(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)
CHỦ ĐỀ: THIÊN CHÚA KHÔNG KẾT ÁN, NHƯNG XÓT THƯƠNG
“Tôi không lên án chị đâu.
Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi. Chỉ có tình yêu và lòng thương xót của người này mới có khả năng thúc đẩy người khác biến đổi cuộc sống. Thiên Chúa quên đi quá khứ u sầu của con người để mở ra cho họ một tương lai tươi sáng tốt đẹp và hạnh phúc bình an. Tiến trình này được đặt nền trên tình thương và tha thứ. Những ai có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống, người đó sẽ được biến đổi. Những ai cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trong đời mình, người đó sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ cho tha nhân.
Bài đọc này được trích trong phần sách Ngôn Sứ Isaia đệ II (các chương 40-55), là phần nói về bối cảnh và tình trạng Dân Do-thái đang ở nơi lưu đày Babylon, từ năm 587-538 trước Công Nguyên. Lúc này, họ sống trong cảnh đau buồn, như lời Thánh vịnh 137 miêu tả: “Bên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion... Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại” (Tv 137,1.4-5). Bị mất nước và đưa đi lưu đày là biến cố đau buồn nhất đối với dân Do-thái. Trong cái nhìn đức tin, họ nhận biết đó là hậu quả của tội lỗi của chính họ.
Tuy nhiên, bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã quên đi quá khứ của họ: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm những việc thuở trước”, vì Người đã chuẩn bị cho họ một tương lai tươi sáng. Do tình thương hải hà, lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện những điều mới lạ cho dân Người: “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.” Lời này rọi lên tia sáng hy vọng cho dân Do-thái, họ sẽ được trở về lại quê hương xứ sở của mình. Sự kiện này nói lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa: Người đã tha thứ tất cả lỗi lầm của họ trong quá khứ, để tái lập tương quan mật thiết với Người. Thiên Chúa sẽ khai mở một con đường trong sa mạc để dân lưu đày trở về, thoát khỏi ách nô lệ Babylon. Con đường địa lý đó cũng hàm chỉ đến con đường thiêng liêng. Đây là một cuộc xuất hành mới, một lối sống mới để Dân Do-thái trở về với Thiên Chúa.
Là một người Pharisêu, Phaolô tuân giữ Lề Luật rất tỉ mỉ và hãnh diện về việc tuân giữ Lề Luật và các truyền thống của cha ông. Cũng như nhiều người Do-thái cùng thời, Phaolô xem Lề Luật là cứu cánh, và với sự hiểu biết và nhiệt tình, ông có rất nhiều cơ hội thành đạt trong dân. Tuy nhiên, khi được Đức Kitô kêu gọi làm sứ giả loan báo Tin Mừng của Người, Phaolô đã xem những gì mình có trước đây không còn có giá trị nữa. Đối với Phaolô lúc này, chỉ Đức Kitô là cứu cánh và mối lợi duy nhất: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô”. Đức Giêsu đã chiếm trọn hết con người của Phaolô:“bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”, nên Phaolô sẽ dành cuộc đời và sứ vụ để dấn thân cho Người.
Mặc dù Tin Mừng Luca được mệnh danh là Tin Mừng của lòng thương xót, nhưng các Tin Mừng khác cũng đề cập đến khía cạnh này nơi chân dung Đức Giêsu. Hơn nữa, các học giả cho rằng Gioan chương 8 thuộc truyền thống Luca, vì đề cao lòng thương xót. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc Đức Giêsu xuống thế gian: Người đến không phải để kết án, nhưng để cứu rỗi.
Trong bài Tin Mừng, có một sự khác biệt rất lớn giữa Đức Giêsu với các Kinh sư và Pharisêu khi đứng trước một vấn đề cụ thể: xét xử một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo lề luật Môsê, người phụ nữ này sẽ bị ném đá. Tội của chị ấy quá rõ ràng. Chị bị bắt quả tang và các người lãnh đạo về tôn giáo đã đem chị đến với Đức Giêsu.
Trước hết, là thái độ của họ với Đức Giêsu: họ muốn gài bẫy để có cớ kết án Đức Giêsu, nên họ cứ hỏi quan điểm của Người về trường hợp ngoại tình của người phụ nữ này. Tuy nhiên, Đức Giêsu đọc được những gì sâu thẳm của con người và Người vạch trần thái độ giả hình của họ. Đức Giêsu đã không lên tiếng đáp trả, Người giữ thinh lặng, ngồi xuống và viết những dòng chữ trên đất. Không ai biết Đức Giêsu đã viết gì, nhưng có thể tác giả Tin Mừng ám chỉ đến lời Ngôn sứ Gr 17,13: “Ai tráo trở với Người sẽ có tên viết mặt đất, vì chúng đã bỏ Yavê, mạch nước hằng sống” (theo Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn).
Kế đến là thái độ của Đức Giêsu và của các Kinh sư và Pharisêu với người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Đức Giêsu đã chất vấn các Kinh sư và Pharisêu: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném chết đi”. Khi nghe câu trả lời này, tất cả họ đã bỏ đi, vì họ biết không ai trong họ sạch tội cả. Các Kinh sư và Pharisêu đòi dựa vào Lề Luật Môsê (x. Đnl 22,23-27; Lv 20,10) để kết án mà ném đá người phụ nữ, nhưng lòng dạ họ không gắn bó với Đức Chúa. Còn Đức Giêsu lại muốn dựa vào lòng thương xót để tha thứ cho người phụ nữ đó, vì Người là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha. Các Kinh sư và Pharisêu chỉ xét theo hoàn cảnh bên ngoài. Còn Đức Giêsu lại chạm đến được những gì sâu thẳm trong lòng người.
Đức Giêsu đã không kết án chị, Người đã dùng tình thương để làm thay đổi cuộc đời của chị. “Tôi không kết án chị đâu”. Không phải Đức Giêsu chẳng lên án việc phạm tội, nhưng Người mong chờ người tội lỗi biết hoán cải, qua việc dốc lòng chừa, để được thứ tha. Vì thế, Người căn dặn: “Từ nay đừng phạm tội nữa”.
1. “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”. Thiên Chúa quên đi tội lỗi quá khứ của dân Do-thái. Người đi bước trước trong việc tha thứ và mở ra cho họ một viễn cảnh tốt đẹp. Chính Thiên Chúa sẽ mở một con đường trong sa mạc để họ quay bước trở về quê hương. Người khai mở một cuộc xuất hành mới, một lối sống mới để Dân Do-thái trở về với Thiên Chúa, để phục hồi những gì đã mất, để tái sinh những gì đã chết. Vậy, tôi có sẵn sàng để Thiên Chúa biến đổi quá khứ tội lỗi của tôi để phục hồi tình trạng sống trong ơn nghĩa Chúa?
2. “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô”. Đối với tôi, giờ này Đức Giêsu là ai, Người có phải là mối lợi duy nhất trong cuộc đời của tôi? Tôi có dám hy sinh những giá trị trần thế, chóng qua nếu các thứ đó cản trở tôi sống những giá trị Tin Mừng mà Đức Giêsu đã dạy bảo tôi?
3. “Tôi không kết án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Tôi có cảm nhận một cách sâu sa về lòng thương xót và sự tha thứ mà Thiên Chúa đã dành cho tôi trong cuộc sống? Tôi có học cho biết xót thương và tha thứ cho người khác, như Chúa đã xót thương và tha thứ cho tôi?
4. Trong tông huấn “Christus vivit - Đức Kitô sống”, ban hành ngày 25/3/2019, gửi đến “người trẻ và toàn dân Chúa”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ: “Ngôn ngữ của sự gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu vị tha, tương hỗ, hiện sinh đụng chạm đến con tim”, gần gũi với những người trẻ “bằng lối nẻo của tình yêu, không bằng lôi kéo” (số 211). Tôi nói với những người trẻ đang gặp khó khăn trong cuộc sống bằng thứ ngôn nào? Có phải bằng sự vị tha và lối nẻo của tình yêu để có thể giúp họ đổi thay cuộc sống?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là vị thẩm phán công minh nhưng đầy lòng từ bi nhân hậu, hết mực yêu thương những kẻ khốn cùng và sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân. Tin tưởng vào lòng Chúa thương xót, cộng đoàn chúng ta hãy chân thành dâng lời khẩn cầu:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo ơn tha thứ cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các vị mục tử trong Hội Thánh luôn mặc lấy tấm lòng thương xót của Thiên Chúa, hết tình yêu thương chăm sóc những người tội lỗi.
2. Đời sống gia đình trong xã hội hôm nay đang gặp nhiều khủng hoảng. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đã chọn bậc sống hôn nhân, luôn trung thành với cam kết của bí tích hôn phối, biết ý thức chu toàn bổn phận vợ chồng và trách nhiệm làm cha mẹ trong gia đình.
3. “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá trước đi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu biết ý thức mọi lỗi lầm và thành tâm sám hối qua việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải trong mùa Chay thánh này, để được hiệp thông với Thiên Chúa và làm hòa với mọi người.
4. Chúa nói với người phụ nữ: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúng ta cùng cầu xin cho tư tưởng, lời nói và việc làm của từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn thấm nhuần tinh thần bao dung rộng lượng theo gương Chúa Giêsu.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu nguyện, và giúp mỗi người chúng con biết rộng lòng trước lỗi lầm của anh chị em, để xứng đáng được Chúa yêu thương tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen
Ban Mục vụ Phụng Tự
Nguồn: tgpsaigon.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn