hôm nay gợi lên những song song giữa hai bài đọc. Trong bài đọc I ta tham dự vào việc chữa lành mắt cho một người cha mù lòa; còn trong bài tin mừng Đức Giêsu cho người do thái hiểu rằng họ là những kẻ mù, vì họ chỉ dừng lại vẻ bề ngoài nhân tính của Ngài còn tính sâu xa của giáo lý Ngài dạy họ không hiểu thấu. Ngài lưu ý rằng con vua Đavít là chính Ngài –‘Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít? Chính Đavít được Thánh Thần thúc đẩy đã nói: ‘Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, con lên ngự trị…’ Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được? Cần phải được Chúa Thánh Thần huấn luyện, soi sáng để có thể thấu hiểu mầu nhiệm của Đức Giêsu.

Trong Cựu Ước Thiên Chúa đã tỏ mình cách mầu nhiệm cho Ápraham và Môsê…Nhưng trong Tân ước Người tự tỏ mình trong một ngôi vị, Người Con nhập thể. Đã mạc khải cho Môsê một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và tha thứ, còn trong Người con, Thiên Chúa tỏ mình là tình yêu.  Một song đối khác. ‘Con cá’ đã mang lại thị giác thực cho người cha, mà hình ảnh con cá là biểu tượng để chỉ Đức Kitô. Ngay cả hình ảnh mật cũng đi vào trong đời sống của Đức Kitô: ‘Họ đưa cho Người uống rượu pha với mật đắng’ (Mt 27,34) và tượng trưng cho tất cả sự cay đắng mà Ngài đã chịu trong cuộc khổ nạn để cho đôi mắt của chúng ta mở ra nhìn thấy vẻ đẹp của đời sống mới.

Cảm tạ Chúa mỗi ngày qua lời Ngài giúp đỡ, an ủi và mở mắt cho ta nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy tình yêu của Ngài để ta có sức mạnh đón nhận tất cả từ tay Ngài, cả những thử thách cũng nằm trong chương trình của Ngài dành cho ta, nên ta phải đón nhận với niềm tin và phó thác.

Thứ bảy Tuần IX Tn

Lễ Trái Tim Vẹn sạch Đức Mẹ

Nói một cái gì ‘vô nhiễm’ là không tì vết nhơ bẩn. Không có khiếm khuyết, bất toàn. Khi ta nói ‘căn phòng này vô nhiễm’ có ý muốn nói căn phòng rất sạch. Nói về ai đó ‘vô nhiễm’, có ý muốn nói y phục của người ấy được ủi tươm tất, ngay ngắn và trong tư cách thanh lịch, mọi điều khác cũng rất đúng mực. Trái tim là cơ quan bơm máu đi khắp thân thể. Nên từ ngữ ‘trái tim’ cũng thường được dùng để chỉ trung tâm cảm xúc của một người. Tình yêu và ghét bỏ, can đảm và sợ hãi…đều phát xuất từ con tim. Nói ai đó có ‘trái tim’ có ý muốn nói rằng có lòng thương cảm. Một vài chức năng của não bộ, đôi lúc cũng được xem như phát xuất từ trái tim.

Maria, Mẹ Chúa Giêsu ‘giữ các điều ấy trong con tim mình’. Sau khi hạ sinh Đức Giêsu và việc các mục đồng kính viếng, Mẹ Maria ‘giữ các điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2,19). Mẹ cũng làm như thế sau khi tìm lại được Đức Giêsu lạc mất trong đền thờ (Lc 2, 51). Trong trái tim thanh sạch của Mẹ, lưu giữ những việc diệu kỳ Thiên Chúa mạc khải cho dân Người.

Thiên Chúa tiếp tục tỏ mình ra trong trái tim của mỗi người. Điều này thường xảy ra trong lúc ta suy niệm: ngồi yên lặng, không nói lời nào, suy tư về những biến cố trong ngày; tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời thường, trong những gặp gỡ vì công việc, trong những trao đổi trong bữa ăn, trong khi trở về nhà buổi chiều dùng bữa tối cùng với gia đình…Trong mọi biến cố ấy, ta có thể khám phá ra Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn và chuẩn bị trước cho ta mọi điều; chính Người giúp ta lớn lên trong ân sủng, thấu hiểu những lối đường của Người. Khi suy tư những điều ấy, ta đang giữ những điều đó trong tim mình, trong lòng mình.

+++

Bố thí

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy cần phải có lòng khiêm nhượng, khó nghèo và bác ái trong đời sống Kitô hữu. Ngay từ đầu, Chúa cảnh giác chúng ta về cám dỗ đi tìm sự khen ngợi của người đời, như trường hợp những biệt phái, đi tìm ngay cả trong việc phụng tự: ‘Thích chỗ nhất trong các hội đường, đọc kinh thật dài’ và không hề nghĩ rằng sự thờ phượng đích thực chính là lòng khiêm nhượng. Muốn được người ta khen ngợi thực ra không phải là điều xấu, là điều bình thường, tuy nhiên nếu việc làm của chúng ta chỉ nhắm việc tìm sự khen ngợi của kẻ khác, thực chẳng xứng đáng tí nào. Nếu ta thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chúng ta ích kỷ và kiêu căng, sẽ có nguy cơ bị Chúa kết án nghiêm khắc.

Lòng bác ái mà Chúa yêu thích thì khiêm nhu, không tự mãn. Cần khen ngợi tất cả mọi hành động trong đó có cả lòng bác ái và khiêm tốn, vì lòng bác ái được sự khiêm nhu gìn giữ và sự khiêm nhu không trống rỗng, nhưng phục vụ cho lòng bác ái. Trong trang tin mừng này, chúng ta thấy Chúa Giêsu tế nhị khen bà goá nghèo; hai tĩnh từ ‘goá, nghèo’ bị xã hội thời ấy khinh khi. Chúa không cân đo những dâng cúng của chúng ta dựa theo giá trị tiền bạc, nhưng theo lòng quảng đại và Ngài yêu thương những người dâng cúng với lòng khiêm tốn, không mong nhận tiếng khen của người đời. Ngài đánh giá những người ấy cao hơn những người có khả năng cho nhiều và đã lãnh phần thưởng ngay tức khắc vì được người ta biết ơn, những vinh dự dành cho những người giàu quảng đại. Hai đồng xu của bà goá nghèo trước mặt Chúa đáng giá hơn nhiều số tiền kếch xù mà người giàu, chẳng thiếu bất cứ thứ gì, tặng cho: ‘Thật vậy mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân’.

Đó là việc bố thí ‘đẹp hơn là tích trữ vàng bạc, cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi’ như thiên sứ nói với ông Tôbia và con trai ông, vì đó là một việc bác ái đích thực. Cầu xin Chúa cho chúng ta biết hành động trong bác ái và khiêm tốn để luôn được Chúa thương nhận.

+++

Các luật sĩ là các tiến sĩ luật và thầy dạy. Họ phải nêu gương nghĩa là phải thực hành điều họ dạy bảo. Điều này đã không xảy ra. Nhưng ai dám quở trách họ? Cần phải quyền thế hơn họ và nhất là ‘hoàn hảo’ hơn họ.

Đức Giêsu đã làm điều ấy, nhân danh tất cả những ai không có quyền ngôn luận, của những ai phải tôn trọng lề luật mà không thể tự diễn tả mình nếu không ve vuốt ca tụng các thủ trưởng, trong khi chính những thủ trưởng thầy dạy này còn xa với việc nêu gương sáng.

Trong lòng mỗi người chúng ta có một luật sĩ đang ngủ. Nhưng trong lòng mỗi người chúng ta cũng có một Đức Giêsu. Hãy để cho Ngài biến đổi con người luật sĩ trong chúng ta, để một khi lòng ta thành nơi cư ngụ cho một mình Thần Khí của Ngài, nỗ lực của ta nhằm biến đổi thế giới phù hợp với thánh ý của Đức Giêsu sẽ trợ thành hiện thực và đáng tin. Thánh ý của Đức Giêsu phù hợp với những khát vọng sâu thẳm nhất của ta, bởi lẽ, như Tertulianô đã nói, tâm hồn chúng ta tự bản chất là kitô hữu.

Để trả lời câu hỏi: ‘Phải làm gì để biến đổi thế giới nên tốt hơn?’ một nhà hiến triết Đức đã trả lời cách nay 70 năm: ‘Năm 20 tuổi tôi tin mình có thể thay đổi thế giới cách tận căn, và trong 10 năm, tôi vẫn còn liên kết với một tổ chức quốc tế. Vào năm 30 tuổi, kinh nghiệm dạy tôi biết phải thực tế hơn, nên tham vọng của tôi lúc này là biến đổi Âu Châu mà thôi. Vào năm 40 tuổi những ảo tưởng của tôi thật bi thảm, chỉ tập chú duy nhất vào nước Đức. Vào tuổi 50, tôi khiêm tốn muốn biến đổi một tỉnh thôi. Năm 70 tuổi tôi nhận ra mình không vượt qua được giới hạn của một thành phố. Cuối cùng tôi chợt hiểu rằng mình phải bắt đầu bằng việc biến đổi chính bản thân mình. Làm được điều này, thì tôi mới mong biến đổi người thân cận, và rồi người này tiếp tục biến đổi người khác…
Thánh Têrêxa nói: ‘Một tâm hồn vươn lên cao sẽ nâng cả thế giới lên’. Tiếc thay, điều này cũng đúng cho việc ngược lại, nghĩa là một tâm hồn hướng hạ, sẽ hạ thấp cả thế giới.

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thánh Giustinô

Ánh sáng cho thời đại chúng ta. Thế kỷ của chúng ta đi tìm một gương mẫu thánh thiện qua việc chu toàn những trách nhiệm trong đời sống hằng ngày, và đã gặp thấy điều đó nơi thánh Giustinô. Là môn đệ của Đức Giêsu, mẫu mực cho những người nghiên cứu tri thức cách nghiêm túc, đồng thời trung thành với đức tin của mình. Ngài luôn đi tìm sự thật, sự thật mà chính Ngài đã khám phá nơi Đức Giêsu Kitô, Ngài đã tiếp tục đào sâu hơn nữa. Qua việc không ngừng tìm kiếm, người ta nhận ra sự tận hiến hoàn toàn cho Đức Kitô, là điều mang lại cho ngài phúc tử đạo. Là người ngay chính và trung thành, thánh Giustinô là muối và ánh sáng cho những người đương thời với Ngài.

Say mê thập giá. Thánh Giustinô đạt đến việc thấu hiểu những việc lạ lùng mầu nhiệm của Đức Kitô không chỉ qua những tìm tòi tri thức, nhưng còn qua việc trung thành với đức tin, một đức tin mang lại cho ngài phúc tử đạo. Với những sách để lại, hơn nữa với việc hy sinh anh hùng, Ngài minh chứng cho cả những người thời nay biết rằng họ được cứu rỗi không do sự khôn ngoan, không do việc phô trương những dấu lạ. Nhưng họ được cứu nhờ Thập giá của Đức Kitô, là ô nhục và điên rồ đối với người đời, nhưng lại là quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa.
+++

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập203
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm156
  • Hôm nay46,675
  • Tháng hiện tại385,359
  • Tổng lượt truy cập50,797,966

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây