+31/01 - Thứ Hai. Thánh Gioan Bosco, linh mục.

Thứ sáu - 28/01/2022 05:42  928
THÁNH GIO-AN BỐT-CÔ, (St. John Bosco) Linh Mục, ngày 31/01
Mc 4, 26-34
g
Tiên tri Isaia đã viết: "Những lời Ta đặt vào miệng Ngươi, Ngươi đừng để rời khỏi miệng; lễ vật của Ngươi đặt trên bàn thờ Ta sẽ được Ta chấp nhận" (Is 59, 21). Chúa đã sai thánh Gio-an Bốt-cô đến để giáo dục thanh thiếu niên và yêu thương các trẻ em mồ côi. Lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia quả đúng với cuộc đời thánh nhân.

MỘT CON NGƯỜI, MỘT CUỘC ÐỜI

Thánh Gioan Bosco sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Ý năm 1815 vào giữa ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thánh Gioan Bosco đã sớm mồ côi cha khi Ngài mới lên 2 tuổi. Thánh nhân rất ham học, ham theo đuổi đường học vấn, nhưng vì cha mất sớm, nhà nghèo không có tiền để tới trường. Dầu vậy, Chúa có cách của Ngài: năm 1835, thánh nhân vào đại chủng viện Turinô và 6 năm sau đó tức vào năm 1841, Ngài lãnh sứ vụ linh mục. Thánh nhân ngoài việc bổn phận coi sóc giáo xứ, Ngài còn đi thăm các người nghèo, các bệnh nhân và những kẻ bị tù tội. Thánh nhân đã bắt đầu nghĩ tới các em vô gia cư, vô nghề nghiệp, mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, nên từ ngày 08/12/1841, Ngài đã bắt đầu thu nạp các em mồ côi. Số em lang thang, không nhà mỗi lúc một tăng khiến Ngài rất vất vả để lo cho các em ấy. Công việc càng lúc càng nhiều, Ngài bị sưng phổi nặng và được Chúa cứu chữa lạ kỳ trước sự kinh ngạc của các bác sĩ. Thánh nhân chủ trương giáo dục các em thiếu nhi bằng sự dịu hiền và sự tận tụy hy sinh của một người mẹ. Thánh nhân luôn khích lệ, thúc giục các em siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Mẹ của thánh nhân qua đời vào mùa đông 1865, chính phủ Ý lúc đó gây nhiều rắc rối, nên Ngài đã phải nhờ một số linh mục tới giúp đỡ Ngài trong việc lo cho các em mồ côi. Và đó là cơ hội để dòng Don Bosco Salésien có mặt với mục đích chăm lo giáo dục các trẻ em mồ côi nghèo khổ. Vào năm 1872, thánh nhân lập thêm hai Hội Dòng khác: Hội Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp để bảo trợ ơn gọi linh mục; Hội Dòng nữ Salésienne nhằm giáo dục các em cô nhi. Công việc của thánh nhân có tầm ảnh hưởng rộng khắp ngay khi Ngài còn sống. Ai cũng cảm phục tính đơn sơ, vui vẻ, nhân ái của thánh nhân. Thánh Gioan Bosco còn nổi tiếng là nhà hùng biện ở Turinô. Thánh nhân đã miệt mài lo cho đám con xấu số của Ngài. Ngài đã kiệt quệ, lâm bệnh và qua đời ngày 30/01/1888. Việc làm bác ái của Ngài luôn chiếu sáng trên khắp thế giới và các con cái Ngài luôn đi theo hướng của Ngài đã vạch ra. Ðức thánh cha Piô XI đã phong Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1934.

LỜI NGUYỆN CẦU

Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người Cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gioan Bosco. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu rỗi (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gioan Bosco).
 
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Nguồn: simonhoadalat.com
+31/01 - Thứ Hai. Thánh Gioan Bosco, linh mục.
BÀI ĐỌC I: 2 Sm 15, 13-14. 30; 16, 5-13a
"Chúng ta hãy trốn khỏi Absalon. Hãy để Sêmê nguyền rủa theo lệnh của Chúa".
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, có kẻ đến báo tin cho Đavít rằng: "Toàn dân Israel hết lòng theo Absalon. Đavít liền nói cùng các cận thần của ông ở Giêrusalem rằng: "Hãy chỗi dậy, chúng ta trốn đi, vì chúng ta không sao thoát khỏi tay Absalon. Các ngươi hãy ra mau đi, kẻo nó đến bắt chúng ta, gây tai hại cho chúng ta và dùng gươm giết hết dân thành". Đavít trèo lên núi Cây Dầu, ông vừa leo vừa khóc lóc, đi chân không, đầu phủ khăn. Toàn dân theo ông cũng trùm đầu, vừa leo vừa khóc. Vậy vua Đavít đến Bahumrim. Và này xuất hiện một người thuộc dòng họ Saolê, tên là Sêmê, con ông Giêra. Anh ta vừa đi vừa nguyền rủa, rồi ném đá Đavít và những cận vệ của vua. Toàn thể dân chúng và tất cả binh sĩ đều đi hai bên tả hữu nhà vua. Vậy Sêmê nguyền rủa nhà vua rằng: "Hỡi kẻ khát máu, người của Bêlial, xéo đi, xéo đi! Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saolê mà ngươi đã tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này tai hoạ hành hạ ngươi, vì ngươi là một tên khát máu". Bấy giờ Abisai con trai của Sarvia, tâu vua rằng: "Cớ sao thằng chó chết này nguyền rủa đức vua tôi? Để tôi đi lấy đầu nó". Vua phán rằng: "Hỡi con của Sarvia, Ta với khanh có liên hệ gì đâu? Cứ để mặc nó nguyền rủa. Vì Chúa bảo nó: 'Hãy nguyền rủa Đavít', ai dám hỏi nó: 'Tại sao ngươi hành động như vậy?'" Và Đavít nói với Abisai và toàn thể các cận vệ rằng: "Kìa, con trai bởi lòng ta sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con của Giêmini đây. Hãy để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi lời dữ ra hạnh phúc cho ta". Đavít và các cận vệ của ông cứ tiếp tục đi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 3, 2-3. 4-5. 6-7
Đáp: Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! (c. 8).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con. Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết trông hắn được Chúa trời cứu độ". - Đáp.
2) Nhưng, lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. Con lên tiếng kêu cầu tới Chúa, và Chúa đã nghe con từ núi thánh của Ngài. - Đáp.
3) Con nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng con. Con không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại con. Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! - Đáp.
ALLELUIA: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 5, 1-20
"Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.
Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục. Đó là lời Chúa.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay33,610
  • Tháng hiện tại539,212
  • Tổng lượt truy cập56,235,759

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây