Ý NGHĨA CỦA “HIỀN LÀNH’’ ĐỐI VỚI THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
Chúa nhật XIV Thường niên năm A.
Dcr 9,9–10; Rm 8,9.11–13; Mt 11,25–30.
Bài Tin mừng Chúa nhật XIV Thường niên tạo cơ hội hiếm có để đi sâu vào lời cầu nguyện riêng của Chúa Giêsu. Lắng nghe lời cầu nguyện này cho ta một thoáng nhìn về đời sống nội tâm và cảm nghiệm thần bí của Ngài. Những thay đổi về ngôn từ và văn phạm cho thấy trí tưởng tượng thiêng liêng phong phú của Chúa Giêsu. Những chi tiết này trình bày trọng tâm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với các môn đệ: học cách tìm kiếm sự giúp đỡ nơi người khác.
Chúa Giêsu mở đầu lời cầu nguyện ở ngôi thứ nhất, rồi thưa với Chúa Cha ở ngôi thứ hai số ít: Con xưng tụng Cha, lạy Cha, là Chúa trời đất (Mt 11,25). Lời nguyện mở đầu này dễ hiểu, vì những lời nguyện tạ ơn như vậy thường phổ biến trong các tín ngưỡng khác nhau ở mọi thời đại. Sau khi bắt đầu cầu nguyện như một cuộc trò chuyện thân mật với Chúa Cha, Chúa Giêsu chuyển sang ngôi thứ ba nhằm lôi cuốn người nghe. Không còn thưa trực tiếp với Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con” (Mt 11,27). Lối kể theo ngôi thứ ba này cũng thường gặp trong cách tu từ của Tin mừng Mátthêu.
Đoạn kết lời cầu nguyện của Chúa Giêsu gây bất ngờ. Chúa Giêsu chuyển cách xưng hô với Chúa Cha sang đám đông ở ngôi thứ hai số nhiều nhằm quy về chính bản thân Ngài mà không có bất kỳ sự chuyển tiếp nào. “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). Chúa Giêsu trở thành câu trả lời cho lời cầu xin giúp đỡ của đám đông dân chúng. Việc thay đổi cách xưng hô từ Chúa Cha sang chính mình giống như khoảnh khắc lúc Biến hình; điều này mặc khải Chúa Giêsu cũng là nguồn mạch ân sủng như Chúa Cha. Một ẩn ý thật tinh tế nhưng cũng rõ ràng. Sự bình đẳng giữa Cha và Con trong Mt 11,25-30 báo trước trình thuật Biến hình nơi Mt 17,1-8, trong đó Chúa Giêsu mặc khải căn tính ẩn tàng của Ngài. Trong bài Tin mừng, thánh Mátthêu hướng độc giả chú ý đến sự thông phần thánh thiện này trong lời cầu nguyện cá nhân.
Nội dung của lời cầu nguyện kéo người đọc suy tư về ý nghĩa của sự hiền lành như một phẩm tính của Thiên Chúa trong Kinh thánh. Trong khi cầu nguyện, Chúa Giêsu nói: “hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Rất khó để nắm bắt sự hiền lành của Chúa Giêsu trong tổng thể Kinh thánh. Trong bài đọc I, “khiêm tốn” là ý tưởng trọng tâm. “Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Đấng công chính và là Đấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ.” (Dcr 9,9). Ngôn sứ Dacaria dùng từ “khiêm tốn” để mô tả một người không dùng quyền bính và vũ lực để thực hiện ý muốn của mình. Trong bài đọc I, việc cần sự trợ giúp từ bên ngoài đối lập hoàn toàn với sức mạnh tự sức mình: chiến xa Ephraim, chiến mã Giêrusalem và cung tên chiến trận (Dcr 9,10).
Có vẻ Chúa Giêsu không giống kiểu một người sống tự lập. Ngài nêu gương cho chúng ta khi từ bỏ mọi quyền lực chính đáng của mình và cậy dựa vào sự giúp đỡ từ Chúa Cha và từ các môn đệ. Nhu cầu cần đến sự trợ giúp vừa đúng với bản chất con người nhưng cũng vừa bị coi thường trong nền văn hóa đương đại vốn coi trọng sự tự lập. Tuy nhiên, ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại định nghĩa từ “praǘs”, “hiền lành” là phẩm chất không đề cao giá trị bản thân. Đối với thánh Mátthêu, không ai cho mình quan trọng cũng như không ai che dấu sự quan trọng của mình hơn Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu nói: “Hãy học cùng ta”. Các bài đọc Chúa nhật hôm nay thách đố độc giả biến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thành lời cầu nguyện của chính mình. Trọng tâm nơi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là tìm kiếm sự giúp đỡ và nghỉ ngơi nơi Chúa. Đó là điều Chúa Giêsu muốn khi nói: “Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Cuộc sống thật khó khăn khi ảo tưởng về khả năng tự lập, nhưng để tâm đến lời cầu nguyện của Chúa Con sẽ làm nhẹ đi những gánh nặng mà ta đang mang trên mình.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta tin vào hình ảnh một người ‘tự lập’ theo những cách thức nào?
Chúng ta cần được giúp đỡ gì trong ngày hôm nay?
Cộng đoàn của chúng ta cần được giúp đỡ gì trong ngày hôm nay?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (05/7/2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn